10 năm thực hiện Luật Người khuyết tật: Giúp người khuyết tật vươn lên

Sau hơn 10 năm thực hiện, Luật Người khuyết tật không chỉ đảm bảo quyền lợi mà còn tạo điều kiện tốt nhất để NKT trên địa bàn tỉnh vươn lên, hòa nhập cộng đồng.

Sau hơn 10 năm thực hiện, Luật Người khuyết tật (NKT) không chỉ đảm bảo quyền lợi mà còn tạo điều kiện tốt nhất để NKT trên địa bàn tỉnh vươn lên, hòa nhập cộng đồng.

Hỗ trợ người khuyết tật hòa nhập cộng đồng

Năm 2010, Luật NKT có hiệu lực thi hành. Ngay sau đó, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương tăng cường công tác tuyên truyền và triển khai thực hiện nghiêm túc những quy định của luật. Công tác xác định, cấp giấy xác nhận NKT cũng được các ngành chức năng thực hiện đúng quy định. Tại 137 xã, phường, thị trấn đều thành lập hội đồng xác định mức độ khuyết tật. Đến nay, các địa phương đã thẩm định, cấp giấy xác nhận cho 24.635 NKT. Trên cơ sở đó, thực hiện cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí cho 23.274 NKT. Công tác chăm sóc sức khỏe và phục hồi chức năng cho NKT được thực hiện đồng bộ, hiệu quả.

 Dạy nghề mộc cho người khuyết tật ở huyện Diên Khánh.

Dạy nghề mộc cho người khuyết tật ở huyện Diên Khánh.

Qua thống kê của các ngành chức năng, từ năm 2010 đến nay, có hơn 9.800 lượt NKT được khám, phân loại và điều trị bệnh, chiếm 2,9% dân số. Đặc biệt, ngành Y tế đã dành nhiều sự quan tâm trong khám, điều trị và phục hồi chức năng cho trẻ khuyết tật; trung bình mỗi năm thực hiện khám cho hơn 3.500 lượt trẻ khuyết tật. Đồng thời, hướng dẫn tập luyện tại cộng đồng cho gần 500 trẻ, qua đó có 360 trẻ tiến bộ, 30 trẻ hòa nhập với cộng đồng; thực hiện can thiệp sớm gần 200 lượt trẻ khiếm thính và gần 400 lượt trẻ tự kỷ, rối loạn ngôn ngữ, chậm phát triển trí tuệ. Cùng với đó, các ngành chức năng đã cấp gần 400 dụng cụ chỉnh hình cho trẻ khuyết tật mắc bệnh bại não, bàn chân khoèo và vận động nhà tài trợ 70 xe lắc, 300 xe lăn cho NKT.

Trong giáo dục, tất cả trường học đều tiếp nhận NKT có khả năng học tập vào học hòa nhập và hiện có hơn 700 học sinh. Các trường đều tổ chức các hoạt động tập thể với nhiều hình thức sinh động, phù hợp, tạo cơ hội để thu hút học sinh khuyết tật tham gia; vận động, quyên góp quỹ giúp đỡ học sinh khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn. Hàng năm, học sinh khuyết tật học hòa nhập lớp 9 được xét tuyển thẳng lên lớp 10. Từ nguồn vốn vay ADP (thuộc Chương trình phát triển giáo dục trung học - Bộ Giáo dục và Đào tạo), Trường THCS Nguyễn Gia Thiều (thị xã Ninh Hòa) được hỗ trợ xây dựng các công trình phục vụ công tác giáo dục hòa nhập học sinh khuyết tật như: Cải tạo sân chơi, nhà vệ sinh, lối đi với tổng trị giá 20.000 USD. Đặc biệt, tỉnh đã đầu tư xây dựng 4 cơ sở giáo dục chuyên biệt để nuôi dạy 375 trẻ em khuyết tật.

Quan tâm đào tạo nghề, giải quyết việc làm

Ông Văn Đình Tri - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, công tác đào tạo nghề cho NKT luôn được các cấp, ngành chú trọng. Hàng năm, các địa phương đều tuyên truyền, vận động NKT trong độ tuổi lao động lựa chọn đăng ký học những nghề phù hợp. Qua đó, từ năm 2011 đến nay, có gần 300 NKT được hỗ trợ đào tạo nghề miễn phí với các nghề như: Mộc, cơ khí, may, sửa chữa đồ điện tử, công nghệ thông tin… Sau học nghề, hầu hết NKT đã tìm được việc làm hoặc tự tạo việc làm. Các cấp, ngành, hội đoàn thể còn xây dựng các mô hình giải quyết việc làm như: Sản xuất chổi, tăm tre, nhang, dệt chiếu, đồ gỗ, dịch vụ xoa bóp bấm huyệt. Hiện nay, các mô hình này đang tạo việc làm thường xuyên cho hơn 200 NKT với mức thu nhập từ 4 - 10 triệu đồng/tháng. Thông qua Quỹ Quốc gia về việc làm, các ngành chức năng đã tạo điều kiện cho gần 500 lượt NKT vay với tổng dư nợ gần 1 tỷ đồng để đầu tư buôn bán nhỏ, nuôi heo, gà…

Bên cạnh đó, để NKT vượt qua khó khăn, tỉnh còn thực hiện trợ cấp hàng tháng đầy đủ và đúng đối tượng. Đồng thời, mức trợ cấp thường xuyên được điều chỉnh nâng cao hàng năm. Nếu như năm 2011, toàn tỉnh có hơn 4.600 NKT nhận trợ cấp thì đến nay đã tăng lên hơn 19.600 người. Đối với hơn 250 NKT không có nơi nương tựa hiện được chăm sóc, nuôi dưỡng tại 10 cơ sở bảo trợ xã hội. Hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao dành cho NKT cũng được tổ chức hàng năm…

Theo ông Tri, việc thực hiện đồng bộ Luật NKT đã từng bước nâng cao mức sống, tạo điều kiện tốt nhất để họ hòa nhập cộng đồng. Tuy nhiên, UBND tỉnh cần kiến nghị Trung ương bổ sung nhóm đối tượng NKT nặng là người cao tuổi, trẻ em khuyết tật nặng không tự lo được cuộc sống, không có điều kiện sống ngoài cộng đồng được tiếp nhận vào nuôi dưỡng tại cơ sở trợ giúp xã hội.

VĂN GIANG

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/xa-hoi/202107/10-nam-thuc-hien-luat-nguoi-khuyet-tat-giup-nguoi-khuyet-tat-vuon-len-8220466/