10 năm Sáng kiến Vành đai và Con đường: Bỏ dự án lớn, làm dự án 'nhỏ nhưng có võ'
Các dự án cơ sở hạ tầng lớn là dấu ấn của Sáng kiến Vành đai và Con đường trong thập kỷ qua, nhưng chúng thường đi kèm với rủi ro kinh tế và chính trị. (CLO) Các dự án cơ sở hạ tầng lớn là dấu ấn của Sáng kiến Vành đai và Con đường trong thập kỷ qua, nhưng chúng thường đi kèm với rủi ro kinh tế và chính trị.
Doanh nghiệp tư nhân vươn lên làm chủ
Các nhà phân tích cho biết, Trung Quốc có thể sẽ thực hiện các dự án cơ sở hạ tầng liên quan đến thương mại với quy mô nhỏ hơn, ít rủi ro hơn và có lợi hơn ở nước ngoài trong những năm tới sau khi một số dự án lớn hơn thuộc Sáng kiến Vành đai và Con đường gặp phải các vấn đề tài chính thu hút sự chú ý của quốc tế.
Điều này phù hợp với những gì các quan chức và phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc bắt đầu gọi là những bổ sung “nhỏ nhưng có võ” cho Sáng kiến Vành đai và Con đường toàn cầu vào năm 2021, với các dự án có thể do các công ty nhà nước hoặc công ty tư nhân nhỏ hơn triển khai.
Nick Marro, nhà phân tích hàng đầu của Economist Intelligence Unit, cho biết: “Điều đó sẽ phù hợp với việc Trung Quốc tập trung vào một cách tiếp cận bền vững hơn đối với Sáng kiến Vành đai và Con đường, đặc biệt là ngay bây giờ khi Bắc Kinh phải đối mặt với tình trạng nợ nần và tín dụng ngày càng tồi tệ của một loạt đối tác”.
Tờ People’s Daily của Trung Quốc tháng trước cho biết một loạt dự án “nhỏ nhưng có võ” đã “lần lượt đổ bộ” vào lĩnh vực nông nghiệp, y tế và xóa đói giảm nghèo.
Văn phòng Thông tin Hội đồng Nhà nước cho biết vào tháng 2 rằng, các loại dự án này sẽ “ngày càng trở thành hiện thực” trong không gian kỹ thuật số, chăm sóc sức khỏe và môi trường.
Ông Naubahar Sharif, giáo sư kiêm quyền Trưởng phòng Chính sách công tại Đại học Khoa học và Công nghệ Hong Kong, cho biết dự án lý tưởng này sẽ do một công ty tư nhân hoặc một công ty thuộc sở hữu của chính quyền tỉnh dẫn đầu.
Sự vắng bóng của những dự án quy mô của các công ty xây dựng và kỹ thuật khổng lồ thuộc sở hữu nhà nước của Trung Quốc sẽ khiến các công ty này có thể cung cấp các dự án quy mô nhỏ và có lợi nhuận với ít nợ.
Sharif cho biết, trang trại năng lượng mặt trời Gulshat 40 megawatt ở Kazakhstan và dự án năng lượng mặt trời Merredin 281 MWh ở Úc là những ví dụ điển hình.
Công ty Risen Energy của tỉnh Chiết Giang đã phát triển trang trại năng lượng mặt trời Gulshat vào năm 2019 và bán nó vào năm ngoái cho Tập đoàn Đầu tư Điện lực Nhà nước của Trung Quốc. Công ty năng lượng 37 tuổi này đã mua lại trang trại năng lượng mặt trời ở Úc vào năm 2018, huy động nợ ở Úc vào năm sau và bán nó vào năm 2021.
Văn phòng quan hệ nhà đầu tư của Risen từ chối bình luận về thông tin này.
Ông Sharif cho biết các dự án ở quy mô này sẽ cho phép chính quyền địa phương ở Trung Quốc, bao gồm cả Hong Kong và Macau đóng vai trò lớn hơn trong Siêu dự án Vành đai và Con đường.
“Tôi nghĩ đặc biệt là các doanh nghiệp tư nhân sẽ dẫn đầu. Họ có thể đến gặp các cổ đông của mình và báo cáo lợi nhuận”, ông nói.
Kế hoạch Vành đai và Con đường được đưa ra vào năm 2013 như một cách để tăng cường liên kết thương mại của Trung Quốc với thế giới và mở rộng ảnh hưởng toàn cầu của nước này. Đến nay, 151 quốc gia đã tham gia sáng kiến.
