10 dấu ấn của Mặt trận Tổ quốc TP Hà Nội nhiệm kỳ 2019-2024
Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam TP Hà Nội vừa thông tin về 10 dấu ấn của MTTQ Việt Nam TP trong nhiệm kỳ 2019-2024.
Nhiệm kỳ 2019-2024, Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam các cấp TP Hà Nội đã bám sát hướng dẫn của Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam, chỉ đạo của Thành ủy và các nhiệm vụ chính trị của TP, phối hợp chặt chẽ với chính quyền và các tổ chức thành viên; chủ động xây dựng kế hoạch, kịp thời ứng phó những tình huống phát sinh, đột xuất; đẩy mạnh tuyên truyền vận động Nhân dân đoàn kết, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, cuộc vận động; tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh, góp phần phát triển KT-XH, bảo đảm AN-QP trên địa bàn Thủ đô.
Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội vừa thông tin về 10 dấu ấn của MTTQ Việt Nam TP trong nhiệm kỳ qua, đó là:
1. Tiếp tục đổi mới, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, vận động, nắm bắt dư luận Nhân dân, nâng cao chất lượng các hoạt động tuyên truyền của Mặt trận: Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, nắm tình hình Nhân dân; tuyên truyền sâu rộng Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, các chủ trương, giải pháp của T.Ư, TP và địa phương về thực hiện nhiệm vụ chính trị, đặc biệt, vận động Nhân dân phối hợp, đồng thuận trong công tác GPMB đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô; tăng số lượng phát hành Bản tin "Dân chủ và Đoàn kết" từ 2 tháng/1 số lên 1 tháng/1 số; nâng cao chất lượng các ấn phẩm tuyên truyền. Đồng thời, tổ chức các sự kiện kỷ niệm các ngày lễ lớn của Thủ đô, đất nước và Mặt trận: gặp mặt, tri ân chiến sỹ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ; chuỗi hoạt động kỷ niệm 90, 92 năm Ngày Truyền thống MTTQ Việt Nam; lần đầu tiên Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc được tổ chức ở cấp TP rất thành công với nhiều hoạt động sôi nổi, ấn tượng, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, lập kỷ lục về số người tham gia đồng diễn “Vũ điệu kết đoàn”.
2. Tham gia tổ chức thành công Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020-2025, cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 trên địa bàn TP: Mặc dù Đại hội Đảng các cấp và cuộc bầu cử diễn ra trong giai đoạn đại dịch Covid-19 bùng phát, song, với tinh thần vượt khó, trách nhiệm cao, MTTQ Việt Nam các cấp đã thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ, góp phần vào thành công của Đại hội Đảng và cuộc bầu cử. Cuộc bầu cử có tỷ lệ cử tri đi bầu đạt 99,13%; đã bầu được 29 đại biểu Quốc hội khóa XV, 95 đại biểu HĐND TP khóa XVI, 1.052 đại biểu HĐND cấp huyện, 10.565 đại biểu cấp xã.
3. Tập trung củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của MTTQ Việt Nam các cấp TP: (1) Chủ động, kịp thời, trách nhiệm, linh hoạt trong thực hiện nhiều việc mới, việc khó chưa có trong tiền lệ; Phương thức hoạt động của MTTQ Việt Nam các cấp được đổi mới mạnh mẽ thông qua ký kết các quy chế, chương trình phối hợp, phân công rõ trách nhiệm, rõ người, rõ việc; tổ chức nhiều hoạt động tạo mẫu lan tỏa xuống cơ sở, đảm bảo mọi hoạt động được triển khai kịp thời, xuyên suốt trong điều kiện dịch bùng phát; (2) Mở rộng thành viên Mặt trận các cấp (cấp TP kết nạp thêm 6 tổ chức thành viên, kiện toàn 45 vị ủy viên), phát huy vai trò của các Hội đồng tư vấn, đội ngũ nhân sỹ, trí thức, các chuyên gia, nhà khoa học, người có uy tín trong các hoạt động; (3) Triển khai Đề án Luân chuyển, điều động, chuyển đổi vị trí công tác cán bộ cơ quan Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội; (4) Tổ chức 3.119 lớp tập huấn, Hội thi Trưởng Ban Công tác Mặt trận giỏi, Hội thi thuyết trình nhằm nâng cao năng lực, kỹ năng của đội ngũ cán bộ Mặt trận các cấp; (5) Kịp thời ban hành Quy chế hoạt động mẫu và hướng dẫn Ủy ban MTTQ Việt Nam phường thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại 179 phường; (6) Chú trọng công tác thi đua khen thưởng, điều chỉnh, xác định tiêu chí đánh giá thi đua phù hợp với nhiệm vụ triển khai hàng năm, tổ chức Hội nghị Biểu dương cán bộ Mặt trận tiêu biểu TP Hà Nội giai đoạn 2019-2024.
