10 sự kiện Công nghệ thông tin và Truyền thông nổi bật năm 2023
Năm 2023 đã diễn ra nhiều sự kiện lớn của ngành ICT Việt Nam như: Quốc hội thông qua Luật Viễn thông sửa đổi, Luật Giao dịch điện tử, Thủ tướng ký quyết định về Năm dữ liệu số quốc gia, bùng nổ lừa đảo trực tuyến...
1. Năm dữ liệu số quốc gia 2023
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh 2023 là năm Dữ liệu số quốc gia
Ngày 04/4/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính - Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số đã ký Quyết định số 17/QĐ-UBQGCĐS ban hành Kế hoạch hoạt động của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số năm 2023, trong đó có nội dung quan trọng là xác định 2023 là năm Dữ liệu số quốc gia nhằm giúp khai thác dữ liệu số, đồng thời tạo ra các giá trị mới.
Đặc biệt, tập trung cụ thể vào các nội dung: Phát triển dữ liệu mở; Phát triển cơ sở dữ liệu; Phát triển, thúc đẩy sử dụng các nền tảng số sử dụng thống nhất trên toàn quốc hoặc trong phạm vi mỗi địa phương; nâng cao năng lực quản trị dữ liệu, an toàn, bảo mật dữ liệu.
Cụ thể, phấn đấu 100% bộ, ngành, địa phương ban hành danh mục cơ sở dữ liệu thuộc phạm vi quản lý và kế hoạch, lộ trình cụ thể để xây dựng, triển khai các cơ sở dữ liệu trong danh mục. 100% bộ, ngành, địa phương cung cấp dịch vụ chia sẻ dữ liệu trên nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu. Trên 30% bộ, ngành, địa phương triển khai nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp cấp bộ, cấp tỉnh, có ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tối ưu hóa hoạt động.
100% bộ, ngành, địa phương triển khai chức năng kho dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân trên hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh để người dân, doanh nghiệp chỉ phải cung cấp thông tin một lần cho cơ quan nhà nước khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến.
Kế hoạch đặt chỉ tiêu 100% bộ, ngành, địa phương triển khai các hoạt động nâng cao chất lượng và hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến.100% bộ, ngành, địa phương hoàn thành triển khai hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh trên cơ sở hợp nhất cổng dịch vụ công và hệ thống một cửa điện tử.
30% thanh toán trực tuyến trên cổng Dịch vụ công quốc gia trên tổng số giao dịch thanh toán của dịch vụ công; 60% thủ tục hành chính có yêu cầu nghĩa vụ tài chính được thanh toán trực tuyến trên cổng Dịch vụ công quốc gia. 100% kết quả giải quyết thủ tục hành chính được số hóa; 50% hồ sơ thủ tục hành chính được người dân, doanh nghiệp thực hiện trực tuyến từ xa.
2. Quốc hội thông qua Luật Viễn thông (sửa đổi)
Sáng 24/11, Quốc hội đã lấy ý kiến về Luật Viễn thông (sửa đổi). Luật Viễn thông (sửa đổi) được Quốc hội thông qua với 468 trên 473 đại biểu tán thành, chiếm 94,74%.
Luật bao gồm 10 chương, 73 điều.
Điểm đáng chú ý trong Luật Viễn thông sửa đổi là bổ sung các quy định về trách nhiệm của doanh nghiệp viễn thông, người sử dụng dịch vụ viễn thông trong việc quản lý thông tin thuê bao; Ngăn chặn, xử lý SIM không đúng thông tin thuê bao; Cuộc gọi, tin nhắn không mong muốn, cuộc gọi lừa đảo cụ thể.
Ngoài ra, để ngăn chặn cuộc gọi, tin nhắn không mong muốn, các cuộc gọi lừa đảo, Luật đã bổ sung quy định hành vi cấm sử dụng thiết bị phần mềm xâm nhập trái phép vào mạng viễn thông công cộng. Đồng thời quy định việc nộp phí duy trì, sử dụng tài nguyên Internet, lệ phí phân bổ cấp tài nguyên Internet theo đúng Luật phí và lệ phí, Luật Quản lý Thuế.
