200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử

Trong khuôn khổ các hoạt động kỷ niệm 70 năm sự kiện Tập kết ra Bắc tại Cà Mau (1954 - 2024), chiều 15//11, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh Cà Mau tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề '200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử'.

Các đại biểu tham dự Hội thảo.

Các đại biểu tham dự Hội thảo.

Hội thảo có sự tham dự của nhiều lãnh đạo như bà Đinh Thị Mai, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; ông Dương Thanh Bình, Trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội; ông Trương Hòa Bình, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; ông Nguyễn Tiến Hải, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Cà Mau cùng gần 300 đại biểu là nhà khoa học, nhà nghiên cứu, cựu học sinh miền Nam tập kết ra Bắc…

Tập kết ra Bắc “đi là thắng lợi, ở là quang vinh”

Thực hiện việc chuyển quân, tập kết theo quy định của Hiệp định Giơnevơ, địa điểm tập kết ở Nam Bộ được chọn tại 3 khu vực: Khu tập kết 80 ngày ở Hàm Tân - Xuyên Mộc (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ngày nay); Khu tập kết 100 ngày ở Cao Lãnh, Đồng Tháp và khu tập kết 200 ngày ở Cà Mau. Trong đó, điểm tập kết tại Cà Mau là tâm điểm, có thời gian dài nhất. Khu vực tập kết ở Cà Mau được xác định dọc theo kênh xáng Chắc Băng (nối ngã ba sông Trẹm, thị trấn Thới Bình đến ngã ba sông Cái Lớn, huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang), cùng một số địa điểm khác trong tỉnh…

Ông Nguyễn Tiến Hải - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Cà Mau, phát biểu khai mạc Hội thảo.

Ông Nguyễn Tiến Hải - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Cà Mau, phát biểu khai mạc Hội thảo.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Tiến Hải - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Cà Mau, cho biết, thực hiện sự chỉ đạo của Trung ương Đảng, Bác Hồ và Trung ương Cục niềm Nam, việc bố trí, sắp xếp lực lượng đi tập kết được Tỉnh ủy Cà Mau cân nhắc kỹ lưỡng, chu đáo, coi việc tập kết là một sự bố trí lực lượng để thực nhiệm vụ cách mạng mới, xác định rõ đi hay ở đều là nhiệm vụ cách mạng với tinh thần “đi là thắng lợi, ở là quang vinh".

Trong thời gian 200 ngày tập kết, dưới sự lãnh đạo của Đảng, hoạt động của chính quyền cách mạng tại Cà Mau rất có hiệu quả, đã làm đổi mới các khu vực ta mới tiếp quản trên các mặt kinh tế, văn hóa, xã hội. Ngày 8/2/1955, chuyến tàu cuối chuyển quân ở Nam bộ từ khu tập kết rời bến Sông Đốc, kết thúc 200 ngày tập kết tại Cà Mau.

Những cán bộ, chiến sĩ, học sinh, đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc đã được Bác Hồ, Trung ương Đảng và đồng bào các tỉnh phía Bắc đón nhận, cưu mang, đùm bọc và tạo mọi điều kiện hỗ trợ sớm ổn định cuộc sống, tạo công ăn, việc làm, học tập, lao động và tham gia chiến đấu; có nhiều đóng góp cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và công cuộc kháng chiến chống đế quốc xâm lược, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Nhiều người đã trở thành cán bộ lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, cán bộ cấp cao, các tướng lĩnh, sĩ quan cao cấp, nhà khoa học đầu ngành ở nhiều lĩnh vực, các văn - nghệ sĩ, nhạc sĩ, họa sĩ, nhà báo nổi tiếng, nhiều doanh nhân tài ba, nhiều người đã trở thành Anh hùng lực lượng vũ trang, Anh hùng lao động… góp phần làm rạng danh quê hương, đất nước.

Các đại biểu tham tham luận tại Hội thảo.

Các đại biểu tham tham luận tại Hội thảo.

