10 ngày nhập ngũ biên phòng

Trong 10 ngày đầu tiên nhập ngũ, chiến sĩ mới ở Tiểu đoàn Huấn luyện - Cơ động (Bộ đội Biên phòng tỉnh An Giang) trải qua những bài học quan trọng đầu tiên của quân nhân. Đó là học làm quen với đơn vị, với nếp sinh hoạt, với đồng đội…

Kể từ khi nhập ngũ tới nay, chiến sĩ mới được tập trung phúc tra sức khỏe, huấn luyện ngoại khóa. Những điều cơ bản cần phải biết khi trở thành quân nhân, bao gồm: Truyền thống đơn vị nơi nhập ngũ; lãnh đạo Đảng, Nhà nước, quân đội, bộ đội biên phòng… Các nội dung này được tuyên truyền, giới thiệu nhiều buổi trên hội trường. Bên cạnh đó, chiến sĩ bắt đầu học thể dục vào buổi sáng, thư giãn đội hình.

Sau mấy ngày bỡ ngỡ, khép kín ban đầu, giờ đây chiến sĩ đã hòa nhập dần với “ngôi nhà mới”, làm quen thêm nhiều bạn mới trong Tiểu đoàn. Họ tìm thấy nhiều điểm chung với nhau, như: Cùng quê, cùng học chung trường, cùng làm dân quân ở ban chỉ huy quân sự xã, cùng niềm đam mê khoác áo lính…

Phạm Hải Đăng và Chau Chhinh Chhinh cùng tốt nghiệp Trường THPT Chi Lăng (TX. Tịnh Biên), rủ nhau nhập ngũ. Sinh hoạt dân quân tự vệ ở xã Phú Hội (huyện An Phú) 6 tháng liền, Nguyễn Chí Dĩ thân thiết với Lê Huỳnh Trương, giờ trở thành đồng đội trong quân ngũ…

Chiều chiều, chiến sĩ mới thay phiên nhau tăng gia sản xuất, dưới sự hướng dẫn của chỉ huy. Người trước truyền kinh nghiệm cho người sau, biến những lóng ngóng ban đầu thành động tác thuần thục không thua kém nông dân chuyên nghiệp.

Trương Quốc Nghiêm (quê tỉnh Bạc Liêu) ra nghề cắt tóc 2 năm. Mấy hôm nay, anh bận rộn cắt tóc cho mấy chục lượt chiến sĩ. Theo quy định, quân nhân chỉ được phép để tóc dài 3 phân, tất cả đều giống nhau. Nhiều chiến sĩ chưa kịp cắt tóc ở ngoài, hoặc cắt chưa đúng quy định, về đơn vị mới phải tranh thủ “xử lý”.

“Làm nghề này, tôi cũng uốn, nhuộm kiểu thời thượng. Trước khi nhập ngũ 1 ngày, tôi được thầy dạy nghề cắt tóc gọn gàng. Biết tôi có tay nghề, chỉ huy phân công cắt tóc cho chiến sĩ. Cắt liên tục không ngơi tay, mệt nhưng vui lắm!” - Nghiêm chia sẻ.

Thời gian đầu nhập ngũ, chiến sĩ mới chưa tất bật học tập, rèn luyện, mà được dành thời gian làm quen với 11 chế độ trong ngày. Chiều mát, họ chia thành nhóm chơi thể thao (bóng đá, bóng chuyền, đá cầu) trên sân rộng, hoặc tụm lại trong phòng chơi cờ. Nhịp sinh hoạt sôi nổi, gắn kết tập thể giúp tất cả quên đi nỗi nhớ nhà, nhớ… điện thoại di động. Giờ đây, họ dành trọn thời gian để cảm nhận cuộc sống mới, bước ngoặc mới trong tuổi thanh xuân.

Nhiều chiến sĩ tranh thủ thời gian rảnh “ôn bài”, tập sắp xếp nội vụ vuông góc, đúng quy định. Bài học này không quá khó, nhưng rất cần sự tập trung, khéo léo và cẩn thận.

