Cứu sống nhiều người bệnh ngừng tim nhờ kỹ thuật hiện đại
Nhiều bệnh nhân tim mạch đã được cứu sống nhờ kỹ thuật điều trị tim hiện đại, hiệu quả tại Bệnh viện 19-8.
TS.Dương Hồng Niên, Trưởng Khoa Nội Tim mạch, Bệnh viện 19-8 cho biết, theo xu thế chung, tỷ lệ người mắc bệnh lý tim mạch đến khám và điều trị tại Bệnh viện 19-8 ngày càng tăng; đặc biệt, bệnh nhân trẻ mắc các bệnh lý về tim mạch tăng so với trước.
Hằng ngay, khu vực phòng khám tiếp nhận 200-300 bệnh nhân đến khám với nhiều bệnh khác nhau, trong đó chủ yếu là tăng huyết áp, hội chứng mạch vành cấp và mãn tính, nhồi máu cơ tim cấp…
“Chúng tôi thường xuyên phải cấp cứu bệnh nhân nhồi máu cơ tim trong đêm và rất nhiều người được cứu sống. Khoa có 50 giường nhưng lúc nào cũng chật kín bệnh nhân”, TS.Niên cho biết.
Nhập viện trong tình trạng đau thắt ngực, ông Nguyễn Đăng Khang (61 tuổi, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) được đưa đến cấp cứu tại Bệnh viện 19-8.
Ông được chuyển đến Khoa Nội tim mạch và được chẩn đoán bị nhồi máu cơ tim cấp, ngay trong đêm bác sĩ chỉ định đặt sten mạch vành để cứu tính mạng cho bệnh nhân.
Vào viện cấp cứu trong tình trạng bị ngừng tim, ông Phạm Văn Vũ (50 tuổi) được chẩn đoán bị nhồi máu cơ tim. Các bác sĩ đã lập tức bật báo động đỏ, tiến hành hồi sức tim mạch, đặt 2 stent. Sau 5 ngày điều trị, bệnh nhân được ra viện, tiếp tục tái khám theo hẹn.
Theo PGS-TS.Hoàng Thanh Tuyền, Giám đốc Bệnh viện 19-8, Khoa Nội tim mạch của bệnh viện hiện đã thực hiện được các kỹ thuật cao trong chuyên ngành, nhờ đó cứu sống được nhiều người bệnh đang nguy kịch.
Bệnh viện đã cập nhật các kỹ thuật cao hàng đầu từ các trung tâm tim mạch lớn tại Việt Nam và thế giới như đốt RS điều trị rối loạn nhịp tim, lập bản đồ 3D điều trị rối loạn nhịp phức tạp với độ chính xác cao…
Năm 2024, Bệnh viện triển khai kỹ thuật đặt stent graft động mạch chủ cấp, một phương pháp can thiệp hiện đại giúp điều trị hiệu quả các bệnh lý phình động mạch chủ, một bệnh lý rất nguy hiểm. Nhờ triển khai các kỹ thuật cao này, rất nhiều trường hợp bị ngừng tim đã được cứu sống.
Gần đây nhất, các bác sỹ đã cứu sống một bệnh nhân người nước ngoài đang học tập tại Việt Nam. “Khi tới viện, nhịp tim bệnh nhân chỉ còn 40-50 nhịp/phút (người bình thường là 80 nhịp/phút), gần như mất tri giác.
Sau khi hồi sức tim mạch, bệnh nhân được đẩy vào phòng can thiệp. Các bác sỹ tìm nguyên nhân và xác định bệnh nhân bị rối loạn dẫn truyền, liền tiến hành đặt máy tạo nhịp. Sau khi can thiệp, sức khỏe người bệnh tiến triển rất tốt. Hiện bệnh nhân đã xuất viện, trở về cuộc sống bình thường.
ThS.BS Phan Định Nghĩa, Phó trưởng Khoa Nội Tim mạch, Bệnh viện 19-8 chia sẻ, nguyên nhân khiến nhiều người trẻ mắc căn bệnh này là do hút thuốc lá, lạm dụng rượu bia, chế độ ăn uống không lành mạnh, thừa cân - béo phì, căng thẳng, stress kéo dài…
Tuy nhiên, cũng có trường hợp người trẻ không có bệnh lý nền, nhưng vẫn bị nhồi máu cơ tim như trường hợp nam bệnh nhân 24 tuổi (Hà Giang).
Gia đình bệnh nhân không có tiền sử mắc bệnh tim mạch, bệnh nhân không có bệnh lý nền nhưng xuất hiện những cơn đau ngực trái điển hình.
