Thầy và Trò: Kết nối để vượt qua thử thách của công nghệ!
TS. Lê Thu Hà: Các thiết bị di động và mạng xã hội đã giúp chúng ta kết nối dễ dàng hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, chúng cũng tạo ra khoảng cách vô hình giữa con người với nhau. Ngày nay, sinh viên có thể gửi tin nhắn và hỏi bài giảng viên qua các ứng dụng nhắn tin, nhưng điều này không thể thay thế hoàn toàn sự giao tiếp trực tiếp. Nhiều sinh viên hiện nay có thể ngại tiếp xúc trực tiếp và dễ sa đà, lạm dụng sự tiện lợi của các công cụ trực tuyến, khiến cho mối quan hệ thầy trò có nguy cơ bị giới hạn chỉ trong không gian mạng. Vì vậy, theo tôi, mối quan hệ giữa thầy và trò chỉ thực sự bền chặt khi có sự cân bằng giữa giao tiếp trực tiếp và trực tuyến, vì kết nối chân thực không thể chỉ qua màn hình điện thoại, máy tính.
Bên cạnh đó, Khánh Huyền chia sẻ: Mình nghĩ rằng nhiều sinh viên, trong đó có cả mình, đôi khi bị sao nhãng bởi các thiết bị di động và mạng xã hội. Sự hấp dẫn của nội dung trên mạng xã hội dễ khiến sinh viên chúng mình bị thu hút và mất tập trung trong giờ học. Dù công nghệ có nhiều lợi ích, nhưng rõ ràng là chúng cũng gây ra sự mất tập trung và giảm hiệu quả học tập nếu sinh viên không biết kiểm soát.
TS. Lê Thu Hà cho biết: Khi sinh viên tập trung, các em có thể hiểu rõ hơn và nhớ lâu hơn những kiến thức mà giảng viên truyền đạt. Hơn nữa, sự tập trung còn giúp sinh viên hình thành kỹ năng ghi nhớ và sắp xếp thông tin một cách logic, rất cần thiết cho việc phát triển tư duy và khả năng sáng tạo.
Bên cạnh đó, việc tập trung của sinh viên cũng là động lực để thầy cô “giữ lửa” với nghề. Hơn hết, cả hai phía đều cần mở lòng và sẵn sàng chia sẻ. Giảng viên nên cố gắng lắng nghe và hiểu những khó khăn của sinh viên, đồng thời đưa ra những lời khuyên phù hợp để các em có thể phát triển. Các em sinh viên cũng cần chủ động hơn trong việc xây dựng mối quan hệ với thầy cô, không ngại đặt câu hỏi và chia sẻ suy nghĩ của mình.
Không chỉ thầy cô, sinh viên như Khánh Huyền cũng nhận ra việc tập trung có ý nghĩa quan trọng với bản thân mình:Những lúc mình thiếu tập trung, mình nhận thấy rất rõ là mình sẽ không hiểu bài một cách đầy đủ, và phải mất thêm nhiều thời gian để ôn tập lại sau đó. Vì vậy, sự tập trung không chỉ quyết định đến kết quả học tập ngay tại lớp mà còn giúp mình tiết kiệm thời gian học tập khi về nhà. Việc tập trung trong giờ học thể hiện sự chủ động của sinh viên trong học tập và tôn trọng giảng viên của mình. Để xây dựng một mối quan hệ tốt đẹp hơn, mình nghĩ cả giảng viên và sinh viên đều cần có sự thấu hiểu và tôn trọng lẫn nhau như thế!
TS. Lê Thu Hà: Ngày Nhà giáo Việt Nam là một dịp rất đặc biệt, một ngày để cả xã hội ghi nhận những đóng góp của người làm nghề giáo. Cá nhân tôi không kỳ vọng vào một món quà cụ thể nào, mà niềm vui lớn nhất của tôi là thấy sinh viên của mình tiến bộ và phát triển qua từng ngày. Điều ý nghĩa nhất là khi thấy các em nỗ lực, trưởng thành và luôn giữ vững niềm đam mê học hỏi. Đó là món quà tinh thần vô giá mà không gì có thể thay thế.
Tôi chỉ mong rằng các em sinh viên có thể tận dụng thời gian này để trau dồi, tích lũy kiến thức, rèn luyện kỹ năng và sống hết mình với những gì mình lựa chọn. Giáo dục là con đường dài, mỗi người đều cần có trách nhiệm trong hành trình đó. Thầy cô sẽ luôn là những người đồng hành và hỗ trợ các em, nhưng cuối cùng, người quyết định sự thành công chính là bản thân các em.
