10 Bí thư Tỉnh ủy tái cử; hơn 1 tháng không có ca mắc mới COVID-19 trong cộng đồng
Đã có 14 Đảng bộ tỉnh, thành phố và Đảng bộ trực thuộc Trung ương tổ chức thành công Đại hội nhiệm kỳ 2020-2025; Đã hơn 1 tháng, Việt Nam không có ca mắc mới COVID-19 trong cộng đồng; Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội nhận đơn kháng cáo của 5 bị cáo trong vụ án 'Giết người' và 'Chống người thi hành công vụ' xảy ra tại thôn Hoành (xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội)… là những sự kiện được dư luận quan tâm trong tuần qua.
10 Bí thư Tỉnh ủy tái cử nhiệm kỳ 2020-2025
Thực hiện Chỉ thị 35-CT/TW của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội XIII của Đảng; các Đảng bộ tỉnh, thành phố và Đảng bộ trực thuộc Trung ương đang tiến hành Đại hội nhiệm kỳ 2020-2025, thời gian hoàn thành trước ngày 31/10/2020.
Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hà Nam lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020-2025, khai mạc ngày 21/9, là Đại hội Đảng bộ cấp tỉnh đầu tiên được tổ chức trong cả nước. Tính đến hết tháng 9/2020, cả nước đã có 14/67 Đảng bộ tỉnh, thành phố, Đảng bộ trực thuộc Trung ương tổ chức thành công Đại hội nhiệm kỳ mới, gồm: Hà Nam, Kon Tum, Sơn La, Yên Bái, An Giang, Bà Rịa-Vũng Tàu, Cần Thơ, Nam Định, Vĩnh Long, Bắc Ninh, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Gia Lai và Đảng bộ Quân đội.
Đại hội các Đảng bộ tỉnh, thành phố và Đảng bộ trực thuộc Trung ương tiến hành 4 nội dung: Tổng kết thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ 2015 - 2020 và xác định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của nhiệm kỳ 2020 - 2025; thảo luận, đóng góp ý kiến vào dự thảo các văn kiện Đại hội XIII của Đảng; bầu Ban Chấp hành Đảng bộ nhiệm kỳ 2020 - 2025; bầu Đoàn đại biểu dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Qua tổng hợp sơ bộ, nhìn chung, các đảng bộ tỉnh, thành phố đã hoàn tất công tác nhân sự Đại hội theo kế hoạch đề ra.
Các đại biểu dự Đại hội đã quán triệt nghiêm túc quan điểm mang tính nguyên tắc là không vì cơ cấu mà hạ thấp tiêu chuẩn, kiên quyết không để lọt vào cấp ủy khóa mới những người bản lĩnh chính trị không vững vàng; phẩm chất, năng lực, uy tín giảm sút; mất đoàn kết, cục bộ, bè phái, cơ hội, suy giảm tính chiến đấu; có biểu hiện suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống; vi phạm các quy định của Đảng và Nhà nước; kết quả thực hiện nhiệm vụ không cao.
Đại hội đã bầu Ban Chấp hành (BCH) Đảng bộ tỉnh, thành phố khóa mới nhiệm kỳ 2020-2025. Tại Hội nghị lần thứ Nhất, BCH Đảng bộ tỉnh, thành phố đã bầu Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thành ủy; Bí thư Tỉnh ủy,Thành ủy; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy; Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Thành ủy.
Tuy nhiên, tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Gia Lai lần thứ XVI, hai ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã không trúng cử vào BCH Đảng bộ tỉnh Gia Lai nhiệm kỳ 2020-2025.
Hiện chưa có địa phương nào tiến hành bầu trực tiếp Bí thư tại Đại hội. Trong số 13 Đảng bộ tỉnh, thành phố đã tiến hành Đại hội, có 3 đồng chí là Phó Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy nhiệm kỳ 2015-2020 được tín nhiệm bầu giữ chức Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy nhiệm kỳ 2020-2025. Đó là: Đồng chí Đỗ Đức Duy, Phó Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái khóa XVIII, Chủ tịch UBND tỉnh đắc cử chức Bí thư Tỉnh ủy khóa XIX, nhiệm kỳ 2020-2025. Đồng chí Lê Quang Mạnh, Phó Bí thư Thành ủy nhiệm kỳ 2015-2020, Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ được bầu giữ chức Bí thư Thành ủy Cần Thơ nhiệm kỳ 2020-2025. Đồng chí Đào Hồng Lan, Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bắc Ninh khóa XIX được bầu giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh khóa XX, nhiệm kỳ 2020-2025.
