10 điều người EQ cao không làm khi nói chuyện với người khác
Những người có EQ cao thường sở hữu khả năng hiếm có. Đó là không chỉ hiểu cảm xúc của bản thân mà còn 'đọc' được mong muốn của người đối diện.
Họ sử dụng khả năng này để thu hút mọi người xung quanh và đưa mọi người lại gần nhau hơn.
Là tác giả của cuốn sách "Emotional Intelligence Game Changers: 101 Ways to Win at Life & Work", Harvey Deutschendorf đã có hơn 20 năm nghiên cứu về thói quen của người có EQ cao. Nhờ quá trình giao tiếp và trò chuyện với họ, ông nhận ra những điều mà người có trí tuệ cảm xúc cao không bao giờ làm khi nói chuyện với người khác:
1. Không áp đặt quan điểm của mình
Trong cuộc tranh luận, khi đối phương cảm thấy bị ép buộc bởi những quan điểm bạn đưa ra, họ sẽ tự động dựng lên hàng rào ngăn cách. Đây là nguyên nhân khiến mọi nỗ lực thuyết phục của bạn trở nên vô ích.
Với người EQ cao, họ luôn tạo cơ hội để đối phương bày tỏ quan điểm của mình cũng như lắng nghe ý kiến. Sau đó, họ sẽ tìm cách cân bằng và đưa ra phương án cuối cùng hài hòa được lợi ích của cả hai bên.
2. Không nói: "Đó không phải là trách nhiệm của tôi"
Những người có EQ cao sẽ không bỏ qua một vấn đề mà họ có thể giải quyết chỉ vì nó nằm ngoài nhiệm vụ được giao.
Người có trí tuệ cảm xúc cao luôn sẵn lòng chia sẻ thời gian và kiến thức của mình. Họ luôn coi bản thân là một phần quan trọng của tập thể và thường tìm mọi cách để đóng góp cho tổ chức.
3. Không chỉ tập trung vào bản thân mình
Người có EQ cao sẽ không nói chuyện chỉ tập trung vào chính mình. Mọi người đều đánh giá cao việc được thừa nhận về điều gì đó họ đã làm tốt và tự hào.
Làm điều này với sự chân thành sẽ đảm bảo bạn được ghi nhớ theo hướng tích cực. Điều này còn khiến mọi người đánh giá cao bạn.
4. Không phản ứng một cách hấp tấp
Thay vì phản ứng vội vàng, những người có EQ cao sẽ tính toán kĩ càng trước. Họ bình tĩnh và thong thả trong tình huống mà những người có EQ thấp sẽ hoảng loạn và sợ hãi.
Những người có EQ cao luôn học cách kiềm chế, không đưa ra quyết định khi tức giận, tổn thương hay sợ hãi.
Thay vào đó, họ sẽ đợi đến khi tinh thần đã ổn định, rồi mới đưa ra quyết định đúng đắn sau khi đã xem xét tình hình.
5. Không mất tập trung khi nói chuyện
Khi nói chuyện, người EQ cao không có hành động như liên tục kiểm tra đồng hồ hay mở điện thoại xem tin nhắn, bởi họ hiểu đó là hành vi bất lịch sự, không tôn trọng đối phương.
Trong mọi cuộc trò chuyện, người có trí tuệ cảm xúc cao luôn tập trung 100%, giao tiếp bằng cả cử chỉ và ánh mắt.
6. Không lãng phí thời gian với bất kỳ ai
Những người có EQ cao sẽ chọn những người có tư duy tích cực, chung mục tiêu và nguyện vọng để trò chuyện. Nhờ thế, họ đón nhận được sự giúp đỡ và ủng hộ tinh thần nhằm đạt được thành tựu mong muốn.
Ngược lại, họ sẽ tránh tiếp xúc với những cá nhân mang đến những điều tiêu cực, chỉ làm cạn kiệt năng lượng của bản thân.
7. Không quên những chi tiết nhỏ
Khi bạn gặp ai đó lần đầu tiên, hãy lặp lại tên của họ và nhắc lại tên đó trong suốt cuộc trò chuyện.
Hãy nhớ những điều quan trọng, chẳng hạn như tên của người đối diện, con cái, thú cưng hoặc những địa điểm nghỉ mát yêu thích.
Bằng cách làm như vậy và nhắc đến họ vào những thời điểm thích hợp trong lần gặp tiếp theo, bạn sẽ nổi bật.
Khi mối quan hệ trở nên sâu sắc, hãy cân nhắc việc ghi lại những ngày quan trọng (ví dụ: sinh nhật hoặc ngày kỷ niệm), sau đó gửi thiệp hoặc gọi điện vào những ngày đó.
8. Không hằn học vô cớ
Khi gặp khó khăn, hầu hết những người có EQ thấp không thể bình tĩnh để xác định vấn đề và tìm ra giải pháp.
Thay vào đó, họ dễ sa vào các phản ứng tiêu cực. Trong khi đó, những người có EQ cao không bao giờ để bản thân bị những cảm xúc đó nhấn chìm.
Người có EQ thấp sống với tâm thế như cả thế giới mắc nợ họ, nhưng người có EQ cao thì không như vậy.
Họ biết tự nhìn nhận lại bản thân để xác định lý do mắc sai lầm, từ đó tự rút ra bài học.
9. Không kể chuyện đùa gây khó chịu
Người EQ cao biết cách chọn lựa nội dung kohi nói chuyện với người khác.
Họ sẽ không nói những câu đùa vô vị mang tính xúc phạm, bởi hiểu đây là cách nhanh nhất khiến cuộc nói chuyện mất hứng, cũng như bị người đối diện đánh giá là thiếu hụt nhận thức và sự nhạy cảm.
10. Họ không phải là người nói hết mọi chuyện
Trong những cuộc trò chuyện, người EQ cao thường lắng nghe nhiều hơn.
Họ biết cách đặt ra những câu hỏi giúp người đối diện có cơ hội thể hiện bản thân. Bằng cách đó, họ cũng hiểu được cách người đối diện hành động và cảm nhận.