10 địa điểm nhảy bungee ấn tượng nhất thế giới
Điều hấp dẫn nhất của trò nhảy bungee là bạn có thể ngắm nhìn những khung cảnh tuyệt vời với một cách thức hoàn toàn khác biệt. Nếu là người yêu thích môn thể thao cảm giác mạnh này, chắc chắn bạn không thể bỏ qua 10 địa điểm nhảy bungee dưới đây.
London, Anh
Nếu cảm thấy nhàm chán với các dãy nhà san sát ở London, bạn hãy đến khu nhảy bungee - nơi du khách có thể ngắm trọn quang cảnh thành phố London, từ sông Thames cho đến trung tâm thương mại tài chính Canary Wharf. Trên cần cẩu khổng lồ, du khách sẽ thực hiện cú nhảy từ độ cao khoảng 49 m so với mặt đất và cảm nhận được cảm giác hồi hộp khi rơi như những chú chim. Nếu không tự tin khi nhảy một mình thì bạn có thể tham khảo dịch vụ nhảy bungee đôi cho các cặp đôi hoặc cặp bạn bè.
Tháp Macau (Macau, Trung Quốc)
Nếu muốn trải nghiệm cảm giác phấn khích tột độ, bạn hãy thử nhảy bungee tại tháp Macau - ngọn tháp cao thứ 10 trên thế giới. Một cú nhảy từ độ cao 223 m sẽ mang đến cảm giác nghẹt thở. Dù có vẻ đáng sợ nhưng rất nhiều người đến đây để tận hưởng cảm giác này, đôi khi họ phải chờ đợi vài tiếng đồng hồ. Nhảy bungee vào ban đêm tại tháp Macau cũng là một trải nghiệm rất nên thử, từ trên cao bạn sẽ được nhìn ngắm cảnh đêm lộng lẫy của thành phố sôi động này.
Ledge Bungy, Queenstown, New Zealand
New Zealand là quốc gia tiên phong về dịch vụ nhảy bungee. Ở Queenstown, nhiều điểm nhảy bungee rất hấp dẫn du khách, nhất là Ledge với những trải nghiệm khác biệt. “Thực đơn” nhảy bungee có 10 loại để bạn lựa chọn phù hợp theo sở thích, có sẵn cả dịch vụ nhảy bungee vào mùa đông và ban đêm để phục vụ du khách. Các thiết bị an toàn được thiết kế đặc biệt để khiến bạn nảy lên sau khi nhảy và "nhân đôi" cảm giác phấn khích ở độ cao 400 m.
Đập Verzasca, Thụy Sĩ
Đập Verzasca là địa điểm được du khách ưa thích, bởi từ đây có thể ngắm trọn cảnh quan thiên nhiên đẹp như cổ tích của Thụy Sĩ. Trở nên nổi tiếng khi xuất hiện trong phim “Điệp viên 007: Điệp vụ mắt vàng” với pha nhảy của James Bond, con đập này còn được gọi là “Bước nhảy 007”. Bạn hãy thử một lần thực hiện cú nhảy bungee ở độ cao từ 70 - 200 m và "bay lượn" trong khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp của Thụy Sĩ.
Cầu Victoria, Zambia
Sẽ là một cảm giác vô cùng tuyệt vời và phấn khích khi nhảy bungee từ cây cầu Victoria cao 111 m, nằm giữa biên giới Zambia và Zambia. Khi bạn bước lên bục nhảy, một thác nước hùng vĩ đổ xuống trước mặt bạn, màn sương mù dày đặc và nhiều thung lũng đá càng làm tăng thêm cảm giác hồi hộp. Và chỉ trong vài giây sau đó, toàn cảnh sông Zambezi sẽ mở ra trước mắt bạn.
Cầu Navajo, Mỹ
Cầu Navajo ở bang Arizona là địa điểm không thể bỏ qua đối với những người đam mê thể thao mạo hiểm. Cầu Navajo bắc qua hẻm núi Marble và sông Colorado, là một cặp cầu vòm gồm một cây cầu dành cho xe cộ và một dành cho người đi bộ. Hãy thử cú nhảy bungee từ độ cao 142 m, bạn có thể thoải mái bay bổng trong không trung trước khi xuống gần con sông Colorado.
The Last Resort, Nepal
The Last Resort ở Nepal tự hào là điểm nhảy bungee tự nhiên lớn thứ hai thế giới. Du khách sẽ nhảy bungee ở độ cao 160 m và từ đây bạn có thể ngắm nhìn dòng sông Bhote Koshi uốn lượn như dải lụa. Điểm đến hấp dẫn này nằm cách thủ đô Kathmandu khoảng 3 giờ di chuyển bằng xe buýt, ngoài ra du khách cũng cần đặt chỗ trước.
Graskop Big Swing, Nam Phi
Nếu có dịp lái xe trên con đường Panorama - cung đường đẹp bậc nhất ở Nam Phi, bạn sẽ tìm thấy một ngôi làng nhỏ có tên là Graskop. Từ ngôi làng này, tiếp tục hành trình leo qua 442 bậc thang và những tảng đá hiểm trở, bạn sẽ nhìn thấy một vách đá nổi tiếng - điểm nhảy bungee Big Swing trứ danh. Từ đây, bạn có thể thực hiện cú nhảy bungee ở độ cao lên tới 1.493 m xuống vách đá.
Cầu treo Royal Gorge, Mỹ
Khi được xây dựng vào năm 1929, đây là cây cầu treo cao nhất tại Mỹ. Nó vẫn là số 1 thế giới về chiều cao cho đến khi cây cầu Liuguanghe được xây dựng ở Trung Quốc vào năm 2001. Cầu được xây dựng giữa thung lũng đá dốc đứng, bắc qua sông Arkansas. Không chỉ là địa điểm nhảy bungee nổi tiếng, ở đây còn có tàu lượn trên cao cho du khách tha hồ trải nghiệm.
Cầu treo Kawarau, New Zealand
Năm 1987, nhà thám hiểm A.J. Hackett người New Zealand đã nhảy khỏi tháp Eiffel (Pháp), trên người ông chỉ buộc một sợi dây đàn hồi. Và những người ưa mạo hiểm bắt đầu mê trò nhảy bungee từ đó. Vào năm 1988, A.J. Hackett đã lắp đặt điểm nhảy bungee trên một cây cầu treo ở Kawarau, khiến cầu Kawarau được gọi là “quê hương của môn nhảy bungee thế giới”. Từ độ cao 43 m, du khách có thể nhảy bungee và ngắm dòng sông Kawarau màu ngọc bích tuyệt đẹp./.
Nguồn VOV: https://vov.vn/du-lich/check-in/10-dia-diem-nhay-bungee-an-tuong-nhat-the-gioi-893811.vov