10 hộ dân ở Phú Quốc bị thu hồi đất giá 0 đồng để làm dự án du lịch

10 hộ dân ở TP. Phú Quốc (Kiên Giang) bị thu hồi hàng ngàn mét vuông đất để làm dự án khu du lịch, nhưng đền bù với giá 0 đồng. Bức xúc, người dân 'đội' đơn gõ cửa nhiều cơ quan chức năng nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết.

Theo đơn gửi báo Tiền Phong, bà Nguyễn Thị Ngọc Hà (vợ ông Trần Văn Năm) - cho biết, thửa đất rộng hơn 6.000m2 tọa lạc tại ấp đường Bào, xã Dương Tơ do vợ chồng bà khai khẩn và canh tác ổn định từ trước ngày 1/7/2004. Cuối năm 2015, UBND huyện Phú Quốc (nay là TP. Phú Quốc) ban hành các quyết định thu hồi đất, phục vụ dự án Khu du lịch Nam Bãi Trường.

Bà Hà chỉ về phần đất của mình bị thu hồi làm dự án du lịch.

Bà Hà chỉ về phần đất của mình bị thu hồi làm dự án du lịch.

"Tuy nhiên, sau khi UBND huyện Phú Quốc ban hành quyết định thu hồi đất, lãnh đạo địa phương tiếp tục ban hành quyết định đền bù, hỗ trợ cho gia đình tôi là 0 đồng. Địa phương nói tôi và những hộ dân khác vào canh tác đất sau khi Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang công bố quy hoạch”, bà Hà bức xúc nói.

Đồng cảnh ngộ với bà Hà, ông Từ Văn Lực cho biết, khoảng 1993 nông trường dừa giải thể, ông và nhiều người dân ở đây đến khai khẩn đất canh tác theo tinh thần khuyến khích khẩn hoang của Nhà nước. Đến 2004, có đoàn đến đo đạc tổng thể diện tích đất của ông và bà con trong ấp, hồ sơ địa chính thể hiện rõ chủ sở hữu mỗi thửa đất.

Đến 2007, UBND huyện Phú Quốc công bố quy hoạch khu du lịch Bãi Trường, ông Lực và những hộ còn lại chấp hành chủ trương, nhưng chờ mãi đến tháng 12/2015 mới có quyết định thu hồi đất. Tuy nhiên, ông Lực và 9 hộ dân còn lại không nhận được quyết định bồi thường, hỗ trợ và tái định cư. Sau đó, người dân có ý kiến nên UBND huyện Phú Quốc ban hành quyết định đền bù, hỗ trợ cho các hộ dân với số tiền 0 đồng.

Gia đình ông Lực bị thu hồi trên 10.600m2 đất, trên thửa đất này ông xây dựng căn nhà kiên cố từ năm 2000 và sinh sống đến nay (trước đó là căn nhà nhỏ). Đặc biệt trên mảnh đất này ông Lực còn trồng hơn 1.000 cây đào, 450 cây xà cừ, trong đó có nhiều cây đào, sao trên 20 năm tuổi, nhưng không nhận được bồi thường, hỗ trợ tài sản trên đất.

Ngoài 2 trường hợp trên còn nhiều hộ dân khác cũng rơi vào trường hợp tương tự tại khu đất làm dự án. Các hộ dân này có xác nhận của ban nhân dân ấp về nguồn gốc đất và đặc biệt bà con đều tham gia đóng thuế nhà đất trước khi dự án triển khai. Tuy nhiên, cả 10 hộ dân trên đều bị thu hồi đất và giải tỏa trắng.

Sau khi khiếu nại đòi quyền lợi không thành, năm 2017, bà Hà, ông Lực và 8 hộ dân khác làm đơn khởi kiện đến TAND tỉnh Kiên Giang. Các hộ dân yêu cầu TAND tỉnh Kiên Giang hủy bỏ quyết định thu hồi đất, quyết định cưỡng chế thu hồi đất và quyết định bồi thường, hỗ trợ và tái định 0 đồng của của UBND huyện Phú Quốc và Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc.

Ngày 16/8/2018, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc - Huỳnh Quang Hưng (đại diện UBND huyện Phú Quốc) thỏa thuận với các hộ dân tại TAND tỉnh Kiên Giang. Phía người dân rút đơn khởi kiện, còn chính quyền cam kết trong vòng 7 ngày sẽ ban hành văn bản thu hồi quyết định bồi thường, hỗ trợ và tái định cư (quyết định đền bù, hỗ trợ 0 đồng); trong vòng 60 ngày UBND huyện Phú Quốc sẽ ban hành quyết định mới về việc bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho người dân theo quy định pháp luật.

Chưa thực hiện cam kết với người dân

Tuy nhiên, sau khi các hộ dân rút đơn khởi kiện, bà con mòn mỏi chờ đợi suốt 8 năm qua, đến nay UBND TP. Phú Quốc vẫn chưa ban hành quyết định hỗ trợ, đền bù và tái định cư cho 10 hộ dân như lời Phó Chủ tịch UBND TP. Phú Quốc cam kết tại buổi hòa giải.

Thửa đất của ông Từ Văn Lực sau khi bị cưỡng chế.

Thửa đất của ông Từ Văn Lực sau khi bị cưỡng chế.

Từ năm 2018 đến năm 2022, Hội đồng tư vấn xét duyệt đất đai xã Dương Tơ nhiều lần tổ chức xét duyệt nguồn gốc đất cho 10 hộ dân. Theo đó, Hội đồng đều công nhận nguồn gốc đất của 10 hộ dân dân đủ điều kiện bồi thường, trong đó có 5 hộ có nguồn gốc sử dụng đất ổn định từ năm 1995, 5 hộ có nguồn gốc sử dụng đất ổn định từ năm 1997. Ngoài ra, các hộ dân còn được Hội đồng xét duyệt hỗ trợ chuyển đổi nghề, tìm việc làm.

Tuy nhiên, khi phương án đền bù, hỗ trợ cho người dân được Hội đồng xã trình lên Hội đồng thẩm định phương án đền bù, hỗ trợ và tái định cư huyện Phú Quốc lại không được chấp thuận. Hội đồng huyện yêu cầu ngành chức năng, UBND xã Dương Tơ xác minh lại nguồn gốc đất, quá trình sử dụng đất của các hộ dân.

Đến tháng 5/2024, Hội đồng xã Dương Tơ lại hủy 5 biên bản xét duyệt nguồn gốc đất, đền bù, hỗ trợ và chuyển đổi nghề cho 10 hộ dân do các Hội đồng trước đó đã thông qua. Hội đồng mới do Chủ tịch UBND xã Dương Tơ Võ Hồng Linh làm Chủ tịch còn kết luận, nguồn gốc đất của 10 hộ dân không đủ điều kiện bồi thường; bởi các hộ dân vào canh tác đất từ năm 2008-2009.

Hiện nay, nhiều hộ dân mất đất, mất nhà phải ở trọ, ở nhờ con cháu; cuộc sống lâm vào cảnh khó khăn…

Liên quan vụ việc trên, lãnh đạo UBND TP. Phú Quốc cho biết, địa phương đã chỉ đạo các phòng ban chuyên môn lập phương án bồi thường theo quy định. Nếu đủ điều kiện bồi thường hoặc không đủ điều kiện cũng niêm yết công khai tại trụ sở UBND xã để người dân biết.

Nhật Huy

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/10-ho-dan-o-phu-quoc-bi-thu-hoi-dat-gia-0-dong-de-lam-du-an-du-lich-post1690895.tpo