Phiên thảo luận của Quốc hội ngày 29/5 khép lại với nhiều ý kiến của đại biểu các địa phương tranh luận thẳng thắn, tâm huyết, nhìn thẳng vào nhiều vấn đề hạn chế.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc kể chuyện 4 Bộ trưởng ăn mì tôm ở sân bay thời chống COVID-19
Nhớ lại quãng thời gian dịch COVID-19 bùng phát mạnh ở Việt Nam, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc chia sẻ, trong thời gian dịch bệnh phức tạp, Chính phủ làm việc không quản thời gian nhằm nhanh chóng lập quỹ vaccine phòng chống COVID-19. "21h đêm, Thủ tướng điện cho tôi hỏi có thành lập được quỹ vaccine không? Tôi trả lời là thành lập được. Ngay trong đêm hôm đó, chúng tôi triệu tập cuộc họp, phân công nhiệm vụ các Vụ, Cục để triển khai quy chế, thành lập quỹ. Chúng tôi đã giao cho Vụ Hành chính sự nghiệp xây dựng Thông tư 41 ngay trong đêm. Và 8h hôm sau đặt trên bàn Thủ tướng cả Thông tư và Quyết định thành lập quỹ vaccine phòng chống COVID-19", Bộ trưởng Tài chính chia sẻ.
Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (đoàn Bình Định) thắng thắn cho rằng, sự bất hợp lý của chính sách đang bóp nghẹt sự phát triển của trạm y tế xã, phường. Có trường hợp, cùng một loại bệnh nền, nếu chữa ở trạm y tế xã chỉ được sử dụng thuốc hạ huyết áp 100 nghìn đồng, trong khi lên tỉnh, huyện lại dùng thuốc đắt tiền hơn. Hay chế độ khám bệnh nhân của các y bác sĩ ở y tế xã chỉ được 27 nghìn đồng/người bệnh mà còn bị trừ ngược trừ xuôi...
Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi (đoàn Bến Tre) nêu, tình trạng trạm y tế xã biên chế mỗi đêm trực chỉ một người, trong khi đây là tuyến đầu cấp cứu ban đêm cho các bệnh nhân đánh nhau, tai nạn giao thông... rất phức tạp, nên các nhân viên y tế, nhất là nữ không thể trực một mình. Nhiều bác sĩ nữ đi trực phải rủ mẹ, chị em hoặc chồng, con đi theo vì sợ bệnh nhân gây khó khăn. Trong khi, tiền trực mỗi đêm chỉ 25 nghìn đồng, tiền ăn 15 nghìn đồng, chế độ rất khiêm tốn với cống sức đội ngũ này bỏ ra. Chế độ chính sách thấp rất khó thu hút, giữ chân người làm việc ở y tế cơ sở.
Đại biểu Trịnh Tú Anh (đoàn Lâm Đồng) chia sẻ, nhiều xã phường của các thành phố, đặc biệt khu vực đô thị mật độ dân cư đông, tỷ lệ 10 bác sĩ/30.000-50.000 dân (tiêu chuẩn theo quy định là 10 bác sĩ/15.000 dân). Mặc dù đảm nhiệm rất nhiều công việc nhưng đội ngũ y sĩ, bác sĩ tuyến y tế cơ sở chưa được quan tâm đãi ngộ thỏa đáng, thu nhập cán bộ y tế chỉ 5 - 7 triệu đồng tháng.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) nhắc lại những vết gợn, những bài học xương máu trong cuộc chiến chống COVID-19, trong đó "cú lừa ngoạn mục, sắc như dao cắt của Công ty Việt Á trong tổ chức sản xuất kit test thật đau đớn, thật đáng lên án. Sự trả giả là quá đắt, quá lớn". Hay có những trường hợp vi phạm không phải do tham lam, vụ lợi mà chỉ là làm sai quy trình để đáp ứng yêu cầu khẩn cấp trong phòng chống dịch.
Đại biểu Nguyễn Hữu Thông (đoàn Bình Thuận) băn khoăn sai khi hết dịch COVID-19, các y bác sĩ ở bệnh viện lại đối mặt với nỗi lo trả trang thiết bị y tế, oxy, thuốc men cho đơn vị doanh nghiệp từng mượn trong lúc chống dịch khẩn cấp. Hiện các đơn vị doanh nghiệp liên tục đòi nợ nhưng các cơ sở y tế không có đủ cơ sở pháp lý để hoàn trả.
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan phát biểu: "Trong việc phòng chống dịch COVID-19, chúng ta thu được rất nhiều thành quả, được thế giới ghi nhận. Tuy nhiên, tôi - với tư cách người dân - chỉ thấy rằng chúng ta chiến thắng mà thay tướng, "trảm" tướng thì suy ra là thất bại. Nguyên hệ thống ngành y tế, số lượng cán bộ y tế phải trả giá cho đại dịch quá lớn".
Đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết (đoàn TP.HCM) kiến nghị Chính phủ, Quốc hội sớm ban hành Luật bảo hiểm y tế để khắc phục tình trạng bác sỹ không phải là người kê toa thuốc hay quyết định điều trị cho bệnh nhân thế nào, mà lại là nhân viên bảo hiểm y tế - những người không có chuyên môn. Nhiều bác sĩ chia sẻ khi giải trình với bảo hiểm y tế thì nhận được những câu hỏi rất khó "tại sao lại kê thuốc này mà không phải một loại thuốc trong danh mục bảo hiểm y tế cấp...". Nguyên nhân do các quy định, thủ tục thanh toán y tế gây khó cho bệnh nhân và bác sĩ.
Đại biểu Trần Văn Sáu (đoàn Đồng Tháp) lo ngại căn bệnh “sợ trách nhiệm”, thu mình lại, thụ động, ngại đưa ra quyết định đang lây lan từ ngành Y sang những ngành nghề khác. Đây là vấn đề rất cần được quan tâm và phải xem xét nhiều chiều, cần loại bỏ ngay. Do vậy, đại biểu đề nghị Quốc hội cần có cơ chế để người có thẩm quyền đánh giá hành vi người khác cần áp dụng luật để phán xét làm cho cái hợp pháp thực sự là hợp tình và hợp lý.
Đại biểu Trần Thị Nhị Hà (đoàn Hà Nội) cho biết, hiện chế độ lương cho nhân viên y tế cơ sở được áp dụng từ năm 2004, đã gần 20 năm chưa thay đổi. Hay chế độ phục cấp đều đã được áp dụng hơn 10 năm nay. Đây là nguyên nhân khiến nhiều y bác sĩ không mặn mà với ngành Y. Nữ đại biểu đề nghị đưa các nội dung ban hành quy định lương và phụ cấp vào nội dung cần thực hiện ngay về chính sách đối với cán bộ tuyến y tế cơ sở.