10 dấu ấn ngành Tài chính năm 2024: Thu ngân sách lần đầu vượt 2 triệu tỷ đồng
Sáng 31/12, Bộ Tài chính đã công bố 10 sự kiện nổi bật năm 2024 của ngành Tài chính.
Năm 2024, ngành Tài chính thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách trong bối cảnh thế giới và trong nước có nhiều biến động khó lường, nền kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn, thách thức. Trong bối cảnh đó, ngành Tài chính đã chủ động, quyết liệt triển khai nhiều giải pháp điều hành chính sách tài khóa hợp lý, linh hoạt, hiệu quả...
1. Nhiều chính sách tài khóa hỗ trợ nền kinh tế có tác động lan tỏa
Năm 2024, trong bối cảnh kinh tế - xã hội đất nước phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức, ngay từ đầu năm, Bộ Tài chính đã chủ động nghiên cứu, đề xuất trình cấp có thẩm quyền cũng như ban hành theo thẩm quyền nhiều giải pháp để điều hành chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm, phối hợp đồng bộ, hài hòa với chính sách tiền tệ và các chính sách kinh tế vĩ mô khác hỗ trợ sản xuất kinh doanh, thúc đẩy các động lực tăng trưởng.
Tổng quy mô gói hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất trong năm 2024 khoảng 197 nghìn tỷ đồng. Trong đó, nhiều chính sách nổi bật, có tác động lan tỏa lớn như: giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với hầu hết các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất thuế GTGT 10%, số tiền thuế được giảm khoảng 49 nghìn tỷ đồng; giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn với số tiền thuế được giảm khoảng 42,5 nghìn tỷ đồng; tiếp tục giảm mức thu đối với 36 khoản phí, lệ phí số tiền được giảm khoảng 700 tỷ đồng; giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với với ô tô lắp ráp trong nước, được giảm khoảng 2.600 tỷ đồng; gia hạn thời hạn nộp thuế GTGT, thuế thu nhập doanh nghiệp..., dự kiến số tiền thuế, tiền thuê đất được xem xét gia hạn khoảng 98 nghìn tỷ đồng...
2. Thu ngân sách nhà nước lần đầu vượt 2 triệu tỷ đồng
Nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước năm 2024 được triển khai trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục bất ổn, phát sinh nhiều thách thức lớn. Tuy nhiên, ngành Tài chính đã vượt mức nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước năm 2024; ước đạt khoảng 2.025,4 nghìn tỷ đồng, bằng 119,1% (tăng 324,4 nghìn tỷ đồng) so dự toán, tăng 15,5% so thực hiện năm 2023 (thu ngân sách trung ương ước đạt 123,7% dự toán, thu ngân sách địa phương ước đạt 114,4% dự toán); tỷ lệ động viên vào ngân sách nhà nước đạt 17,8%GDP, riêng thuế, phí đạt 14,2%GDP. Việc thực hiện đồng bộ các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất… đã thiết thực hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi, ổn định và phát triển sản xuất.
Đồng thời, ngành Tài chính đã rất quyết liệt đẩy mạnh các giải pháp quản lý thu ngân sách nhà nước, bảo đảm thu đúng, thu đủ, thu kịp thời, mở rộng cơ sở thu và chống thất thu thuế; đặc biệt đã có nhiều giải pháp đổi mới quản lý thuế đối với kinh doanh thương mại điện tử, nền tảng số, thu tiền sử dụng đất; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nợ đọng thuế… nhờ đó thu ngân sách đã vượt cao.
3. Quyết liệt chuyển đổi số
Bộ Tài chính tiếp tục tiên phong ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa trong các lĩnh vực quản lý, hướng đến nền tài chính số tiên tiến, hiện đại, phục vụ cho mục tiêu Chính phủ điện tử, Chính phủ số. Theo đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 837/QĐ-BTC về Kế hoạch Chuyển đổi số của Bộ Tài chính năm 2024 với mục tiêu "Phát triển kinh tế số với 4 trụ cột công nghiệp công nghệ thông tin, số hóa các ngành kinh tế, quản trị số, dữ liệu số - Động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững".
Cơ quan Thuế đã tiên phong triển khai lộ trình chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin giúp thay đổi từ phương thức quản lý dựa trên giấy tờ, giao tiếp trực tiếp sang quản lý hiện đại trên môi trường trực tuyến. Việc ra mắt Ứng dụng trợ lý ảo trong quản lý nợ thuế (TLA) và Trợ lý ảo hỗ trợ người nộp thuế (Chatbot) là bước đi đột phá của ngành Thuế đưa trí tuệ nhân tạo (AI) vào công tác quản lý thuế.
