10,5 triệu USD và các khoản chi tiêu đáng ngờ của Văn phòng Phó Tổng thống Philippines
Phó Tổng thống Philippines Sara Duterte-Carpio đang phải đối mặt với ba khiếu nại luận tội về việc bà từ chối giải trình 10,5 triệu USD trong 'khoản tiền bí mật' mà văn phòng của bà phân phối cho các thực thể không xác định, bao gồm cả những thực thể dường như sử dụng bí danh, bắt nguồn từ các thương hiệu đồ ăn vặt và nhà hàng phổ biến ở quốc gia ngàn đảo này.
Khiếu nại để thúc đẩy minh bạch
Tin từ tờ South China Morning Post cho hay, các khiếu nại luận tội đã được một nhóm công dân và các nhà hoạt động cánh tả cùng linh mục và luật sư đệ trình vào đầu tháng 12, trong đó cáo buộc bà Sara Duterte-Carpio che giấu hành vi phạm tội khi từ chối giải trình về số tiền lớn mà văn phòng của bà trao cho những người có danh tính đáng ngờ.
“Khi đối mặt với những câu hỏi chính đáng về việc sử dụng các khoản tiền này, Phó Tổng thống đã trả lời không phải bằng sự minh bạch như trong lời tuyên thệ của bà, mà bằng những lời đe dọa và hăm dọa, dán nhãn những người chỉ trích là ‘đỏ’, ‘khủng bố’ và ‘kẻ âm mưu’”, khiếu nại luận tội có đoạn viết.
Trích dẫn báo cáo hồi tháng 11 của Kiểm toán Nhà nước Philippines, tờ South China Morning Post cũng thông tin thêm rằng, từ năm 2022 đến năm 2023, Văn phòng Phó Tổng thống và Bộ Giáo dục, nơi bà Sara Duterte-Carpio lãnh đạo cho đến khi từ chức vào tháng 6/2024, đã chi 612,5 triệu peso Philippines (tương đương 10,5 triệu USD) vào các quỹ bí mật. Cụ thể, cả hai văn phòng này đều đã phát hành các khoản séc lớn cho hàng trăm người, sau đó đưa ra làm bằng chứng biên lai xác nhận do những cá nhân sử dụng tên có vẻ liên quan đến các chuỗi nhà hàng và đồ ăn nhẹ nổi tiếng ký nhận.
Sau đó, Quốc hội đã thành lập một ủy ban điều tra về các cáo buộc nhằm vào Phó Tổng thống. Các thành viên của ủy ban này đã tiến hành thẩm tra và đưa bằng chứng rằng một số biệt danh được cho là của những người ký nhận tiền, có vẻ là được ghép những tên thương hiệu nổi tiếng. Chẳng hạn như một người tên Mary Grace Piattos (Mary Grace - tên một quán cà phê nổi tiếng, Piattos - một thương hiệu khoai tây chiên) đã được trao 70.000 peso để mua thuốc vào tháng 12/2022. Một số cái tên như: Chippy (khoai tây chiên), McDonald (thương hiệu đồ ăn nhanh của Mỹ) và Carlos Miguel Oishi (một thương hiệu đồ ăn nhẹ nổi tiếng) cũng khiến nhiều người phải nghi ngờ.
Đại diện của Cơ quan Thống kê Philippines trong một lần trả lời phỏng vấn báo giới hồi cuối tháng 11 thì cho hay, họ đã trả lời các nghị sĩ tham gia cuộc điều tra rằng, họ không tìm thấy bất kỳ hồ sơ nào chứng minh sự tồn tại của một người tên là Mary Grace Piattos và trong số 677 biên lai xác nhận (được cung cấp, họ cũng không có bằng chứng về sự tồn tại hay giấy khai sinh của 405 người tham gia ký tên.
Tại phiên điều trần trước ủy ban điều tra hôm 9/12, nghị sĩ Zia Alonto Adiong đã chỉ ra những bất thường khác, bao gồm chữ ký giống hệt nhau xuất hiện trong các tài liệu được cho là được cấp ở các thành phố khác nhau và những cá nhân có chữ ký khác nhau trên các tài liệu. Khi được hỏi về việc này, bà Sara Duterte-Carpio đã từ chối cung cấp thông tin chi tiết về cách sử dụng tiền của Văn phòng Phó Tổng thống và danh sách những người đã nhận được tiền. “Tôi sẽ không đưa ra lời giải thích vì điều đó đòi hỏi tôi phải giải thích về các hoạt động tình báo. Việc này sẽ gây tổn hại đến các văn phòng thực hiện các hoạt động tình báo”, Phó Tổng thống Philippines đã nói như vậy trước báo giới hôm 11/12.