Khánh Huyền: Mình rất trân trọng sự tận tâm, lắng nghe và khả năng truyền cảm hứng từ Thầy Cô. Khi Thầy Cô quan tâm đến học trò và sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, mình cảm thấy động lực học tập tăng lên rất nhiều. Sự nhiệt huyết và cách giảng dạy sáng tạo của Thầy Cô không chỉ giúp mình hiểu bài tốt hơn mà còn giúp mình có hứng thú, từ đó tự tìm tòi, khám phá thêm những kiến thức mới.
Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 là dịp để chúng mình bày tỏ lòng tri ân đối với những người thầy, người cô đã dìu dắt, truyền cảm hứng cho chúng mình trên hành trình học tập. Với mình, món quà quý nhất dành cho các thầy cô chính là sự trưởng thành và tiến bộ của bản thân. Mình mong thầy cô sẽ nhận thấy rằng những nỗ lực của mình đã góp phần giúp sinh viên ngày càng hoàn thiện hơn. Ngoài ra, mình xin gửi đến thầy cô một lời cảm ơn chân thành nhất từ sâu tận đáy lòng, bởi mình tin rằng những tình cảm thật lòng sẽ chạm đến trái tim người nhận.
Tips giữ tập trung từ TS Lê Thu Hà:
- Để tăng cường sự tập trung trong học tập, sinh viên nên tạo cho mình một thói quen học tập có kỷ luật và môi trường ít bị phân tâm.
- Các em có thể chia nhỏ thời gian học thành các khoảng ngắn và nghỉ giải lao giữa các phiên học, điều này giúp đầu óc được thư giãn và sẵn sàng tiếp thu kiến thức. Khi sinh viên biết ưu tiên những điều cần tập trung, điều chỉnh lịch trình học và nghỉ ngơi hợp lý, các em sẽ duy trì được năng lượng và tinh thần học tập tốt hơn.
- Một phương pháp hiệu quả khác là sử dụng kỹ thuật “ghi chú chủ động”, nghĩa là sinh viên không chỉ ghi lại nội dung mà còn tìm cách tóm tắt lại theo cách hiểu của mình. Bằng cách đặt câu hỏi, ghi chú điểm chính và liên hệ với kiến thức đã biết, các em sẽ có thêm động lực để tập trung vào bài giảng, đồng thời hiểu bài sâu hơn.
Thực hành tập trung cùng sinh viên Khánh Huyền:
- Quản lý sự chú ý bằng việc tắt các thông báo từ mạng xã hội và điện thoại là điều mình luôn thực hiện trước khi bước vào một tiết học.
- Chia nhỏ thời gian học thành từng khoảng ngắn để không bị mệt mỏi. Điều này giúp mình giữ được sự tập trung cao độ trong mỗi khoảng thời gian ngắn, cũng như giúp trạng thái tinh thần mình thả lỏng hơn vì não bộ được nghỉ ngơi trước khi tiếp tục.
- Ghi chú và tóm tắt ý chính ngay trong lúc nghe giảng cũng giúp mình duy trì sự chú ý và tiếp thu hiệu quả hơn.
- Việc lựa chọn vị trí ngồi trong lớp học cũng là yếu tố quan trọng để duy trì sự tập trung trong giờ học. Mình thường ngồi ở đầu bàn thứ ba, đối với mình đây là vị trí lý tưởng vì vừa gần thầy cô giúp mình dễ nghe giảng, tương tác trong giờ học với giảng viên, vừa là một khoảng cách phù hợp để mắt tập trung quan sát nội dung trên bảng và trên slide.
TS. Lê Thu Hà (1982), hiện là Phó Viện trưởng Viện Báo chí - Truyền thông, Học viện Báo chí và Tuyên truyền với 20 năm kinh nghiệm giảng dạy trong lĩnh vực báo chí - truyền thông. Bà là Tổng biên tập của Đặc san Báo chí trẻ và Trang tin Truyền thông trẻ, đồng thời là chủ biên nhiều công trình nghiên cứu, sách chuyên khảo như Công chúng báo chí (2020),Giáo trình Công chúng báo chí - truyền thông (2024) và biên soạn nhiều sách khác.
Thực hiện: Hiếu Nguyễn – Quỳnh Hoa
Hình ảnh: Lê Vượng
Clip: Lê Vượng
Thiết kế: Đức Hoàng