10 điểm sửa đổi, bổ sung một số quy định của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
Ngày 28/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Luật Công đoàn, Luật Thanh niên, Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Báo cáo tại phiên họp, Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà cho biết, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Luật Công đoàn, Luật Thanh niên, Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở tập trung vào một số điều liên quan trực tiếp đến vị trí, vai trò, chức năng, quyền hạn và trách nhiệm, tổ chức bộ máy và nguyên tắc tổ chức, hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các Hội quần chúng được Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ. Dự thảo Luật gồm 5 điều.

Phó Chủ tịch - Tổng thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà báo cáo tại phiên họp (Ảnh: Phạm Thắng)
Về sửa đổi, bổ sung một số quy định của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, theo Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tập trung vào một số nội dung như:
-Vị trí, vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (Điều 1): Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) Dự thảo Luật bổ sung quy định Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là bộ phận của hệ thống chính trị của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam để bảo đảm phù hợp với sửa đổi, bổ sung các nội dung sửa đổi Hiến pháp 2013; là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân; thể hiện ý chí, nguyện vọng của Nhân dân, tập hợp phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội; phát huy quyền làm chủ của Nhân dân; hiệp thương, phối hợp và thống nhất hành động của các giai cấp, tầng lớp xã hội, của toàn thể nhân dân ở trong nước và người Việt Nam định cư ở nước ngoài theo các văn bản của Đảng và Hiến pháp năm 2013.
Sửa đổi, bổ sung về quyền, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (Điều 3): Nhằm bảo đảm quy định bao quát, toàn diện hơn quyền, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nhất là khi sắp xếp hợp nhất các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng do Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ về trực thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, dự thảo Luật bổ sung vào Điều 3 nhiệm vụ “động viên Nhân dân tham gia phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng, phát triển đất nước; phát huy vai trò làm chủ, tinh thần tự quản của Nhân dân, xây dựng khu dân cư đoàn kết, ấm no, hạnh phúc;tham gia đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; Hiệp thương giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp”; nhiệm vụ hướng dẫn và thực hiện “công tác Người Việt Nam ở nước ngoài”; “Nghiên cứu chiến lược, đề xuất chủ trương, chính sách nhằm tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc”.
Sửa đổi, bổ sung nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (Điều 4): Để bảo đảm cụ thể hóa khoản 2, khoản 3 Điều 9 Hiến pháp năm 2013 (sau khi sửa đổi, bổ sung) và đồng bộ với mô hình tổ chức bộ máy của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sau sắp xếp, đồng thời vẫn bảo đảm tính độc lập tương đối của các tổ chức khi sắp xếp về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, dự thảo Luật đã điều chỉnh nguyên tắc tại khoản 3 Điều 4 theo hướng “ Khi hiệp thương dân chủ và thống nhất hành động, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giữ vai trò chủ trì, các tổ chức chính trị - xã hội cùng các tổ chức thành viên khác của Mặt trận phối hợp; tuân theo Điều lệ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đồng thời phát huy tính chủ động, sáng tạo của mỗi thành viên”
Bổ sung, sửa đổi vai trò của các tổ chức thành viên (Điều 5): Để bảo đảm nguyên tắc các tổ chức chính trị - xã hội, các Hội quần chúng do Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ về trực thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam 30 hội, sau sắp xếp lại còn 20 hội đều là thành viên của Mặt trận), dự thảo Luật bổ sung việc ghi nhận các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc theo hướng: “Công đoàn Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam, các hội được Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ là các tổ chức thành viên trực thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, được tổ chức và hoạt động thống nhất trong Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Quyền và trách nhiệm của các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quy định tại Luật này và Điều lệ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam”.
-Sửa đổi, bổ sung về tổ chức của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (Điều 6): Để phù hợp và đồng bộ với việc sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp (cấp tỉnh và cấp cơ sở, không tổ chức cấp huyện), thống nhất với quy định tại Luật tổ chức chính quyền địa phương (sau sửa đổi), dự thảo Luật sửa đổi quy định tại khoản 3 theo hướng bỏ quy định: “Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh” tổ chức Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ở cấp tỉnh, cấp xã ; sửa đổi, bổ sung quy định Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tại điểm b, khoản 3 và khoản 4 như sau: b) Ở địa phương có Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh); có Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã, phường, đặc khu tại hải đảo (sau đây gọi chung là cấp xã). Ở mỗi cấp có Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Việc thành lập Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do Quốc hội quyết định. Tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn các cơ quan của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam do Điều lệ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quy định. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã thành lập Ban công tác Mặt trận ở thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc, tổ dân phố, khu phố, khối phố, khóm và tiểu khu (sau đây gọi chung là khu dân cư). Tổ chức và hoạt động của Ban công tác Mặt trận do Điều lệ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quy định.”
