10 năm thực hiện Nghị quyết 29: Đạt nhiều kết quả quan trọng

Nghị quyết 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, đáp ứng yêu cầu CNH-HĐH trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế được ban hành ngày 4/11/2013. Sau 10 năm thực hiện, lĩnh vực GD-ĐT của đất nước đã có bước đổi mới căn bản, toàn diện, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.

Giáo dục nghề nghiệp mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng, cung cấp nguồn nhân lực cho tỉnh và các tỉnh trong khu vực. Ảnh: TRẦN QUỚI

Giáo dục nghề nghiệp mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng, cung cấp nguồn nhân lực cho tỉnh và các tỉnh trong khu vực. Ảnh: TRẦN QUỚI

Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn khẳng định: Nghị quyết 29-NQ/TW có vai trò đặc biệt quan trọng, đánh dấu bước phát triển mới về tư duy chiến lược của Đảng đối với sự nghiệp phát triển GD-ĐT. Nghị quyết thể hiện tầm nhìn, quyết tâm và định hướng chiến lược đối với giáo dục, góp phần phát triển bền vững đất nước cả trước mắt cũng như lâu dài.

Nâng cao cht lưng đào to

Nhận thức được tầm quan trọng đó, cả hệ thống chính trị, trong đó giữ vai trò nòng cốt là ngành Giáo dục đã triển khai quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã nêu trong Nghị quyết 29, phấn đấu hoàn thành cơ bản các mục tiêu đề ra. Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 29, sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT của đất nước đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần to lớn trong việc nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài; đóng góp quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của đất nước.

Theo Bộ GD-ĐT, có nhiều kết quả đạt được trong 10 năm thực hiện Nghị quyết 29, trong đó nổi bật là: Hệ thống giáo dục quốc dân cơ bản được hoàn thiện theo hướng mở, liên thông giữa các cấp học, trình độ và giữa các phương thức GD-ĐT.

Quy mô giáo dục và mạng lưới cơ sở giáo dục phát triển, đáp ứng tốt hơn nhu cầu học tập suốt đời của người dân. Chương trình giáo dục phổ thông mới, chuyển từ nặng về truyền thụ kiến thức sang phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực học sinh. Giáo dục thường xuyên phát triển đa dạng về nội dung và hình thức, góp phần xây dựng xã hội học tập và học tập suốt đời.

Chất lượng giáo dục nghề nghiệp chuyển biến tốt, công tác đào tạo nghề cho công nhân và lao động nông thôn được quan tâm. Đổi mới giáo dục đại học gắn với tăng cường tự chủ đã tạo ra động lực mới, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực…

Theo TS Trần Kim Quyên, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Công Thương miền Trung, lấy Nghị quyết 29 làm định hướng trong đào tạo, nhà trường đã đầu tư và có nhiều giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo, tăng cường nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin và chuyển đổi số một cách căn cơ, toàn diện trong công tác quản lý và đào tạo.

Tiếp tc thc hin Ngh quyết 29

Bên cạnh những kết quả chủ yếu, Ban Cán sự đảng Bộ GD-ĐT cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế cần sự chung tay của cả hệ thống chính trị để sớm khắc phục.

Đối với lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học, Bộ GD-ĐT thẳng thắn nhìn nhận: Chất lượng giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học mặc dù đã được nâng lên nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu về chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế tri thức. Công tác đào tạo chưa gắn kết chặt chẽ, thường xuyên với yêu cầu sử dụng lao động và nhu cầu xã hội. Công tác dự báo nhu cầu nhân lực, nhất là nhu cầu nhân lực cho các ngành nghề mới còn hạn chế…

TS Đặng Văn Lái, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Nghề Phú Yên cho rằng: Trong 10 năm qua, đối với giáo dục nghề nghiệp, nhận thức của người học, người dạy có những thay đổi tích cực, đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Đối với thời gian và phương thức đào tạo nghề nghiệp hệ trung cấp, nhiều nội dung cần thay đổi cho phù hợp với thực tiễn.

Cụ thể, Luật Giáo dục nghề nghiệp quy định thời gian đào tạo trình độ trung cấp là 2 năm, trong khi đó các em học sinh lớp 9 chưa đảm bảo thời gian tốt nghiệp THPT khi ra trường, và cũng chưa đủ tuổi lao động (17 tuổi) theo quy định của luật. Bên cạnh đó, vấn đề phương thức đào tạo, kết hợp giữa nhà trường và doanh nghiệp cũng được các trường đào tạo nghề quan tâm…

Tại Phú Yên, qua 10 năm thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW, các cấp ủy, chính quyền, mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội đã lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp thực hiện chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT đạt nhiều kết quả quan trọng; nhận thức về vai trò, vị trí về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT đáp ứng yêu cầu CNH-HĐH được nâng lên.

Quy mô GD-ĐT, cơ sở vật chất trường, lớp học tiếp tục được đầu tư nâng cấp, mở rộng. Công tác xã hội hóa giáo dục được tăng cường, phát triển mạnh mẽ. Phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời ngày càng phát triển sâu rộng. Các cơ sở giáo dục đại học, đào tạo nghề mở rộng quy mô, đa dạng hóa các loại hình đào tạo và nâng cao chất lượng đào tạo, góp phần tích cực cung cấp nguồn nhân lực cho tỉnh và khu vực.

Nghị quyết 29 mang tầm chiến lược, cơ bản vẫn còn phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra và phù hợp với xu thế chung của thế giới. Ban Cán sự đảng Bộ GD-ĐT sẽ đề xuất Bộ Chính trị ban hành kết luận về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết 29, trong đó yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị cần tiếp tục quán triệt sâu sắc và triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu lực, hiệu quả hơn nữa các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã nêu trong Nghị quyết 29.

Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn

TRẦN QUỚI

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/79/312678/10-nam-thuc-hien-nghi-quyet-29--dat-nhieu-ket-qua-quan-trong.html