10 sự kiện nổi bật của ngành Thông tin và Truyền thông Lào Cai năm 2024
Năm 2024 đã ghi dấu những thành tựu vượt bậc của ngành Thông tin và Truyền thông tỉnh Lào Cai. Từ ứng phó hiệu quả với thiên tai đến triển khai các giải pháp tuyên truyền đồng bộ, chuyển đổi số toàn diện, tỉnh đã khẳng định vai trò tiên phong trong việc áp dụng công nghệ vào cuộc sống. Dưới đây là 10 sự kiện nổi bật, thể hiện một năm bứt phá của ngành Thông tin và Truyền thông với phương châm hoạt động xuyên suốt: 'Đoàn kết - kỷ cương - trách nhiệm - tăng tốc - đột phá'.
1. Ứng phó hiệu quả với bão số 3
Với nguyên tắc "Thông tin, truyền thông phải đi trước một bước", Lào Cai đã chủ động ứng phó với bão số 3 bằng cách khởi động Trung tâm Chỉ huy phòng thủ dân sự ngay khi nhận dự báo. Cùng với các lực lượng "4 tại chỗ" của các địa phương, bất kể ngày hay đêm, với tinh thần tích cực, khẩn trương, các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn tỉnh đã tập trung khắc phục hậu quả sau bão, duy trì kết nối, duy trì liên lạc trong điều kiện mất điện trên toàn địa bàn; bảo đảm thông tin viễn thông, mạng trên địa bàn tỉnh được thông suốt. Cụ thể, đã khắc phục 422/423 trạm BTS bị ảnh hưởng, 142/142 tuyến truyền dẫn bị hư hại; phục hồi hoạt động 29 bưu cục bị ngập nước, khôi phục mạng lưới vận chuyển liên tỉnh và nội tỉnh, đảm bảo việc chuyển phát thư từ, bưu phẩm không bị gián đoạn.
Cũng trong thời điểm này, vai trò của công tác truyền thông được phát huy cao độ, đồng hành với các cấp, ngành và Nhân dân vượt qua khó khăn, gian khổ, mất mát để sớm ổn định cuộc sống, tái thiết quê hương. Đã có hàng trăm phóng viên các cơ quan báo chí Trung ương, địa phương tác nghiệp, đăng tải hàng nghìn tin bài về phòng chống và khắc phục hậu quả bão số 3. Thông tin kịp thời, chính xác đã giúp huy động nguồn lực từ các cấp, các ngành và người dân. Ban Vận động cứu trợ tỉnh Lào Cai đã tiếp nhận từ hơn 7.200 tập thể, cá nhân, cơ quan, doanh nghiệp gần 350 tỷ đồng và rất nhiều hàng hóa, thiết bị.
Với sự tận tâm và khả năng phản ứng nhanh chóng, ngành Thông tin và Truyền thông tỉnh Lào Cai đã khắc phục các sự cố mạng viễn thông trong thời gian ngắn nhất, giúp cơ quan chức năng và người dân đảm bảo thông tin liên lạc trong tình huống khẩn cấp. Hoạt động truyền thông đã khơi dậy, lan tỏa truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái, khích lệ, tiếp sức mạnh cho Nhân dân các dân tộc tỉnh Lào Cai với quyết tâm cao, nỗ lực lớn sớm vượt qua khó khăn, từng bước khắc phục hậu quả thiệt hại, nhanh chóng khôi phục sản xuất và đời sống. Nhờ những nỗ lực này, Lào Cai được đánh giá là một trong những địa phương khắc phục hậu quả thiên tai nhanh nhất, đáp ứng tốt nhu cầu của người dân và doanh nghiệp.
2. Hợp tác chiến lược với Bộ Thông Tin và Truyền thông
Chuyến thăm và làm việc của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông vào tháng 10/2024 tại Lào Cai không chỉ mang ý nghĩa biểu tượng mà còn mở ra các cơ hội hợp tác mới. Sáu nội dung trọng tâm, bao gồm hạ tầng số, thể chế số, ứng dụng và nền tảng số, dữ liệu số, nhân lực số và an toàn thông tin đã được thảo luận chi tiết.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nhấn mạnh: Trong cuộc cách mạng về công nghệ số thì nhận thức chiếm 70% vai trò, công nghệ chỉ chiếm 30%. Ngành thông tin và truyền thông của Lào Cai cần xác định trong bối cảnh mới quan trọng nhất là đổi mới về cách nghĩ, cách làm, bắt đầu từ những việc nhỏ để hướng tới những mục tiêu lớn hơn trong tương lai.
