Sóng gió mới ở Thái Lan

Chính trường Thái Lan lại nóng lên hôm 1/7 khi Tòa án Hiến pháp ra quyết định đình chỉ chức vụ Thủ tướng của bà Paetongtarn Shinawatra với tỷ lệ 7/9 phiếu tán thành.

Thủ tướng bị đình chỉ Paetongtarn Shinawatra vẫy tay chào các phóng viên khi bà rời Tòa nhà Chính phủ vào chiều thứ Ba. (Ảnh: Chanat Katanyu)

Thủ tướng bị đình chỉ Paetongtarn Shinawatra vẫy tay chào các phóng viên khi bà rời Tòa nhà Chính phủ vào chiều thứ Ba. (Ảnh: Chanat Katanyu)

Động thái này xuất phát từ đơn kiện của nhóm 36 Thượng nghị sĩ cáo buộc bà vi phạm hiến pháp và tiêu chuẩn đạo đức, liên quan đến phát ngôn trong cuộc điện đàm với Chủ tịch Thượng viện Campuchia Hun Sen hôm 15/6. Phán quyết cuối cùng dự kiến được công bố trong vòng 15 ngày.

Ngay sau đó, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Giao thông Suriya Jungrungreangkit, chính khách 70 tuổi từng phục vụ dưới nhiều đời Thủ tướng đảm nhận vai trò Thủ tướng tạm quyền.

Đặc biệt, việc điều chỉnh nội các đã được đảng Vì nước Thái (Pheu Thai) hoàn tất ngay trước khi phán quyết đình chỉ được công bố, cho thấy sự chuẩn bị kỹ lưỡng của đảng này. Theo đó, bà Paetongtarn dù bị đình chỉ chức Thủ tướng vẫn tiếp tục giữ ghế Bộ trưởng Văn hóa - vị trí cho phép bà tiếp tục xuất hiện trong hoạt động chính phủ.

Cùng với đó, các nhân sự chủ chốt khác cũng được bố trí chiến lược nhằm củng cố quyền lực của Pheu Thai. Ông Phumtham Wechayachai, đồng minh thân cận của bà Paetongtarn, được điều chuyển từ Bộ Quốc phòng sang lãnh đạo Bộ Nội vụ - bộ có vai trò then chốt trong điều phối chính quyền địa phương và quản lý ngân sách. Theo phân tích của báo Bangkok Post, đây là dấu hiệu Pheu Thai quyết giữ quyền kiểm soát các kênh ảnh hưởng đến cử tri trước bối cảnh có thể diễn ra bầu cử sớm.

Đồng thời, để làm dịu căng thẳng với giới quân đội, đảng Pheu Thai đã chấp nhận để Đại tướng Nattaphon Narkphanit, cựu Tổng thư ký Hội đồng An ninh quốc gia và hiện là Thứ trưởng Quốc phòng, tạm quyền lãnh đạo bộ này. Ông Nattaphon là nhân vật thân cận với cựu Thủ tướng Prayuth Chan-o-cha và là đại diện của đảng Thống nhất quốc gia Thái Lan (UTN) trong liên minh cầm quyền - một lựa chọn dung hòa, nhằm tạo đồng thuận với quân đội, nhất là trong bối cảnh Thái Lan đang đối mặt với căng thẳng biên giới với Campuchia.

Chỉ hơn một ngày sau, ngày 3/7, nội các mới tuyên thệ nhậm chức, bao gồm cả bà Paetongtarn với cương vị Bộ trưởng Văn hóa. Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Phumtham Wechayachai tuyên thệ nhậm chức Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Nội vụ và được nội các chỉ định làm quyền Thủ tướng.

Ông Phumtham Wechayachai (ngoài cùng bên trái) cùng các thành viên nội các mới trước lễ tuyên thệ nhậm chức tại Tòa nhà Chính phủ ở Bangkok ngày 3/7. (Nguồn: Pattaya Maill)

Ông Phumtham Wechayachai (ngoài cùng bên trái) cùng các thành viên nội các mới trước lễ tuyên thệ nhậm chức tại Tòa nhà Chính phủ ở Bangkok ngày 3/7. (Nguồn: Pattaya Maill)

Ông Phumtham, 71 tuổi, thành viên đảng Vì nước Thái (Pheu Thai), từng giữ chức Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Thương mại dưới thời chính phủ của cựu Thủ tướng Srettha Thavisin. Ông được bổ nhiệm làm Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng sau khi bà Paetongtarn trở thành Thủ tướng Thái Lan vào tháng 8/2024.

Cả bà Paetongtarn, ông Suriya và ông Phumtham đều là thành viên của Pheu Thai, đảng đứng thứ hai trong cuộc bầu cử năm 2023, nhưng giành quyền lãnh đạo chính phủ nhờ thành lập liên minh cầm quyền với các đảng khác.

Việc bà Paetongtarn bị đình chỉ chức vụ đánh dấu một bước ngoặt quan trọng, mở ra giai đoạn đầy bất định trên chính trường Thái Lan. Trong thế tiến thoái lưỡng nan, đảng Pheu Thai đang nỗ lực biến thách thức thành cơ hội - củng cố bộ máy, điều chỉnh nhân sự và tính toán các bước đi tiếp theo. Tuy nhiên, thành bại của chiến lược này vẫn phụ thuộc vào nhiều yếu tố: diễn biến pháp lý, phản ứng của dư luận xã hội và khả năng kiểm soát tình hình của chính Pheu Thai trước làn sóng phản đối ngày càng gia tăng.

Nhất Phong

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/song-gio-moi-o-thai-lan-319785.html