1% tăng trưởng của 'siêu đô thị' TP.HCM giá trị bao nhiêu?
Chi cục Thống kê TP.HCM ước tính 6 tháng cuối năm, TP.HCM mới cần tăng trưởng 11-12,5%. Đây là thách thức lớn trong bối cảnh kinh tế toàn cầu bất ổn và áp lực thuế quan từ Mỹ.

Sau sáp nhập, TP.HCM mới có dân số trên 14 triệu người, thu ngân sách chiếm khoảng 36,4%, GRDP chiếm khoảng 25% cả nước. Ảnh: Quỳnh Danh.
Chia sẻ tại phiên họp về tình hình, kết quả kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm diễn ra vào sáng 4/7, Chi cục trưởng Chi cục Thống kê TP.HCM Nguyễn Khắc Hoàng nhìn nhận nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu đang ngày càng rõ nét, dưới áp lực từ chính sách thuế quan của Mỹ, lãi suất tăng cao, lạm phát kéo dài và bất ổn chính trị.
Những yếu tố này đặt ra thách thức lớn cho TP.HCM trong thời gian tới.
Mỗi 1% tăng trưởng tương đương 17.200 tỷ đồng
Sau sáp nhập, TP.HCM mới có dân số trên 14 triệu người, thu ngân sách chiếm khoảng 36,4%, GRDP chiếm khoảng 25% cả nước. "Với quy mô như vậy, GRDP TP.HCM mới tương đương GRDP Jakarta, Bangkok, Manila", ông Hoàng nhấn mạnh.
Theo ông Hoàng, mỗi 1% tăng trưởng của TP khoảng 17.200 tỷ đồng - tương đương một số tỉnh thành chưa sắp xếp như Điện Biên, Lai Châu. Do đó, việc tăng trưởng 7,49% trong 6 tháng đầu năm (không tính dầu thô) rất đáng ghi nhận.
Trước sáp nhập, TP.HCM cũ được giao tăng trưởng 8,5%, Bình Dương 10%, Bà Rịa - Vũng Tàu 10% (không tính dầu thô), như vậy ước tính sau sáp nhập là khoảng 8,92%. Trong khi 6 tháng đầu năm, TP.HCM mới đã tăng trưởng 7,49%, có nghĩa 6 tháng cuối năm cần tăng 10,25%. Ông Hoàng nhấn mạnh đây là con số rất thách thức.
Còn nếu xét theo Nghị quyết được HĐND 3 địa phương cũ đặt ra, TP.HCM cũ cần tăng trên 10%, Bình Dương 10%, Bà Rịa - Vũng Tàu 10,5%, tức TP.HCM mới cần tăng 10,04%, đồng nghĩa 6 tháng cuối năm cần tăng khoảng 12,41%.
Do đó, ngành thống kê TP.HCM ước tính mục tiêu tăng trưởng 6 tháng cuối năm cần đạt 11-12,5%. Ông Hoàng nhìn nhận đây là thách thức rất lớn cho "siêu đô thị" mới.
Phát biểu tại phiên họp, TS Trương Minh Huy Vũ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM cơ bản đồng ý với các báo cáo của Chi cục Thống kê về các nguyên nhân và tình hình kinh tế - xã hội.
Theo ông, kể cả khi TP.HCM mới được Chính phủ giao mục tiêu tăng trưởng 8,5% cho cả năm, thì 6 tháng cuối năm cũng cần một nỗ lực rất lớn.
Nhận diện các động lực tăng trưởng
Nói về các động lực tăng trưởng của TP.HCM, đại diện Chi cục Thống kê cho biết tỷ lệ giải ngân đầu tư công 6 tháng đầu năm đạt 32,9% là mức tương đối tốt. Tuy nhiên, theo yêu cầu của Chính phủ, cả năm phải đạt 100%, tức trong 6 tháng cuối năm, mỗi tháng phải giải ngân bình quân hơn 11%. Vì vậy, TP.HCM cần xây dựng kế hoạch chi tiết, khả thi để đẩy nhanh tiến độ.
Trong khi đó, tổng cầu của TP.HCM mới hiện khá cao, song một yếu tố đang kìm hãm đà tăng trưởng là chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 6 tháng đầu năm đã tăng 4,4%, gần chạm ngưỡng 4,5% mà Quốc hội cho phép. Ông Hoàng nhấn mạnh giá cả tăng ảnh hưởng lớn đến sức mua và sản xuất, từ đó tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế.
