Chiến lược then chốt và hiệu quả để giảm tiêu thụ

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, Việt Nam cần vững tin rằng tăng thuế tiêu thụ đặc biệt là chiến lược then chốt và hiệu quả để giảm tiêu thụ thuốc lá; đồng thời tăng nguồn thu cho ngân sách để đầu tư cho các lĩnh vực khác, nhất là y tế.

Hút thuốc lá gây thiệt hại 108 nghìn tỷ đồng mỗi năm

Việt Nam hiện đứng thứ 15 thế giới về sử dụng thuốc lá, với khoảng 15,3 triệu người hút trực tiếp và 33 triệu người hút thụ động. Đáng chú ý, phụ nữ và trẻ em chiếm tỷ lệ lớn trong nhóm đối tượng chịu ảnh hưởng từ khói thuốc thụ động.

 TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM)

TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM)

Hệ lụy về sức khỏe và chi phí xã hội từ việc hút thuốc lá vô cùng nghiêm trọng và ngày càng tăng. Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), năm 2024 có khoảng 84.500 người tử vong do hút thuốc chủ động và 18.800 người tử vong do tiếp xúc thụ động với khói thuốc. Còn theo báo cáo Hội Kinh tế Y tế, năm 2022, hút thuốc lá gây ra chi phí y tế và thiệt hại kinh tế lên tới 108 nghìn tỷ đồng, chiếm 1,14% GDP. Đây là mối đe dọa đối với sự phát triển của Việt Nam, đặc biệt là với khát vọng trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045.

Nhận thức được điều đó, thời gian qua, Việt Nam đã có nhiều chính sách nhằm giảm thiểu tác hại của thuốc lá song các kết quả đạt được vẫn chưa đáp ứng kỳ vọng, TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết tại Hội thảo "Xây dựng chiến lược điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng thuốc lá, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam" do CIEM phối hợp Tổ chức Vital Strategies tổ chức ngày 7.11. Điều này đòi hỏi có các nghiên cứu sâu rộng hơn, dựa trên bằng chứng khoa học chặt chẽ, cập nhật và có tính dự báo hơn để làm căn cứ đề xuất các giải pháp giảm tỷ lệ hút thuốc.

 TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), phát biểu tại hội thảo

TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), phát biểu tại hội thảo

Trình bày một số kết quả nghiên cứu chính của CIEM, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp, cho biết, thuế thuốc lá ở nước ta còn tương đối thấp so với các nước ASEAN và trung bình thế giới. Thuế tiêu thụ đặc biệt ở nước ta hiện nay là 75% áp dụng đối với giá xuất xưởng và chiếm tỷ trọng 38,8% giá bán lẻ. Tỷ trọng thuế tiêu thụ đặc biệt trong giá bán lẻ của nước ta hiện chỉ cao hơn Lào (18,8%), Campuchia (25 - 31,1%) và thấp hơn đáng kể các quốc gia thu nhập trung bình (59%) và mức trung bình toàn cầu (61,5%). Vì vậy, giá bán thuốc lá của Việt Nam rất thấp so với các nước khác trong khu vực.

3 kịch bản tăng thuế của CIEM

Phản biện quan điểm Việt Nam đã tăng thuế nhiều lần nhưng tác động chưa mong muốn, nên chăng dùng chính sách khác, ông Dương cho rằng, Việt Nam hiện là quốc gia đang phát triển, thu nhập người dân tăng dần qua các năm khiến giá bán thuốc lá chưa thực sự đắt với người dân. Điều này khiến chính sách chưa đạt kỳ vọng.

Theo ông Dương, những đánh giá về việc tỷ lệ hút thuốc lá còn tương đối cao ở Việt Nam không hàm ý phủ nhận vai trò của thuế tiêu thụ đặc biệt đối với kiểm soát tiêu dùng thuốc lá. Bài học từ kinh nghiệm quốc tế như Hàn Quốc và Nhật Bản cho thấy, Việt Nam cần vững tin rằng tăng thuế tiêu thụ đặc biệt là chiến lược then chốt và hiệu quả để giảm tiêu thụ thuốc lá, đặc biệt là với những người có thu nhập thấp và trẻ em. Đồng thời, thu ngân sách từ thuế tiêu thụ đặc biệt có thể giúp Chính phủ cải thiện nguồn thu nói chung mà còn giúp Chính phủ gia tăng đầu tư vào các lĩnh vực khác, đặc biệt là đầu tư vào các chương trình y tế.

