Hạ chí ở bán cầu Bắc năm 2019 rơi vào ngày 21/6. Đây được xem là ngày có thời gian ban ngày kéo dài nhất và ban đêm ngắn nhất trong năm với các nước ở nửa phía bắc đường xích đạo. Theo tập quán phương Tây, Hạ chí đánh dấu ngày đầu tiên của mùa hè ở bán cầu Bắc và mùa đông ở bán cầu Nam. Ảnh: Reuters.
Thời khắc Hạ chí diễn ra khi ánh sáng Mặt Trời chiếu xa nhất về phía bắc của Trái Đất, thẳng góc với đường chí tuyến Bắc tại 23'44 độ vĩ Bắc. Đây là lúc cực Bắc của Trái Đất nằm gần Mặt Trời nhất trong năm. Ảnh: Reuters.
Tại Anh, thời khắc Hạ chí diễn ra vào lúc 15h54 (giờ địa phương). Theo BBC, trong ngày 21/6, nước Anh có ánh sáng ban ngày kéo dài đến 16 tiếng 38 phút. Mặt Trời mọc từ 4h43 và đến 21h21 mới lặn. Ảnh: Reuters.
Tại Anh và nhiều quốc gia phương Tây hoặc khu vực ôn đới, ngày Hạ chí đánh dấu sự kết thúc của mùa xuân và là khởi điểm của mùa hè. Nhiều người thường đổ về vòng tròn đá Stonehenge, nằm tại hạt Wiltshire, ở vùng tây nam nước Anh. Đây được xem là địa điểm tín ngưỡng quan trọng của người Anh cổ đại gần 4.000 năm trước. Ảnh: Reuters.
Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng Stonehenge được người Anh cổ đại xây dựng với công dụng như một lịch thiên văn khổng lồ. Vào đúng ngày Hạ chí, Mặt Trời mọc từ phía Tảng đá Gót chân (Heel Stone) ở phía đông. Ánh sáng chiếu thẳng hàng với những tảng đá trung tâm và Tảng đá Tế đàn (Altar Stone) nằm ở phía tây. Ảnh: Reuters.
Mỗi năm có hàng nghìn người tập trung về Stonehenge để chứng kiến hiện tượng kỳ vĩ này, cũng như đón chào sự khởi đầu của mùa hè. Di sản văn hóa thế giới vào ngày Hạ chí trở thành bức tranh rực rỡ với trống, hoa, áo khoác đủ màu và cả trang phục pháp sư. Khu di tích đã mở cửa cho du khách bắt đầu cắm trại chuẩn bị từ 19h ngày 20/6, theo CNN.
Do trục nghiêng của Trái Đất, mỗi nơi trên thế giới lại cảm nhận Hạ chí một cách khác nhau. Những vùng ở gần cực Bắc hơn như Na Uy, Phần Lan, Greenland, Alaska có hiện tượng "mặt trời nửa đêm". Mặt Trời không lặn ở trong vòng vực Bắc. Ở nhiều nước về phương nam thì Hạ chí có thể diễn ra vào đêm, theo CNN. Ở Việt Nam năm nay, thời khắc Hạ chí rơi vào lúc 22h54 ngày 21/6. Ảnh: Reuters.
Một buổi học yoga trên quảng trường Thời đại ở New York nhân ngày Hạ chí. Ảnh: Reuters.
Stonehenge khiến nhiều nhà nghiên cứu bất ngờ về khả năng dự báo chính xác lịch thiên văn từ trước khi xuất hiện chữ viết, bánh xe hay phát hiện Trái Đất xoay quanh Mặt Trời. Đúng 4h52 sáng 21/6, những tia sáng đầu tiên của ngày Hạ chí chiếu qua Tảng đá Gót chân rồi thẳng vào trung tâm của cả công trình. Đến ngày Đông chí (21 hoặc 22/12), hiện tượng này được đảo ngược hoàn toàn và mặt trời sẽ bắt đầu mọc từ tảng đá đối diện. Ảnh: Reuters.
Toàn khuôn viên khu bảo tồn di tích Stonehenge lên đến 2.600 ha, lớn hơn Công viên Trung tâm ở New York gấp 7,5 lần. Dù ngày Hạ chí được xem là một lễ hội tràn ngập màu sắc với nhiều người mang cả đồ hóa trang tham dự, chính phủ Anh không cho phép sử dụng đồ uống có cồn hay thiết bị phóng thanh trong dịp này để gìn giữ sự tôn nghiêm của công trình cổ đại. Việc leo trèo trên các tảng đá cổ cũng là điều cấm kỵ. Ảnh: Reuters.
Stonehenge năm 2018 vừa kỷ niệm 100 năm được chuyển thành công trình công cộng. Người chủ đất Cecil Chub trao quyền sở hữu khu vực này cho chính quyền Anh vào tháng 10/1918, tạo điều kiện để các hoạt động trùng tu và bảo dưỡng được tiến hành và "giải cứu" công trình cổ đại. Mãi đến thế kỷ 20, người dân Anh mới bắt đầu quan tâm trở lại đến tầm quan trọng của công trình tín ngưỡng này. Ảnh: Reuters.
Thanh Danh