10 mỹ nhân 'hồng nhan họa thủy' nổi tiếng nhất Trung Quốc, 2 người là 'gian loạn triều hậu'
Từ xa xưa, người Trung Quốc đã có câu 'hồng nhan họa thủy' để nói về những người phụ nữ có nhan sắc mang họa cho đất nước. Trong bài viết này, hãy cùng điểm qua 10 mỹ nhân Trung Hoa đã khiến một triều đại diệt vong.
Muội Hỉ thời nhà Hạ
Muội Hỉ được mệnh danh "Thiên cổ đệ nhất Hồ ly tinh", là phi tử của vua Hạ Kiệt, vị hoàng đế cuối cùng của nhà Hạ. Sau khi cưới Muội Hỉ về, hoàng đế chìm đắm trong sự xa hoa, thú vui. Họ đã tổ chức những bữa tiệc đắm mình trong tửu trì (ao rượu). Chiều ý mỹ nhân, Hạ Kiệt còn tạo ra "Khuynh Đài" để họ chơi đùa.
Người ta nói rằng Muội Hỉ thích nghe tiếng xé lụa nên Hạ Kiệt dã ra lệch cho mọi người hàng ngày phải magn đến một trăm xấp lụa, xé trước mặt mỹ nhân. Sự lãng phí trong một quốc gia có dân số không bằng quận Hải Điến của Bắc Kinh hiện nay là điều không thể tha thứ. Nhiều người dân khi đó bị đẩy đến bước đường cùng, phải bỏ nhà bỏ cửa đi biệt xứ. Họ chỉ trích Hạ Kiệt và Muội Hỉ. Không lâu sau đó, nhà Hạ bị nhà Thương cách đó khoảng một trăm dặm tiêu diệt.
Đát Kỷ nhà Thương
Đát Kỷ là phi tần nổi tiếng của Trụ Vương nhà Thương. Mặc dù mọi người đều biết về người phụ nữ này nhưng hầu hết đều thông qua các truyền thuyết khó tin, đặc biệt là trong Phong Thần Diễn Nghĩa, nơi mà Đát Kỷ biến thành hồ ly 9 đuôi.
Người ta đánh giá rằng Đát Kỷ cũng giống như Muội Hỉ, đều là những người phụ nữ xinh đẹp tuyệt trần. Sau khi vào cung, họ khiến các vị vua mê đắm, sao lãng triều chính, đắm chìm trong dục vọng, suy kiệt sức khỏe.
Tình hình xã hội lúc đó phức tạp, cuối cùng, những người đẹp này góp phần khiến quốc gia sụp đổ. Theo lịch sử, Trụ Vương ban đầu là người rất tài giỏi. Khi mới lên ngôi, ông nuôi nhiều hoài bão, tiến hành nhiều chiến dịch quân sự. Thật đáng tiếc, một khi mê đắm tửu sắc, ông đã mất cả danh dự, gia đình và quốc gia.
Bao Tự thời Tây Chu
Bao Tự là mỹ nhân không cười, gắn liền với điển tích Phóng hỏa hí chư hầu. Theo đó, Chu vương vì say mê nhan sắc của nàng nên đã nghe lời nịnh thần, đốt lửa trên đài để lừa triệu chư hầu chạy đến, chọc cười cho nàng.
Cuốn "Đông Chu liệt quốc" mô tả nguồn gốc của Bao Tự rất huyền bí nhưng thực tế, cô chỉ là một mỹ nhân của bộ lạc Bao, được dâng lên cho Chu vương vì lý do chính trị. Lịch sử không nhấn mạnh đến sự đam mê và ham muốn của Bao Tự, điển tích "Phóng hỏa hí chư hầu" đều do Chu vương, người đàn ông dâm dục, ngu ngốc tự mình làm.
Sự sụp đổ của nhà Chu không hẳn do Bao Tự gây ra mà do Chu vương tự chuốc lấy.
Tây Thi thời Xuân Thu
Từ góc độ nào đó, Tây Thi được xem là "anh hùng" thuộc nhóm "đảng ngầm". Nhưng từ quan điểm của nước Ngô, Tây Thi chính là "hồng nhan họa thủy", đầy mưu mô. Sự diệt vong của Ngô Vương Phù Sai có mối liên hệ đến nàng. Tất nhiên những quyết định sai lầm của Phù Sai đã dẫn tới sự diệt vong của nước Ngô nhưng Tây Thi là người tác động khiến ông thả Câu Tiễn về nước Việt. Nhân đó, câu Tiễn gây dựng lực lượng và đánh bại nước Ngô sau này.
Lã Trĩ thời Tây Hán
Bà là vợ của Hán Cao Tổ Lưu Bang. Lã Hoàng hậu thực ra không trực tiếp hay gián tiếp dẫn đến việc đất nước bị diệt vong như 4 người trước, nhưng bà đã đàn áp họ Lưu và nâng đỡ họa Lã, mở ra một xu hướng xấu. Người xưa coi trọng "quyền lực gia tộc" và rất phản đối việc nhà vợ "chiếm ngôi", vậy nên Lã Hậu bị coi là đại diện cho "hồng nhan họa thủy".
Ngoài ra, cách thức của Lã Hậu cũng quá độc ác, có thể thấy qua cách bà đối xử với tiểu thiếp của Lưu Bang - Thích Phu Nhân. Người ta nói rằng ngay khi Lưu Bang Qua đời, Lã Hậu đã chặt đứt tay chân, móc mắt, đâm điếc 2 tai, cắt lưỡi của Thích Phu Nhân rồi ném bà vào nhà xí, biến thành "người lợn". Đây là cách làm tàn nhẫn, khó mà chấp nhận được.
