10 năm nữa, Việt Nam mới kết thúc thời kỳ 'dân số vàng'?
Tổng cục Thống kê cho rằng, mặc dù Việt Nam không còn lợi thế về cơ cấu tuổi của dân số nhưng nước ta vẫn đang ở trong thời kỳ 'dân số vàng' với lực lượng lao động trẻ dồi dào.
Tổng cục Thống kê phối hợp với Quỹ Dân số Liên hợp quốc nghiên cứu và vừa công bố báo cáo Tổng quan Tài khoản chuyển nhượng quốc gia của Việt Nam. Tài khoản chuyển nhượng quốc gia là một phương pháp toàn diện và có hệ thống được sử dụng để mô tả chi tiết nền kinh tế thông qua đặc điểm thu nhập và chi tiêu của dân số và sự tái phân bổ nguồn lực kinh tế giữa các thế hệ.
Phương pháp này giúp các quốc gia nâng cao hiểu biết về nền kinh tế theo cấu trúc tuổi của dân số cũng như cách dân số ở các nhóm tuổi khác nhau ảnh hưởng đến tăng trưởng và phát triển kinh tế.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, dân số lao động tạo ra thu nhập để bù đắp các khoản chi tiêu của mình và “gánh đỡ” nhóm dân số phụ thuộc trong nền kinh tế Việt Nam thực chất là nhóm những người trong độ tuổi từ 22 đến 53 tuổi, không phải nhóm dân số trong độ tuổi lao động, từ 15 đến 64.
“Đây không phải là một lợi thế cho nền kinh tế Việt Nam khi dân số đang trong thời kỳ già hóa nhanh với số người từ 60 tuổi trở lên tăng mạnh qua các năm”- báo cáo nêu.
Như vậy, trên quan điểm của tài khoản chuyển nhượng quốc gia, những thay đổi trong cơ cấu tuổi của dân số Việt Nam hiện nay không còn đem lại lợi thế cho quá trình tăng trưởng kinh tế của đất nước. Nói cách khác, thời kỳ lợi tức nhân khẩu học thứ nhất đã kết thúc ở Việt Nam.
Dù vậy, đại diện Tổng cục Thống kê cho rằng, điều này không có nghĩa là chúng ta đã kết thúc “thời kỳ dân số vàng”. Xét về cấu trúc tuổi thuần túy, Việt Nam vẫn đang ở trong thời kỳ dân số vàng với tỷ trọng dân số từ 15-64 tuổi của Việt Nam khoảng 67,4%, tỷ trọng dân số dưới 15 tuổi và từ 65 tuổi trở lên đạt khoảng 32,6%.
Tuy nhiên, càng ngày lợi thế do “cơ cấu dân số vàng” đem lại càng giảm đi, đồng thời mức thâm hụt vòng đời kinh tế do tình trạng già hóa dân số ngày càng cao.
Theo Tổng cục Thống kê, lợi tức nhân khẩu học không chỉ xảy ra một lần. Dân số có thể có lợi tức nhân khẩu học lần thứ nhất, lần thứ hai, và thậm chí lần thứ ba.
Ở Việt Nam, thời kỳ lợi tức nhân khẩu học thứ nhất đã kết thúc nhưng Việt Nam có thể triển khai đồng bộ các giải pháp kinh tế xã hội để tăng năng suất lao động, khuyến khích gia tăng tỷ lệ tham gia lao động để đạt được lợi tức nhân khẩu học thứ hai.
Đặc biệt nếu thực hiện tốt các chiến lược, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội theo đúng tinh thần của Quyết định số 1305/QĐ-TTg ngày 08 tháng 11 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ, Việt Nam sẽ có mức tăng năng suất lao động bình quân giai đoạn 2023-2030 là 6,5%/năm, cao hơn mức tăng của năm 2022 là 1,7 điểm phần trăm. Mức tăng năng suất này sẽ giúp Việt Nam đạt lợi tức nhân khẩu học thứ hai đến những năm 2040.
Ngoài ra, mặc dù Việt Nam không còn lợi thế về cơ cấu tuổi, đất nước ta vẫn đang ở trong “thời kỳ cơ cấu dân số vàng” với lực lượng lao động trẻ dồi dào. Dự báo thời kỳ này sẽ kéo dài ít nhất 10 năm nữa.
Do đó, các chính sách để tận dụng “thời kỳ cơ cấu dân số vàng”, đặc biệt là chính sách tạo việc làm và việc làm thỏa đáng cho người lao động vẫn còn nguyên giá trị và cần phải tiếp tục triển khai thực hiện tốt đảm bảo hiệu quả kinh tế và ổn định xã hội.
Bên cạnh đó, cần tích cực thực hiện tốt các giải pháp tăng năng suất lao động kết hợp với các chính sách khuyến khích tăng tỷ lệ tham gia lao động, đặc biệt là tỷ lệ tham gia lao động ở nhóm người cao tuổi, góp phần tạo thêm thu nhập, giúp giảm thiểu “thâm hụt vòng đời kinh tế” nhằm tận dụng lợi tức nhân khẩu học thứ hai cho quá trình tăng trưởng và phát triển bền vững.