“Việc tổ chức Hội thảo này có ý nghĩa hết sức to lớn, là dịp để ôn lại những ký ức hào hùng của những ngày tập trung chuẩn bị và về những chuyến tàu tập kết ra Bắc, những năm tháng sinh sống, chiến đấu, lao động, học tập và những ân tình sâu nặng của quân, dân miền Bắc đối với những cán bộ, chiến sĩ, đồng bào, học sinh đã từng tham gia tập kết ra Bắc. Đồng thời, giúp chúng ta phân tích, khẳng định và làm sâu sắc thêm về ý nghĩa, tầm quan trọng và rút ra nhiều bài học quý báu của Sự kiện tập kết ra Bắc, nhất là những chủ trương, quyết sách sáng suốt, tài tình, mang tầm chiến lược của Bác Hồ và Trung ương Đảng.

Qua đó, Hội thảo góp phần tô thắm thêm truyền thống cách mạng hào hùng của Đảng ta và truyền thống lịch sử của Đảng bộ, dân và quân tỉnh Cà Mau trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng đất nước cũng như tạo động lực cho các thế hệ sau trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước nói chung và tỉnh Cà Mau nói riêng”, Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau khẳng định.

Tập kết ra Bắc là bài học về tinh thần đoàn kết dân tộc

Tham luận tại Hội thảo, các đại biểu trình bày đánh giá, vai trò của đồng chí Lê Duẩn đối với sự kiện tập kết ra Bắc năm 1954; việc Thanh Hóa tiếp nhận, giúp đỡ cán bộ, chiến sĩ, học sinh miền Nam tập kết ra Bắc năm 1954 - Sáng mãi nghĩa tình; Công tác bảo đảm an ninh trật tự, bí mật quân sự trong 200 ngày tập kết ra bắc ở Cà Mau - giá trị và ý nghĩa lịch sử; Tầm nhìn chiến lược của Đảng ta về sự kiện tập kết ra Bắc nhằm chuẩn bị lực lượng cho công cuộc đấu tranh thống nhất đất nước… Đồng thời, các đại biểu đã phân tích đánh giá ý nghĩa, tư liệu lịch sử, khẳng định sự lãnh đạo, chỉ đạo sáng suốt của TW Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc quyết định 200 ngày Tập kết, chuyển quân ra Bắc tại tỉnh Cà Mau; những ký ức về tình đoàn kết quân dân của sự kiện Tập kết ra Bắc 1954 tại Cà Mau.

Bà Đinh Thị Mai - Phó trưởng Ban Tuyên giáo TW phát biểu tại Hội thảo.

Bà Đinh Thị Mai - Phó trưởng Ban Tuyên giáo TW phát biểu tại Hội thảo.

Tại Hội thảo, bà Đinh Thị Mai - Phó trưởng Ban Tuyên giáo TW nhấn mạnh: Tỉnh Cà Mau là 1 trong 3 khu vực Nam Bộ được vinh dự chọn làm khu tập kết với thời gian dài nhất để tổ chức lực lượng vũ trang của các tỉnh Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu... Việc tổ chức Tập kết ra Bắc và tổ chức Tập kết 200 ngày ở Cà Mau không chỉ thực hiện nội dung Hiệp định Giơnevơ mà là một phần của công cuộc tái lập trật tự ổn định sau chiến tranh. Sự kiện này đã đi vào lịch sử và ghi dấu ấn không thể nào quên trong đồng bào cán bộ, chiến sĩ và nhân dân hai miền Nam - Bắc.

Hội thảo khoa học “200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử", đặc biệt có ý nghĩa thiết thực không chỉ đối với Cà Mau mà còn đối với cả nước. Đây là một trong những hoạt động quan trọng kỷ niệm 70 năm sự kiện tập kết ra Bắc và là dịp để chúng ta cùng nhau ôn lại sự kiện lịch sử ‘tình sâu nghĩa nặng’ của đồng bào chiến sĩ nhân dân hai miền Nam – Bắc trong những ngày kháng chiến trường kỳ gian khổ của dân tộc.

70 năm đã trôi qua, nhưng sự kiện Tập kết, chuyển các lực lượng của ta từ Cà Mau ra Bắc năm 1954 vẫn còn nguyên giá trị lịch sử, là bài học về tinh thần đoàn kết dân tộc, ý chí quyết tâm của quân và dân ta vì sự nghiệp cách mạng cao cả.

Trọng Nghĩa

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/200-ngay-tap-ket-ra-bac-tai-ca-mau-tam-nhin-chien-luoc-va-gia-tri-lich-su-post531918.html