10 cảnh phim ấn tượng không cần đến hiệu ứng kỹ xảo
Không ai có thể phủ nhận sự hiệu quả của công nghệ CGI trong lĩnh vực điện ảnh. Song, nhiều đoàn làm phim vẫn tạo ra hiệu ứng xuất sắc dù theo đuổi các biện pháp thực tiễn.
Chuyến phiêu lưu dưới nước trong Mary Poppins Returns (2018): Nối tiếp tựa phim gốc năm 1964, bộ phim ca vũ nhạc kể về cuộc tái ngộ của cô bảo mẫu màu nhiệm với gia đình Banks. Khoảnh khắc đầu tiên khán giả bị Mary Poppins (Emily Blunt) cuốn hút là khi cô chuẩn bị bồn tắm cho ba đứa trẻ với lời hứa sẽ đưa chúng đi phiêu lưu dưới nước. Tất cả lần lượt thả mình vào bồn để đến với thế giới diệu kỳ của cô bảo mẫu. Không dễ để thực hiện cảnh du hành mà không có CGI, nhưng đoàn phim đã dựng một cầu trượt nối từ đáy bồn tắm trong phim trường để các diễn viên có thể đáp xuống an toàn.
Chiếc bánh của Rey trong Star Wars: The Force Awakens (2015): Một cảnh quay giúp khán giả làm quen với nhân vật Rey (Daisy Ridley) là khi cô “nấu" một chiếc bánh ăn liền. Đả nữ hòa bột vào nước và chỉ vài giây sau thì trong bát nở ra chiếc bánh hoàn chỉnh. Đội ngũ kỹ thuật mất khoảng ba tháng để hoàn thiện công thức bột bánh. Tuy mùi vị của nó rất kinh khủng, nhưng hiệu quả là những gì khán giả trông thấy mà không cần đến sự can thiệp của CGI.
Cây đàn của Doof Warrior trong Mad Max: Fury Road (2015): Là dự án thuộc hàng “ngầu" nhất Hollywood trong thế kỷ XXI, phần bốn loạt Mad Max tiếp tục lấy bối cảnh hậu tận thế với tiêu chí càng dùng ít kỹ xảo càng tốt. Tuy vậy, khán giả vẫn ngờ ngợ rằng cảnh Doof Warrior (iOTA) chơi cây đàn phun ra lửa trên nóc xe là sản phẩm của kỹ xảo. Thực chất, đó là sự phối hợp giữa iOTA với ê-kíp. Đoàn phim chế tạo ra cây guitar chơi được nhạc, đồng thời cũng là súng phun lửa. Nhạc sĩ iOTA phải mất 6 tuần để làm quen với đạo cụ trước khi hóa thân thành nhân vật. Khi quay, anh bị bịt mắt, đứng chơi đàn với hệ thống dây bungee buộc quanh người.
Trận chiến của Arthur trong Inception (2010): Nhờ kinh nghiệm từ việc sản xuất hai phần đầu trong bộ ba phim Dark Knight về Người Dơi, đạo diễn Christopher Nolan mới có thể thực hiện những trường đoạn đầy tham vọng cho Inception. Đáng nhớ nhất phải kể đến đoạn phim ở tầng thứ hai của giấc mơ khi Arthur (Joseph Gordon-Levitt) phải chiến đấu với nhiều ảnh chiếu. Trên tầng đầu tiên, chiếc ôtô va chạm với thành cầu chuẩn bị rơi xuống nước, nên tầng hai theo đó mất trọng lực. Mọi thứ cứ thế lơ lửng, xoay tròn theo vụ tai nạn. Hành lang nơi trận chiến diễn ra là phim trường khổng lồ với cơ chế xoay được xây dựng đặc biệt. Nam diễn viên Joseph Gordon-Levitt đã được huấn luyện kỹ năng chạy với dây cáp bảo hộ và ghi nhớ cách bố trí của trường quay.
Nhiều cảnh quay trong The Dark Knight (2008): Bom tấn của Christopher Nolan đầy ắp những phân cảnh không dùng CGI mà khán giả có thể không nhận ra: từ chiếc xe tải của Joker (Heath Ledger) bị lật, các thiết bị Tumbler hay Batpod của Batman (Christian Bale), cho đến vụ nổ khiến Rachel (Maggie Gyllenhaal) thiệt mạng hay phá tan bệnh viện nơi Harvey Dent (Aaron Eckhart) đang điều trị. Bên cạnh đó, còn có khoảnh khắc Batman tới Hong Kong và thả mình xuống từ tòa nhà cao thứ hai khu vực là tháp hai của IFC để bắt cóc tay kế toán tham ô Lau (Hoàng Kinh Hán). Trước đó, Christian Bale tự thực hiện cảnh Batman đứng trên rìa tòa nhà để quan sát xứ Cảng Thơm.
