10 quốc gia có nhiều tỷ phú nhất thế giới thập niên 2010-2020
Theo thống kê của Forbes, số lượng tỷ phú trên thế giới đã tăng gần gấp 3 lần kể từ năm 2010, đạt 2.095 người trong năm nay, với tổng giá trị tài sản ròng lên đến 8.000 tỷ USD, so với mức 3.500 tỷ USD của 10 năm trước.
Danh sách tỷ phú thế giới năm 2020 của Forbes cũng cho thấy sự gia tăng đột biến tại châu Á. Cụ thể, Trung Quốc là nước có nhiều tỷ phú nhất trong thập niên này, với 389 tỷ phú trong năm 2020 (không bao gồm 66 người từ Hồng Kông), từ mức 64 người vào năm 2010. Thái Lan từ chỉ có 3 tỷ phú vào năm 2010 lên đến 20 người vào năm 2020.
Tương tự, Singapore cũng có bước nhảy vọt, từ 4 tỷ phú vào năm 2010 lên 26 tỷ phú trong năm nay. Tại Ấn Độ, số lượng tỷ phú đã tăng 108% so với năm 2010, đạt 102 người trong năm 2020. Dưới đây là những quốc gia và vùng lãnh thổ được Forbes đưa vào danh sách có nhiều tỷ phú nhất trên thế giới trong thập niên qua.
1. Mỹ (tỷ phú hiện tại: 614, tăng thêm từ 2010: 210, những cái tên đáng chú ý mới xuất hiện: MacKenzie Bezos, Kylie Jenner và Tim Sweeney)
2. Trung Quốc (tỷ phú hiện tại: 389 tỷ phú, số tỷ phú tăng thêm từ năm 2010: 325 người, những cái tên đáng chú ý mới xuất hiện: Li Yongxin, Robin Zeng)
Theo kết quả thống kê của Forbes, 614 tỷ phú Mỹ sở hữu khối tài sản trị giá 2.900 tỷ USD. Trong năm 2010, Mỹ ghi nhận cả thảy 404 tỷ phú với khối tài sản trị giá 1.300 tỷ USD. Có 210 tỷ phú mới xuất hiện trong suốt một thập niên qua, giúp số lượng tỷ phú Mỹ tăng 52%. Cũng theo thống kê, Mỹ có 61 tỷ phú công nghệ trong thập niên qua, hiện chiếm 17% số tỷ phú của đất nước này.
Tính riêng năm nay, danh sách những người giàu nhất thế giới của Forbes đã xuất hiện thêm 80 tỷ phú Trung Quốc. Theo thống kê, số lượng tỷ phú ở Trung Quốc đã tăng vọt từ mức 64 người trong năm 2010. Fan Minhua - Giám đốc điều hành của nhà cung cấp thuốc gốc (generic drug) Poly Pharm là một trong 5 tỷ phú dược phẩm mới vào năm 2020, với khối lượng tài sản ròng trị giá 1 tỷ USD.
3. Đức (tỷ phú hiện tại: 107 tỷ phú, số tỷ phú tăng thêm từ năm 2010: 55 người, những cái tên đáng chú ý mới xuất hiện: Gabriella Meister và gia đình)
Số lượng tỷ phú người Đức đã tăng hơn gấp đôi trong thập niên qua, khi nền kinh tế lớn nhất châu Âu tăng trưởng tốt. Theo một nghiên cứu của Deutsche Bundesbank, tài sản hộ gia đình trung bình ở Đức đã tăng khoảng 20% trong giai đoạn 2010-2017. Deutsche Bundesbank cũng ghi nhận, điều này đặc biệt quan trọng đối với các chủ sở hữu bất động sản Đức vốn có giá trị tài sản ròng tỷ lệ thuận với giá bất động sản.
4. Ấn Độ (tỷ phú hiện tại: 102 tỷ phú, số tỷ phú tăng thêm từ năm 2010: 53 người, những cái tên đáng chú ý mới xuất hiện: Byju Raveendran)
Mặc dù có mức tăng trưởng tỷ phú cao thứ tư trong thập niên qua, Ấn Độ đã chứng kiến sự biến động lớn trong số tỷ phú của mình những năm gần đây. Số lượng tỷ phú Ấn Độ đã giảm hồi giữa năm 2011-2012 và giảm lần nữa trong giai đoạn 2015-2016.
Năm 2019, tăng trưởng kinh tế ở Ấn Độ đã giảm xuống mức thấp nhất trong 6 năm là 5%, sau khi ông Narendra Modi tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ thứ hai. Ông trùm dầu khí Mukesh Ambani - người giàu nhất Ấn Độ 12 năm liên tiếp, là cá nhân có tổng tài sản tăng mạnh nhất trong 10 năm qua, từ mức 29 tỷ USD năm 2010 lên 36,8 tỷ USD năm nay.
