10 năm 'thay da đổi thịt' GD-ĐT khu vực Đồng bằng sông Cửu Long
10 năm qua, giáo dục Đồng bằng sông Cửu Long thực sự 'thay da đổi thịt'.
Nền tảng quan trọng cho sự phát triển là Nghị quyết 29 của Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT. Tuy vẫn còn những khó khăn, nhưng các địa phương trong vùng luôn nỗ lực để “thoát trũng”.
Tập trung nguồn lực để “thoát trũng”
Ngày 27/2, tại TP Cần Thơ, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị phát triển giáo dục và đào tạo vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đây là hội nghị cấp vùng, đóng vai trò quan trọng, đánh giá thực trạng giáo dục và tầm nhìn chiến lược về GD&ĐT vùng ĐBSCL với sự tham dự của lãnh đạo Bộ GD&ĐT cùng các bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo UBND, Sở GD&ĐT, các trường đại học, cao đẳng 13 tỉnh, thành ĐBSCL.
Vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có 13 đơn vị hành chính cấp tỉnh, trong đó có 1 thành phố trực thuộc Trung ương là TP Cần Thơ và 12 tỉnh. Tổng diện tích toàn vùng là 39.194,6 km2, tổng dân số 17,3 triệu người, chiếm 11,8% diện tích và 17,6% dân số cả nước.
Quán triệt Nghị quyết số 29 ngày 4/11/2013 của Trung ương, đầu tư ngân sách Nhà nước và huy động các nguồn lực xã hội cho sự nghiệp GD&ĐT tại ĐBSCL được cải thiện. Cơ sở vật chất, thiết bị dạy học từng bước được đầu tư hoàn chỉnh. Chất lượng GD&ĐT được nâng cao phục vụ cho nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội của khu vực. Từ đó, chất lượng giáo dục vùng tiệm cận với mức trung bình chung của cả nước; một số chỉ số về GD&ĐT đạt mức trung bình và trên trung bình so với cả nước.
Đơn cử năm học 2010 - 2011 vùng có 1.687 cơ sở giáo dục mầm non, 18.045 nhóm, lớp với 517.515 trẻ. Đến năm học 2019 - 2020, có 2.002 cơ sở giáo dục mầm non (tăng 315), 20.543 nhóm/lớp (tăng 2.498 nhóm lớp) với 584.099 trẻ (tăng 66.584 trẻ). Tỷ lệ huy động trẻ nhà trẻ đạt 7,5%, trẻ mẫu giáo đạt 63,4% vào năm học 2010 - 2011; đến năm học 2019 - 2020, tỷ lệ huy động trẻ nhà trẻ đạt 12%, tăng 4,5% so với năm học 2010 - 2011. Năm học 2010 - 2011 vùng có 1.712 cơ sở GDTX gồm có 124 trung tâm GDTX, trung tâm GDNN-GDTX. Sau 10 năm, đến năm học 2019 - 2020, toàn vùng có 2.115 cơ sở GDTX (tăng 403 cơ sở)…
Cấp THCS, với trung bình hơn 684 học sinh trên một cơ sở giáo dục, vùng có số học sinh cao hơn trung bình của toàn quốc và đứng thứ hai khi so sánh với các khu vực khác. Cấp THPT, vùng ĐBSCL có số lượng học sinh tiệm cận mức trung bình chung của toàn quốc với tỷ lệ 911,5 học sinh trên 1 cơ sở. Công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ cũng đạt được những kết quả đáng kể. Năm học 2010 - 2011, toàn vùng không có tỉnh, thành đạt chuẩn mức độ 2. Đến năm học 2021 - 2022, vùng ĐBSCL đã có 10/13 (tỷ lệ 76,92%) tỉnh, thành đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2.