Cơ quan Hải quan đã quyết liệt thực hiện thành công "Hải quan số", "Hải quan thông minh" và "Hải quan xanh", Kho bạc Nhà nước chuyển đổi số từ Kho bạc giao dịch truyền thống sang Kho bạc điện tử; với giải pháp này, Kho bạc Nhà nước đã hoàn thành triển khai dịch vụ công trực tuyến đến 100% đơn vị.
4. Tinh gọn bộ máy
Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 2879/QĐ-BTC thành lập Ban Chỉ đạo sắp xếp tổ chức bộ máy của Bộ Tài chính do Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng làm Trưởng ban. Các đơn vị trong toàn ngành Tài chính xác định quyết tâm chính trị cao nhất trong thực hiện; quyết liệt, khẩn trương sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của đơn vị, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động theo Nghị quyết số 18-NQ/TW.
5. Tạo đột phá về thể chế, tháo gỡ những nút thắt về cơ chế, chính sách
Năm 2024, Bộ Tài chính đã hoàn thành 70/71 đề án nhiệm vụ được giao, trong đó có 38 đề án, nhiệm vụ được giao bổ sung. Tính cả các đề án đã trình từ những năm trước chuyển sang, đã trình Chính phủ ban hành 23 Nghị định và 20 dự thảo Nghị định đang xem xét ban hành; Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 2 Quyết định và 2 dự thảo Quyết định đang xem xét ban hành. Đồng thời, Bộ Tài chính đã ban hành 86 Thông tư hướng dẫn trong lĩnh vực tài chính - ngân sách nhà nước.
Đặc biệt, chiều ngày 29/11/2024, Quốc hội đã biểu quyết thông qua 1 Luật sửa 9 Luật gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế, Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật Dự trữ quốc gia, Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Việc sửa đổi, bổ sung 9 Luật này đã kịp thời tháo gỡ ngay những điểm nghẽn, nút thắt về cơ chế, chính sách, tích cực tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi; tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thu hút đầu tư; nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản công; bổ sung nguồn lực cho ngân sách nhà nước; ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát hiệu quả nợ công.
6. Xếp hạng tín nhiệm quốc gia được đánh giá tích cực
Cả 3 tổ chức xếp hạng tín nhiệm (Moody's, S&P và Fitch) tiếp tục khẳng định xếp hạng tín nhiệm quốc gia với những dự báo tích cực.
Các tổ chức đều đánh giá cao tăng trưởng kinh tế của Việt Nam cùng với triển vọng tăng trưởng kinh tế thuận lợi trong trung, dài hạn. Nợ Chính phủ ổn định và thấp hơn nhiều so với các quốc gia có cùng xếp hạng (34% GDP so với mức trung bình BB là 53% GDP). Chiến lược quản lý nợ chủ động giúp làm giảm thiểu rủi ro thanh khoản của Chính phủ. Cơ cấu nợ được cải thiện, giảm sự phụ thuộc vào vay bên ngoài, tỷ trọng nợ bằng ngoại tệ giảm dần giúp giảm rủi ro ngoại hối.
Các tổ chức đánh giá điểm mạnh của Việt Nam hiện nay là thu hút được dòng vốn FDI mạnh mẽ hơn so với các nước trong khu vực, phân bổ đa dạng giữa các lĩnh vực; xuất khẩu ổn định và duy trì tốc độ tăng trưởng hàng năm ở mức cao. Thách thức trong lĩnh vực bất động sản và ngân hàng từng bước được giải quyết; lĩnh vực bất động sản đang dần phục hồi.
7. Bổ nhiệm các nhân sự cấp cao của Bộ Tài chính
Ngày 28/11/2024, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, 100% đại biểu Quốc hội có mặt đã biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Thắng giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Tài chính nhiệm kỳ 2021-2026.
Trước đó, chiều ngày 26/8, tại Kỳ họp bất thường lần thứ 8, Quốc hội khóa XV đã thông qua Nghị quyết phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc giữ chức Phó Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ khóa XV.
8. Sẵn sàng cho tổng kiểm kê tài sản công từ 0h ngày 01/01/2025
Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 798/QĐ-BTC ngày 05/4/2024 về kế hoạch triển khai Quyết định 213/QĐ-TTg. Việc thực hiện tổng kiểm kê tài sản công trên phạm vi cả nước lần này xuất phát từ cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn để đáp ứng yêu cầu tăng cường công tác quản lý, nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng tài sản công là nguồn lực quan trọng để phát triển.