5. Hồng Kông (tỷ phú hiện tại: 66 tỷ phú, số tỷ phú tăng thêm từ năm 2010: 41 người, những cái tên đáng chú ý mới xuất hiện: Zhuo Jun, Tang Shing-bor)
Với mức tăng 41 tỷ phú suốt một thập niên qua, Hồng Kông đã vượt qua Nga để giành vị trí thứ 5 trong bảng xếp hạng. Tuy vậy, năm vừa qua được xem là thời điểm khó khăn cho các tỷ phú tại đây. Các cuộc biểu tình chính trị trong nhiều tháng đã khiến khách du lịch tránh xa khỏi Hồng Kông trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Li Ka-shing - một trong những doanh nhân có ảnh hưởng nhất châu Á, giữ vị trí số 1 với tư cách là người giàu nhất Hồng Kông trong 19 năm. Tuy nhiên, ông đã bị ông trùm tài sản Lee Shau Kee vượt qua trong năm nay.
6. Nga (tỷ phú hiện tại: 99 tỷ phú, số tỷ phú tăng thêm từ năm 2010: 38 người, những cái tên đáng chú ý mới xuất hiện: Tatyana Bakalchuk, Alexey Repik)
Số lượng tỷ phú tại Nga đã tăng 62% từ năm 2010. Trong thập niên qua, Elena Baturina và Tatyana Bakalchuk là những người phụ nữ đầu tiên ở Nga trở thành tỷ phú. Baturina, cùng chồng là thị trưởng Moscow Yury Luzkhov, có tên trong danh sách tỷ phú của Forbes từ năm 2010. Còn Bakalchuk - người sáng lập và CEO trang thương mại điện tử Wildberries trở thành tỷ phú vào năm ngoái.
7. Pháp (tỷ phú hiện tại: 39 tỷ phú, số tỷ phú tăng thêm từ năm 2010: 27 người, những cái tên đáng chú ý mới xuất hiện: Mohed Altrad, Patrick Drahi)
Trong năm 2020, Pháp có đến 39 tỷ phú, và Bernard Arnault vẫn là người giàu nhất nước Pháp và giàu thứ ba thế giới, với khối tài sản lên đến 76 tỷ USD. Theo Forbes, một trong những cái tên đáng chú ý mới xuất hiện trong thập niên này của Pháp là Mohed Altrad - người đứng đầu công ty dịch vụ xây dựng và bảo trì Altrad Group. Mẹ mất sớm, Mohed sống du mục cùng ông bà nội thuộc bộ tộc Bedouin tại sa mạc Sirya, và có hôm chỉ ăn đúng một bữa mỗi ngày. Nhưng hiện khối tài sản của Mohed đã lên tới 3,3 tỷ USD.
8. Brazil (tỷ phú hiện tại: 45 tỷ phú, số tỷ phú tăng thêm từ năm 2010: 27 người, những cái tên đáng chú ý mới xuất hiện: Luis Frias, Luciano Hang)
Số lượng tỷ phú ở Brazil đã dao động trong những năm gần đây, do hậu quả của cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng năm 2015 và sự sụt giảm giá trị của đồng tiền Brazil so với đồng đô la Mỹ. Đất nước khởi đầu thập niên chỉ với 18 tỷ phú và đạt mức kỷ lục 65 tỷ phú vào năm 2014.
Song, số lượng tỷ phú của Brazil đã giảm dần kể từ đó. Số lượng tỷ phú của Brazil đạt 58 vào năm 2019. Trong năm đó, cái tên đáng chú ý là Luciano Hang - người đã trở thành tỷ phú nhờ sự thành công của chuỗi cửa hàng bách hóa Havan mà ông đồng sáng lập vào năm 1986.
9. Thụy Sĩ (tỷ phú hiện tại: 35 tỷ phú, số tỷ phú tăng thêm từ năm 2010: 24 người, những cái tên đáng chú ý mới xuất hiện: Urs Wietlisbach, Michael Pieper)
Đất nước Thụy Sĩ nhỏ bé nhưng hùng mạnh có số lượng tỷ phú nhiều hơn gấp ba lần so với đầu thập niên này. Thụy Sĩ khởi động năm 2010 với 11 tỷ phú, với tổng tài sản trị giá 40 tỷ USD, song đến thời điểm hiện tại, con số này đã lên tới 96 tỷ USD.
Cái tên đáng chú ý là Michael Pieper đã xuất hiện trong danh sách tỷ phú vào năm 2013 - 24 năm sau khi ông tiếp quản doanh nghiệp chuyên sản xuất bồn rửa nhà bếp và các thiết bị nhà bếp cấp công nghiệp khác từ cha mình. Tài sản của ông đạt kỷ lục 4,2 tỷ USD trong năm 2017. Đến năm 2020, tài sản của Pieper còn 2,6 tỷ USD.
10. Ý (tỷ phú hiện tại: 36 tỷ phú, số tỷ phú tăng thêm từ năm 2010: 23 người, những cái tên đáng chú ý mới xuất hiện: Romano Minozzi, Gustavo Denegri)
Sau một thập niên, số lượng tỷ phú của nước Ý đã tăng đến 177%. Theo thống kê của Forbes, 19 trong số 36 người giàu nhất đất nước này đều là tỷ phú tự thân; trong đó, có thể kể đến cả cái tên không mấy quen thuộc như Romano Minozzi. Người đàn ông 85 tuổi này là người sáng lập và Chủ tịch của công ty gốm sứ đa quốc gia Iris Ceramica Group. Tuy nhiên, phần lớn tài sản màMinozzi kiếm được là thông qua các khoản đầu tư khác, như từ nguồn công ty khí đốt tự nhiên Snam and Itacheas.