 Toàn cảnh hội thảo

Toàn cảnh hội thảo

Qua nghiên cứu, CIEM đưa ra 3 kịch bản tăng thuế và chỉ ra lộ trình tăng thuế để điều chỉnh hành vi người tiêu dùng dựa trên việc bỏ qua sai số về mức tăng thu nhập hàng năm.

Cụ thể, kịch bản 1, thuế tiêu thụ đặc biệt áp dụng theo tỷ lệ (%) so với giá xuất xưởng của thuốc lá; mức thuế suất tăng lên 85%. Phần thu từ thuế tiêu thụ đặc biệt được sử dụng để hỗ trợ chi trợ cấp đồ dùng học tập cho trẻ em nghèo (38 nghìn đồng/người/tháng, áp dụng trong 9 tháng).

Kịch bản 2, thuế tiêu thụ đặc biệt áp dụng theo tỷ lệ (%) so với giá bán lẻ trước thuế giá trị gia tăng và thuế tiêu thụ đặc biệt; mức thuế suất tăng lên 85%. Phần thu từ thuế tiêu thụ đặc biệt được sử dụng để hỗ trợ chi chăm sóc sức khỏe cho các hộ nghèo (mức chi 552 nghìn đồng/người/năm).

Kịch bản 3, thuế tiêu thụ đặc biệt chuyển sang áp dụng theo cơ chế thuế tuyệt đối hoặc hỗn hợp, với mức thuế tiêu thụ đặc biệt tăng dần theo lộ trình lên mức: 40%, 50%, 60% và đạt tỷ trọng thuế tiêu thụ đặc biệt trong giá bán lẻ ở mức 70%.

Phần thu từ thuế tiêu thụ đặc biệt được sử dụng để hỗ trợ chi đào tạo kỹ năng chuyển đổi nghề nghiệp cho các hộ nghèo, với mức chi là 468 nghìn đồng/người/năm, tăng dần lên 900 và 1,8 triệu đồng/người/năm vào năm 2023.

CIEM nghiêng về kịch bản 3. Theo đó, năm thứ 4 trong lộ trình tăng thuế, tỷ trọng thuế tiêu thụ đặc biệt trong giá bán lẻ tăng lên 70% so với mức thấp chỉ 38,8%.

Ông Nguyễn Anh Dương nhìn nhận, Việt Nam cần nghiên cứu để chuyển sang áp dụng cơ chế thuế tiêu thụ đặc biệt hỗn hợp đối với thuốc lá và cơ chế trong luật cho phép cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh sau một số năm. "Về lộ trình, điều chỉnh thuế quyết liệt, với lộ trình dài hơi, bước tăng đủ mạnh và tính thêm phương án thuế hỗn hợp khi bổ sung thuế tuyệt đối", ông Dương khuyến nghị. Cùng với đó, truyền thông thường xuyên, kịp thời và hữu hiệu về yêu cầu tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá; rà soát, thực hiện các biện pháp cụ thể để hỗ trợ cho việc thực hiện tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá, chống buôn lậu.

Theo bà Hana Ross, chuyên gia kinh tế, Viện Nghiên cứu Kinh tế quốc tế Vienna, thời gian qua, Philippines là quốc gia tăng thuế cao nhất, thấp nhất là Việt Nam; gánh nặng thuế trên giá bán cao nhất là Thái Lan và Việt Nam vẫn ở vị trí thấp nhất. Lý do Việt Nam tăng thuế chậm và tụt lại phía sau trong số các quốc gia khác vì Việt Nam có cấu trúc thuế theo đơn giá. Giá thuốc lá danh nghĩa và giá thực tế đều tăng ở tất cả các nước từ năm 2010 đến năm 2020, ngoại trừ Việt Nam.

Vũ Quang

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chien-luoc-then-chot-va-hieu-qua-de-giam-tieu-thu-post395714.html