Về quản lý hoạt động viễn thông công ích, Luật giao Chính phủ quy định cụ thể về việc miễn, giảm đóng góp vào Quỹ, góp phần tạo điều kiện cho doanh nghiệp tập trung nguồn lực để khuyến khích doanh nghiệp tư nhân có đủ năng lực tham gia xây dựng hạ tầng viễn thông và các hạ tầng khác cho chuyển đổi số quốc gia theo chủ trương của Đảng.
Luật Viễn thông sửa đổi, có hiệu lực từ ngày 01/07/2024. Riêng đối với các dịch vụ trung tâm dữ liệu, dịch vụ điện toán đám mây, dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet, thời gian hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2025.
3. Thông qua Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi)
Với 468 đại biểu đồng ý trong tổng số 477 đại biểu tham gia biểu quyết, Quốc hội đã thông qua Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) trong phiên họp ngày 22/6. Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024.
Giao dịch điện tử (sửa đổi) gồm 7 chương, 54 điều có một số điểm mới so với luật hiện hành.
Về phạm vi điều chỉnh, Luật chỉ quy định việc thực hiện giao dịch bằng phương tiện điện tử, không quy định về nội dung, hình thức, điều kiện của giao dịch thuộc các lĩnh vực khác nhau, trong đó có lĩnh vực quốc phòng, an ninh. Giao dịch trong lĩnh vực nào sẽ được điều chỉnh bởi pháp luật chuyên ngành của lĩnh vực đó.
Về trách nhiệm quản lý Nhà nước về giao dịch điện tử, Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) quy định Bộ Thông tin và Truyền thông là cơ quan đầu mối chịu trách nhiệm trước Chính phủ trong việc chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, thực hiện quản lý nhà nước về giao dịch điện tử.
Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện quản lý nhà nước về giao dịch điện tử trong lĩnh vực, địa bàn thuộc phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn được phân công.
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thực hiện quản lý nhà nước về giao dịch điện tử trong lĩnh vực cơ yếu, chữ ký số chuyên dùng công vụ trên cơ sở tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chữ ký số theo quy định của pháp luật.
4. Thủ tướng phê duyệt Chiến lược Chuyển đổi số báo chí
Ngày 6/4, thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký vào quyết định số 348/QĐ-TTg về Phê duyệt Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Chiến lược xác định việc chuyển đổi số báo chí nhằm mục tiêu xây dựng các cơ quan báo chí theo hướng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại. Qua đó, làm tốt sứ mệnh thông tin tuyên truyền phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng, sự nghiệp đổi mới của đất nước; đảm bảo vai trò dẫn dắt, định hướng dư luận xã hội, giữ vững chủ quyền thông tin trên không gian mạng.
Chuyển đổi số báo chí nhằm đổi mới hiệu quả trải nghiệm của độc giả, tạo nguồn thu mới, thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp nội dung số.
Mục tiêu đến năm 2025, có 70% cơ quan báo chí đưa nội dung lên các nền tảng số (ưu tiên các nền tảng số trong nước); 50% cơ quan báo chí sử dụng nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp tập trung, ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tối ưu hóa hoạt động; 80% cơ quan báo chí hoạt động, vận hành mô hình tòa soạn hội tụ, phù hợp với sự phát triển của khoa học, công nghệ tiên tiến trên thế giới, sản xuất nội dung theo các xu hướng báo chí số.
Chiến lược cũng nêu rõ đến năm 2025, các cơ quan báo chí tối ưu hóa nguồn thu, trong đó 30% cơ quan báo chí tăng doanh thu tối thiểu 20%. Bên cạnh đó, 100% các cơ sở giáo dục đại học chuyên ngành báo chí hoặc có khoa báo chí cập nhật các kiến thức, kỹ năng tác nghiệp trong môi trường báo chí số trong chương trình đào tạo cho sinh viên.
Đến năm 2025, mục tiêu đặt ra là 100% lãnh đạo, cán bộ, phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về chuyển đổi số báo chí; 100% cơ quan báo chí điện tử có giải pháp đảm bảo an toàn, an ninh hệ thống thông tin cấp độ 3 trở lên; hình thành và phát triển các nền tảng số quốc gia cho báo chí.
Mục tiêu đến năm 2030, 100% cơ quan báo chí đưa nội dung lên các nền tảng số (ưu tiên các nền tảng số trong nước); 90% cơ quan báo chí sử dụng nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp tập trung, ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tối ưu hóa hoạt động.
