Phiên thảo luận của Quốc hội ngày 27/10 khép lại với nhiều đại biểu phát biểu, tranh luận thẳng thắn, tâm huyết, nhìn thẳng vào vấn đề hạn chế.
Đại biểu Nguyễn Huy Thái (Bạc Liêu): "Cử tri đang rất lo lắng về tình trạng lương chưa tăng mà giá cả đã "nhanh chân mà chạy trước". Rồi, câu chuyện giá - lương - tiền, cái nào đứng trước cái nào để có lợi nhất cho người lao động luôn là câu chuyện người lao động tha thiết quan tâm. Lương bổng luôn bị rớt lại phía sau trong cuộc đua với giá cả thị trường, giá xăng tăng, giá thực phẩm tăng, phí dịch vụ tăng, phí đại học tăng, v.v., tất cả đã dồn gánh nặng lên đôi vai người lao động, chen chân vào và chi phối từng bữa cơm hằng ngày của mỗi gia đình".
Đại biểu Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận) cho biết, có cán bộ tâm sự với "thà đứng trước hội đồng kỷ luật còn hơn đứng trước hội đồng xét xử". Nguyên nhân là hệ thống pháp luật chưa đồng bộ. Cùng một vấn đề, áp dụng luật này thì đúng, nhưng khi thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra áp dụng luật khác thì thành sai; thời điểm này thì có thể đúng, khi kiểm tra ở thời điểm khác lại sai.
Đại biểu Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị): "Từ ngàn xưa, ông cha ta đã có lời nguyền về những mối hiểm họa khôn lường "nhất thủy, nhì hỏa". Vậy mà công cuộc phòng thủy, phòng hỏa của chúng ta hôm nay nhìn lại còn quá nhiều điều phải bàn, phải làm. Việc lũ lụt miền Trung, sạt lở, lũ quét vùng miền núi, xói lở bờ sông, bờ biển, nước triều dâng thường xuyên đã đành, gần đây những thành phố lớn được đầu tư hiện đại cũng lần lượt bất ngờ xuất hiện ngập lụt lớn".
Đại biểu Lê Đào An Xuân (Phú Yên): "Rừng hiện đang đối mặt với nhiều thách thức xuất phát từ cạnh tranh mục đích sử dụng đất, khai thác tài nguyên quá mức, năng lực quản trị và quản lý rừng yếu, mặc dù độ che phủ rừng nhận được duy trì ổn định, suy thoái rừng, suy giảm chất lượng rừng tự nhiên vẫn tiếp tục tăng. Cách chúng ta hiểu thuật ngữ rừng phần nhiều theo nghĩa là một trảng cây chứ chưa quan tâm đầy đủ đến bản chất yếu tố hệ sinh thái. Điều đó lý giải vì sao có rừng nhưng vẫn bị lũ ống, lũ quét, sạt lở đất xảy ra nhiều hơn và khốc liệt hơn."
Nguyễn Trường Giang (Đắk Nông): "Khi thực hiện xã hội hóa, nếu giáo viên rời khỏi khu vực công lập sang tư thục thì chuyện đó rất bình thường. Chúng ta phải đánh giá sát nhất, thực chất nhất tình trạng giáo viên bỏ nghề hay chuyển môi trường làm việc để đưa ra giải pháp phù hợp hơn."
Đại biểu Trần Văn Khải (Hà Nam): "Chúng ta xác định mở cửa phục hồi phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch là cuộc đua đường dài, không chỉ những thành công của năm 2022, những thách thức của năm 2023 mà công cuộc phát triển đất nước ta có đi nhanh và đi xa được hay không còn tùy thuộc vào rất nhiều nền tảng."
Đại biểu Lê Hoàng Anh (Gia Lai): "GDP Việt Nam tăng thì thế giới lại giảm, khi thế giới tăng thì Việt Nam lại thấp. Năm 2020 GDP Việt Nam đạt 2,91% thì thế giới âm 3,1%. Năm 2021 thế giới tăng 5,9% thì Việt Nam giảm còn 2,58%. Năm 2022 Việt Nam tăng đạt 8,0% thì thế giới giảm còn 2,4 đến 3,2%. Việt Nam có nền kinh tế rất mở nhưng ta lại ngược độ tăng trưởng GDP với thế giới. Nếu chúng ta xác định đi một mình để đi nhanh thì cũng cần phân tích, rút ra kinh nghiệm để chỉ đạo, điều hành bảo đảm tăng trưởng cao nhưng bền vững."
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TP.HCM) cho biết, đến nay cả 3 chân kiềng của ngành y tế: y tế cơ sở, y tế điều trị, cung ứng vật tư y tế đều lung lay. Các bệnh viện rất khó trong quá trình thực hiện tự chủ. Nhiều cử tri phàn nàn chất lượng khám chữa bệnh, đặc biệt là chất lượng khám chữa bệnh, bảo hiểm y tế. Nhưng ở các bệnh viện, từ lãnh đạo cho tới nhân viên đều lực bất tòng tâm, thiếu tất cả: thiếu nhân lực, thiếu thuốc chất lượng và thiếu trang thiết bị hiện đại.
Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan: “Những năm gần đây, các bệnh viện, cơ sở y tế bị nợ đọng do chậm thanh toán bảo hiểm y tế. Nhiều cơ sở y tế trở thành con nợ. Do các chi phí khám chữa bệnh bỏ ra chưa được thanh toán nên việc triển khai khám chữa bệnh, mua sắm, đấu thầu trang thiết bị y tế, thuốc gặp khó”.
Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai cho rằng lãng phí đất đai là thực trạng đáng nhức nhối và để xảy ra tình trạng này có nhiều nguyên nhân, trong đó lớn nhất phải kể đến trách nhiệm quản lý Nhà nước. “Thực tế tư duy nhiệm kỳ là một trong những nguyên nhân gây lãng phí đất đai rất lớn, qua giám sát bên cạnh địa phương tích cực thu hồi đất hoang hóa, thì còn những địa phương sau mỗi nhiệm kỳ số dự án treo lại tăng lên”, bà Mai nói.