10 năm đón giao thừa... ngoài đường
Vào khoảnh khắc giao thừa, chuyển giao năm mới, khi người người trở về nhà sau những tràng pháo hoa vang trời, những nữ lao công lại tất bật dọn dẹp để sớm tan ca, trở về nhà bắt đầu sắp lễ cúng giao thừa.
Năm nào cũng vậy, nhiều người công nhân vệ sinh môi trường đã quen với việc đón giao thừa trên đường phố. Khi mọi người diện những quần áo đẹp để đi đón giao thừa trên phố thì các chị vẫn cần mẫn với công việc của mình, chăm chỉ quét dọn từng mẩu rác trên đường để sáng mùng 1 Tết khi mọi người tỉnh dậy thì phố phường đã tinh khôi, sạch đẹp.
Đêm 30 Tết, trong khi nhà nhà sum vầy đón giao thừa, chị Nguyễn Thị Thùy Linh, công nhân Công ty cổ phần Môi trường Đô thị Gia Lâm cùng đồng nghiệp bắt đầu phân chia công việc, tỏa đi các hướng quét rác xuyên đêm trên từng con phố. Làm việc trên 10 năm cũng là từng ấy thời gian chị Linh phải làm việc đêm giao thừa. Thậm chí, hai năm vừa rồi, phải qua thời khắc giao thừa đến 4 tiếng, chị Linh cùng đồng nghiệp mới được về nhà. Chị Linh cho biết những ngày cận kề Tết, lượng rác tăng gấp 4-5 lần so với ngày thường, đặc biệt ngày và đêm 30 Tết. Đây là thời điểm công nhân môi trường làm việc cực nhọc nhất trong năm.
“Thực sự là làm việc vào đêm giao thừa rất là vất vả. Làm việc những ngày cận Tết, tôi cũng mong muốn được về với gia đình nhưng nhìn khối lượng công việc thì chúng tôi cũng phải cố gắng. Cũng như việc nhà mình muốn sạch, đẹp thì mọi người cũng mong đường phố sạch đẹp để đón năm mới”, chị Linh chia sẻ.
Dù bao năm phải đón giao thừa ngoài đường, nhưng công việc ý nghĩa làm sạch đường phố lại là động lực để chị Linh cố gắng. Hơn hết, động lực lớn nhất với chị là cố gắng làm để lo cho 3 đứa con ăn học đến nơi đến chốn. Chị Linh chia sẻ, vất vả nhiều năm không được đón năm mới cùng chồng con nhưng chị luôn yêu công việc này vì chị và đồng nghiệp là những người làm cho môi trường xanh, sạch, đẹp. Còn sức khỏe, chị sẽ còn gắn bó.
Nói về những ước vọng ngày đầu năm mới, chị Linh cho biết: “Đầu năm mới, tôi chỉ mong người dân, đặc biệt các bạn trẻ nâng cao ý thức bảo vệ môi trường hơn nữa, không vứt rác bừa bãi, hãy bỏ vào nơi quy định để những người làm công việc như chúng tôi được trở về gia đình sớm hơn. Riêng với bản thân mình, tôi mong các con mình luôn khỏe mạnh, học giỏi, gia đình luôn vui vẻ, hạnh phúc”.
Tương tự, gắn bó với nghề được 22 năm, chị Đỗ Thị Tuyết, 47 tuổi, trú tại quận Đống Đa, Hà Nội cho biết, ca làm việc mỗi ngày từ 17h hôm trước đến 2h sáng hôm sau. Những ngày đầu theo nghề, gia đình, họ hàng chị đều phản đối. Bởi với mức lương của công việc này, chị có thể tìm được những công việc nhẹ nhàng hơn như công nhân may, công nhân nhà máy. Thế nhưng, chị cảm thấy không dừng lại ở việc dọn vệ sinh, công việc của mình còn giúp “làm đẹp” khu phố, giữ gìn vệ sinh môi trường chung, mang tính cộng đồng nhiều hơn.
“Thời điểm làm việc chính của tôi là vào đêm tối, lúc này nhiệt độ xuống thấp nhất trong ngày. Hôm nào cũng mong xong việc thật sớm để về với gia đình. Dù mùa đông hay mùa hè, mưa gió hay tạnh ráo, thì lịch làm việc vẫn không thay đổi. Có những ngày nhiệt độ xuống thấp, chân tay tê cứng khiến công việc của tôi thêm phần vất vả”, chị Tuyết cho biết.
Giờ giấc sinh hoạt cũng bị đảo lộn từ lúc vào nghề. Trước đó, gia đình chị ở quê nên đi ngủ rất sớm, từ lúc theo nghề, lúc mọi người nghỉ ngơi, đi ngủ lại là lúc chị ở ngoài đường, thu gom và quét dọn. Không chỉ chị Tuyết, giờ giấc sinh hoạt của cả gia đình chị cũng bị đảo lộn. Những ngày đầu làm công việc này, con của chị mới 3 tuổi, nên vẫn còn quấn mẹ, đêm nào cũng khóc và đợi mẹ về mới đi ngủ. Gia đình xót con, xót cháu nên càng thêm phần phản đối chị theo nghề. Đặc biệt, vào những đêm giao thừa, chị cùng đồng nghiệp vẫn cần mẫn “làm đẹp” cho phố phường, giúp người dân Thủ đô an vui đón Tết.
Nhiều năm làm việc trong đêm giao thừa, những người lao công dường như đã quen với nỗi vất vả, mệt nhọc này. Trên địa bàn thành phố Hà Nội, mỗi ngày, đêm, người dân xả ra hàng chục tấn rác thải sinh hoạt, vào ngày Tết, lượng rác thải càng nhiều hơn, có khi gấp 2-3 lần so với ngày thường. Vì thế, những ngày này, họ phải làm việc 24/24h, chia làm 3 ca, mỗi ca 8h. Họ thường trở về nhà vào lúc 3-4h sáng. Làm sạch, đẹp các tuyến đường để Thành phố trở nên sạch đẹp và văn minh hơn chính là điều mà những công nhân môi trường luôn mong muốn trong những ngày đầu năm mới.
Trong thời khắc năm cũ qua đi, năm mới sắp đến, giờ này mọi người đều ấm êm trong gia đình, nhưng bên ngoài đường vẫn thấp thoáng bóng người công nhân vệ sinh môi trường vẫn tiếp tục miệt mài lao động để giữ cho đường phố sạch sẽ. Ngoài kia, Xuân đã về!
Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhonline.vn/10-nam-don-giao-thua-ngoai-duong-d196581.html