Giới quan sát cho hay, bê bối liên quan đến Phó Tổng thống Sara Duterte-Carpio phản ánh mối quan ngại rộng hơn về việc các quan chức chính phủ Philippines ngày càng sử dụng nhiều quỹ bí mật để chi trả cho các hoạt động tình báo và giám sát bí mật. Nhưng các khoản tiền này lại không được quản lý theo các quy tắc tiêu chuẩn ngân sách về mua sắm và kiểm toán. Giáo sư luật Barry Gutierrez đồng thời là cựu nghị sĩ, người phát ngôn của cựu Phó Tổng thống Leni Robredo nói với This Week in Asia rằng các quỹ bí mật được dùng cho “một số hoạt động liên quan đến thực thi pháp luật và thu thập thông tin tình báo”, bao gồm “duy trì các ngôi nhà an toàn, thanh toán cho những người cung cấp thông tin mật”. Nhưng “Văn phòng Phó Tổng thống không phải là cơ quan thực thi pháp luật hay cơ quan thu thập thông tin tình báo, nên việc văn phòng này nhận được một khoản tiền đặc biệt để hỗ trợ các hoạt động đó là điều rất bất thường.
Theo những giải thích của Phó Tổng thống Sara Duterte-Carpio về cách thức và địa điểm mà các quỹ bí mật được sử dụng (ví dụ như các văn phòng vệ tinh), có vẻ như họ đã không sử dụng quỹ cho mục đích pháp lý cụ thể mà quỹ được phép sử dụng, mà là một quỹ chung không tuân theo các quy tắc thông thường về mua sắm và kiểm toán”, ông Barry Gutierrez nhấn mạnh.
Tránh vỏ dưa, gặp vỏ dừa
Cho đến nay, bà Sara Duterte-Carpio và các văn phòng của bà vẫn chưa cung cấp cho công chúng bất kỳ bằng chứng nào chứng minh rằng các khoản tiền nói trên được sử dụng cho hoạt động tình báo. Jean Encinas-Franco, một nhà phân tích chính trị từ Đại học Philippines Diliman cho biết, việc lạm dụng các quỹ bí mật là chuyện rất bình thường trong chính trường Philippines”. Bà Jean Encinas-Franco nói rằng, các quan chức ở các cơ quan khác còn sử dụng các chiến thuật tinh vi hơn để tránh bị phát hiện và “tránh sự chú ý của những người có quyền lực” và “điều này sẽ vẫn như vậy cho đến khi nào còn có các quỹ bí mật trong các đơn vị chính phủ không có chức năng về an ninh, bảo mật”.
Trong một tuyên bố được đưa ra trước đó, Văn phòng Phó Tổng thống đã trả lời các cáo buộc của các nghị sĩ rằng, họ đã chi hàng triệu USD để xây dựng các văn phòng vệ tinh nhằm mở rộng cứu trợ và hỗ trợ y tế cho 2 triệu người dân trên toàn quốc. Nhưng theo luật định, việc một Phó Tổng thống nhận các quỹ bí mật là không bình thường không. Ông Barry Gutierrez khi được hỏi câu này cũng cho biết: “Tôi chỉ có thể trả lời dựa trên kinh nghiệm làm việc dưới quyền Phó Tổng thống Leni. Đó là bà ấy (Phó Tổng thống Sara Duterte-Carpio - PV) không được yêu cầu hoặc nhận bất kỳ khoản tiền bí mật nào trong nhiệm kỳ của mình”.
Nhưng trên thực tế, việc phân bổ các quỹ bí mật cho các cơ quan chính phủ là tùy thuộc vào quyết định của tổng thống. Khi cha của bà Sara Duterte-Carpio, cựu Tổng thống Rodrigo Duterte còn tại nhiệm, ông được biết là có mối quan hệ không tốt với cựu Phó Tổng thống Leni Robredo nên ông Leni Robredo chưa từng “nhận được một xu nào" từ các quỹ bí mật. Mặc dù tổng thống và phó tổng thống được bầu riêng tại Philippines, nhưng bà Sara Duterte-Carpio và Tổng thống Ferdinand Marcos Jnr đã cùng nhau vận động tranh cử với tư cách là liên danh "Uniteam" trong chiến dịch tranh cử năm 2022, sau khi bà miễn cưỡng đồng ý từ bỏ ý định tranh cử tổng thống.