Theo Bộ Thương mại Trung Quốc, từ năm 2013 đến năm 2022, tổng khối lượng thương mại hàng hóa của Trung Quốc với các quốc gia tham gia Sáng kiến Vành đai và Con đường đạt gần 13 nghìn tỷ USD, trong khi đầu tư hai chiều đạt 230 tỷ USD vào cuối năm 2021.
Dễ dàng quản lý rủi ro
Nhưng sáng kiến này đã bị chỉ trích vì khiến các nước nghèo mắc nợ Trung Quốc. Chỉ riêng hai chủ nợ Trung Quốc là Eximbank và Cơ quan Hợp tác Phát triển Quốc tế Trung Quốc đã đình chỉ khoản nợ hơn 1,3 tỷ USD tại 23 quốc gia, bao gồm 16 quốc gia châu Phi, theo chương trình cứu trợ Covid của Nhóm G20, theo China Africa, theo Sáng kiến Nghiên cứu châu Phi - Trung Quốc tại Trường Nghiên cứu Quốc tế Cao cấp thuộc Đại học Johns Hopkins.
Dữ liệu của Johns Hopkins cho thấy tổng số tiền nợ ở Zambia là 110 triệu USD, 25 triệu USD ở Maldives, 40 triệu USD ở Tajikistan và 378 triệu USD ở Kenya. Trung Quốc nắm giữ 19,6% trong khoản nợ nước ngoài trị giá 37,6 tỷ USD của Sri Lanka vào cuối năm 2021.
Những trường hợp như thế này đã làm dấy lên cáo buộc về “ngoại giao bẫy nợ”, điều mà Bắc Kinh đã mạnh mẽ bác bỏ.
Ông Guilherme Campos, Giám đốc tư vấn kinh doanh quốc tế của Dezan Shira, cho biết: “Tôi nghĩ Chủ tịch Tập Cận Bình mong đợi một sự điều chỉnh về vấn đề này, nếu không các dự án thuộc Sáng kiến Vành đai và Con đường sẽ mang tiếng xấu và sẽ tác động tiêu cực đến hình ảnh của Trung Quốc”.
“Tôi nghĩ rõ ràng là kinh nghiệm ở Sri Lanka, Angola và các quốc gia không ổn định về chính trị khác đã dẫn đến trải nghiệm tiêu cực với các dự án được thực hiện ở đó”, ông nói thêm.
Ông Austin Strange, trợ lý giáo sư về quan hệ quốc tế tại Khoa Chính trị và Hành chính công tại Đại học Hong Kong, cho biết lý do chính cho những dự án “nhỏ nhưng có võ” là về quản lý rủi ro.
Ông nói: “Cơ sở hạ tầng khổng lồ là dấu hiệu của Sáng kiến Vành đai và Con đường trong thập kỷ qua, và những dự án này tạo ra sự bất ổn lớn về kinh tế, xã hội và chính trị do quy mô và độ phức tạp của chúng. Những siêu dự án này cũng có thể gây nên trách nhiệm pháp lý. Các dự án nhỏ hơn không có nhiều rủi ro”.
Ông Strange cho biết các nhà phát triển cơ sở hạ tầng Trung Quốc có thể xem xét dự án xây dựng các nhà máy thủy điện nhỏ, các dự án đường xá nhỏ hơn và các dự án cơ sở hạ tầng kỹ thuật số mang lại lợi nhuận với ít rủi ro biến động.
Ông Victor Gao, Phó Chủ tịch của Trung tâm cho biết, “nhỏ nhưng có võ” có nghĩa là thiết lập một “nền tảng” để phát triển hàng chục nghìn công ty vừa và nhỏ với các phương thức thanh toán, kiểm soát chất lượng và dịch vụ hậu mãi được tiêu chuẩn hóa nhằm thúc đẩy thương mại cho Trung Quốc và toàn cầu hóa tại Bắc Kinh. Trong đó, du lịch sẽ là một lĩnh vực then chốt.
Ông Gao cho biết thêm rằng: “Các nền tảng lớn hơn có thể được thiết lập để thúc đẩy thương mại xuyên biên giới với các sản phẩm và hàng hóa độc đáo giữa các khu vực và quốc gia này”.
Hồng Vân (Theo SCMP)