Phát biểu tại buổi làm việc với tỉnh, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: Lãnh đạo tỉnh Lào Cai có tinh thần đổi mới, đi đầu, cùng với sự trợ giúp của Bộ Thông tin và Truyền thông, của các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam thì sự nghiệp chuyển đổi số chắc chắn sẽ thành công, sẽ nhanh hơn và sẽ có sự phát triển đột phá trong tương lai. Bộ cam kết hỗ trợ tỉnh trong việc nâng cấp hạ tầng số và xây dựng các chính sách phù hợp để thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện.
3. Phát triển dữ liệu số
Dữ liệu số là nền tảng của chuyển đổi số và tỉnh Lào Cai đã có những bước đi chiến lược trong lĩnh vực này bằng việc ban hành Quyết định 2594/QĐ-UBND ngày 11/10/2024 phê duyệt Đề án phát triển dữ liệu số, nâng cao năng lực quản trị số để thúc đẩy chuyển đổi số tỉnh Lào Cai năm 2025. Đề án phát triển dữ liệu số tập trung vào việc tối ưu hóa quy trình quản lý và hỗ trợ ra quyết định. Cải thiện chất lượng dịch vụ công, đồng thời tăng cường minh bạch trong quản lý nhà nước.
Việc ban hành và triển khai Đề án phát triển dữ liệu số và nâng cao năng lực quản trị số tại tỉnh Lào Cai là rất cần thiết, đặc biệt trong bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, tăng cường tính minh bạch và trách nhiệm của chính quyền, thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững. Đề án sẽ giúp tỉnh không chỉ theo kịp xu thế phát triển của thời đại mà còn góp phần xây dựng một chính quyền hiện đại, minh bạch và hiệu quả, phục vụ tốt nhất cho người dân.
4. Tăng cường hợp tác báo chí truyền thông giữa tỉnh Lào Cai (Việt Nam) và châu Hồng Hà, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc)
Năm 2024 là cột mốc quan trọng đánh dấu sự phát triển mạnh mẽ trong hoạt động ngoại giao báo chí truyền thông giữa tỉnh Lào Cai (Việt Nam) và tỉnh Vân Nam (Trung Quốc). Đây là một phần trong nỗ lực thúc đẩy quan hệ song phương giữa hai địa phương, tập trung vào việc tăng cường hợp tác truyền thông, giao lưu văn hóa và phát triển khu vực biên giới.
Điểm nhấn của hoạt động ngoại giao báo chí Lào Cai - Vân Nam năm 2024 là Chương trình giao lưu giữa các cơ quan truyền thông tỉnh Lào Cai (Việt Nam) và các cơ quan truyền thông châu Hồng Hà, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) nằm trong chuỗi hoạt động của Chương trình giao lưu văn nghệ chào Xuân qua biên giới và Liên hoan nhân dân biên giới Việt Nam - Trung Quốc năm 2024 (tháng 1/2024 tại thành phố Lào Cai, Việt Nam); Lễ ký biên bản ghi nhớ hợp tác truyền thông giai đoạn 2024 - 2030 giữa Văn phòng Thông tin Chính quyền nhân dân châu Hồng Hà, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) và Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Lào Cai (Việt Nam) nằm trong khuôn khổ Hội nghị hợp tác hành lang kinh tế 5 tỉnh, thành phố Việt Nam - Trung Quốc lần thứ XI (diễn ra ngày 25/11/2024 tại tỉnh Vân Nam, Trung Quốc) (ảnh dưới).
Năm 2025, tỉnh Lào Cai (Việt Nam) và châu Hồng Hà, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) sẽ nghiên cứu thử nghiệm: Kết nối, chia sẻ dữ liệu xuyên biên giới; kết nối cáp quang xuyên biên giới giữa Lào Cai và Vân Nam; hợp tác về kinh tế số, thương mại điện tử xuyên biên giới.