4. Chung tay phòng, chống đại dịch Covid-19, để lại ấn tượng sâu sắc với Nhân dân: Tiếp nhận tổng số tiền và hàng hóa là 1.473,12 tỷ đồng ủng hộ công tác phòng chống dịch Covid-19; trên 14 tỷ đồng tiền mặt và các thiết bị học trực tuyến trị giá hàng chục tỷ đồng ủng hộ chương trình “Sóng và máy tính cho em”. Triển khai nhiều mô hình, cách làm mới, như: “Hà Nội chung tay hành động đẩy lùi Covid-19”, “Chợ 0 đồng”, “Gian hàng 0 đồng”, “Chuyến xe 0 đồng”, “Bếp ăn 0 đồng”, Mô hình hỗ trợ người nước ngoài gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19, “Đội xe đại đoàn kết”, “Tiếp sức mùa dịch”, “Chia sẻ yêu thương”; Kênh hỗ trợ lương thực, thực phẩm của MTTQ Việt Nam TP trên tổng đài 1022; Fanpage “Đoàn kết chống dịch”… Đã hỗ trợ kịp thời 159.366 đối tượng gặp khó khăn nhưng không đủ điều kiện hưởng theo chính sách của T.Ư, TP, trị giá 79,68 tỷ đồng.
5. Nâng cao hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động: (1) Đổi mới, linh hoạt các hình thức tổ chức phù hợp với tình hình thực tế, triển khai 2.500 mô hình tự quản, phát triển kinh tế thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Đến tháng 7/2024, 100% các xã, huyện đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó, 188 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 76 xã nông thôn mới kiểu mẫu; là địa phương có số xã đạt chuẩn nông thôn mới cao nhất cả nước; (2) Các hoạt động vì người nghèo và an sinh xã hội được triển khai hiệu quả: Hàng năm, phối hợp với UBND TP tổ chức Lễ phát động Tháng cao điểm Vì người nghèo và an sinh xã hội, Quỹ “Vì người nghèo” các cấp TP vận động được trên 411,2 tỷ đồng, trích trên 341,8 tỷ đồng hỗ trợ xây, sửa 5.099 nhà đại đoàn kết, hỗ trợ 31.697 học sinh nghèo có hoàn cảnh khó khăn được đi học; hỗ trợ sinh kế cho 8.988 hộ; hỗ trợ khám chữa bệnh cho 8.434 người nghèo và các hoạt động hỗ trợ khác trị giá 156,4 tỷ đồng, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo TP xuống còn 0,03%; (3) Hàng năm phối hợp UBND TP tổ chức Hội nghị đại biểu Nhân dân và Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, hiến kế để xây dựng và phát triển Thủ đô; (4) Duy trì tổ chức Chương trình bình chọn “Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích” trong triển khai thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, đã vinh danh 717 sản phẩm, dịch vụ của 543 doanh nghiệp, phát hành 44.500 cuốn ấn phẩm “Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích”, góp phần quảng bá các sản phẩm, dịch vụ Việt Nam chất lượng cao, thay đổi hành vi, nâng cao nhận thức của người tiêu dùng đối với hàng Việt; (5) Thành lập Hội đồng thẩm định xét, công nhận sáng kiến, ý tưởng mới, đã công nhận 119 sáng kiến, ý tưởng mới.
6. Chủ động, sáng tạo trong vận động các loại Quỹ và công tác an sinh xã hội, nêu cao tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cùng cả nước”: Đổi mới phương thức vận động, minh bạch trong quản lý và sử dụng các loại quỹ, nhờ vậy, các quỹ an sinh xã hội và Quỹ “Vì biển, đảo Việt Nam” do MTTQ quản lý luôn tiếp nhận được sự ủng hộ năm sau cao hơn năm trước. MTTQ Việt Nam các cấp TP đã có nhiều hoạt động thiết thực chia sẻ, hỗ trợ Nhân dân bị thiệt hại do bão lũ, hỏa hoạn, thiên tai… góp phần giúp người dân ổn định cuộc sống: vận động và chuyển trên 132,5 tỷ đồng ủng hộ Nhân dân các tỉnh miền Trung, Tây Bắc khắc phục hậu quả mưa lũ, phối hợp xây dựng phương án và giám sát triển khai hỗ trợ các nạn nhân trong vụ hỏa hoạn trên địa bàn TP; vận động được trên 252,4 tỷ đồng ủng hộ Quỹ “Vì biển, đảo Việt Nam, chuyển hỗ trợ 216 tỷ đồng xây nhà văn hóa đa năng tại quần đảo Trường Sa thể hiện trách nhiệm, tình cảm của Nhân dân Hà Nội với biển đảo Tổ quốc.
7. Triển khai hiệu quả công tác dân tộc, tôn giáo, phát huy mạnh mẽ vai trò các tổ chức tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và các hoạt động an sinh xã hội: lần đầu tiên tổ chức thành công Chương trình “Hành trình kết nối” của Đoàn đại biểu nhân sỹ, trí thức, chức sắc tôn giáo, dân tộc thiểu số tiêu biểu tại thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Tây Ninh; các chức sắc, tín đồ tôn giáo chủ động đồng hành cùng Mặt trận trong các phong trào thi đua, các cuộc vận động; tích cực tham gia ủng hộ Quỹ phòng, chống dịch Covid-19, hỗ trợ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn; trao tặng 30.000 suất quà tới các hộ nghèo, hiến tặng 600 đơn vị máu, duy trì 3.500 mô hình, cách làm sáng tạo trong bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; tham gia vận động hiến đất mở đường, thực hiện đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô… Mối quan hệ giữa các tổ chức tôn giáo với cấp ủy, chính quyền và MTTQ Việt Nam các cấp ngày càng được tăng cường, gắn kết.
