10 sản phẩm công nghệ quan trọng nhất thập kỷ
Tạp chí TIME đã công bố danh sách 10 sản phẩm công nghệ quan trọng nhất của thập kỷ, góp phần thay đổi cuộc sống của chúng ta.
Trước khi iPad (2010) ra đời, khái niệm về "máy tính bảng" (tablet computer) thường chỉ có trong phim khoa học viễn tưởng hoặc những chiếc laptop lai yếu ớt, cồng kềnh. Giống iPhone, iPad đã trở thành khuôn mẫu cho những chiếc tablet với màn hình cảm ứng đa điểm, loại bỏ bàn phím vật lý, kho ứng dụng đa dạng đáp ứng mọi nhu cầu học tập, làm việc hay giải trí. Trong khi nhiều hãng vẫn loay hoay với ý tưởng laptop lai, Táo khuyết đã nâng tầm iPad với nền tảng iPadOS, trang bị nhiều tính năng hữu ích với hy vọng biến iPad trở thành chiếc máy tính đúng nghĩa.
Tesla Model S (2012) là chiếc sedan chạy bằng điện. Đây là sản phẩm chứng minh xe điện chính là tương lai của ngành công nghiệp ôtô. Những đặc điểm như màn hình cảm ứng lớn, phần mềm đa dạng và khả năng tự lái giúp Tesla Model S là sản phẩm đi trước thời đại. Sau Tesla, các hãng xe lớn cũng quan tâm đến xe hơi điện nhiều hơn trước.
Nhìn thoáng qua, Raspberry Pi (2012) chẳng khác gì bảng mạch của một chiếc máy to lớn, nhưng thực chất đây là cỗ máy tính đầy đủ. Với kích thước siêu nhỏ và giá rẻ, Raspberry Pi được sử dụng rất nhiều trong các dự án nghiên cứu, trường học hay bệnh viện, phù hợp cho mọi người từ trẻ em đến lớn tuổi. Vận hành robot, phục vụ giải trí, máy chơi game, hệ thống lưu trữ đám mây, điều khiển nhà thông minh... có thể nói khả năng sử dụng Raspberry Pi gần như là vô tận. Sau 7 năm có mặt trên thị trường, hơn 25 triệu chiếc Raspberry Pi được bán ra với hàng triệu dự án thú vị, độc đáo.
Google Chromecast (2013) là sản phẩm phát nội dung từ máy tính hoặc smartphone lên TV bằng kết nối Wi-Fi. Về cơ bản, bạn có thể dùng Chromecast để biến TV thường thành TV thông minh có thể xem YouTube, Netflix mà không cần mua những chiếc TV box đắt tiền. Với dịch vụ chơi game Stadia, người dùng còn có thể biến Chromecast thành máy chơi game.
Trong thập kỷ qua, khái niệm máy bay không người lái (drone, hay flycam nếu có camera quay phim) đã trở nên quen thuộc. Một trong các sản phẩm drone phổ biến nhất là DJI Phantom (2013). Với thiết kế đặc trưng, sản phẩm do công ty Trung Quốc sản xuất gần như không có đối thủ khi là lựa chọn tốt nhất cho những người mới chơi lẫn giới chuyên nghiệp. Các giải đua drone được tổ chức, ngày càng nhiều công ty sử dụng drone để vận chuyển hàng hóa, giám sát thay con người.
Với sự phát triển của trợ lý ảo, nói chuyện một mình không còn xem là lập dị nữa. Từ khi có Amazon Echo (2014), những chiếc loa thông minh trang bị trợ lý ảo đã trở nên quá quen thuộc. Bạn có thể ra lệnh bằng giọng nói để bật tắt đèn, kéo rèm cửa, bật nhạc hoặc gọi điện cho người thân. Echo cũng là dòng loa thông minh bán chạy nhất với 100 triệu thiết bị kích hoạt tính đến 2019. Không chỉ Amazon, hàng loạt "ông lớn" như Apple, Microsoft hay Google cũng rất quan tâm đến loa thông minh. Tuy nhiên, việc thu thập dữ liệu là chủ đề gây tranh cãi khi nhắc đến những thiết bị này.
Có thể xem Apple Watch (2015) là chiếc smartwatch tốt nhất về tổng thể. Từ một sản phẩm thời trang đắt tiền, Apple Watch trở thành dụng cụ không thể thiếu với tính năng quản lý thông báo, theo dõi sức khỏe hữu ích. Đây cũng là sản phẩm thống trị mảng smartwatch trên toàn cầu với thị phần áp đảo.
Tương tự máy nghe nhạc iPod, tai nghe AirPods (2016) nhanh chóng trở thành sản phẩm ưa thích của các tín đồ âm nhạc. Bất chấp tranh cãi về thiết kế và chất lượng âm thanh, AirPods vẫn chiếm một phần doanh số lớn, trở thành thiết bị đeo (wearable) bán chạy nhất của Apple. Rất nhiều ca sĩ, người nổi tiếng xem AirPods là món trang sức thể hiện cá tính.
Nhắc đến máy chơi game di động, có lẽ Nintendo là cái tên số một từ Game Boy đến Nintendo Switch (2017), chiếc máy chơi game "lai" có thể chơi trên TV hay bất cứ đâu. So với những máy console từ đối thủ, có thể xem Nintendo Switch là chiếc máy chơi game quan trọng nhất của thập kỷ. Đây cũng là một trong những sản phẩm bán chạy nhất mọi thời đại của Nintendo.
Xbox Adaptive Controller (2018) là thiết bị được Microsoft phát triển với các nút bấm có thể lập trình, 19 cổng cắm cho các loại cần điều khiển, joystick khác nhau. Thiết kế này giúp các game thủ khuyết tật chơi game một cách dễ dàng hơn. Hãng còn làm việc với các tổ chức như Cerebral Palsy Foundation để tạo ra hộp đựng đặc biệt giúp người khuyết tật tự mở và sử dụng sản phẩm.
Nguồn Znews: https://news.zing.vn/10-san-pham-cong-nghe-quan-trong-nhat-thap-ky-post1027119.html