5. Thúc đẩy truyền thông chính sách, tạo đồng thuận xã hội
Năm 2024, công tác truyền thông chính sách được tỉnh Lào Cai đặc biệt coi trọng với mục tiêu bảo đảm cung cấp đầy đủ, kịp thời, chính xác chính sách đến tổ chức, công dân, định hướng và tạo đồng thuận xã hội.
Tiên phong trong xây dựng cơ chế, chính sách; ban hành Kế hoạch thúc đẩy truyền thông chính sách trên địa bàn tỉnh Lào Cai với 7 phạm vi truyền thông chính sách, 4 nội dung cơ bản; đổi mới công tác truyền thông; triển khai mô hình truyền thông chính sách trên nền tảng số là những kết quả nổi bật của truyền thông chính sách trên địa bàn tỉnh.
Việc triển khai đồng bộ các giải pháp trong công tác truyền thông chính sách sẽ là cầu nối tạo sự đồng thuận của người dân trong quá trình thực thi chính sách, từ đó góp phần phát triển kinh tế xã hội, ổn định quốc phòng, an ninh trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, trong năm 2024, Sở Thông tin và Truyền thông Lào Cai là 1 trong 22 cơ quan, đơn vị và 1 trong 13 Sở Thông tin và Truyền thông trong cả nước được Bộ Thông tin và Truyền thông tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong công tác thực hiện Chỉ thị 07/CT-TTg ngày 21/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác truyền thông chính sách.
6. Phát triển mô hình thôn thông minh
Mô hình thôn thông minh tại 20 thôn trên địa bàn huyện Bảo Thắng là một bước tiến đột phá trong việc đưa công nghệ vào phục vụ đời sống người dân. Các nhà văn hóa thôn được trang bị máy tính, máy in, máy quét và mạng không dây giúp người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến ngay tại địa phương; giảm áp lực cho các trụ sở hành chính công, đồng thời tạo thuận lợi cho người dân khi tiếp cận dịch vụ công.
Việc thành lập mô hình thôn/tổ dân phố chuyển đổ số thông minh bắt đầu từ người dân, lấy người dân làm trung tâm, làm cho người dân thấy công nghệ là thứ dễ dàng, thiết thực, giúp người dân bình đẳng về cơ hội tiếp cận dịch vụ, đào tạo, tri thức, từ đó lan tỏa, đưa công nghệ số đến mọi ngõ ngách của cuộc sống, thúc đẩy chuyển đổi số trong toàn xã hội. Việc triển khai mô hình thôn thông minh đã góp phần thay đổi diện mạo nông thôn mới tại Bảo Thắng, đem lại nhiều tiện ích cho người dân.
7. Mở rộng hạ tầng số, đảm bảo an toàn thông tin
Hạ tầng số tiếp tục được đầu tư mạnh mẽ, tạo nền tảng cho chuyển đổi số toàn diện: 41 trạm 5G mới được triển khai, nâng tổng số trạm 5G lên 46, phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân và doanh nghiệp. Tỷ lệ gia đình sử dụng internet băng rộng đạt 70,8%, tăng 3% so với năm 2023. Hoàn thiện rà soát hạ tầng viễn thông tại các thôn, hỗ trợ triển khai Đề án 06, đảm bảo “không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Trong bối cảnh các mối đe dọa an ninh mạng ngày càng gia tăng, tỉnh Lào Cai đã đạt được nhiều kết quả ấn tượng như: Phê duyệt an toàn cấp độ cho 161 hệ thống thông tin; ngăn chặn hơn 57.000 lượt tấn công và xử lý 1,2 triệu thư rác, mã độc. Điều này không chỉ bảo vệ dữ liệu mà còn đảm bảo hoạt động ổn định của các cơ quan nhà nước.
