Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thế giới muốn giúp TP.HCM phát triển nguồn nhân lực

GS Klaus Schwab, Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thế giới, mong hỗ trợ TP.HCM trong việc chuyển đổi sang trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi xanh và phát triển nguồn nhân lực trong tương lai.

Tối 5-10, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi có buổi tiếp GS Klaus Schwab, Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), nhân chuyến thăm và làm việc tại TP.

Mở đầu buổi tiếp, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cảm ơn GS Klaus Schwab đã dành nhiều tâm huyết giúp TP.HCM hiện thực hóa cam kết giữa WEF và Thủ tướng Chính phủ về thành lập Trung tâm Cách mạng Công nghiệp 4.0 (C4IR).

 Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi tiếp GS Klaus Schwab, Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thế giới. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi tiếp GS Klaus Schwab, Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thế giới. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

Ông Phan Văn Mãi kỳ vọng C4IR sẽ là cầu nối giữa TP.HCM với WEF, qua đó đóng góp vào sự phát triển của TP.HCM cũng như của vùng Đông Nam Bộ và cả nước.

Thông tin với GS Klaus Schwab, ông Mãi cho biết TP.HCM đang được xây dựng trở thành TP toàn cầu, bắt kịp xu hướng các TP trên thế giới, qua đó giải quyết nhiều vấn đề của đô thị.

TP cũng hướng đến mục tiêu trở thành TP học tập, là trung tâm đổi mới sáng tạo không chỉ của Việt Nam mà còn của khu vực Đông Nam Á.

“Trong sự phát triển đó, việc phát triển về văn hóa – xã hội luôn luôn ở thế thấp hơn. Chúng tôi đã nhìn thấy vấn đề này và muốn phát triển bền vững, làm sao phát triển của TP cân bằng chứ không chỉ phát triển riêng về kinh tế”- ông Phan Văn Mãi mong muốn được tham gia vào mạng lưới các TP toàn cầu để học hỏi kinh nghiệm.

 Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi trao quà lưu niệm cho GS Klaus Schwab, Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thế giới. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi trao quà lưu niệm cho GS Klaus Schwab, Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thế giới. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

Chủ tịch TP.HCM cũng mong qua sự hợp tác giữa Việt Nam – WEF, giữa TP.HCM – WEF, đặc biệt là thông qua C4IR, TP.HCM sẽ học hỏi được nhiều kiến thức và áp dụng để giúp cho sự phát triển của TP.

Ông Phan Văn Mãi cũng cho biết TP.HCM đang hướng đến việc chuyển đổi công nghiệp và muốn chuyển đổi xanh. Ông mong GS Klaus Schwab sẽ chia sẻ kinh nghiệm và có gợi ý cho TP.HCM xem nên đặt trọng tâm và có giải pháp để sự chuyển đổi đó hiệu quả và bền vững.

Đáp lời, GS Klaus Schwab cho rằng TP.HCM là biểu tượng của sự năng động và tinh thần khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam.

Theo GS Klaus Schwab, TP.HCM đã có sự phát triển vượt bậc dựa trên ba trụ cột chính là phát triển cơ sở hạ tầng, hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và sự đầu tư vào con người. Đặc biệt, GS Klaus Schwab bày tỏ sự hân hạnh khi WEF được góp một phần vào sự phát triển đó.

 Lãnh đạo, chuyên gia TP.HCM chụp hình lưu niệm cùng đoàn đại biểu Diễn đàn Kinh tế Thế giới. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

Lãnh đạo, chuyên gia TP.HCM chụp hình lưu niệm cùng đoàn đại biểu Diễn đàn Kinh tế Thế giới. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

GS Klaus Schwab cũng chúc mừng TP.HCM đã thành lập C4IR. Theo ông, đây là cơ hội để WEF – TP.HCM tăng cường hợp tác. Qua đó, WEF mong hỗ trợ TP.HCM trong việc chuyển đổi sang trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi xanh và phát triển nguồn nhân lực trong tương lai.

“Với những thách thức hiện nay, chúng ta cần có sự hợp tác chặt chẽ, thông qua CI4R, để đối phó với những thách thức này” - GS Klaus Schwab nói.

Chủ tịch WEF cam kết sẽ phối hợp với TP.HCM để tận dụng hiệu quả chương trình hợp tác đã ký kết. Để thắt chặt mối quan hệ hợp tác giữa hai bên, GS Klaus Schwab mời lãnh đạo TP.HCM dự WEF ở Davos, Thụy Sỹ, vào năm sau.

Chuyên gia trao đổi với GS Klaus Schwab về nguồn nhân lực

Tại buổi tiếp, các chuyên gia, lãnh đạo các sở, ngành TP.HCM cũng có dịp trao đổi với GS Klaus Schwab, Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thế giới.

TS Nguyễn Thị Hậu trao đổi với GS Klaus Schwab. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

TS Nguyễn Thị Hậu, Phó Tổng thư ký Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, bày tỏ lo ngại về việc vừa đào tạo nguồn nhân lực vừa giữ được xã hội có nền văn hóa truyền thống của Việt Nam trong quá trình chuyển đổi sang công nghiệp 4.0.

Còn Giám đốc Sở Ngoại vụ TP.HCM Trần Phước Anh đã thảo luận với GS Klaus Schwab về vai trò Chính phủ trong việc đào tạo thế hệ tương lại cho ngành trí tuệ nhân tạo.

Đáp lời, GS Klaus Schwab cho rằng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tạo cơ hội giúp con người phát triển những năng lực về công nghệ, khoa học - kỹ thuật. Đồng thời trí tuệ nhân tạo cũng giúp con người trở nên sáng tạo hơn. Đây cũng là cơ hội phát triển kiến thức về kỹ thuật song song với sự phát triển con người.

Giám đốc Sở Ngoại vụ TP.HCM Trần Phước Anh trao đổi với GS Klaus Schwab. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

GS Klaus Schwab cũng nhìn nhận vai trò Chính phủ trong giai đoạn hiện nay hướng giáo viên đến mục tiêu dạy học sinh cách sử dụng trí tuệ nhân tạo. Theo ông, trong tương lai giáo viên không phải chỉ cung cấp thông tin mà là hướng dẫn học sinh cách thức để tiếp cận thông tin.

GS Klaus Schwab cho rằng Chính phủ cần có giải pháp đảm bảo giáo dục lâu dài, thay đổi tư duy của học sinh rằng việc học tập phải diễn ra liên tục, trong suốt cuộc đời con người.

BẢO PHƯƠNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/chu-tich-dien-dan-kinh-te-the-gioi-muon-giup-tphcm-phat-trien-nguon-nhan-luc-post813512.html