Kích thước khổng lồ của Will Ferrell trong Elf (2003): Kỹ thuật sắp đặt phối cảnh được áp dụng trong rất nhiều dự án, đơn cử như những phân đoạn ở làng Shire trong Lord of The Rings khi người Hobbit phải trông nhỏ bé hơn Gandalf rất nhiều. Tựa phim Giáng Sinh Elf của Will Ferrell cũng vậy, mà tiêu biểu nhất là cảnh Buddy Hobbs đến trường. Phối cảnh được sắp xếp sao cho nhân vật trông to lớn vượt trội so với bạn cùng lớp. Đoàn phim đã dựng một bệ lớn bằng gỗ để Ferrell đứng lên, rồi ghi hình ở những góc khác nhau để bạn diễn của danh hài trông bé hẳn đi.
Màn trổ tài của Peter Parker trong Spider-Man (2002): Là một chàng trai xui xẻo, hậu đậu, Peter Parker (Tobey Maguire) hoàn toàn biến đổi khi bị nhện cắn, dần trở thành Người Nhện. Khi Mary Jane (Kirsten Dunst) trượt chân, hất tung khay đồ ăn trưa, Peter lập tức đỡ lấy cô, đồng thời hứng toàn bộ đồ ăn vào khay. Tưởng chừng bất khả thi nếu không có công nghệ hàng đầu, giải pháp ghi hình hóa ra rất đơn giản. Một loại keo đặc biệt được phết lên để đạo cụ giữ nguyên vị trí khi rơi vào khay. Song, cũng phải mất 156 đúp quay thì Tobey Maguire mới làm đúng được như ý đồ đạo diễn.
Trận đọ súng ác liệt trong The Matrix (1999): Một trường đoạn đáng nhớ của Ma trận là khi Neo (Keanu Reeves) cùng Trinity (Carrie-Anne Moss) đi qua hành lang và bị phục kích. Màn đọ súng xảy ra, hai nhân vật thi triển hết cỡ khả năng chiến đấu và tòa nhà như tan thành từng mảnh vì đạn bắn. CGI tưởng chừng là phương án hiển nhiên, nhưng phân đoạn này thực tế không cần kỹ xảo điện ảnh. Tất cả được thực hiện trong vòng 10 ngày bằng các giải pháp thực tế, diễn viên đóng thế được đào tạo bài bản, kỹ thuật ghi hình khéo léo và đạo cụ chi tiết.
Cú ném bóng rổ trong Alien Resurrection (1997): Ở phần bốn của loạt Alien, nhiều tình tiết khiến khán giả bối rối, trong đó có phiên bản biến đổi gene của nhân vật chính Ellen Ripley (Sigourney Weaver). Mang một phần ADN của quái vật Xenomorph, máu acid và phản xạ cực nhanh, Ripley nhanh chóng gây ấn tượng bằng màn ném bóng trúng rổ mà không cần nhìn mục tiêu. Trên thực tế, minh tinh Sigourney Weaver chỉ diễn năm lần là hoàn thành phân đoạn mà không cần nhờ đến kỹ xảo điện ảnh.
Nhà Trắng nổ tung trong Independence Day (1996): Sử dụng nhiều trường quay và đạo cụ hoành tráng, cũng như công nghệ điện ảnh tân tiến nhất thời bấy giờ, đoàn phim Ngày độc lập tạo ra hàng loạt phân đoạn hành động ấn tượng, như lúc các con tàu không gian cùng đếm ngược đến lúc chúng chiếu tia làm nổ tung các địa điểm nổi tiếng trên thế giới. Riêng cảnh Nhà Trắng tại Mỹ tan tành lại được quay trực tiếp. Đội ngũ hiệu ứng đặc biệt đã dựng một bản sao thu nhỏ của Nhà Trắng với nhiều chi tiết trông như thật, rồi lắp đặt thiết bị nổ cỡ nhỏ bên trong và quay chậm khi nhấn nút phát nổ để tăng tính chân thực.