10 cách kỷ luật trẻ mới biết đi

Nuôi dạy con hiệu quả đòi hỏi phải có kỷ luật, ngay cả với trẻ mới biết đi. Trang Parents đưa ra 10 lời khuyên giúp bạn dạy dỗ con có hiệu quả, tránh đòn roi.

1. Đừng đánh đòn: Dù có lúc bực bội và muốn trừng phạt con về mặt thể chất, hãy nhớ rằng bạn là người lớn và cần kiểm soát cảm xúc. Các nghiên cứu đã chứng minh rằng đòn roi và các hình thức phạt thể xác khác gây ra hậu quả tiêu cực lâu dài cho trẻ em, thậm chí ảnh hưởng đến não bộ, khiến chúng "luôn luôn cảm thấy bị đe dọa". Vì vậy, thay vì đánh đòn hay la hét, bạn hãy tạm dừng khi con có hành vi xấu, hít thở sâu và tìm cách khác để tiếp cận.

2. Giữ bình tĩnh trước "chiến thuật" của con: Nếu bạn nói "không" 20 lần/ngày, từ này sẽ mất đi hiệu lực. Thay vào đó, cha mẹ nên phân loại hành vi xấu của trẻ theo 3 mức độ nghiêm trọng - cao, trung bình, thấp - và tập trung xử lý những hành vi tệ nhất. Với những lỗi nhỏ (la hét), đôi khi bỏ qua lại hiệu quả hơn. Trẻ sẽ dần ngưng vì thấy không còn kích thích sự chú ý của bạn. Điều quan trọng là đừng "dỗ dành" những hành vi xấu bằng sự quan tâm của bạn.

3. Ngăn chặn trước khi bùng nổ: Một số hành vi không mong muốn của trẻ hoàn toàn có thể ngăn chặn được, miễn là bạn dự đoán được nguyên nhân và chủ động phòng ngừa. Chẳng hạn, bạn cất món đồ trang sức đắt tiền khỏi bàn trang điểm, trẻ sẽ giảm bớt cám dỗ nghịch ngợm. Tương tự, đi ăn nhà hàng sớm, bạn sẽ tránh cảnh phải chờ bàn hay đợi món ăn lâu - thứ làm tăng nguy cơ trẻ bực bội và quấy khóc.

4. Nói ngắn gọn và dứt khoát: GS Nhi khoa William Coleman, Đại học Y Bắc Carolina, cho biết nói quá nhiều hay quá cảm xúc đều không hiệu quả trong quá trình dạy dỗ. Bên cạnh đó, bé 18 tháng tuổi chưa đủ khả năng nhận thức để hiểu câu phức tạp, còn bé 2-3 tuổi dù đã phát triển ngôn ngữ hơn cũng chưa thể tập trung lắng nghe lâu. Vì vậy, cha mẹ nên nói ngắn gọn, hướng dẫn đơn giản và tránh giải thích dài dòng.

5. Kiên định, nhất quán: Hãy đặt ra các quy tắc và kỳ vọng rõ ràng, nhất quán để trẻ biết điều gì nên và không nên làm. Không có mốc thời gian cụ thể nào xác định bao nhiêu lần nhắc nhở hay răn đe sẽ cần thiết để trẻ ngừng một hành vi không mong muốn. Nhưng nếu bạn luôn xử lý tình huống một cách nhất quán, trẻ sẽ rút ra bài học sau vài lần. Tùy theo cá tính, một số trẻ có thể cần nhắc nhở và hướng dẫn nhiều hơn, nhưng cuối cùng hành vi không mong muốn sẽ dần biến mất.

6. Làm phân tâm và hướng dẫn lại: Bố mẹ thường xuyên phải dỗ dành và chuyển hướng chú ý của trẻ mới biết đi, nhưng điều quan trọng nhất là kiên trì. Ngay cả khi con tháo tung cuộn giấy vệ sinh lần thứ 10 trong một ngày, bạn hãy bình tĩnh bế con ra khỏi nhà tắm và đóng cửa lại. Dần dần, trẻ sẽ quên chuyện đó.

7. Dạy con về hậu quả: Để con phát triển, việc giúp chúng hiểu mối liên hệ giữa hành động và kết quả (nguyên nhân - kết quả) là rất quan trọng. Ví dụ, nếu con la hét đòi tự chọn đồ ngủ (mất cả giờ), phụ huynh hãy mạnh dạn bỏ qua việc đọc truyện cho con trước khi ngủ. Trong trường hợp này, nguyên nhân là việc chọn đồ ngủ kéo dài, và kết quả là không có thời gian đọc truyện. Con sẽ rút ra bài học và lần sau sẽ chọn đồ ngủ nhanh hơn.

8. Kiên định, tránh chiều hư: Ai cũng muốn con cái vui vẻ nhưng trong quá trình dạy dỗ trẻ mới biết đi, đôi khi cha mẹ cần kiên định, tránh chiều hư ngay cả khi gặp phải phản ứng tiêu cực. Ví dụ, khi con khóc lóc, nhất quyết đòi mua loại kẹo chứa đầy đường hóa học, cha mẹ cần giữ vững lập trường. Nếu nhượng bộ sau những lần mè nheo, trẻ sẽ nghĩ đó là cách hiệu quả để đạt được điều chúng muốn. Về lâu dài, điều này sẽ khiến việc dạy dỗ trở nên khó khăn hơn và gây ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của trẻ.

9. Cho con quyền lựa chọn: Phụ huynh hãy thường xuyên cho con lựa chọn, điều này giúp chúng cảm thấy có tiếng nói và tự lập hơn. Tuy nhiên, bạn nhớ giới hạn số lựa chọn (ban đầu chỉ nên 2) và đảm bảo các lựa chọn đều phù hợp và tích cực.

10. Khen ngợi khi con ngoan: Khi con bạn ngoan ngoãn, hãy khen ngợi chúng. Điều này sẽ khiến trẻ vui vẻ, cảm nhận được sự công nhận và có xu hướng lặp lại hành vi tốt trong tương lai. Ngược lại, nếu chỉ chú ý đến những hành động xấu, con có thể cố gắng làm điều gì đó để thu hút sự chú ý của bạn theo cách tiêu cực. Vì vậy, cha mẹ hãy nhớ khen ngợi cả nỗ lực của con, ngay cả khi kết quả chưa hoàn hảo.

Ngọc Bích

Ảnh: Pexels

Nguồn Znews: https://znews.vn/10-cach-ky-luat-tre-moi-biet-di-post1454270.html