10 công trình vĩ đại của người La Mã khiến hậu thế trầm trồ
Một số lượng lớn những công trình kiến trúc vĩ đại của người La Mã vẫn còn tồn tại cho tới ngày nay khiến chúng ta kinh ngạc về sự sáng tạo thiên tài của họ…
Người La Mã đã không xây dựng được đế chế lớn nhất trong lịch sử cổ đại như đế chế của Thành Cát Tư Hãn nhưng họ đã để lại một đế chế lâu dài, có tầm ảnh hưởng nhất với những công trình vĩ đại còn tồn tại cho tới ngày nay.
Người La Mã có niềm đam mê đặc biệt với kiến trúc quá khổ bởi sự đồ sộ và to lớn sẽ giúp cho những công trình ấy tồn tại mãi với thời gian. Từ một vùng cát ở châu Phi cho tới những vùng đất ẩm ướt nhất ở biên giới Scotland đều có những “dấu chân” của người La Mã cổ đại.
Đấu trường La Mã
Khi nói tới các công trình kiến trúc La Mã bậc nhất thì không thể bỏ qua đấu trường La Mã, một kỳ quan trường tồn tại Roma, Ý. Với sức chứa tối đa 80.000 chỗ ngồi, đây là một trong những công trình cổ đại lớn nhất từng được xây dựng trên thế giới.
Đấu trường La Mã được xây dựng vào khoảng năm 70-80 sau công nguyên, dưới thời hoàng đế Vespasian, được sử dụng với mục đích thể thao và giải trí với các trò chơi đấu sĩ diễn ra nhiều ngày liền.
Hiện nay, đấu trường La Mã là một trong những địa điểm hút khách du lịch tại Ý. Những du khách tới tham quan sẽ phải đến từ rất sớm để có thể xếp hàng và chờ đợi tham quan đấu trường cổ đại lớn nhất thế giới.
Pompeii và Herculaneum
Một vụ phun trào của núi Vesuvius cách đây hơn 2.000 năm đã chôn vùi hai thành phố Pompeii và Herculaneum trong lớp dung nham siêu nóng cao tới 6m chỉ trong hai ngày.
Rất nhiều những bộ phim thảm họa đã lấy ý tưởng từ thảm kịch phun trào này. Các nhà khảo cổ đã ước tính rằng hơn 1.000 cư dân La Mã cổ đại không chạy thoát được đã bị thiêu rụi.
Mặc dù địa điểm đặc biệt này đã từng bị lãng quên trong hơn 1.000 năm nhưng hai thành phố trên đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới và tới thời điểm hiện tại nơi này đón hơn 2.5 triệu du khách mỗi năm.
Cây cầu Pont du Gard
Cây cầu Pont du Gard là một công trình được thiết kế độc đáo với 3 tầng rõ rệt nằm trên sông Gardon, nước Pháp. Cây cầu dẫn nước này không chỉ đẹp đến nghẹt thở mà còn là một ví dụ đáng kinh ngạc về sự tỉ mỉ của kỹ thuật và toán học thời La Mã.
Cây cầu được xây dựng để làm một hệ thống dẫn nước của người La Mã. Từ 2.000 năm trước, người La Mã đã có nước máy để sinh hoạt và có cả đài phun nước trong khi hầu hết thế giới phương Tây vẫn sinh hoạt dựa vào nước giếng.
Kiến trúc hình vòm không chỉ khiến cây cầu đẹp tuyệt vời mà những viên đá xây cầu còn được cắt chính xác đến mức thậm chí không cần sử dụng vữa để giữ chúng lại với nhau.
Thành phố cổ đại Lepcis Magna
Nghe có vẻ giống tên khoa học của một loài động vật quý hiếm, nhưng Lepcis Magna là một thành phố La Mã cổ đại có bến cảng được bảo tồn tốt nhất cho đến ngày nay.
Từng là một thành phố thịnh vượng và hưng thịnh nhờ hoạt động thương mại ở bờ biển phía bắc châu Phi, Lepcis Magna đã dần dần bị cát sa mạc nuốt chửng sau khi đế chế La Mã sụp đổ.
Trong 1.500 năm trở lại đây, thành phố này dường như không bị xáo trộn, những hàng cột khổng lồ, những công trình vĩ đại nhìn ra biển và nhiều tác phẩm điêu khắc vẫn còn tồn tại gần như nguyên vẹn.