Điều thú vị nhất là tầm 6 giờ chiều, hầu như chiến sĩ nào cũng cầm khư khư chén, đũa trên tay, báo hiệu giờ cơm sắp đến. Mỗi chiến sĩ được cấp quân tư trang đầy đủ, nếu chẳng may thất lạc thì ảnh hưởng đến thời khóa biểu sinh hoạt của chính mình. Vì vậy, bài học đầu tiên khi nhập ngũ, sống cùng tập thể là… giữ thật kỹ tư trang của mình, kể cả chén đũa.

Kẻng báo giờ cơm đã điểm, chiến sĩ nhanh chóng tập hợp, điểm danh; lắng nghe chỉ huy dặn dò, quán triệt quy định, cách thức sinh hoạt. Một thời gian ngắn nữa, mọi thứ đi vào nền nếp thì hoạt động này sẽ được lượt bớt. Còn hiện tại, bất kỳ nội dung nào cũng cần phải quán triệt đầy đủ, nghiêm túc, nhắc đi nhắc lại để chiến sĩ mới ghi nhớ.

Môi trường quân đội mang đến trải nghiệm ăn ngủ đúng giờ, không còn cảnh bỏ bữa, thất thường như cuộc sống hàng ngày trước đây. Mỗi bữa ăn cũng được tính toán lượng, chất đảm bảo định mức, giúp chiến sĩ đủ năng lượng hoạt động cường độ cao.

Tác phong quân đội đòi hỏi sự thống nhất, chỉn chu từ những điều nhỏ nhất như phơi khăn mặt. Chiến sĩ phải biết phơi khăn đúng vị trí, đúng chiều, ngay ngắn; sử dụng xong cất lại vị trí cũ. Chỉ huy sẽ thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở.

18 giờ 30 phút, chiến sĩ tập hợp “Tổ 3 người”, dành 15 phút để trò chuyện cùng nhau, chia sẻ những điều làm được trong ngày, tâm tư, nguyện vọng lúc này. Qua sinh hoạt, công tác với nhau hàng ngày, tổ trưởng nắm được tâm tư tổ viên, kịp thời báo cáo chỉ huy. Mô hình này rất ý nghĩa, hiệu quả đối với cán bộ, chiến sĩ, nhất là chiến sĩ mới.

Phần lớn thời gian, họ học thật kỹ nội dung trong Sổ tay chiến sĩ, đặc biệt là 10 lời thề danh dự của quân nhân. Nội dung này rất quan trọng, được nhắc đi nhắc lại liên tục trong suốt 2 năm quân ngũ.

Kết thúc thời gian sinh hoạt “Tổ 3 người”, cán bộ, chiến sĩ cùng đọc báo, xem thời sự. Đây là hoạt động giáo dục chính trị, tư tưởng theo cách truyền thống, nhưng vẫn đảm bảo hiệu quả. Chiến sĩ mới không được sử dụng điện thoại, Internet, thì các kênh báo chí sẽ giúp cập nhật thông tin lớn của đất nước, địa phương mỗi ngày.

Tranh thủ ít phút trước giờ ngủ, chiến sĩ ôn lại bài đã học trong ngày, không để thời gian trôi qua lãng phí.

Việc mắc mùng cũng là bài học được môi trường quân đội gửi đến chiến sĩ mới. Họ phải tự thực hiện mọi công việc, tự chăm sóc chính mình, không thể trông chờ cha mẹ, người nhà như trước khi xuất ngũ. Mỗi bài học nhỏ tạo thành một đợt rèn luyện lớn suốt 2 năm trời, hun đúc thanh niên thành quân nhân đầy bản lĩnh, có tính kỷ luật, tính tập thể cao.

GIA KHÁNH

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/10-ngay-nhap-ngu-bien-phong-a415601.html