10 điều cần xem lại nếu trượt phỏng vấn xin việc nhiều lần

'5 lần 7 lượt' trượt phỏng vấn xin việc, cơ hội việc làm đang ngày càng xa, có bao giờ bạn thử tìm hiểu nguyên nhân đến từ đâu? Đừng phỏng đoán, hãy thử xem bạn có đang vướng phải một trong 10 vấn đề dưới đây hay không.

Đến muộn

Điều tối kỵ cho mọi buổi phỏng vấn xin việc ở các các công ty đang tuyển dụng tại Bình Dương, Đồng Nai hay bất cứ nơi nào khác chính là đến muộn. Và bạn đã được thông báo lịch phỏng vấn từ trước cách đó vài ngày đến 1 tuần, thậm chí lâu hơn. Do đó, đừng bao giờ đứng trước nhà tuyển dụng và trình bày các lý do đến trễ. Một hình ảnh thực sự thiếu chuyên nghiệp và chắc chắn không nhà tuyển dụng nào muốn có một nhân viên thiếu ý thức về thời gian.

Quá kỹ lưỡng và nguyên tắc

Chuẩn bị kỹ cho cuộc phỏng vấn là điều tốt, nhưng quá kỹ lưỡng lại gây phản ứng ngược. Bạn hãy thử nhớ lại xem, có phải trong các buổi phỏng vấn mình đều chuẩn bị rất kỹ càng. Vì vậy, các câu trả lời của bạn thiếu đi sự sinh động, giống như bạn đang trả bài. Chưa kể vì thức khuya dậy sớm chuẩn bị khiến bạn có trạng thái sức khỏe và tinh thần không tốt trong buổi phỏng vấn. Một người khô cứng, thiếu năng lượng, liệu có nhà tuyển dụng nào hứng thú?

Trang phục không phù hợp

Trang phục cần phù hợp với buổi phỏng vấn, với vị trí ứng tuyển. Bạn không cần mặc quá đẹp, nhưng cần phù hợp. Nhiều bạn mới ra trường thiếu kinh nghiệm, luôn muốn mình thật nổi bật và thu hút với những bộ trang phục cầu kỳ. Điều này sẽ khiến nhà tuyển dụng cảm thấy bạn quá màu mè, chói mắt, thiếu sự chỉn chu.

Không mang theo hồ sơ xin việc

Bạn cho rằng nhà tuyển dụng đã đọc hết CV và hồ sơ đính kèm của bạn trong email nên khi phỏng vấn không cần mang hồ sơ? Hoặc nếu có chỉ là một bộ hồ sơ sơ sài?

Trên thực tế, người lọc hồ sơ thường là nhân viên nhân sự hoặc người phụ trách tuyển dụng. Còn người phỏng vấn lại là quản lý hay lãnh đạo. Họ không có thời gian để tìm hiểu từng ứng viên. Do đó, họ cần buổi phỏng vấn để đánh giá ứng viên, cũng như xem xét hồ sơ của họ. Nếu bạn không mang theo hồ sơ, đồng nghĩa đã mất một điểm quan trọng.

Nói xấu sếp cũ, đồng nghiệp cũ

Bạn nghỉ làm ở công ty cũ vì nhiều lý do. Và thực tế cũng có nhiều trường hợp sếp hay đồng nghiệp cũ quá “hãm”, thiếu chuyên nghiệp, vô lý… Điều này khiến bạn vô cùng bức xúc.

Vì vậy, khi nhà tuyển dụng hỏi lý do chuyển việc, bạn lại xem đây là cơ hội giãi bày tâm sự. Trong nhiều trường hợp, thật thà luôn tốt. Tuy nhiên, khi phỏng vấn xin việc thì điều này sẽ khiến bạn mất điểm với nhà tuyển dụng. Họ không đánh giá bạn cao vì cho rằng biết đâu sau này khi không còn gắn bó, bạn sẽ nói xấu họ thì sao.

Thiếu sự hiểu biết về công ty ứng tuyển

Bạn giỏi, kiến thức và kinh nghiệm đều có thể thừa sức “cân” vị trí ứng tuyển. Tuy nhiên bạn lại không hề tìm hiểu qua về công ty phỏng vấn. Điều này có thể khiến nhà tuyển dụng cho rằng bạn đang không thực sự coi trọng công việc. Qua vài câu hỏi, họ sẽ đánh giá bạn không thực sự phù hợp nên việc bị loại là điều dễ hiểu.

Khoa trương, tự tin thái quá

Bạn tự tin trong các cuộc phỏng vấn. Điều này tốt, nhưng liệu sự tự tin đó có phải quá đà dẫn đến phô trương? Và điều này sẽ khiến nhà tuyển dụng đánh rớt bạn. Không ai muốn tuyển một người “nói như rồng leo, làm như mèo mửa” vào công ty của mình. Hãy cân nhắc lại và thay đổi thái độ ngay nếu bạn muốn có thêm nhiều cơ hội.

Thiếu mục tiêu nghề nghiệp

Một ứng viên có tài năng, định hướng nghề nghiệp và tương lai rõ ràng sẽ được nhà tuyển dụng đánh giá cao. Còn nếu bạn chỉ đơn thuần muốn có công việc để có thu nhập duy trì cuộc sống, không thể hiện được mục tiêu nghề nghiệp của mình thì cũng rất khó chinh phục được họ.

Tiếng xấu ở công ty cũ

Những bạn có cá tính mạnh có thể sẽ tạo nên “tai tiếng” ở công ty cũ. Và khi tìm hiểu, nếu nhà tuyển dụng phát hiện bạn có quá nhiều mâu thuẫn, xung đột ở công ty trước, có thể họ sẽ rất e dè khi lựa chọn.

Mạng xã hội đầy tiêu cực

Rất nhiều ứng viên không quan tâm đến điều này. Tuy nhiên, với sự phát triển của mạng xã hội, nhiều nhà tuyển dụng sẽ xem đây là một kênh thông tin để đánh giá tính cách, thái độ ứng viên. Nếu trang cá nhân của bạn thường xuyên đăng tải các nội dung tiêu cực, thiếu lành mạnh thì sẽ không được họ đánh giá cao. Đặc biệt là các ứng viên lĩnh vực truyền thông, có thể làm ảnh hưởng đến danh tiếng và thương hiệu doanh nghiệp.

Ngoài 10 vấn đề trên, còn có một số nguyên nhân khác khiến bạn rớt phỏng vấn liên tục. Do đó, hãy rà soát lại từng buổi phỏng vấn xin việc và xem vấn đề nằm ở đâu. Hy vọng rằng, bạn sẽ rút ra được nhiều kinh nghiệm để các buổi phỏng vấn sau thuận lợi hơn, sớm tìm được công việc như ý.

Nguồn Tuyên Quang: http://baotuyenquang.com.vn/xa-hoi/cuoc-song/10-dieu-can-xem-lai-neu-truot-phong-van-xin-viec-nhieu-lan-179629.html