10 năm lấy chồng, 4 lần mang thai nhưng cả 4 lần đều thai lưu: Chuyên gia chỉ ra 5 điểm cần lưu ý để điều trị vô sinh, hiếm muộn có hiệu quả
Một trong những lý do khiến nhiều cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn chưa được làm bố, làm mẹ là bởi vẫn chưa hiểu đúng về các phương pháp điều trị bệnh.
10 năm lấy chồng, 4 lần mang thai nhưng cả 4 lần đều thai lưu
Chị KT (Lào Cai) lấy chồng 10 năm, đã 5 lần mang thai nhưng chưa được làm mẹ bởi thai bị lưu. Kể về quãng thời gian 10 năm với hành trình khát khao được làm mẹ của mình, chị KT cho biết: Vợ chồng chị kết hôn từ tháng 3/2012. Trong 5 năm, chị đã 4 lần có thai nhưng cứ mang thai tới 6 hay 8 tuần thì thai bị lưu.
Hai vợ chồng đã nhiều lần đi thăm khám ở bệnh viện Trung ương và bệnh viện Quốc tế để tìm ra nguyên nhân thai bị lưu. Quá trình thăm khám, các bác sĩ xác định chị KT có nhân xơ trong tử cung ảnh hưởng tới quá trình thụ thai. Sau đó, hai vợ chồng chị KT đã làm thụ tinh ống nghiệm tại các bệnh viện lớn và đã thụ thai 5 lần. Nhưng sau khi thụ thai, lần nào thai cũng bị lưu từ tuần thứ 6 tới tuần thứ 8.
Cuối 2019, sau khi chị KT làm thụ tinh trong ống nghiệm và mang thai nhưng thai ở ngoài tử cung nên phải mổ xử lý. Sau khi kiểm tra, phát hiện chị KT có khối u rất lớn trong tử cung, các bác sĩ chỉ định mổ và cắt toàn bộ tử cung. Chị KT cảm thấy rất hoang mang, đau buồn vì lấy chồng 10 năm mà chưa có con, cắt toàn bộ tử cung đồng nghĩa với việc, chị sẽ không thể làm mẹ.
Tháng 5/2020, hai vợ chồng quyết định về Hà Nội để khám và điều trị vô sinh. GS.TS Nguyễn Viết Tiến – Nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế - Nguyên Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương – Chủ tịch Hội Phụ sản Việt Nam, chuyên gia tại Bệnh viện Phụ sản Thiện An là người trực tiếp thăm khám và điều trị cho chị KT. Sau khi siêu âm, phát hiện khối lạc nội mạc tử cung nằm ở thành sau cơ tử cung. Theo GS.TS. Tiến, u xơ cơ tử cung là nguyên nhân gây ra tình trạng sảy thai, thai chết lưu của chị KT nên đã đưa ra chỉ định phẫu thuật khối u xơ tử cung bằng phương pháp mổ mở.
GS.TS Nguyễn Viết Tiến cho biết, ca mổ cho bệnh nhân KT đã thành công, khối u được lấy ra khỏi tử cung của chị KT nặng khoảng 100 gam. Tử cung của chị KT trở lại hình dạng ban đầu, "đẹp'' như chưa có khối u. Sáu tháng sau sẽ kiểm tra và thực hiện biện pháp sinh con trong ống nghiệm cho chị. Hy vọng với kết quả mổ phẫu thuật tốt như vậy, trong lần mang thai tới, chị KT sẽ không còn gặp phải tình trạng thai lưu như trước đây.
GS.TS Nguyễn Viết Tiến – Nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế - Nguyên Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương – Chủ tịch Hội Phụ sản Việt Nam.
5 điểm cần lưu ý để điều trị vô sinh, hiếm muộn có hiệu quả
Theo GS. Nguyễn Viết Tiến, các cặp vợ chồng hiếm muộn muốn điều trị thành công nên nắm được các lưu ý sau:
1. Người bệnh không nên áp đặt bác sĩ làm theo những kiến thức trên mạng
Điều trị vô sinh, hiếm muộn không thể vội vã được. Về phía người bệnh, nên nghe theo tư vấn của bác sĩ và không nên áp đặt cho bác sĩ. Nhiều người bệnh đọc các kiến thức trên mạng và yêu cầu bác sĩ áp dụng theo. Điều này không nên bởi có những kiến thức trên mạng đúng nhưng có những kiến thức chưa đúng, chưa phù hợp về mặt khoa học.
