10 cựu lãnh đạo Lầu Năm Góc: Quân đội đứng ngoài cuộc bầu cử
10 cựu bộ trưởng quốc phòng Mỹ kêu gọi quân đội nước này không nên can dự vào quá trình chuyển giao quyền lực tại Nhà Trắng.
Theo tờ The Hill, 10 cựu bộ trưởng quốc phòng Mỹ ngày 3-1 đã kêu gọi quân đội nước này không nên can dự vào quá trình chuyển giao quyền lực tại Nhà Trắng.
Trong bài xã luận đăng trên tờ The Washington Post hôm 3-1, 10 cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter, Leon Panetta, William Perry, Dick Cheney, William Cohen, Robert Gates, Chuck Hagel, Donald Rumsfield, James Mattis và Mark Esper cho rằng cuộc bầu cử đã kết thúc và kêu gọi Lầu Năm Góc cam kết đảm bảo quá trình chuyển giao quyền lực tổng thống diễn ra trong hòa bình.
“Với tư cách cựu bộ trưởng quốc phòng, chúng tôi có chung quan điểm về các nghĩa vụ thiêng liêng của lực lượng vũ trang Mỹ và Bộ Quốc phòng. Mỗi người chúng tôi tuyên thệ ủng hộ và bảo vệ Hiến pháp, chống lại mọi kẻ thù, trong và ngoài nước. Chúng tôi không tuyên thệ bảo vệ một cá nhân hay một đảng phái nào” – 10 cựu bộ trưởng nêu quan điểm.
“Những nỗ lực nhằm đưa lực lượng vũ trang Mỹ can dự vào việc giải quyết các tranh chấp bầu cử sẽ đẩy chúng ta vào tình thế nguy hiểm, bất hợp pháp và vi hiến” – nhóm cựu bộ trưởng cho biết, đồng thời cảnh báo “các quan chức dân sự và quân sự chỉ đạo hoặc thực hiện các biện pháp như vậy sẽ phải chịu trách nhiệm, bao gồm cả khả năng phải đối mặt với tội hình sự”.
Nhóm cựu bộ trưởng quốc phòng kêu gọi quyền Bộ trưởng Quốc phòng Christopher Miller và tất cả quan chức Lầu Năm Góc cần “tuân theo lời thề, luật pháp và tiền lệ nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc lên nắm quyền của chính quyền sắp tới”, cũng như “phải kiềm chế mọi hành động chính trị, phá hoại kết quả cuộc bầu cử hoặc cản trở sự thành công của đội ngũ mới”.
“Chúng tôi kêu gọi họ, bằng những lời kêu gọi mạnh mẽ nhất, hãy làm như nhiều thế hệ người Mỹ đã làm trước đây. Hành động cuối cùng này phù hợp với truyền thống và tính chuyên nghiệp cao nhất của các lực lượng vũ trang Mỹ, cũng như lịch sử chuyển giao dân chủ ở đất nước vĩ đại của chúng ta” – The Hill dẫn lời nhóm cựu bộ trưởng kết thúc bài xã luận.
Theo tờ báo, bài xã luận của 10 cựu bộ trưởng quốc phòng được đưa ra trong bối cảnh nhóm 11 thượng nghị sĩ Cộng hòa do ông Ted Cruz dẫn đầu mới đây thông báo sẽ phản đối việc chứng nhận kết quả kiểm phiếu đại cử tri của một số bang tại phiên họp quốc hội vào ngày 6-1.
Giới quan sát cho rằng rất khó có khả năng phản đối được chấp nhận, vì Hạ viện hiện do đảng Dân chủ kiểm soát, trong khi không ít thượng nghị sĩ Cộng hòa cho rằng việc phản đối kết quả bầu cử sẽ tiếp tay gây cản trở quá trình chuyển giao quyền lực cũng như nền dân chủ.
Trước đó, Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden cùng nhóm chuyển giao quyền lực hôm 28-12 đã bày tỏ thất vọng đối với các quan chức Bộ Quốc phòng và Văn phòng Quản lý và Ngân sách Nhà Trắng khi từ chối tổ chức các cuộc gặp mặt và phản hồi thông tin theo yêu cầu.
"Theo quan điểm của tôi, đó là sự vô trách nhiệm" – ông Biden nói.
Ông Yohannes Abraham - người đứng đầu nhóm chuyển giao quyền lực của ông Biden - cho rằng sự thiếu hợp tác trong quá trình chuyển giao sẽ dẫn đến những hậu quả lớn vì chủ yếu liên quan tới an ninh quốc gia.
Trước cáo buộc trên, ông Miller cho biết Lầu Năm Góc đến nay đã thực hiện 164 cuộc phỏng vấn với hơn 400 quan chức, phản hồi 188 yêu cầu thông tin và cung cấp hơn 5.000 trang tài liệu.
“Lần nữa, tôi cam kết một quá trình chuyển giao đầy đủ và minh bạch – đây là những gì quốc gia chúng ta mong đợi và Bộ Quốc phòng sẽ thực hiện như mọi khi” – ông Miller khẳng định.