8. Cổng thông tin chuyển đổi số tỉnh Lào Cai đạt mức gần 1 triệu lượt truy cập
Cổng thông tin chuyển đổi số tỉnh Lào Cai (http://chuyendoiso.laocai.gov.vn/) đạt mức gần 1 triệu lượt truy cập (trung bình gần 2.500 lượt truy cập mỗi ngày) là một dấu mốc quan trọng, phản ánh sự quan tâm và hưởng ứng tích cực của người dân, doanh nghiệp cũng như các tổ chức đối với tiến trình chuyển đổi số tại địa phương. Kết quả này thể hiện sự nỗ lực trong việc xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin, cung cấp dịch vụ công trực tuyến và tăng cường truyền thông về lợi ích của chuyển đổi số tại tỉnh Lào Cai.
Cổng thông tin chuyển đổi số tỉnh Lào Cai được xây dựng và vận hành từ tháng 6/2022 nhằm phục vụ công tác tuyên truyền, nâng nhận thức, tạo đồng thuận, vào cuộc của cả hệ thống chính trị, huy động sự tham gia của người dân, doanh nghiệp, góp phần làm cầu nối giữa các cấp chính quyền của tỉnh với người dân, doanh nghiệp trong việc thúc đẩy, phát triển hoạt động chuyển đổi số.
9. Đơn giản hóa thủ tục hành chính
Việc ban hành các quy định, Công văn 5014/UBND-VX ngày 10/9/2024 về quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã giúp giải quyết những khó khăn trong đầu tư công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách. Quy định rõ trình tự, thời gian và quy trình thực hiện từ lập kế hoạch đến giám sát sau đầu tư. Tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan, đảm bảo các dự án công nghệ thông tin được triển khai đúng hạn và đạt hiệu quả cao.
Năm 2024, việc triển khai 242 thủ tục hành chính nội bộ giữa các cơ quan nhà nước, 45 thủ tục hành chính nội bộ giữa các cơ quan hành chính nhà nước lĩnh vực thông tin và truyền thông lên Cổng dịch vụ công tỉnh Lào Cai đã mang lại những lợi ích rõ rệt, giúp giảm thiểu thời gian xử lý công việc giữa các cơ quan, nâng cao chất lượng phục vụ, minh bạch hóa quy trình, giúp người dân và doanh nghiệp tiếp cận dễ dàng hơn với các dịch vụ hành chính công.
Thủ tục hành chính nội bộ thuộc phạm vi chức năng quản lý của các cơ quan, đơn vị cũng được quan tâm xây dựng. Trong đó, Sở Thông tin và Truyền thông là đơn vị có tổng số thủ tục hành chính nội bộ thuộc phạm vi chức năng quản lý cao nhất so với các sở, ngành trên địa bàn tỉnh Lào Cai. Lũy kế đến hết năm 2024 có 51/235 quy trình được ban hành.
10. Lào Cai thăng hạng trên bản đồ xếp loại mức độ trưởng thành chuyển đổi số năm 2024
Theo kết quả đánh giá mức độ trưởng thành chuyển đổi số báo chí năm 2024 của Bộ Thông tin và Truyền thông công bố chiều 16/12 tại Hội nghị báo chí toàn quốc năm 2024, Báo Lào Cai đạt mức Xuất sắc, nằm trong nhóm 8 cơ quan báo chí xuất sắc của khối báo địa phương, đứng thứ 2 toàn quốc (chỉ sau Báo Khánh Hòa). Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh xếp loại Tốt về mức độ trưởng thành chuyển đổi số báo chí, nằm trong nhóm 19 Đài Phát thanh - Truyền hình.
Cũng trong năm 2024, 3 cơ quan báo chí địa phương tiếp tục triển khai mạnh mẽ các kênh thông tin trên mạng xã hội, phát triển sản phẩm báo chí số chất lượng cao, đổi mới hiệu quả trải nghiệm của độc giả.
Những sự kiện tiêu biểu này đã thể hiện vai trò tiên phong của ngành Thông tin và Truyền thông trong việc định hướng phát triển bền vững tại Lào Cai, làm đòn bẩy cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; thu hẹp khoảng cách số giữa các khu vực dân cư thành thị, nông thôn, vùng sâu, vùng cao; mang lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp, người dân với mục tiêu xuyên suốt của chương trình chuyển đổi số là “Chuyển đổi số vì cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân”.