Điêu Thuyền thời Tam Quốc
Câu chuyện của Điêu Thuyền cũng tương tự như Tây Thi. Theo tình tiết của tiểu thuyết, Điêu Thuyền đã vì muốn báo đáp công ơn nuôi dưỡng của cha nuôi Vương Doãn mà nguyện làm cho bánh xe lịch sử phải đổi hướng khi khiến Đổng Trác bị giết bởi Lữ Bố vì giành giật nàng. Nếu đoạn lịch sử ở Phụng Nghi Đình trong "Tam Quốc Diễn Nghĩa" là thật thì Điêu Thuyền chủ yếu vẫn bị người khác lợi dụng, tai họa này phải tính do đàn ông gây ra.
Giả Nam Phong nhà Tấn
Giả Nam Phong có lẽ là người xấu nhất trong số những "mỹ nhân" được liệt kê trong bài viết này. Theo ghi chép lịch sử, Giả hoàng hậu rất cao, nước da ngăm đen và có một khuyết điểm sau lông mày, khiến bà trở nên xấu xí. Ngoài xấu, người phụ nữ này còn ác.
Chồng của Giả Nam Phong là Tư Mã trung Tấn Huệ Đế. Người đàn ông này là một kẻ ngốc nổi tiếng. Có lần, nghe thấy tiếng ếch kêu, ông ta hỏi: "Những con ếch này kêu cho nhà nước hay cho cá nhân?". Một lần khác, có người báo cáo về nạn đói xảy ra, chết nhiều người. Hoàng đế hỏi "Tại sao?", người này đáp "Không có lương thực". Tấn Huệ Đế nói: "Thật ngu xuẩn, không có lương thực sao họ không ăn thịt? Như vậy thì không chết đói được". Chính vì ngu ngốc như vậy mà Tấn Huệ Đế đã bị Giả Nam Phong kiểm soát hoàn toàn.
Dương Quý Phi nhà Đường
Dương Quý Phi tên thật là Dương Ngọc Hoàn. Nàng sở hữu vể đẹp nghiêng nước nghiêng thành, một nụ cười khi quay đầu làm điên đảo chúng sinh, lu mờ vẻ đẹp của tam cung lục viện. Vẻ đẹp của Dương Ngọc Hoàn không ai có thể cưỡng lại được. Vì vẻ đẹp của cô mà mùa xuân ngắn ngủ, ngày dài lên cao, vua không màng chính sự. Hậu cung có 3.000 phi tần xinh đẹp nhưng tất cả tình yêu thương của hoàng đế chỉ dành cho cô. Như vậy, làm sao Đường Huyền Tông có thể quản lý tốt đất nước? Cuối cùng, cuộc nổi loạn An Lộc Sơn bùng nổ, triều Đường từ thịnh thành suy. Nhìn từ góc độ này, Dương Quý Phi chắc chắn là "hồng nhan họa thủy".
Tuy nhiên, xét cho cùng, đất nước suy vong thì trách nhiệm lớn nhất thuộc về bậc quân vương. Đường Huyền Thông đã sủng ái tiểu nhân, không quan tâm chính sự, đồng thời thích khoa trương, lơ là biên giới, hoàn toàn mất đi tinh thần tiến thủ của thời kỳ trước. Nếu không có Dương Quý Phi thì Đường Huyền Tông cũng sẽ sủng ái một mỹ nhân khác mà thôi.
Khách Thị thời nhà Minh
Khách Thị tên thật là Khách Ấn Nguyệt, là nhũ mẫu của Chu Do Hiệu, tức hoàng đế Minh Hy Tông thời nhà Minh.
Bà là một thôn nữ quê ở tỉnh Hà Bắc, năm 18 tuổi nhập cung làm nhũ mẫu cho hoàng tử trẻ. Khách Thị rất thông thạo tâm lý trẻ con, nhanh chóng lấy được lòng Chu Do Hiệu. Sau này, nhờ dựa vào hoàng tử bé mà Khách Thị dần nắm được hậu cung.
Cùng lúc đó, trong cung xuất hiện một thái giám mới là Ngụy Trung Hiền. Cũng như Khách Thị, Ngụy Trung Hiền có thể thu phục hoàng tử.
Khách Thị và Ngụy Trung Hiền bắt đầu mối quan hệ đối thực (quan hệ vợ chồng giữa thái giám và cung nữ trong cung đình xưa). Hai người phối hợp chặt chẽ, kẻ trong người ngoài để khống chế hoàng đế, khiến đất nước loạn lạc.
Từ Hi nhà Thanh
Từ Hi Thái hậu là kẻ đáng gờm nhất trong các "hồng nhan họa thủy". Vì sự ích kỷ và kém hiểu biết của người phụ nữ này mà nhà Thanh sụp đổ, Trung Quốc trở thành miếng bánh cho các cường quốc phương tây xâu xé.
Bà là đệ nhất sủng phi của Hàm Phong đế, sinh mẫu Đồng Trị Đế, dưỡng mẫu Quang Tự đế và là tổ mẫu trên danh nghĩa của Tuyên Thống đế. Người phụ nữ này dã trải qua 5 đời hoàng đế nhà Thanh, là người buông rèm nhiếp chính và nắm quyền lực thực sự trong 47 năm kể từ sau khi chồng qua đời.
Từ Hi cùng Võ Tắc Thiên thời Đường và Lã hậu thời Hán bị Văn hóa đại chúng Trung Hoa xem là những "gian hậu loạn triều" tàn ác và bất nhân với mọi người, làm nghiêng đổ giang sơn xã tắc.