2. Các cặp vợ chồng hiếm muộn không nên hoang mang, liên tục thay đổi cơ sở điều trị
Nhiều cặp vợ chồng sau khi áp dụng kỹ thuật điều trị một lần và thất bại tỏ ra hoang mang, sợ hãi và muốn rút ngắn thời gian điều trị. Tuy nhiên, khi càng có tâm lý nóng vội thì tỷ lệ thành công điều trị càng thấp hơn.
Đối với nhiều bệnh nhân điều trị vô sinh không thành công lại quay lại đúng cơ sở đó thì bác sĩ sẽ tìm tòi dựa vào quá trình trước đây điều trị không thành công để đưa ra giải pháp phù hợp, khắc phục những sai lầm hoặc những nguyên nhân chưa tìm được. Nếu bệnh nhân thay đổi sang cơ sở khác, phải điều trị từ đầu, sẽ rất mệt mỏi cho bệnh nhân. Bác sĩ cũng phải tìm hiểu lại toàn bộ quá trình điều trị trước đây của bệnh nhân. Vì vậy, không nên chuyển quá nhiều cơ sở điều trị.
3. Chuẩn bị sẵn sàng về kinh tế
Vô sinh hiếm muộn có thể gặp ở bất kỳ đối tượng nào, ở cả người giàu, người nghèo, người ở nông thôn hay thành thị. Hiện nay, điều trị vô sinh hiếm muộn chưa được hưởng chế độ bảo hiểm. Các kỹ thuật điều trị trong vô sinh tương đối đắt tiền: phẫu thuật nội soi vô sinh hiếm muộn, phẫu thuật tạo hình, thụ tinh trong ống nghiệm chi phí khá cao.
Do đó, khi điều trị vô sinh hiếm muộn, người bệnh phải chuẩn bị kinh phí và các bác sĩ nên cố gắng tìm phương pháp nào ít tốn kém, phù hợp nhất và đạt được hiệu quả tốt cho bệnh nhân.
4. Thụ tinh trong ống nghiệm không phải là biện pháp duy nhất điều trị vô sinh, hiếm muộn
Để điều trị vô sinh, hiếm muộn có nhiều biện pháp gồm: điều trị chống viêm nhiễm, kích thích buồng trứng, bơm tinh trùng vào buồng tử cung, phẫu thuật tạo hình, thụ tinh trong ống nghiệm… Thụ tinh trong ống nghiệm không phải lúc nào cũng phù hợp với tất cả các trường hợp.
Trong điều trị vô sinh hiếm muộn, điều đầu tiên phải tìm kiếm được nguyên nhân gây ra vô sinh, hiếm muộn. Sau đó sẽ tìm biện pháp hiệu quả, chi phí ít nhất và gần với tự nhiên nhất.
5. Điều trị vô sinh, hiếm muộn vẫn có thể dẫn tới tai biến nghiêm trọng
Trong y học, bất kỳ một can thiệp nhỏ nào cũng có khả năng dẫn tới tai biến và dẫn tới tử vong cho bệnh nhân.Trong điều trị vô sinh cũng có những tai biến dẫn tới tử vong.
Khi thụ tinh ống nghiệm, sẽ thực hiện kích buồng trứng. Nếu quá kích buồng trứng, bệnh nhân bị chảy máu, rối loạn đông máu, điều trị rất khó khăn, tốn kém, có thể làm tổn thương các mạch máu lớn, chảy máu... Ngoài ra, sau mỗi lần thụ tinh trong ống nghiệm không thành công, buồng trứng sẽ bị tổn thương vì bị mất đi một số lượng noãn và hao tổn chức năng nội tiết.
Các biện pháp phẫu thuật trong điều trị vô sinh, hiếm muộn cũng gây những tai biến cho bệnh nhân. Trong quá trình phẫu thuật, có thể không giữ được tử cung, phải cắt bỏ tử cung của bệnh nhân.
Hoặc sau phẫu thuật, tử cung của bệnh nhân bị biến dạng, khó khăn cho quá trình mang thai sau này.
Hoặc do lạm dụng bơm hơi, bơm thuốc khi bị tắc vòi trứng khiến ống dẫn chứng bị giãn, ứ dịch, hỏng vòi trứng.
Theo Nhịp sống Việt