100% cơ quan báo chí hoạt động, vận hành mô hình tòa soạn hội tụ và các mô hình phù hợp với sự phát triển của khoa học, công nghệ tiên tiến trên thế giới, sản xuất nội dung theo các xu hướng báo chí số. Các cơ quan báo chí tối ưu hóa nguồn thu, trong đó 50% cơ quan báo chí tăng doanh thu tối thiểu 20%.
5. VinFast chính thức niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ
Ngày 15/8/2023, đại diện VinFast và sàn chứng khoán Nasdaq đã chính thức rung chuông đưa cổ phiếu mã VFS lên sàn Nasdaq. Kể từ đây, VinFast đã trở thành công ty niêm yết đại chúng có tầm vóc toàn cầu.
Việc VinFast lên sàn chứng khoán Mỹ diễn ra ngay sau khi công ty hoàn tất giao dịch hợp nhất kinh doanh với Black Spade Acquisition.
Trong ngày đầu tiên giao dịch, cổ phiếu VinFast đã đạt mức cao nhất là 23,11 USD/cổ phiếu.
Hiện tại, VinFast đã ra mắt tại thị trường Việt Nam giải sản phẩm từ VF5 đến VF9. Trong thời gian tới, hãng sẽ ra mắt sẽ VF3 để hoàn tất bao phủ phân khúc xe từ hạng A đến hạng D.
Ngoài ra, hôm 28/7, VinFast cũng đã khởi công xây dựng nhà máy sản xuất xe ở Carolina (Mỹ) dự kiến sẽ xuất xưởng xe tại Mỹ vào năm 2025. VinFast cũng đang lên kế hoạch tấn công các thị trường như Indonesia, Ấn Độ trong thời gian tới.
6. Khánh thành Trung tâm dữ liệu lớn nhất Việt Nam tại Hòa Lạc
Sáng 25/10, Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT) đã khai trương Trung tâm Dữ liệu (IDC) lớn nhất và hiện đại nhất Việt Nam tại Hòa Lạc, tổng diện tích sử dụng lên tới 23.000 m2 sàn, có quy mô đến 2.000 tủ racks.
Các thiết bị trong Trung tâm dữ liệu được cung cấp bởi các hãng nổi tiếng tới từ các nước G7 như Cumin, Hitachi, Siemens…Trung tâm có khả năng kết nối mạng siêu tốc, trung bình 2 Gbps/rack đối với kết nối trong nước và 0.5 Gbps/rack với kết nối mạng quốc tế.
Hệ thống giám sát an ninh theo 6 lớp bảo mật từ ngoài vào trong Data Hall của IDC đạt tiêu chuẩn quốc tế giúp đảm bảo an toàn dữ liệu của khách hàng ở mức cao nhất và luôn được hỗ trợ 24/7.
7. Bộ Thông tin và Truyền thông liệt kê 24 hình thức lừa đảo trực tuyến
Theo thống kê của Cục An toàn Thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) số lượng các vụ lừa đảo trực tuyến trong 6 tháng đầu năm 2023 tăng 64,78% so với cùng kỳ năm ngoái, và tăng 37,82% so với 6 tháng cuối năm 2022.
Còn theo Công ty an ninh mạng NCS, các nhóm lừa đảo trực tuyến thường lợi dụng cơ chế của nền tảng nhắn tin OTT, cũng như những công nghệ mới như AI, deepfake, sử dụng trạm phát sóng giả để phát tán tin nhắn mạo danh. Nổi bật nhất trong số này là lừa đảo “việc nhẹ, lương cao”. Các nhóm lợi dụng các công cụ liên lạc OTT như Telegram để lập group có số lượng người đông, không bị giới hạn trong nhóm nhỏ, không chịu sự kiểm soát của cơ quan quản lý tại Việt Nam. Với công nghệ deepfake, giả mạo hình ảnh và âm thanh của người khác, nạn nhân dễ bị mắc lừa hơn vì mắt thấy tai nghe trực tiếp bằng hình ảnh, âm thanh. Không chỉ giả mạo người thân, bạn bè, kẻ lừa đảo còn đóng vai cả công an khiến nạn nhân không biết đâu là thật, là giả.
Đã có rất nhiều cảnh báo được đưa ra song số nạn nhân vẫn tăng liên tục và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Thiệt hại có vụ lên đến cả trăm triệu đồng, trong khi hình thức ngày càng tinh vi và khó lường.