Đền Pantheon
Ngôi đền Pantheon là một niềm tự hào của người La Mã cổ đại. Được xây dựng cách đây hơn 2.000 năm, Pantheon là ngôi đền có mái vòm bê tông không cốt thép lớn nhất thế giới với đường kính mái vòm lên tới 43m.
Trần của ngôi đền mang lại cảm giác về mặt thẩm mỹ khiến người tham quan đều phải ngước nhìn với những ô vuông độc đáo và một lỗ tròn trên đỉnh để ánh sáng mặt trời chiếu vào.
Đồi Palatine
Roma được mệnh danh là thành phố của bảy ngọn đồi nhưng có một ngọn đồi rất đặc biệt là đồi Palatine.
Địa điểm có nguồn gốc từ thời tiền sử này là điểm đến ưu tiên của các chính trị gia hàng đầu trong đế chế La Mã cổ đại. Dưới thời hoàng đế Augustus cầm quyền, ngọn đồi Palatine là một địa điểm vô cùng tâm linh.
Những mái vòm, cột trụ và bức tường chắn cao chót vót đã tạo nên một khung cảnh ngoạn mục vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay.
Cổng thành cổ Porta Nigra
Trong suốt chặng đường lịch sử dài của La Mã cổ đại, Đức là đất nước cuối cùng mà chỉ những vị hoàng đế La Mã dũng cảm nhất mới dám đặt chân tới. Porta Nigra đã trở thành điểm đến không thể bỏ lỡ với những ai đam mê khám phá lịch sử của đế chế La Mã.
Được mệnh danh là cửa khẩu khổng lồ của nước Đức, cổng thành cổ Porta Nigra là một trong những địa điểm tham quan nổi tiếng tại thành phố Trier, Đức. Cổng thành đặc biệt này được xây dựng từ đá sa thạch xám, điểm đặc biệt là thiết kế hai tòa tháp song song và được nối với nhau.
Pháo đài Vindolanda
Vindolanda là một pháo đài phụ trợ của La Mã, nằm ngay phía nam của bức tường Hadrian, miền bắc nước Anh. Điểm đặc biệt tại nơi đây là bộ sưu tập các ghi chú bằng gỗ được bảo quản trên nền đất ngập nước với tên gọi “những tấm bảng Vindolanda”.
Các ghi chú từ thời La Mã này bao gồm các tài liệu quản trị quân sự, những lời chửi bới hay những bức thư tình, thậm chí là cả lời mời dự tiệc từ vợ của một chiến sĩ thời La Mã.
Vindolanda còn sở hữu một bộ sưu tập khổng lồ gồm dép, đồ da, vải và thậm chí cả tóc giả được bảo quản một cách kì diệu từ gần 2.000 năm trước cho đến nay.
Di tích Aphrodisia
Di tích cổ đại Aphrodisia được đặt theo tên của nữ thần tình yêu Aphrodite trong thần thoại Hy Lạp. Là di sản thế giới được UNESCO công nhận từ năm 2017, phần lớn di tích Aphrodisia đã bị bỏ hoang sau một trận động đất, vì vậy mà nó đã không bị ảnh hưởng bởi con người trong suốt 1.500 năm.
Những di tích nguyên vẹn nhất cho tới ngày nay bao gồm các cột cao chót vót và các ghế ngồi bằng đá cẩm thạch dành cho các cuộc họp chính trị thời cổ đại.
Bên cạnh đó, du khách còn được khám phá một tòa thành rộng lớn nhiều tầng, khán phòng nhà hát và nhà tắm cổ đại giữa những tác phẩm điêu khắc và những hàng cây xanh mát.
Nhà tắm Caracalla
Nhà tắm Caracalla là một trong những tàn tích của người La Mã và là một khu phức hợp nhà tắm công cộng khổng lồ được xây dựng với quy mô đáng kinh ngạc từ khoảng 5 triệu tấn đá.
Nhà tắm đặc biệt này được xây dựng với hệ thống sưởi dưới sàn đốt bằng lò nung và các cống dẫn nước chuyên dụng có thể phục vụ cho 8.000 người La Mã tắm mỗi ngày trong vòng suốt 3 thế kỷ.
Mặc dù hiện tại nơi này đã bị hủy hoại và cô lập khỏi dịch vụ du lịch nhưng bằng một cách thần kỳ nào đó Caracalla đã tạo nên một tiếng vang lớn như một lời nhắc nhở sâu sắc về sự vĩ đại của đế chế La Mã.