8. Tập trung đẩy mạnh các hoạt động giám sát, phản biện xã hội, phát huy dân chủ, đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân: (1) Chủ động phối hợp xây dựng quy chế, ký kết và thực hiện các chương trình phối hợp công tác giữa Mặt trận với Đoàn đại biểu Quốc hội TP, HĐND, UBND, các tổ chức chính trị-xã hội; (2) Tăng cường công tác giám sát, phản biện xã hội, chủ động giám sát các vấn đề mới, khó, những vấn đề Nhân dân bức xúc, kiến nghị; hướng dẫn các đơn vị nội dung giám sát đảm bảo thực hiện đồng bộ toàn Thành phố; tổ chức 4.428 đoàn giám sát, phối hợp tham gia 6.920 đoàn giám sát, tổ chức 2.282 hội nghị phản biện xã hội; (3) Tích cực tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, tổ chức 760 hội nghị lấy ý kiến góp ý vào các dự thảo Luật, góp ý đối với 5.851 văn bản của Đảng và chính quyền; tổng hợp đầy đủ, khách quan, trung thực các ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân, xây dựng Thông báo xây dựng chính quyền tại các kỳ họp HĐND theo hướng trực diện, nêu thẳng các vấn đề; phối hợp tổ chức tốt các hội nghị đối thoại, trong đó, cấp TP tổ chức hội nghị đối thoại giữa đồng chí Bí thư Thành ủy với MTTQ Việt Nam các cấp TP năm 2023 theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với trên 6.000 đại biểu tham gia; thực hiện tiếp 31.288 lượt công dân, tiếp nhận 18.788 đơn, chuyển 12.915 đơn đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết; (4) Xây dựng Hướng dẫn số 30/HD-MTTQ-BTT về việc giám sát và nhận xét của Ban Công tác Mặt trận đối với đảng viên đang công tác thường xuyên giữ mối liên hệ với Nhân dân nơi cư trú; (5) Nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Thanh tra Nhân dân, Giám sát đầu tư của cộng đồng.
9. Tăng cường đoàn kết quốc tế, mở rộng hoạt động đối ngoại Nhân dân: (1) Phối hợp tham gia các sự kiện, chương trình hoạt động đối ngoại nhân dân trên địa bàn TP (Chương trình hành trình hữu nghị với sự tham gia của các Đại sứ, tổ chức phi chính phủ nước ngoài thăm các địa điểm du lịch của TP, giải chạy Báo Hà Nội mới mở rộng); (2) Phối hợp Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Hà Nội tổ chức Đại hội các Hội hữu nghị nhiệm kỳ 2022-2027 và cử 25 cán bộ Mặt trận TP tham gia Ban Chấp hành các Hội Hữu nghị; (3) Tổ chức 3 đoàn của TP thăm và làm việc tại các nước: Đức, Hungary, Séc, Hy Lạp, Thổ Nhỹ Kỳ, các Tiểu vương Quốc Ả Rập, Anh, Ireland; tiếp đón 5 đoàn đại biểu: Chính hiệp thành phố Bắc Kinh, Chính hiệp Khu Tự trị Tây Tạng, Hiệp hội Nhân dân Singapore, Ủy ban Mặt trận Lào xây dựng đất nước Thủ đô Viêng Chăn, Chính hiệp Thượng Hải sang thăm và làm việc; (4) Hỗ trợ Nhân dân Lào 5 tỷ đồng phòng, chống dịch Covid-19; hỗ trợ 729 người nước ngoài sinh sống trên địa bàn TP gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
10. Ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong triển khai các hoạt động công tác Mặt trận: (1) Thành lập trang cộng đồng Fanpage trong toàn hệ thống MTTQ Việt Nam TP, xây dựng trang Zalo OA và phần mềm ứng dụng về công tác Mặt trận để tuyên truyền, nắm bắt, kịp thời định hướng dư luận Nhân dân; (2) Tổ chức một số hội nghị quán triệt, triển khai nội dung hoạt động theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, Livestream trực tiếp các hoạt động lớn; triển khai số hóa tài liệu, quét mã QR tài liệu các hội nghị; (3) Thành lập các nhóm Zalo để trao đổi và nắm bắt tình hình triển khai các hoạt động tại cơ sở, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đảm bảo các hoạt động được thực hiện thông suốt, hiệu quả; (4) Phối hợp mở tài khoản, tiếp nhận tiền ủng hộ các loại Quỹ bằng việc quét mã QR, giúp thuận tiện trong việc ủng hộ qua tài khoản ngân hàng.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/10-dau-an-cua-mat-tran-to-quoc-tp-ha-noi-nhiem-ky-2019-2024.html