10 đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2015-2020 được tín nhiệm tái đắc cử giữ chức Bí thư Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2020-2025. Đó là Bí thư các Tỉnh ủy: Hà Nam, Kon Tum, Sơn La, An Giang, Bà Rịa- Vũng Tàu, Nam Định, Vĩnh Long, Lạng Sơn, Quảng Ninh; Gia Lai. Trong 13 Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy có 4 đồng chí nữ Bí thư gồm: Lê Thị Thủy, Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam; Võ Thị Ái Xuân, Bí thư Tỉnh ủy An Giang; Đào Hồng Lan, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh và Lâm Thị Phương Thanh, Bí thư Tỉnh ủy Lạng Sơn. Bí thư Thành ủy Cần Thơ Lê Quang Mạnh là người trẻ tuổi nhất, sinh năm 1974. Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long và Kon Tum nhiều tuổi nhất, cùng sinh năm 1961.
Theo dự kiến, trong tháng 10/2020, 53/67 Đảng bộ tỉnh, thành phố, Đảng bộ trực thuộc Trung ương tiếp tục tiến hành Đại hội nhiệm kỳ 2020-2025.
Đã hơn 1 tháng Việt Nam không có ca mắc COVID-19 trong cộng đồng
Theo Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, tính từ 6 giờ đến 18 giờ ngày 4/10, Việt Nam không có ca mắc COVID-19 mới. Tổng số ca mắc COVID-19 ở nước ta vẫn là 1.096, trong đó có 691 ca mắc do lây nhiễm trong nước (số ca mắc mới tính từ ngày 25/7 đến nay là 551 ca). Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị (Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19), đến chiều 4/10, Việt Nam có 1.020 bệnh nhân mắc COVID-19 đã được điều trị khỏi.
Trong số bệnh nhân đang được tiếp tục điều trị tại các cơ sở y tế có một người nhận kết quả xét nghiệm âm tính lần 1 với SARS-CoV-2; hai người âm tính lần 2 và 4 người âm tính lần 3. Đến thời điểm này, Việt Nam không còn trường hợp bệnh nhân COVID-19 nặng.
Việt Nam đã ghi nhận 35 ca tử vong. Đa phần các trường hợp tử vong đều là người cao tuổi và có bệnh nền nặng như suy thận mạn giai đoạn cuối, ung thư máu giai đoạn cuối không đáp ứng với hóa chất, hội chứng mạch vành, suy hô hấp cấp, thoái hóa đa khớp, tăng huyết áp, suy thượng thận mạn, đái tháo đường tuýp 2, nhiễm trùng huyết, viêm phổi, suy kiệt, suy đa tạng.
Cả nước còn 16.477 người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được cách ly theo dõi sức khỏe. Trong đó, 718 người được cách ly tại bệnh viện, 11.212 người được cách ly tập trung tại các cơ sở khác và 4.547 người được cách ly tại nhà, nơi lưu trú.
Theo dự báo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tình hình dịch bệnh có thể kéo dài đến hết năm 2021 do chưa có vắc xin điều trị. Trước diễn biến và tác động của dịch bệnh đến kinh tế-xã hội của tất cả các quốc gia trên thế giới, Việt Nam kiên định thực hiện “mục tiêu kép” trên nguyên tắc ưu tiên sự an toàn. Để phòng, chống dịch trong trạng thái "bình thường mới", Bộ Y tế khuyến cáo người dân đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay, nhất là khi đi ra ngoài và khi về nhà.
Bộ Y tế kêu gọi mỗi người dân hãy hành động, thực hiện đúng và đủ các khuyến cáo phòng, chống dịch. Mỗi người dân hãy là một chiến sĩ trên mặt trận phòng, chống dịch bệnh, tiếp tục lan tỏa và thực hiện tốt Thông điệp 5K: Khẩu trang- Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tập trung đông người - Khai báo y tế để giữ an toàn cho mình và xã hội trước đại dịch COVID-19.
Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long vừa có Chỉ thị số 21/CT-BYT về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19. Chỉ thị nêu rõ: Tình hình dịch COVID-19 vẫn diễn biến hết sức phức tạp trên thế giới, dịch bệnh tại nhiều quốc gia đã bùng phát trở lại với tốc độ lây lan và số ca tử vong cao hơn trước sau khi nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội. Trong thời gian tới, dịch bệnh vẫn tiếp tục gia tăng ở một số quốc gia.