Hình ảnh chụp cho thấy tắc hoàn toàn nhánh động mạch trước. Bệnh nhân được chẩn đoán nhồi máu cơ tim cấp, có nguy cơ ngừng tim. Rất may mắn, sau khi được bác sĩ can thiệp, bệnh nhân đã được cứu sống.
Theo Nghĩa, nhiều người trẻ bị tăng huyết áp nhưng không biết, đến khám khi thấy mệt mỏi, đau đầu kéo dài. Có người còn rất trẻ vào cấp cứu với chỉ số huyết áp 170mm/Hg-180mm/Hg, trước đó do chủ quan chỉ nghĩ cơ thể mệt mỏi nên không đi khám.
Tăng huyết áp ở người trẻ thường hay gặp do một số bệnh lý: U tuyến thượng thận, hẹp động mạch thận, viêm cầu thận, tuyến giáp (cường giáp) hoặc dùng một số loại thuốc cortisol.
Đây là những nguyên nhân gây tăng huyết áp ở người trẻ, nếu tìm được nguyên nhân và điều trị, huyết áp sẽ trở về bình thường và không phải điều trị thuốc tăng huyết áp. Nhưng nếu tăng huyết áp không có nguyên nhân thì phải điều trị thuốc huyết áp suốt đời.
Bác sỹ khuyến cáo người dân phải khám sức khỏe định kỳ, khi có biểu hiện đau ngực, đau đầu bất thường cần đến cơ sở y tế thăm khám để bác sĩ tư vấn và điều trị.
Bệnh tim mạch là một trong các nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới, cũng như tại Việt Nam; chiếm khoảng 17.9 triệu ca tử vong mỗi năm, tương đương 32% tổng số tử vong trên thế giới.
Theo số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới năm 2019, tử vong do bệnh tim mạch chiếm tới 39,5%, trong đó đứng đầu là bệnh mạch máu não (55,4%) và bệnh mạch vành (32%). Những bệnh lý này gây nên những gánh nặng về sức khỏe, chất lượng cuộc sống và chi phí điều trị cho người bệnh cũng như người chăm sóc.
Tại Việt Nam, xu hướng tử vong do bệnh tim mạch đang ngày càng tăng, tử vong do tim mạch hơn cả tử vong do ung thư, COPD và đái tháo đường cộng lại
Tại nước ta, mỗi năm có khoảng 200.000 người tử vong vì bệnh tim mạch, chiếm 33% ca tử vong. Trong đó tử vong do bệnh mạch máu não chiếm tỷ lệ lớn nhất, với tỷ suất tử vong tăng từ 127,3/100.000 dân (năm 2000) lên 164,9/100.000 dân hiện nay.
Bên cạnh bệnh tim mạch, bệnh thận mạn tính là một bệnh không lây nhiễm thường gây ra bởi đái tháo đường và tăng huyết áp đồng thời là một vấn đề sức khỏe cộng đồng nghiêm trọng.
Tử vong do bệnh thận mạn tính đã gây ra 4,6% tử vong trên toàn cầu và nguyên nhân tử vong đứng hàng thứ 12 vào năm 2017. Tại Việt Nam, có hơn >8,7 triệu người trưởng thành mắc bệnh thận mạn tính, chiếm 12,8% dân số.
Việt Nam hiện có hơn 400 đơn vị chạy thận nhân tạo và cung cấp dịch vụ lọc máu cho khoảng 30.000 bệnh nhân mắc bệnh thận giai đoạn cuối mỗi năm, tuy nhiên mới chỉ đáp ứng được 30% nhu cầu của bệnh nhân cần lọc máu trên cả nước.
Theo báo cáo của Bảo hiểm Y tế Việt Nam năm 2022, chi phí thanh toán cho chạy thận nhân tạo hiện đang đứng đầu danh sách chi trả, ước tính lên tới hơn 4.000 tỷ.
Vì vậy, việc chẩn đoán và điều trị sớm bệnh thận mạn tính, cũng như làm chậm quá trình suy giảm chức năng thận, điều trị thay thế thận sẽ đem đến đến những lợi ích đáng kể và lâu dài về kinh tế đồng thời làm giảm gánh nặng cho ngành y tế.
Tuy nhiên, tỷ lệ bỏ sót chẩn đoán bệnh thận mạn tính hiện nay còn rất cao, đặc biệt ở giai đoạn sớm do các triệu chứng của bệnh không điển hình, chỉ có khoảng 4,5-15,5% bệnh nhân bệnh thận mạn giai đoạn 3 được chẩn đoán, trong đó, tỷ lệ bỏ sót chẩn đoán trên một số đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh thận mạn như tăng huyết áp, đái tháo đường hiện vẫn còn cao, lần lượt là 68,4% và 51,7%(10).