Cục An toàn Thông tin cũng đã liệt kê 24 hình thức lừa đảo trực tuyến đề người dùng nâng cao cảnh giác tránh sập bẫy lừa đảo, bao gồm: 1. Lừa đảo “combo du lịch giá rẻ”. 2. Lừa đảo cuộc gọi video Deepfake, Deepvoice. 3. Lừa đảo “khóa SIM” vì chưa chuẩn hóa thuê bao. 4. Giả mạo biên lai chuyển tiền thành công. 5. Giả danh giáo viên/nhân viên y tế báo người thân đang cấp cứu. 6. Chiêu trò lừa đảo tuyển người mẫu nhí. 7. Thủ đoạn giả danh các công ty tài chính, ngân hàng 8. Cài cắm ứng dụng, link quảng cáo cờ bạc, cá độ, tín dụng đen,... 9. Giả mạo trang thông tin điện tử, cơ quan, doanh nghiệp (BHXH, ngân hàng...) 10. Lừa đảo SMS Brandname, phát tán tin nhắn giả mạo. 11. Lừa đảo đầu tư chứng khoán, tiền ảo, đa cấp. 12. Lừa đảo tuyển CTV online. 13. Đánh cắp tài khoản mạng xã hội, nhắn tin lừa đảo. 14. Giả danh cơ quan công an, viện kiểm sát, tòa án gọi điện lừa đảo. 15. Rao bán hàng giả hàng nhái trên sàn thương mại điện tử. 16. Đánh cắp thông tin CCCD đi vay nợ tín dụng. 17. Lừa đảo chuyển nhầm tiền vào tài khoản ngân hàng. 18. Lừa đảo dịch vụ lấy lại tiền khi đã bị lừa. 19. Lừa đảo lấy cắp Telegram OTP. 20. Lừa đảo tung tin giả về cuộc gọi mất tiền như FlashAI. 21. Lừa đảo dịch vụ lấy lại Facebook. 22. Lừa đảo tình cảm, dẫn dụ đầu tư tài chính, gửi bưu kiện, trúng thưởng. 23. Rải link phishing lừa đảo, seeding quảng cáo bẩn trên Facebook. 24. Lừa đảo cho số đánh đề.
8. Chuẩn hóa thông tin thuê bao nhằm triệt tiêu SIM rác
Để ngăn chặn tình trạng các đối tượng lợi dụng đăng ký thuê bao đứng tên nhiều SIM, kích hoạt sẵn, bán SIM tràn lan tạo điều kiện cho các hành vi lừa đảo, gây ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội, Bộ TT&TT đã yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông di động quyết liệt thực hiện việc rà soát, làm rõ đối với các khách hàng sở hữu nhiều SIM, ngăn chặn tối đa tình trạng SIM rác, đồng thời tiến hành chuẩn hóa lại thông tin các thuê bao.
Ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông chia sẻ, từ tháng 5 đến tháng 8 năm 2023, các nhà mạng đã xử lý hơn 11 triệu thuê bao không trùng khớp thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia (CSDLQG) về dân cư. Trong số 11 triệu thuê bao này có 3,5 triệu thuê bao đã chuẩn hóa lại thông tin; 7,5 triệu thuê bao bị khóa, thu hồi. (trong số này có 4 triệu thuê bao bị khóa liên quan đến giấy tờ hết hạn hoặc giấy tờ có nghi vấn giả mạo).
Tính đến hết ngày 31/8, các doanh nghiệp đã hoàn tất xử lý khóa 1 chiều hoặc 2 chiều với các thuê bao vi phạm, xử lý 8,6 triệu thuê bao đứng tên trên 10 SIM.
9. Kiểm tra hoạt động TikTok
Sau hơn 4 tháng triển khai kiểm tra toàn diện hoạt động của Tiktok tại Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết kết quả xác minh cho thấy, Văn phòng TikTok và Công ty TikTok tại Việt Nam không trực tiếp tham gia hoạt động quản lý, cung cấp các dịch vụ xuyên biên giới vào Việt Nam thông qua trang web TikTok.com và ứng dụng TikTok. Việc cung cấp các dịch vụ xuyên biên giới vào Việt Nam do TikTok Pte.Ltd (TikTok Singapore) trực tiếp quản lý, vận hành.