Tại nước ta, tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát, với hơn 25 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới trong cộng đồng. Mặc dù vậy, nguy cơ dịch bệnh vẫn luôn thường trực, xuất hiện tâm lý lơ là, chủ quan trong cộng đồng và tại các cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở y tế vẫn còn tình trạng người nhập cảnh trái phép và có khả năng gây bùng phát dịch như tại Đà Nẵng trong thời gian vừa qua.
Để tăng cường công tác phòng chống dịch COVID-19 thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ thị: Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Y tế ngành, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ tổ chức thực hiện nghiêm các ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 1300/CĐ-TTg ngày 24/9/2020 về việc phòng, chống dịch bệnh COVID-19; tiếp tục tham mưu cho Tỉnh ủy, Thành ủy, HĐND, UBND tỉnh, thành phố triển khai các biện pháp phòng, chống dịch và trực tiếp chỉ đạo thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch theo các hướng dẫn của Ban Chỉ đạo Quốc gia, Bộ Y tế và các Bộ, ngành liên quan…
Bộ Y tế yêu cầu: Tất cả các nhân viên y tế, bệnh nhân, người nhà đến thăm, chăm sóc phải thực hiện cài đặt và bật ứng dụng truy vết, ứng dụng khai báo y tế nếu sử dụng thiết bị di động thông minh; có hình thức phân luồng ưu tiên đối với người đến khám, điều trị thực hiện việc cài đặt và bật ứng dụng truy vết. Mở rộng ứng dụng công nghệ thông tin trong việc đăng ký lịch khám, chữa bệnh, tư vấn sức khỏe, khám bệnh từ xa…
Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện chăm sóc sức khỏe toàn diện cho bệnh nhân tại bệnh viện và các biện pháp đảm bảo an toàn cho đối tượng có nguy cơ cao là người cao tuổi, người có bệnh lý nền, người khuyết tật...; hạn chế người nhà đến thăm, chăm sóc người bệnh; trường hợp cần thiết phải thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch cá nhân theo quy định của Bộ Y tế.
Các đơn vị tổ chức tập huấn chuyên môn về phòng, chống dịch COVID-19 cho nhân viên y tế, đặc biệt trong việc tiếp nhận bệnh nhân nghi ngờ mắc bệnh, dự phòng lây nhiễm đối với nhân viên y tế và tại cơ sở y tế, kỹ thuật sử dụng máy thở; chuẩn bị đầy đủ thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế đề sẵn sàng tiếp nhận bệnh nhân, đáp ứng với tình huống dịch bệnh...
Năm bị cáo trong vụ án tại Đồng Tâm kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt
Sau hơn 2 tuần tuyên án phiên tòa xét xử 29 bị cáo trong vụ án “Giết người” và “Chống người thi hành công vụ” xảy ra tại thôn Hoành (xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội), Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã nhận được đơn kháng cáo của 5 bị cáo gồm: Lê Đình Công, Lê Đình Chức, Lê Đình Doanh, Bùi Viết Hiểu và Nguyễn Quốc Tiến.
Trong đơn kháng cáo, 5 bị cáo cho rằng mức hình phạt mà Tòa cấp sơ thẩm đã tuyên đối với 5 bị cáo là nặng, đồng thời đề nghị Tòa cấp phúc thẩm xem xét các tình tiết trong vụ án nhằm giảm nhẹ hình phạt cho 5 bị cáo.
Trước đó, chiều 14/9, tại phiên tòa xét xử vụ án này, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã tuyên phạt 5 bị cáo nói trên về cùng tội “Giết người”, trong đó: Lê Đình Công, Lê Đình Chức đều lĩnh án tử hình; Lê Đình Doanh bị phạt tù chung thân; Bùi Viết Hiểu 16 năm tù; Nguyễn Quốc Tiến 13 năm tù. Ngoài ra, cùng bị tuyên án về tội “Giết người” còn có bị cáo Nguyễn Văn Tuyển bị Tòa tuyên phạt 12 năm tù. 23 bị cáo còn lại bị Hội đồng xét xử tuyên phạt các mức án từ 15 tháng tù treo đến 6 năm tù về cùng tội “Chống người thi hành công vụ”.
