Tác động của vụ khủng bố ở New Orleans đối với chiến lược chống IS của ông Trump

Vụ tấn công khủng bố đẫm máu ở New Orleans vào ngày đầu năm mới, do một người đàn ông bị tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng cực đoan hóa thực hiện, đã làm dấy lên lo ngại về nguy cơ xảy ra thêm các vụ tấn công tương tự.

Lực lượng chức năng điều tra tại hiện trường vụ lao xe vào đám đông tại thành phố New Orleans, bang Louisiana, Mỹ ngày 1/1/2025. Ảnh: AP/TTXVN

Lực lượng chức năng điều tra tại hiện trường vụ lao xe vào đám đông tại thành phố New Orleans, bang Louisiana, Mỹ ngày 1/1/2025. Ảnh: AP/TTXVN

Vụ việc cũng đặt ra câu hỏi về tác động của chính sách đối ngoại "cô lập" mà Tổng thống đắc cử Donald Trump theo đuổi trong cuộc chiến chống khủng bố.

Shamsud-Din Jabbar, 42 tuổi, một cựu binh quân đội Mỹ sống tại Texas và từng làm việc cho công ty Deloitte, đã lái một chiếc xe tải lao vào đám đông trên đường Bourbon đông đúc, khiến 14 người thiệt mạng vào ngày 1/1.

Đây là vụ tấn công lấy cảm hứng từ IS đầu tiên trên đất Mỹ kể từ năm 2017. Kẻ khủng bố Jabbar đã bị cảnh sát bắn chết ngay sau đó.

Mặc dù IS đã suy yếu đáng kể nhờ chiến dịch của Mỹ tại Iraq và Syria, nhưng tổ chức này đã hồi sinh trong những năm gần đây và đã thực hiện một loạt vụ tấn công chết người trên toàn cầu trong năm 2024.

Giới chức Mỹ nhấn mạnh rằng việc duy trì hiện diện quân sự tại Iraq và Syria là rất quan trọng để kiểm soát mối đe dọa từ IS. Tuy nhiên, Tổng thống đắc cử Trump đã tỏ dấu hiệu muốn rút giảm lực lượng tại khu vực Trung Đông. Tháng trước, ông kêu gọi thực hiện chính sách không can thiệp vào Syria sau khi chính phủ của ông Bashar al-Assad sụp đổ.

Aaron Zelin, nhà nghiên cứu cao cấp tại Viện Chính sách cận Đông Washington (Mỹ), cảnh báo rằng nếu ông Trump giảm mạnh hiện diện của Mỹ tại khu vực, IS có thể hồi sinh mạnh mẽ.

Theo ông, điều này sẽ là một sai lầm lớn, tương tự như việc Mỹ rút quân khỏi Iraq năm 2011, dẫn đến sự quay lại của IS vào năm 2014.

Dưới thời Tổng thống Biden, Mỹ vẫn duy trì trọng tâm vào việc làm suy yếu IS. Theo Phó phát ngôn viên Lầu Năm Góc Sabrina Singh, IS vẫn là mối đe dọa, mặc dù không còn ở mức nguy hiểm như một thập kỷ trước.

Hiện tại, Mỹ có khoảng 2.500 binh sĩ tại Iraq và khoảng 900 binh sĩ thường trực tại Syria, con số này tăng tạm thời lên 2.000 do một đợt triển khai gần đây. Mặc dù ông Trump chưa đưa ra quyết định rút quân cụ thể khỏi Syria, ông từng hạ thấp số lượng binh sĩ Mỹ tại đây trong nhiệm kỳ đầu.

Ông Colin Clarke, Giám đốc nghiên cứu tại Soufan Group, nhận định nếu chính sách đối ngoại của ông Trump có xu hướng cô lập, một IS hồi sinh có thể buộc ông phải suy nghĩ lại. Dù không cần triển khai thêm binh sĩ, Mỹ vẫn cần tiếp tục duy trì các cuộc tấn công vào tổ chức này.

Bất chấp những thất bại lớn về lãnh thổ, IS vẫn duy trì sự hiện diện trực tuyến mạnh mẽ, sử dụng mạng xã hội và tuyên truyền để cực đoan hóa các cá nhân trên toàn thế giới.

Ông Jason Blazakis, giáo sư tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Middlebury, cho rằng IS đang tìm cách truyền cảm hứng cho các vụ tấn công phức tạp hơn, bao gồm việc sử dụng thiết bị bay không người lái và công nghệ mới.

Dẫu vậy, một số chuyên gia nhận thấy sức hút từ hệ tư tưởng của IS đang suy giảm. Ông Antoine Baudon, Phó giám đốc trung tâm quốc tế về chống khủng bố, nhận định rằng các cuộc tấn công gần đây của IS ít nhận được sự ủng hộ và tán dương như trước đây, cho thấy tổ chức này ngày càng bị cô lập.

Với việc ông Trump chuẩn bị nhậm chức, các quyết định liên quan đến Trung Đông và chiến lược chống IS sẽ có tác động lớn không chỉ với an ninh khu vực mà còn cả toàn cầu.

Trong bối cảnh này, nhiều chuyên gia khuyến nghị Mỹ nên tiếp tục hợp tác với các đối tác quốc tế để ngăn chặn sự hồi sinh của tổ chức khủng bố này.

Việt Dũng/Báo Tin tức (Theo The Hill)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/tac-dong-cua-vu-khung-bo-o-new-orleans-doi-voi-chien-luoc-chong-is-cua-ong-trump-20250105150259126.htm