Sửa đổi, bổ sung công tác Người Việt Nam ở nước ngoài (Điều 10): Dự thảo Luật bổ sung khoản 2 về nhiệm vụ công tác Người Việt Nam ở nước ngoài của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để cụ thể hóa nhiệm vụ mới được bổ sung tại khoản 7 Điều 3 dự thảo Luật và cụ thể hóa quan điểm của Đảng tại Nghị quyết số 43-NQ/TW năm 2023 về tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tuyên truyền, vận động, tập hợp đoàn kết người Việt Nam ở nước ngoài, phát huy trí tuệ của đồng bào ở nước ngoài giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, gắn bó với quê hương và đóng góp tích cực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; tham gia hỗ trợ để người Việt Nam ở nước ngoài có địa vị pháp lý vững chắc, hòa nhập xã hội, đóng góp tích cực cho nước sở tại, làm cầu nối giữa Việt Nam và các nước”.
Sửa đổi, bổ sung quy định về thẩm quyền chủ trì tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân (khoản 2, Điều 16): Để phù hợp và đồng bộ với việc sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp (cấp tỉnh và cấp cơ sở, không tổ chức cấp huyện); đồng thời để đồng bộ với quy định Nghị quyết số 72 /2025/NQLT/UBTVQH15-CP- ĐCTUBTWMTTQVN về tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp. Do đó, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 16 theo hướng “Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh, cấp cơ sở chủ trì, phối hợp với Thường trực Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cùng cấp tổ chức thực hiện kế hoạch tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp cơ sở; tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri” để đồng bộ với tổ chức Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp xã theo Hiến pháp và luật.
Sửa đổi, bổ sung quy định về cử bào chữa viên nhân dân Điều 18; việc hiệp thương lựa chọn giới thiệu người đủ tiêu chuẩn để Hội đồng nhân dân cùng cấp bầu làm Hội thẩm nhân dân (khoản 2 Điều 20): Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung theo hướng giao thẩm quyền cử bào chữa viên nhân dân và hiệp thương lựa chọn giới thiệu người đủ tiêu chuẩn để Hội đồng nhân dân cùng cấp bầu làm Hội thẩm nhân dân cho (Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh) để phù hợp với tổ chức chính quyền 2 cấp và tổ chức Tòa án nhân dân, theo Đề án tổ chức Tòa án nhân dân được Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 11 khóa XIII thông qua.
-Sửa đổi, bổ sung một số quy định trong hoạt động giám sát, phản biện xã hội khoản 1 Điều 5; khoản 1 Điều 25; khoản 3 Điều 26 và khoản 1 Điều 32; khoản 3 Điều 33: Theo Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2025 thì Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cùng cấp có quyền đề nghị các tổ chức chính trị - xã hội chủ trì tổ chức giám sát; đề nghị chủ trì phản biện xã hội. Để tiếp tục khẳng định quyền và trách nhiệm của các tổ chức chính trị - xã hội trong giám sát, phản biện xã hội theo Quyết định số 217-QĐ/TW ngày 12/12/2013, bảo đảm phù hợp với nguyên tắc tổ chức và hoạt động của các tổ chức này sau khi sắp xếp, tinh gọn về trực thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, dự thảo Luật điều chỉnh theo hướng: Các tổ chức chính trị - xã hội chủ trì tổ chức hoạt động giám sát, phản biện theo phân công đối với đối tượng, nội dung có liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên, quyền và trách nhiệm của tổ chức mình”.
Sửa đổi, bổ sung quyền và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức chủ trì soạn thảo dự thảo văn bản được phản biện (Điều 36): Để thống nhất và đồng bộ với các quy định tại khoản 4 Điều 6; khoản 4, Điều 68 Luật ban hành văn bản QPPL năm 2025, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Điều 36 về quyền, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức chủ trì soạn thảo văn bản được phản biện tại khoản 2: “Cử người có trách nhiệm tham dự hội nghị phản biện xã hội hoặc tham gia đối thoại khi Mặt trận Tổ quốc Việt Nam yêu cầu để trình bày về nội dung dự thảo văn bản, giải trình, tiếp thu các ý kiến phản biện tại Hội nghị” và tại khoản 3 “Nghiên cứu, tiếp thu ý kiến và kiến nghị phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, trường hợp không tiếp thu thì phải giải trình;gửi văn bản tiếp thu, giải trình ý kiến và kiến nghị phản biện tới cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam”.
Thẩm tra dự án Luật, ông Nguyễn Đắc Vinh, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa – Xã hội của Quốc hội cho biết, Thường trực Ủy ban tán thành sự cần thiết ban hành Luật sửa đổi, bổ sung 4 luật với các cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn đã được nêu tại Tờ trình số 28/TTr-MTTW-ĐCT ngày 23/4/2025 của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về sắp xếp lại tổ chức, bộ máy của hệ thống chính trị; khắc phục sự chồng chéo, trùng lặp về chức năng, nhiệm vụ, quyền, trách nhiệm của mỗi tổ chức sau khi sắp xếp.