Bộ TT&TT đã xác lập được một số hành vi vi phạm của TikTok Singapore khi cung cấp các dịch vụ xuyên biên giới vào Việt Nam.
Cụ thể,liên quan việc cung cấp dịch vụ mạng xã hội, về bảo vệ trẻ em: Thông tin giả mạo, xuyên tạc, kích động bạo lực, kích động tệ nạn xã hội; thông tin gây hại cho trẻ em… Quy trình kiểm duyệt nội dung chưa hiệu quả, để lọt nhiều nội dung vi phạm pháp luật Việt Nam…
Không có biện pháp, công cụ bảo đảm an toàn về thông tin bí mật đời sống riêng tư của trẻ em; không gửi các thông điệp cảnh báo nguy cơ khi trẻ em cung cấp, thay đổi thông tin bí mật đời sống riêng tư của trẻ em; không thực hiện việc phát hiện, loại bỏ các hình ảnh, tài liệu, thông tin không phù hợp với trẻ em, ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh của trẻ em; không tổ chức tiếp nhận thông tin, đánh giá phân loại theo mức độ an toàn cho trẻ em; vẫn cho phép trẻ em dưới 13 tuổi mở tài khoản dù là nền tảng mạng xã hội chỉ dành cho người từ 13 tuổi trở lên… Chưa áp dụng chính sách bảo vệ nội dung có bản quyền của người dùng; chưa thông báo đầu mối liên lạc về vấn đề quyền tác giả...
Về hoạt động cung cấp dịch vụ thương mại điện tử:Tiktok chưa công bố thông tin về chủ sở hữu ứng dụng trên trang chủ của ứng dụng TikTok Shop theo quy định, chưa lưu trữ đầy đủ thông tin người bán theo quy định khi đăng ký sử dụng dịch vụ; chưa thực hiện đầy đủ việc kiểm tra, giám sát để đảm bảo việc cung cấp thông tin về hàng hóa của người bán trên sàn giao dịch thương mại điện tử theo quy định...
10. Việt Nam trở thành điểm đến của nhiều công ty bán dẫn
Việt Nam đang nổi lên như một điểm đến của các hãng sản xuất vi mạch, bán dẫn khi thu hút được những tập đoàn bán dẫn hàng đầu thế giới từ Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc.
Hồi tháng 5/2023, Công ty Infineon Technologies AG (Đức) - chuyên cung cấp các giải pháp bán dẫn cho hệ thống điện và IoT đã thông báo việc mở rộng quy mô hoạt động tại Việt Nam.
Victory Giant Technology, tập đoàn chuyên sản xuất linh kiện điện tử, chất bán dẫn của Trung Quốc đã quyết định lựa chọn để xây dựng nhà máy với tổng mức đầu tư 400 triệu USD tại Bắc Ninh.
Cuối tháng 5/2023, gã khổng lồ sản xuất chip đến từ Hàn Quốc Hanmi Semiconductor công bố đưa chi nhánh Hanmi Việt Nam tại Bắc Ninh vào hoạt động.
Ngày 16/9/2023, Hana Micron Vina (Hàn Quốc) đã khánh thành dự án nhà máy sản xuất chất bán dẫn tại Khu công nghiệp Vân Trung (Bắc Giang). Hana Micron Vina là doanh nghiệp sản xuất và gia công bảng vi mạch tích hợp sử dụng cho điện thoại di động và các sản phẩm điện tử thông minh.
Tháng 10 vừa qua, Amkor Technology - Tập đoàn công nghiệp bán dẫn lớn của thế giới có trụ sở tại Arizona đã khánh thành nhà máy tại Bắc Ninh với tổng vốn đầu tư 1,6 tỷ USD.
Samsung lên kế hoạch sản xuất linh kiện bán dẫn tại Việt Nam, trong đó, việc sản xuất đại trà các sản phẩm lưới bóng chip bán dẫn của nhà máy Samsung Electro-Mechanics Việt Nam tại Thái Nguyên được thực hiện vào cuối năm 2023.
Công ty Synopsys (Mỹ) - chuyên cung cấp các công cụ và dịch vụ cho ngành sản xuất và thiết kế chất bán dẫn - mới đây đã cùng Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) ký kết biên bản ghi nhớ về phát triển nguồn nhân lực tài năng thiết kế vi mạch tại Việt Nam.