Tuy nhiên, sau khi cả bà Sara Duterte-Carpio và ông Ferdinand Marcos Jnr đều giành chiến thắng trong cuộc bầu cử, liên minh của họ đã tan rã, với việc bà Sara Duterte-Carpio từ chức khỏi các vị trí của mình trong nội các của ông Marcos Jnr vào tháng 6/2024. Thậm chí, trong một cuộc họp báo trực tuyến gây sốc vào đêm muộn ngày 23/11, Phó Tổng thống Sara Duterte-Carpio tuyên bố rằng, nếu bà bị giết, bà sẽ sắp xếp kế hoạch để ai đó ám sát ông Marcos Jnr và vợ là Liza Araneta-Marcos cùng Chủ tịch Hạ viện Martin Romualdez. Sau đó, bà Sara Duterte-Carpio tuyên bố rằng những phát biểu của bà không nhằm mục đích đe dọa mà chỉ muốn nhấn mạnh những mối đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng của chính bà. Nhưng cảnh sát và cả cơ quan an ninh Philippines đã mở cuộc điều tra, còn Bộ Tư lệnh Cảnh vệ của Tổng thống Philippines đã lập tức áp dụng các biện pháp an ninh chặt chẽ hơn và coi tuyên bố này của Phó Tổng thống là "vấn đề liên quan đến an ninh quốc gia".
Hội đồng An ninh Quốc gia Philippines (NSC) cũng nhấn mạnh họ xem xét nghiêm túc mọi lời đe dọa nhắm vào tổng thống. Các lãnh đạo Hạ viện Philippines cũng lên tiếng chỉ trích lời đe dọa của bà Sara Duterte-Carpio. "Lời dọa giết Tổng thống không chỉ là một tội ác tày đình mà còn là sự phản bội ở mức độ cao nhất, sự phản bội làm lung lay nền tảng các thể chế dân chủ của chúng ta", Phó Chủ tịch Cấp cao của Hạ viện Philippines Aurelio Gonzales Jr. nói.
Nhưng Fermin Adriano, cựu Thứ trưởng Nông nghiệp Philippines lại nhận định với tờ This Week in Asia rằng, những sự kiện này “đã chuyển hướng sự chú ý của công chúng khỏi các vấn đề quốc gia có tầm quan trọng hơn như: giá lương thực tăng cao, cách xử lý nguồn cung gạo gây tai tiếng, dịch tả lợn châu Phi vẫn đang hoành hành, nạn tham nhũng tràn lan trong Chính phủ”. Theo ông Franco Andriano, “bằng cách tập trung vào Phó Tổng thống được yêu mến, chính quyền đã tránh được sự chú ý của công chúng khi trên thực tế, họ có ngân sách lớn hơn và nhiều trách nhiệm hơn so với văn phòng của Phó Tổng thống. Tuy nhiên, cuộc khảo sát mới nhất chỉ ra rằng cả hai đều bị ảnh hưởng về mặt xếp hạng tín nhiệm. Vì vậy, tôi không chắc vở kịch này sẽ diễn biến như thế nào”.
Hiện Tổng thư ký Hạ viện Philippines Reginald Velasco - người có nhiệm vụ theo Hiến pháp là yêu cầu Ủy ban Tư pháp Hạ viện đánh giá xem khiếu nại có đầy đủ về hình thức và nội dung hay không, vẫn chưa xử lý bất kỳ khiếu nại luận tội nào nhằm vào Phó Tổng thống. Nhưng ông Reginald Velasco đã công khai hứa sẽ hoàn thành việc này trong kỳ nghỉ lễ và gửi cả 3 khiếu nại cho Chủ tịch Hạ viện Martin Romualdez trước ngày 13/1/2025, khi Quốc hội Phillipines tiến hành phiên họp mới. Về phía nguyên đơn, nhóm các nhà hoạt động cánh tả cho hay họ sẽ cố gắng thu thập được 104 chữ ký, hoặc 1/3 thành viên Hạ viện để xác nhận các khiếu nại.
Nếu việc thu thập này hoàn tất, theo Hiến pháp năm 1987 của Philippines, bà Sara Duterte-Carpio sau đó sẽ bị Hạ viện coi là "bị luận tội" và các khiếu nại sẽ hình thành nên điều khoản luận tội và được chuyển ngay đến Thượng viện mà không cần bỏ phiếu. Đối mặt với những cáo buộc nghiêm trọng này, bà Sara Duterte-Carpio vẫn tự tin tuyên bố hoan nghênh các khiếu nại luận tội vì "cuối cùng tôi cũng có thể trả lời những gì họ cáo buộc tôi".