Bản án sơ thẩm nhận định, đây là vụ án hình sự nghiêm trọng, hành vi phạm tội của các bị cáo là đặc biệt nguy hiểm cho xã hội, bất chấp pháp luật, coi thường kỷ cương phép nước, ngang nhiên xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của Nhà nước và chính quyền địa phương, coi thường tính mạng, sức khỏe của người khác, đặc biệt là những người đang thi hành công vụ. Hội đồng xét xử cho rằng, các bị cáo thực hiện hành vi vô cùng dã man, tàn bạo và mất hết tính người, các bị cáo đã dùng xăng đốt làm 3 cán bộ, chiến sĩ công an hy sinh.
Nhóm 6 bị cáo bị Tòa tuyên phạt về tội “Giết người” gồm: Lê Đình Công, Bùi Viết Hiểu, Nguyễn Văn Tuyển, Lê Đình Doanh, Lê Đình Chức và Nguyễn Quốc Tiến bị Tòa xác định là những bị cáo cầm đầu, vừa tổ chức chuẩn bị công cụ, phương tiện, phân công vị trí, nhiệm vụ cho các bị cáo khác, vừa trực tiếp thực hiện hành vi tấn công lực lượng chức năng.
Trong đó, Lê Đình Công là người giữ vai trò chủ mưu, cầm đầu, thường xuyên lôi kéo, kích động, kêu gọi chống đối, tổ chức các cuộc họp bàn, tung các video clip, ghi hình và phát trực tiếp trên các trang mạng xã hội tuyên bố giết chết từ 300-500 chiến sĩ công an… Công tích cực chuẩn bị công cụ, phương tiện và phân công vị trí, nhiệm vụ cho các bị cáo khác; là người chỉ đạo và góp tiền mua xăng, mua lựu đạn, hướng dẫn các bị cáo khác và trực tiếp làm bom xăng, bùi nhùi; đồng thời trực tiếp thực hiện hành vi ném bom xăng, lựu đạn về phía lực lượng chức năng.
Còn bị cáo Lê Đình Chức là người chỉ đạo Lê Đình Doanh đổ xăng ra chậu, cùng Doanh đẩy chậu xăng đang cháy xuống hố; trực tiếp đổ xăng thêm 3-5 lần xuống hố làm 3 cán bộ, chiến sĩ công an bị thiêu cháy. Hành vi của 2 bị cáo này là nguyên nhân trực tiếp gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, làm 3 người đang thi hành công vụ hy sinh, thể hiện tính côn đồ, tàn ác, mất nhân tính và không còn khả năng cải tạo, nên cần thiết phải áp dụng mức hình phạt nghiêm khắc nhất của khung hình phạt, loại bỏ vĩnh viễn khỏi đời sống xã hội để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, tính răn đe, giáo dục và phòng ngừa chung.
Làm nhục khách hàng, chủ quán Nhắng nướng nhận án 12 tháng tù giam
Tòa án nhân dân thành phố Bắc Ninh đã mở phiên tòa xét xử lưu động vụ án hình sự sơ thẩm đối với bị cáo Nguyễn Văn Thiện, sinh năm 1973, trú tại khu 7, phường Đại Phúc, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh, là chủ quán Nhắng nướng Hiền Thiện (đường Nguyễn Đăng Đạo, phường Đại Phúc, thành phố Bắc Ninh) và Lăng Văn Vân, sinh năm 1993, trú quán tại xã Bồ Lý, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc, là nhân viên quán Nhắng nướng Hiền Thiện về tội “Làm nhục người khác” theo Điều 155 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Tại phiên tòa, Hội đồng xét xử xét thấy hành vi phạm tội của các bị cáo xúc phạm nhân phẩm, sức khỏe người khác, gây mất an ninh trật tự trên địa bàn, hoang mang cho quần chúng nhân dân. Các bị cáo đã ăn năn, hối cải, thành khẩn khai báo hành vi phạm tội của mình và được người bị hại xin giảm nhẹ tội, không yêu cầu các bị cáo bồi thường về trách nhiệm dân sự.
Trước đó, gia đình bị cáo Thiện đã bồi thường cho bị hại 5 triệu đồng. Bị cáo Thiện có vai trò chính, bị cáo Vân có vai trò giúp sức cho hành vi phạm tội của Thiện. Áp dụng điểm e, khoản 2, Điều 155 Bộ luật Hình sự năm 2015, Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Nguyễn Văn Thiện 12 tháng tù giam, bị cáo Lăng Văn Vân 9 tháng tù giam cùng về tội “Làm nhục người khác”. Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Bắc Ninh, khoảng 23 giờ 30 phút ngày 17/8/2020, chị D.T.H (sinh năm 1993) và chị L.T.M (sinh năm 1993), cùng đăng ký tạm trú tại thôn Do Nha, xã Phương Liễu, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh, đi ăn tại quán Nhắng nướng Hiền Thiện.