Sự nỗ lực của các cấp ủy Đảng và chính quyền, đội ngũ nhà giáo đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục về số lượng và chất lượng. Năm học 2011 - 2012, toàn vùng có 173.663 giáo viên cấp học mầm non, phổ thông. Đến năm học 2019 - 2020, toàn vùng có 176.173 giáo viên. Đầu tư cho giáo dục thời gian qua được quan tâm, tổng chi ngân sách Nhà nước cho lĩnh vực GD&ĐT vùng ĐBSCL giai đoạn 2010 - 2021 là 491.549,65 tỷ đồng (gồm chi thường xuyên là 425.082,48 tỷ đồng, chi đầu tư là 66.374,85 tỷ đồng).
Cụ thể, năm 2010 là 14.062,88 tỷ đồng; năm 2021 tăng lên 35.409,54 tỷ đồng. Ngân sách Trung ương hỗ trợ có mục tiêu cho các địa phương vùng ĐBSCL giai đoạn 2010 - 2021 là 3.544,45 tỷ đồng. Chi đầu tư cho GD&ĐT tăng đáng kể, theo đó tổng chi đầu tư giai đoạn 2010 - 2021 là 66.374,85 tỷ đồng…
Trao đổi về phát triển GD&ĐT, ông Nguyễn Thực Hiện, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho biết: Phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao và thu hút nhân tài cho thành phố là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, một trong những khâu đột phá chiến lược.
Để đẩy nhanh phát triển nguồn nhân lực cho thành phố, Thành ủy Cần Thơ đã ban hành Nghị quyết số 09 ngày 29/12/2021 về đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo các cấp đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ, giai đoạn 2021 - 2025 và những năm tiếp theo.
Nghị quyết đã đánh giá cụ thể tình hình, thách thức, khó khăn, hạn chế, nguyên nhân… và đề ra mục tiêu, giải pháp phù hợp với bối cảnh, tình hình kinh tế - xã hội của thành phố. Nhằm thực hiện hiệu quả chủ trương, chính sách về phát triển nguồn nhân lực cho thành phố, UBND thành phố đã ban hành Chương trình số 07 ngày 1/4/2022 triển khai thực hiện Nghị quyết số 09 của Thành ủy.
Trong đó, lĩnh vực GD&ĐT, thành phố đã xác định mục tiêu nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, THCS theo lộ trình Nghị định số 71 của Chính phủ; phấn đấu có từ 5% giảng viên các trường cao đẳng và 20% giảng viên trường đại học đạt trình độ tiến sĩ trở lên...
“Điểm nghẽn” hiện hữu
Dù đạt được những kết quả khả quan nhưng GD&ĐT vùng ĐBSCL vẫn còn nhiều khó khăn. Đơn cử, tỷ lệ huy động trẻ đến trường còn thấp, nhất là trẻ nhà trẻ. Mạng lưới trường, lớp phân tán; còn nhiều điểm trường, đặc biệt ở những vùng có nhiều kênh rạch, cồn, bãi ngang... Tỷ lệ huy động học sinh các cấp học phổ thông đi học đúng độ tuổi vẫn thấp hơn tỷ lệ chung của cả nước, đặc biệt ở cấp THCS và cấp THPT có khoảng cách khá xa so với tỷ lệ chung của cả nước (từ 7% - 13%).
Số trường ở các cấp học có cơ sở vật chất, thiết bị dạy học đạt chuẩn quốc gia cũng còn thấp hơn nhiều so với bình quân chung của cả nước. Mạng lưới cơ sở GDTX chưa phủ kín ở các địa bàn, nhất là các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Số người mù chữ trong độ tuổi 15 - 60 của khu vực ĐBSCL còn khoảng hơn 441.000 người, chiếm 38,26% số người mù chữ của toàn quốc.