Theo ông, xuất nhập khẩu dù vẫn ghi nhận mức tăng hai con số, nhưng chưa đạt kỳ vọng. Chính sách thuế mới của Mỹ dự kiến sắp được áp dụng có khả năng ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu. Do đó, cần sớm có đối sách cụ thể cho các thị trường trọng điểm.
Phân tích cụ thể hơn, TS Trương Minh Huy Vũ cho biết đối với trụ cột truyền thống là xuất nhập khẩu, năm 2025 có nhiều yếu tố bất định từ tình hình thế giới như xung đột, chính sách tiền tệ, tỷ giá...
Tin tốt là tối 2/7, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump. Hai nhà lãnh đạo đã trao đổi về quan hệ song phương, trong đó có nội dung về thương mại đối ứng.
Dù chưa có thông tin chính thức, ông Vũ cho rằng diễn biến mới đã phần nào giúp giảm bớt sự bất định. Ông lưu ý mức độ ảnh hưởng của các mức thuế sẽ phụ thuộc vào chính sách chung của Mỹ, cũng như mức thuế quan cho từng ngành hàng của các nước cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam.
Đối với hai trụ cột tăng trưởng khác là đầu tư và tiêu dùng xã hội, ông Vũ ghi nhận tổng đầu tư xã hội (gồm đầu tư công và FDI) có chuyển biến tích cực trong quý II.
Tuy nhiên, lo ngại lớn nhất vẫn là môi trường đầu tư kinh doanh, thể hiện qua số liệu doanh nghiệp mới thành lập so với doanh nghiệp tạm dừng hoạt động, khi cứ 10 doanh nghiệp tham gia thị trường thì có 9 doanh nghiệp rút khỏi thị trường.
"Các cơ quan chuyên môn từ 6 tháng nay đã thảo luận về con số này và cho rằng con số này có nhiều ý nghĩa. Giờ đây, cần có một phân tích rất sâu để xem ý nghĩa thật sự của những con số này, đặc biệt về quy mô, lĩnh vực hoạt động của các doanh nghiệp rời khỏi thị trường...", ông Vũ nhấn mạnh.
Về giải pháp, ông đề xuất TP cần thí điểm "luồng xanh" cho các dự án ưu tiên, gồm cả dự án đầu tư công lẫn tư. TP có thể tập trung tăng tốc cho khoảng 10-20 dự án quan trọng (metro, giao thông, hạ tầng số) để xử lý nhanh thủ tục và đẩy nhanh dự án vào thực tiễn.
Đồng thời, ông kiến nghị thực hiện chương trình cắt giảm thủ tục hành chính giúp thông thoáng thị trường nhiều nhất có thể.
Nhìn về tương lai, ông Vũ cho biết TP.HCM có 6 động lực mới, trong đó nổi bật là xây dựng trung tâm tài chính quốc tế và không gian phát triển kinh tế biển.
Hiện, Quốc hội đã thông qua nghị quyết liên quan trung tâm tài chính, vì vậy TP cần nhanh chóng cụ thể hóa các nghị định, đồng thời phối hợp với bộ ngành, nhà đầu tư chiến lược để triển khai các dự án tại khu vực đã quy hoạch.
Với kế hoạch xây dựng trung tâm dịch vụ lớn, ông đề xuất hình thành các khu phức hợp triển lãm theo chuyên đề ở các đô thị vệ tinh như Nam Sài Gòn, Bắc Tân Uyên, Vũng Tàu, Phú Mỹ để đón đầu làn sóng công nghiệp dịch vụ mới.
Về kinh tế biển, ông nhấn mạnh cần tập trung vào chuỗi các dự án động lực như khu thương mại tự do Cái Mép Hạ, đặc khu Côn Đảo, cảng trung chuyển Cái Mép - Thị Vải và khu phức hợp du lịch Hồ Tràm. Đây sẽ là nền tảng để thúc đẩy tăng trưởng TP.HCM trong thời gian tới.
Nguồn Znews: https://znews.vn/1-tang-truong-cua-sieu-do-thi-tphcm-gia-tri-bao-nhieu-post1565932.html