Quá trình ăn, chị H phát hiện trong món ăn có sán nên đã chụp ảnh, quay video và gọi nhân viên của quán, yêu cầu được gặp người quản lý nhưng không được. Sau khi thanh toán tiền, chị H đi sang quán ăn bên cạnh tiếp tục ăn. Tuy nhiên, do bức xúc về việc ăn phải đồ ăn bẩn, chị H vào facebook cá nhân và đăng những video quay lại đồ ăn có sán lên mạng.
Ngày 18/8, sau khi biết Nguyễn Văn Thiện là chủ quán Nhắng nướng tìm gặp mình, chị H đã gỡ bài đăng trên facebook. Khoảng 23 giờ 30 phút ngày 18/8, khi chị H đến gặp tại quán Nhắng nướng Hiền Thiện, Nguyễn Văn Thiện ngồi trên ghế ở giữa quán tát một cái vào mặt chị H và bắt chị H quỳ gối xuống đất để nói chuyện; đồng thời Thiện lấy điện thoại của mình vào mạng facebook bằng tài khoản “Nhắng nướng Hiền Thiện” của Thiện rồi bật chế độ quay trực tiếp trên mạng.
Sau đó, Thiện đưa điện thoại cho Lăng Văn Vân sử dụng để quay phát trực tiếp lên mạng xã hội facebook. Quá trình quay phát trực tiếp, Thiện liên tục chửi bới, lăng mạ, đe dọa chị H với mục đích làm nhục chị H.
Được biết, vào tháng 9/2011, Nguyễn Văn Thiện đã bị Tòa án nhân dân thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh xử phạt 10 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách 20 tháng và phạt bổ sung số tiền 5 triệu đồng. Bị cáo đã chấp hành xong toàn bộ bản án vào ngày 20/12/2016.
Làm rõ trách nhiệm các bên liên quan trong vụ phụ huynh vào lớp học đánh bé mầm non
Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Lào Cai (tỉnh Lào Cai) cho biết: Đơn vị đã chỉ đạo Trường Mầm non Trumpkids, phường Cốc Lếu, thành phố Lào Cai giải trình và phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan trong vụ việc một phụ huynh vào lớp học đánh cháu bé hai tuổi.
Cụ thể, theo báo cáo của Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Lào Cai, vào lúc 16 giờ 16 phút, ngày 30/9 năm 2020, trong giờ trả trẻ tại lớp nhà trẻ 24-36 tháng D2, hai bé Phạm Trương Bảo An và bé Hoàng Cát Tiên 2 tuổi trong lúc đang chơi có tranh giành đồ chơi với nhau. Bé Phạm Bảo An có cắn vào tay trái bé Hoàng Cát Tiên. Khi bị cắn, bé Hoàng Cát Tiên khóc.
Cô giáo chủ nhiệm đã vào ngăn hai bé. Đúng lúc đó, bố bé Hoàng Cát Tiên là ông Hoàng Văn Hùng đến đón con, khi thấy con khóc, bố có hỏi giáo viên phụ trách lớp nguyên do. Giáo viên giải thích là hai bạn chơi đồ chơi và giằng nhau thì ông Hoàng Văn Hùng có nói những lời không hay với bé Phạm Bảo An, đồng thời, có những hành động không đúng như: Đánh, giật tóc, phát vào đùi bé, sau đó bắt bé xin lỗi và ông Hùng đón con ra về.
Khi ông ngoại bé Phạm Bảo An đến đón, giáo viên chủ nhiệm có trao đổi với ông và gọi điện trao đổi tình hình với mẹ bé Phạm Bảo An. Sau khi xảy ra sự việc, giáo viên chủ nhiệm báo cáo tình hình với Ban giám hiệu và đến viện thăm bé Phạm Bảo An. Gia đình bé Phạm Bảo An đã báo cáo vụ việc với Công an phường Cốc Lếu và Công an thành phố Lào Cai. Cô giáo Nguyễn Thị Huệ, Phó Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Lào Cai cho biết, ngay sau khi xảy ra sự việc, phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Lào Cai và UBND phường Cốc Lếu đã yêu cầu Trường Mầm non Trumpkids báo cáo tường trình sự việc, tổ chức thăm bé Phạm Bảo An, đồng thời yêu cầu nhà trường kiểm điểm, xử lý đối với các giáo viên tại lớp D2.