Về nhân lực, ĐBSCL là khu vực có tỷ lệ lao động đã qua đào tạo (14,9%) và tỷ trọng lực lượng lao động có trình độ đại học trở lên (6,8%), thấp nhất cả nước theo báo cáo kinh tế thường niên năm 2022. Theo Tổng điều tra dân số năm 2019, tỷ lệ lao động qua đào tạo có trình độ từ sơ cấp trở lên của khu vực ĐBSCL là 13,6%, thấp hơn 10% so với toàn quốc và thấp nhất so với các khu vực khác (tỷ lệ chung toàn quốc là 23,1%; khu vực Trung du và miền núi phía Bắc là 19%; Tây Nguyên 16,3%; Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung là 22,7%).
Cơ sở vật chất, thiết bị dạy học tuy được quan tâm đầu tư nhưng chỉ mới đáp ứng yêu cầu tối thiểu để thực hiện chương trình giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông. Cơ sở vật chất của ngành Giáo dục dù đã được bổ sung đáng kể nhưng chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu dạy và học. Nhiều đơn vị chưa đủ phòng học để tổ chức dạy 2 buổi/ngày, nhất là cấp học mầm non, một số lượng phòng phải mượn từ cơ sở giáo dục tiểu học và THCS. Vẫn còn tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ ở các cơ sở giáo dục THCS, THPT. Kinh phí ngân sách đầu tư phát triển GD&ĐT còn hạn chế, chưa thu hút được nhiều dự án đầu tư vào lĩnh vực GD&ĐT...
Để bảo đảm tối thiểu cơ sở vật chất, thiết bị dạy học phục vụ Chương trình GDPT mới, giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh An Giang đã tổ chức rà soát, nhu cầu gần 7 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, khả năng cân đối ngân sách của tỉnh giai đoạn 1 chỉ bố trí được khoảng 1 nghìn tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách tỉnh để thực hiện đầu tư phòng học, phòng học bộ môn Tin học cho cấp tiểu học giai đoạn 2021 - 2025. Nếu trong giai đoạn thực hiện chương trình, ngoài nguồn nêu trên, không được bổ sung thêm thì An Giang sẽ gặp nhiều khó khăn để giúp học sinh có cơ hội thụ hưởng những điều kiện giáo dục mới, đặc biệt học sinh vùng nông thôn.
Trao đổi về khó khăn của ngành Giáo dục địa phương, bà Trần Thị Ngọc Diễm, Giám đốc Sở GD&ĐT An Giang cho biết: Trong công tác GD&ĐT, nhất là thực hiện chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện và triển khai Chương trình GDPT 2018, địa phương có nhiều điểm khó khăn hơn so với một số vùng trong cả nước. Trong đó, 2 nội dung quan trọng mang tính chất quyết định là yếu tố nguồn lực con người và cơ sở vật chất phục vụ đổi mới là thách thức lớn.
Lý giải khó khăn, bà Trần Thị Ngọc Diễm cho biết: Sự gia tăng quy mô học sinh, dù cơ sở vật chất, trường học được địa phương quan tâm nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Nhiều đơn vị chưa đủ phòng học tổ chức dạy 2 buổi/ngày, nhất là mầm non và tiểu học. Phương tiện dạy học, sân chơi, bãi tập ở một số trường chưa đáp ứng yêu cầu.
Nhiều công trình, phòng học cùng thiết bị được đầu tư trước đây đã xuống cấp. Thiếu kinh phí đầu tư thiết bị dạy học, xây dựng trường lớp theo kế hoạch. Trong đó, cơ sở vật chất cho ngành học mầm non hiện vẫn chỉ cơ bản đảm bảo cho phổ cập mầm non 5 tuổi, trẻ 3 - 4 tuổi ra lớp chỉ trên dưới 10%, nhà trẻ khoảng 5 - 7% số trẻ trong độ tuổi.
Tập trung hành động
Theo chia sẻ của lãnh đạo địa phương và ngành Giáo dục, vấn đề đặt ra là nâng trũng, vun cao cho giáo dục ĐBSCL. Nhưng làm cách nào thì cần được phân tích kỹ, thấu đáo, tìm ra nút thắt khách quan và chủ quan. Nếu không quyết tâm hóa giải những hạn chế của giáo dục thì khoảng cách giữa điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và cung cấp nguồn nhân lực sẽ ngày càng xa.
