10 doanh nghiệp bị đưa vào diện giám sát tài chính đặc biệt
Theo Kiểm toán Nhà nước (KTNN), về hoạt động quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công tại các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đã ghi nhận những mặt tích cực, tuy nhiên, vẫn còn thiếu sót, bất cập.
Cụ thể, điểm sáng được ghi nhận trong "bức tranh" tổng thể kiểm toán Báo cáo tài chính năm 2021 và các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn Nhà nước của 219 đơn vị thuộc 20 tập đoàn, tổng công ty và công ty là 19/20 tập đoàn, tổng công ty, công ty sản xuất kinh doanh có lãi.
Trong đó, phải kể tới lợi nhuận sau thuế năm 2021 của các Tập đoàn: Điện lực (EVN) là 15.647,10 tỷ đồng; Bưu chính Viễn thông (VNPT) 5.064,18 tỷ đồng; Than - Khoáng sản (TKV) 4.719,28 tỷ đồng và các Tổng công ty: Hàng hải Việt Nam (VIMC) 3.327,29 tỷ đồng; Thương mại Sài Gòn (Satra) 2.877,06 tỷ đồng; Sonadezi 1.507,17 tỷ đồng; Xi măng (Vicem) 1.287,87 tỷ đồng; Thuốc lá (Vinataba) 1.224,24 tỷ đồng; Cấp nước Sài Gòn (Sawaco) 1.064,68 tỷ đồng; Bưu điện (VNPost) 588,39 tỷ đồng; Lương thực miền Bắc (Vinafood1) là 294,16 tỷ đồng; Liksin 121,58 tỷ đồng...
Cùng với đó, tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu tại một số đơn vị đạt tương đối cao, như VIMC đạt 28,73%; Sonadezi 16,2%; Sawaco 13,41%; Vinataba 11,43%; TKV 10,63%; Liksin 9,11%...
Tuy nhiên, phần lớn các đơn vị còn sai sót trong việc hạch toán kế toán, kê khai nghĩa vụ với ngân sách Nhà nước (NSNN) nên qua kiểm toán phải điều chỉnh tổng tài sản/tổng nguồn vốn của các tập đoàn, tổng công ty, công ty tăng 2.216,31 tỷ đồng, giảm 0,036 tỷ đồng; điều chỉnh tổng doanh thu, thu nhập tăng 1.297,54 tỷ đồng; tổng chi phí tăng 41,83 tỷ đồng, giảm 1.121,61 tỷ đồng. Đặc biệt, KTNN đã kiến nghị các tập đoàn, tổng công ty, công ty phải tăng thu NSNN 1.411,12 tỷ đồng, giảm thuế giá trị gia tăng được khấu trừ 8,78 tỷ đồng.
Theo kết quả kiểm toán, tại VIMC nợ phải thu quá hạn lên tới 268,76 tỷ đồng, tại Công ty CP cảng Sài Gòn 164,04 tỷ đồng, tại Công ty CP Vận tải Biển Việt Nam 111,10 tỷ đồng. Nhiều doanh nghiệp khác cũng có số nợ phải thu quá hạn lên tới vài chục tỷ đồng, như Công ty CP Cảng Hải Phòng 38,36 tỷ đồng, Công ty TNHH MTV Vận tải Biển Đông 27,02 tỷ đồng, Công ty TNHH MTV Quản lý kinh doanh Nhà TP Hồ Chí Minh 67,29 tỷ đồng, Công ty mẹ - Vinafor 86,78 tỷ đồng, Công ty mẹ - Tổng công ty Văn hóa Sài Gòn (SCPC) 42,3 tỷ đồng.
Số nợ khó đòi tại Công ty mẹ - Vinafood 1 được xác định lên tới 2.537,98 tỷ đồng và tại nhiều tập đoàn, tổng công ty, số nợ khó đòi cũng lên tới hàng trăm tỷ đồng, như Công ty mẹ - Satra 430,71 tỷ đồng, TKV 279,15 tỷ đồng. Một số đơn vị phải trích lập dự phòng phải thu khó đòi rất lớn như VNPT phải trích lập dự phòng 509,12 tỷ đồng; EVN phải trích lập dự phòng 367,86 tỷ đồng...
Nhiều doanh nghiệp bán hàng, đặt cọc cho nhà cung cấp không có bảo lãnh, tài sản đảm bảo hoặc vượt giá trị tài sản thế chấp, bảo lãnh hoặc ký hợp đồng với khách hàng chưa chặt chẽ; trích lập dự phòng thừa hoặc thiếu nợ phải thu khó đòi, xóa nợ không đúng quy định (cụ thể là VIMC xóa khoản nợ chưa đủ điều kiện xác định là khoản nợ không có khả năng thu hồi 23,3 tỷ đồng).
Cũng theo KTNN, còn có tình trạng vật tư tồn kho lâu ngày, chậm luân chuyển; chưa đánh giá giá trị vật tư thu hồi sau sửa chữa tài sản; chưa kiểm kê đầy đủ vật tư, hàng hóa (như Satra chưa kiểm kê mặt hàng mỡ cá, giá trị trên sổ kế toán là 580,53 tỷ đồng).
Việc trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho cũng chưa đúng quy định, có doanh nghiệp trích thừa, nhưng có doanh nghiệp lại trích thiếu hàng tỷ đồng. Một số doanh nghiệp khấu hao tài sản cố định không đúng quy định, tiêu biểu trong đó là EVN trích thừa 388,96 tỷ đồng. Một số doanh nghiệp sử dụng tài sản cố định chưa hiệu quả...
Bên cạnh đó, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính (trong đó có 3 doanh nghiệp thuộc Vicem và 6 doanh nghiệp thuộc Vinafood 1) hoặc bị đưa vào diện giám sát tài chính đặc biệt (1 doanh nghiệp thuộc EVN) theo quy định tại Nghị định số 87/2015/NĐ-CP của Chính phủ.
https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/