1 năm đóng cửa 2 nhà máy thép ở Đà Nẵng
Sau 1 năm bị đóng cửa, các thiết bị trị giá hàng nghìn tỷ của 2 Nhà máy thép Đana - Ý và Đana - Úc đang dần trở thành phế liệu.
Tháng 10 này vừa tròn một năm 2 Nhà máy thép Đana - Ý và Đana - Úc bị đóng cửa. Trong 1 năm qua, sau khi niêm phong tài sản, 2 doanh nghiệp này không được khởi động máy móc để bảo trì, bảo dưỡng. Từ đó, các thiết bị hàng ngàn tỷ đồng đang dần trở thành phế liệu.
Thực hiện chủ trương của Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng, ngày 27/9/2018, các ngành chức năng ở thành phố Đà Nẵng đã thực hiện niêm phong các thiết bị, tụ điện điều khiển hệ thống lò luyện thép của Công ty Cổ phần Thép Dana - Ý và Dana - Úc.
Cơ quan chức năng yêu cầu các công ty này phải bảo quản niêm phong đảm bảo nguyên trạng. Doanh nghiệp chỉ được mở niêm phong khi có sự đồng ý và chứng kiến của các cơ quan chức năng.
Ông Huỳnh Văn Tân, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần thép Dana - Ý cho biết, đã nhiều lần bị chính quyền thành phố yêu cầu dừng hoạt động nhà máy. Hiện số tiền nợ xấu các ngân hàng của công ty hơn 700 tỉ đồng, thiệt hại khác hơn 600 tỉ đồng, cổ phiếu bị đưa vào diện cảnh báo, không có giao dịch mua bán. Công ty này đã nộp đơn khởi kiện UBND thành phố, đòi bồi thường thiệt hại gần 400 tỉ đồng.
Ông Tân cho hay, sau 1 năm không được duy tu, bảo dưỡng 20.000 tấn thiết bị với vốn đầu tư 2.000 tỷ đồng dần trở thành đống phế liệu.
"Bây giờ doanh nghiệp đã “chết” rồi, tiền đâu có nữa. Nợ xấu thì đã 'nhảy nhót' rồi. Mà khi nợ xấu thì tất cả các ngân hàng, các tổ chức tín dụng đều dừng, không cho vay. Hiện tại, doanh nghiệp đã lỗ số tiền 700 tỷ đồng, thiệt hại từ ngày dừng đến giờ và số tiền di dời cũng phải mất 700 tỷ đồng nữa. Trong khi đó, số tiền lỗ thì có thể thành phố hỗ trợ một phần, còn lại chúng tôi xin chuyển mục đích sử dụng một phần quỹ đất để bán lấy tiền" - ông Tân bày tỏ.
Ông Nguyễn An, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Thép Dana - Úc cho hay, từ khi bị chính quyền đình chỉ hoạt động đến nay Công ty lâm cảnh “chết lâm sàng”, nợ nần chồng chất.
Theo ông Nguyễn An, ngân hàng đã nhiều lần gửi thông báo hối thúc trả nợ. Các đối tác trong và ngoài nước cũng yêu cầu công ty trả nợ, nếu không họ sẽ kiện ra tòa. Đáng lo hơn là thiết bị lâu ngày không hoạt động, lại bị niêm phong nên không thể bảo trì, bảo dưỡng được, dẫn đến máy móc ngày càng xuống cấp và nguy cơ trở thành đống phế liệu.
"Xin gỡ niêm phong đó thì phải có đầy đủ các ban, ngành, có Công văn và các đoàn xuống kiểm tra mới gỡ được, chứ mình đâu có dám. Vì chữ ký trên chỗ niêm phong có 4 đến 5 đơn vị. Tôi được ưu đãi, mời gọi, tất cả thủ tục pháp lý đều đầy đủ chứ không có gì sai phạm hết. Nhưng do quy hoạch dân cư với nhà máy cách đây 10 năm có những bất cập" - ông Nguyễn An chia sẻ.
Hiện, 2 Nhà máy thép Đa Na - Ý và Đa Na - Úc đề xuất thành phố hỗ trợ di dời phân xưởng cán thép vào các Khu Công nghiệp, các ngân hàng khoanh nợ. 2 doanh nghiệp này đề nghị thành phố cho phép chuyển đổi một phần diện tích đất thuộc sở hữu nhà máy thành đất ở đô thị để bù đắp 1 phần khó khăn về tài chính.
Mới đây, tại buổi làm việc giữa Thành ủy Đà Nẵng với Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh Đà Nẵng và một số ngân hàng khác, lãnh đạo Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Chi nhánh Đà Nẵng cho biết, khoản nợ phát sinh của Nhà máy thép Đana- Ý sau khi thành phố buộc dừng hoạt động lên tới 174 tỷ đồng. Hiện số nợ này đã chuyển thành nợ xấu khi Đana - Ý mất khả năng trả nợ do phải dừng hoạt động.
Ngân hàng Đầu tư và Phát triển BIDV - Chi nhánh Hải Vân cũng gặp khó khăn trong quá trình thu hồi nợ của 2 Nhà máy thép Đana - Ý và Đana - Úc với số tiền 216 tỉ đồng. Ông Võ Minh, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Đà Nẵng cho rằng, cần xác định rõ nguyên nhân 2 Nhà máy thép dừng hoạt động do đâu, từ đó có giải pháp để tháo gỡ vướng mắc.
"Nợ của 2 Nhà máy thép thì Ngân hàng không thể làm được mà cần có sự chỉ đạo thống nhất, nhất quán của cấp lãnh đạo cao nhất của thành phố. Trên cơ sở đó, những khó khăn mới được tháo gỡ dần dần. Tháo gỡ được thì Ngân hàng mới tham gia vào để cùng tháo gỡ thêm, đẩy nhanh quá trình tháo gỡ. Chứ Ngân hàng thì phải làm đúng theo quy định, đúng văn bản chỉ đạo, giấy trắng mực đen thì ngân hàng căn cứ vô đó mà làm" - ông Võ Minh nêu rõ.
Ông Trương Quang Nghĩa, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cho hay, thành phố chia sẻ với 2 doanh nghiệp và tìm cách tháo gỡ khó khăn. Theo ông Trương Quang Nghĩa, 2 doanh nghiệp đề xuất cho sản xuất phần cán thép tại chỗ chứ không luyện nhưng người dân không đồng tình vì vẫn ô nhiễm tiếng ồn. UBND thành phố Đà Nẵng định hướng di dời vào Khu Công nghiệp Hòa Khánh phân xưởng cán thép, sản xuất không gây ô nhiễm nhưng không được ảnh hưởng tới doanh nghiệp khác.
Mới đây, tại buổi tiếp xúc với cử tri huyện Hòa Vang, ông Trương Quang Nghĩa, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng cho biết: "Thành phố chủ trương làm việc với các doanh nghiệp để đưa ra các giải pháp khả thi nhất. Những phần sản xuất không gây ô nhiễm thì được chuyển về các khu công nghiệp mà khu công nghiệp đó, vị trí đó phù hợp với nội dung cụm Công nghiệp Thanh Vinh. Các đề xuất của doanh nghiệp cũng đang được xem xét nhưng căn cứ vào quy hoạch"./.
Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/1-nam-dong-cua-2-nha-may-thep-o-da-nang-962022.vov