1 phút thiếu cảnh giác, mất hơn 1,1 tỷ đồng
Mới đây, 1 người phụ nữ (ngụ ấp 9, xã Long Tiên, huyện Cai Lậy) đã bị lừa trên 1,1 tỷ đồng. Người phụ nữ này cho biết: Khoảng 8 giờ sáng 8-6, chị nhận cuộc gọi từ một thuê bao lạ tự xưng là nhân viên tổng đài bưu điện thông báo chị đang nợ cước điện thoại với số tiền gần 9 triệu đồng, yêu cầu chị phải thanh toán. Nếu không thanh toán, nhà mạng sẽ cắt số điện thoại chị đang sử dụng và trừ cước vào tài khoản của chị trong 2 giờ tới.
Sau đó, chúng tiếp tục cấu kết với nhau, cho đồng bọn giả danh Công an ở TP. Hà Nội thông báo tài khoản của chị có liên quan đến vụ án rửa tiền và ma túy, thông báo sẽ đóng băng tài khoản của chị trước 17 giờ ngày 8-6. Đồng thời, chúng đọc cho chị nghe công lệnh bắt khẩn cấp. Nắm bắt được tâm lý lo lắng, hoang mang của chị, chúng hứa giúp đỡ và nhanh chóng hướng dẫn cách để chị chứng minh không liên quan đến vụ án.
Trao đổi với cơ quan Công an, chị cho biết: Lúc đó, chị rất lo sợ, chúng bảo chị bình tĩnh thì mới giúp. Sau đó, chúng hỏi tài sản có gì, vì cả tin chị kể cho chúng nghe. Thế rồi chúng kêu chị ra ngân hàng nạp tiền để chứng minh là tài sản của mình. Lúc đó, chị chỉ biết làm sao để chứng minh được mình không liên quan đến vụ án để 17 giờ không bị bắt. Một mặt, chị lo nếu mình bị bắt sẽ ảnh hưởng đến con mình, công việc của mình. Ngoài ra, chúng còn nói đó là hồ sơ mật quốc gia cấp 1 nên chị không được nói, sau khi xong hết mới nói được.
Trong lúc đang hoang mang, chị đã làm theo hướng dẫn của chúng, lần lượt mở 2 tài khoản. Trong 2 ngày 8 và 9-6, chị đã nộp 4 lần với tổng số tiền là 1,122 tỷ đồng. Sau đó, chị tải phần mềm theo đường link chúng cho và làm theo hướng dẫn với hy vọng sau 14 giờ ngày 9-6, số tài sản của mình được chứng minh không phạm tội.
Sau 14 giờ ngày 9-6, không có tín hiệu gọi lại chị mới sinh nghi thì đã quá muộn. Chị đến các ngân hàng kiểm tra thì phát hiện toàn bộ số tiền đã mất. Sau đó, chị đến cơ quan Công an trình báo vụ việc.
Đã có rất nhiều cảnh báo về thủ đoạn hoạt động của tội phạm lừa đảo với thủ đoạn tương tự. Nhưng vì sao nhiều người vẫn bị lừa. Thiếu tá Nguyễn Thị Kim Thoa, cán bộ Phòng Cảnh sát hình sự Công an Tiền Giang cho biết: Đối với các vụ giả danh Công an, Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân thì cuộc gọi thường kéo dài, tạo ra kịch bản làm cho người dân mất cảnh giác, không có thời gian để hỏi ý kiến của người thân. Ngoài ra, đối tượng đánh vào tâm lý của người dân hoang mang, lo sợ, một mặt đối tượng đe dọa nếu tiết lộ thông tin này ra thì sẽ liên lụy đến người thân, từ đó người dân rất sợ và làm theo yêu cầu của bọn chúng, chuyển tiền vào tài khoản để bọn chúng chiếm đoạt tài sản.
Để đối tượng phạm tội không có cơ hội lợi dụng để hoạt động, mọi người cần hết sức cảnh giác với các thủ đoạn lừa đảo, nhất là các cuộc gọi từ số lạ. Thượng tá Phan Tấn Ca, Phó Trưởng phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Tiền Giang khẳng định: Mọi biện pháp bắt người mà điện thoại thông báo trước hoặc chụp hình lệnh bắt gửi cho người dân trước sẽ bị bắt và yêu cầu người dân chuyển tiền vào tài khoản để kiểm tra đều là hành vi lừa đảo.
Bởi theo quy định tại khoản 2, Điều 109 Bộ Luật tố tụng hình sự quy định các trường hợp bắt người: Một là bắt khẩn cấp; hai là bắt quả tang; ba là bắt người đang có quyết định truy nã; bốn là bắt bị can, bị cáo để tạm giam. Bắt quả tang, bắt người có quyết định truy nã thì ai cũng có quyền bắt. Nhưng đặc biệt bắt khẩn cấp, bắt bị can, bị cáo để tạm giam phải do người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật thực hiện, phải bắt tại nơi ở, nơi làm việc, nơi cư trú, phải có chính quyền địa phương nơi người đó cư trú, làm việc hoặc cơ quan tổ chức tham gia và chứng kiến việc bắt đó.
Để phòng ngừa hiệu quả, biện pháp cảnh giác cao nhất là từ chối các cuộc gọi không rõ ràng hoặc phải thật bình tĩnh, tìm cách báo ngay cho Công an gần nhất để kịp thời ngăn chặn, xử lý.