Nhằm triển khai Đề án thuận lợi, hiệu quả, đảm bảo tiến độ, Bộ Tài chính với vai trò là đơn vị chủ trì đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, tổ chức tập huấn, triển khai thử nghiệm công tác kiểm kê tài sản công tại các Bộ ngành, địa phương trên cả nước, đảm bảo các điều kiện sẵn sàng cho công tác tổng kiểm kê tài sản công thực hiện từ 0h ngày 01/01/2025.
9. Tăng cường hợp tác tài chính quốc tế
Trong năm 2024, thị trường chứng khoán Việt Nam duy trì tăng trưởng ổn định, khẳng định là kênh dẫn vốn trung, dài hạn quan trọng của nền kinh tế.
Tính đến ngày 27/12/2024, chỉ số VNIndex đạt 1.275,14 điểm, tăng 12,9% so với cuối năm 2023. Mức vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt gần 7,2 triệu tỷ đồng, tăng 21,2% so với cuối năm 2023, tương đương 70,4% GDP ước tính năm 2023; giá trị giao dịch bình quân đạt 21,1 nghìn tỷ đồng/phiên, tăng 19,9% so với bình quân năm trước.
Nhằm đảm bảo phát triển an toàn, bền vững thị trường chứng khoán hướng tới mục tiêu nâng hạng trong thời gian tới, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 68/2024/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư quy định về giao dịch chứng khoán trên hệ thống giao dịch chứng khoán; bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán; hoạt động của công ty chứng khoán và công bố thông tin trên thị trường chứng khoán. Đây là bước tiến quan trọng trong công tác hội nhập, tạo đà thực hiện mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ "cận biên" lên "mới nổi".
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp tiếp tục phục hồi mạnh mẽ, năm 2024, có 96 doanh nghiệp phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ với với khối lượng 396,7 nghìn tỷ đồng, tăng 33,6% so với năm 2023; khối lượng mua lại trước hạn khoảng 187 nghìn tỷ đồng; có 1.431 mã trái phiếu của 326 tổ chức phát hành đã thực hiện đăng ký giao dịch. Tổng giá trị giao dịch trái phiếu doanh nghiệp đạt 1.026,6 nghìn tỷ đồng, giá trị giao dịch bình quân phiên đạt khoảng 4.224,8 tỷ đồng/phiên.
Thị trường bảo hiểm tiếp tục phát triển ổn định, hiện có 85 doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm và 1 chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài. Tổng tài sản năm 2024 ước đạt khoảng 1.007 nghìn tỷ đồng (tăng 10,9% so với năm trước); đầu tư trở lại nền kinh tế đạt 850 nghìn tỷ đồng, tăng 13,2%.
Năm 2024 cũng ghi lại nhiều dấu ấn đậm nét của ngành Tài chính với chuỗi Hội nghị xúc tiến đầu tư tài chính tại các trung tâm tài chính lớn của thế giới, bao gồm Hàn Quốc và Nhật Bản (tháng 3/2024), Úc và Singapore (tháng 8/2024). Các hội nghị này đã trở thành cầu nối hiệu quả giúp Bộ Tài chính quảng bá, truyền tải thông điệp mạnh mẽ của Bộ Tài chính Việt Nam luôn đồng hành và tạo cơ hội thuận lợi cho doanh nghiệp và nhà đầu tư nước ngoài tìm kiếm cơ hội và hợp tác đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
10. Điều hành giá linh hoạt, góp phần kiểm soát lạm phát
Năm 2024 là năm thứ 11 tiếp tục ghi nhận sự thành công trong công tác quản lý, điều hành giá, góp phần kiểm soát lạm phát theo mục tiêu Quốc hội đề ra. Điều hành giá năm 2024 đã bám sát theo đúng kịch bản điều hành, giá cả thị trường cơ bản ổn định, chỉ số CPI bình quân 11 tháng tăng 3,69% so cùng kỳ, lạm phát cơ bản tăng 2,7%; ước cả năm CPI bình quân tăng dưới 4%, thấp hơn mục tiêu (4%-4,5%). Con số này thấp hơn so với nhiều nước, khu vực trên thế giới đã góp phần quan trọng vào việc hỗ trợ các doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về giá đã được hoàn thiện đồng bộ với Luật Giá (năm 2023). Trong đó, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành 3 Nghị định và ban hành theo thẩm quyền 14 Thông tư hướng dẫn.