10 quốc gia thành viên đạt mục tiêu chi tiêu quốc phòng của NATO
Trong số 10 nước thành viên NATO, Mỹ vẫn dẫn đầu với khoảng 785 tỷ USD, chiếm hơn 2/3 tổng chi tiêu khoảng 1.092 tỷ USD của NATO.
Ngày 21/10, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cho biết 10 quốc gia thành viên sẽ đạt được mục tiêu chi tiêu quốc phòng của khối là 2% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong năm nay, trong số này Pháp và Na Uy lần đầu tiên đạt được mục tiêu này.
Trong số 10 nước trên, Mỹ vẫn dẫn đầu với khoảng 785 tỷ USD, chiếm hơn 2/3 tổng chi tiêu của các nước thành viên NATO khoảng 1.092 tỷ USD.
Sau đó là Hy Lạp với 2,58% GDP, Anh - 2,43%, Romania - 2,38%, Estonia -2,38%, Latvia - 2,32%, Ba Lan - 2,3% , Litva - 2,28%, Pháp - 2,11% và Na Uy - 2,03%.
Trong đó, Pháp và Na Uy là hai quốc gia lần đầu tiên đạt được mục tiêu 2% GDP, trong khi đó Bulgaria lại bị "rớt" khỏi danh sách này.
Năm ngoái, Bulgaria đạt mức chi tiêu quốc phòng nhảy vọt 3,18% GDP, nhưng năm nay chỉ đạt 1,93% GDP.
Phát biểu với báo giới trước thềm cuộc họp Bộ trưởng Quốc phòng NATO, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết năm nay sẽ là năm thứ 6 liên tiếp các đồng minh châu Âu và Canada tăng chi tiêu quốc phòng. Ông cho biết NATO hy vọng xu hướng này sẽ tiếp tục.
Các nước thành viên cũng đang đầu tư nhiều hơn và tiếp tục đóng góp cho các nhiệm vụ và hoạt động của khối.
Các nước châu Âu là thành viên của NATO đã phải chịu sức ép lớn trong việc tăng chi tiêu quốc phòng khi Tổng thống Mỹ Donald Trump thể hiện tức giận trước việc Washington phải đóng góp nhiều hơn trong liên minh quốc phòng lớn nhất thế giới này. Trong số đó, Đức bị chỉ trích nhiều nhất.
Dự kiến, năm nay chi tiêu quốc phòng của Đức tăng 0,2%, lên 1,57% GDP, chưa đạt mục tiêu 2%.
Tuy nhiên, điều này một phần là do ảnh hưởng của đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 khiến GDP bị suy giảm.
Về mặt thực tế, NATO ước tính chi tiêu quốc phòng của Đức tăng 3,5 tỷ USD, lên 56 tỷ USD.
Trong năm ngoái, có 9 quốc gia đạt mục tiêu chi tiêu quốc phòng 2% GDP của NATO, trong đó Mỹ vẫn dẫn đầu với 3,87% GDP.
Cùng ngày, Bộ Quốc phòng Đức cam kết sẵn sàng hỗ trợ NATO và các nước đối tác khác trong bối cảnh đại dịch COVID-19.
Theo phóng viên TTXVN tại Đức, chính phủ liên bang cam kết sẽ hỗ trợ NATO cho một kế hoạch khẩn cấp.
Theo đó, trong trường hợp cần thiết, Bộ Quốc phòng sẽ cử nhân viên hỗ trợ chống lại các mối đe dọa hạt nhân, sinh học hoặc hóa học cho các nhiệm vụ ở nước ngoài.
Quân đội Đức có thể được cử đi thực hiện các nhiệm vụ chống khủng hoảng ở các nước thành viên NATO và các nước đối tác trong bối cảnh đại dịch COVID-19.
Theo Bộ Quốc phòng, có tổng số khoảng 160 chuyên gia và các binh sĩ hỗ trợ việc triển khai tương ứng từ Đức có thể được bổ sung.
Kế hoạch khẩn cấp sẽ được kích hoạt, nếu hệ thống y tế ở các nước đồng minh hoặc các nước đối tác NATO như Ukraine, Gruzia hoặc Thụy Điển có nguy cơ sụp đổ do số ca lây nhiễm quá cao và quốc gia bị ảnh hưởng yêu cầu hỗ trợ. Một nghị quyết chung của 30 quốc gia NATO sẽ là cần thiết.
Truyền thông Đức cho biết ngoài Đức, đến nay đã có 4 quốc gia khác sẵn sàng hỗ trợ, trong đó có Anh và Pháp.
Lực lượng vũ trang cũng có thể được sử dụng để vận chuyển xe cứu thương hoặc thiết lập các bệnh viện dã chiến.
Các hoạt động chuẩn bị của NATO đối với tình hình xấu hơn nữa của đại dịch còn bao gồm cả việc xây dựng quỹ ủy thác và thiết lập các doanh trại với thiết bị y tế.
Hai tuần trước, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg đã thông báo rằng thành viên NATO Bắc Macedonia sẽ được cung cấp 60 máy thở, cùng các thiết bị khác. 60 máy thở khác cũng đã được chuyển đến Albania.
Trong vài tháng qua, Quân đội Đức đã hỗ trợ các quốc gia khác trong cuộc chiến chống dịch COVID-19, tại Đức, quân đội liên bang cũng đã triển khai binh sĩ hỗ trợ các văn phòng theo dõi các chuỗi lây nhiễm./.