Trong đó, nhóm giải pháp thuộc về địa phương như điều kiện đảm bảo chất lượng, đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, kiên cố hóa trường lớp đảm bảo đủ điều kiện tối thiểu thực hiện chương trình mới, tài chính… nếu không có sự phối hợp của các địa phương, mục tiêu “nâng trũng” cho giáo dục ĐBSCL khó thực hiện.
Theo bà Trần Thị Ngọc Diễm, Giám đốc Sở GD&ĐT An Giang, để giải quyết yêu cầu bức thiết, Sở đã tổ chức phân kỳ để tham mưu bố trí hợp lý nguồn lực góp phần nâng cao chất lượng GD&ĐT; ưu tiên lồng ghép các nguồn vốn ngân sách Trung ương kết hợp ngân sách địa phương để đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị đáp ứng điều kiện và chất lượng giáo dục; Tập trung sắp xếp, đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học tối thiểu đảm bảo thực hiện Chương trình GDPT 2018; Xây dựng kế hoạch sử dụng cơ sở vật chất của các trường đảm bảo thiết thực, hiệu quả;
Tận dụng tối đa cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật để bảo đảm chất lượng dạy học trực tuyến; Tiếp tục thực hiện Đề án bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông giai đoạn 2017 - 2025; thực hiện lồng ghép có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 gắn với xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia; Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 để đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học cho các cơ sở giáo dục.
Về giải pháp phát triển GD&ĐT, theo ông Nguyễn Thực Hiện, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, thành phố chỉ đạo ngành Giáo dục phối hợp với các sở ngành và UBND quận, huyện tập trung rà soát những bất cập về chế độ, chính sách đối với đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý. Từ đó đề xuất, kiến nghị các cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. Nghiên cứu, tham mưu xây dựng các chính sách thu hút và hỗ trợ đặc thù của địa phương cho đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục;
Bên cạnh đó, thực hiện tốt chế độ chính sách đối với giáo viên, nhất là chính sách tiền lương, tạo tiền đề cho đội ngũ giáo viên yên tâm công tác; Tiếp tục ưu tiên kinh phí đầu tư trang bị các phương tiện, điều kiện làm việc cho đội ngũ nhà giáo theo hướng hiện đại hóa đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục; Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên; đào tạo văn bằng thứ hai, đào tạo liên thông hoặc bồi dưỡng chuyển đổi môn học để bổ sung giáo viên cho những môn còn thiếu, những môn đặc thù; gắn việc thực hiện trách nhiệm của giáo viên với quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng giáo viên để động viên, khích lệ giáo viên hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Năm học 2010 - 2011, ĐBSCL có 13 cơ sở giáo dục đại học. Đến năm 2020, số lượng cơ sở giáo dục đại học đã tăng lên 21 (trong đó có 4 phân hiệu và 8 cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập). Như vậy gần như tỉnh nào ở trong vùng cũng có trường đại học, riêng TP Cần Thơ có 5 trường đại học và 1 phân hiệu; Vĩnh Long có 3 trường đại học và 1 phân hiệu.
Các trường đại học trong khu vực hiện đào tạo các trình độ từ đại học đến tiến sĩ với 1.475 lượt ngành đào tạo đại học, 115 lượt ngành đào tạo thạc sĩ và 40 lượt ngành đào tạo tiến sĩ. Quy mô mạng lưới đào tạo nhân lực trình độ cao đẳng, đại học và sau đại học cũng tăng đáng kể. Năm học 2010 - 2011, quy mô đào tạo cao đẳng, đại học là 42.448 sinh viên. Đến năm 2019 - 2020, quy mô sinh viên đại học đạt 149.744 sinh viên.