10 sự kiện nổi bật trong nước năm 2024

Năm 2024, tình hình thế giới và trong nước tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, nhờ sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, đất nước đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực.

Trong đó, đột phá phát triển kết cấu hạ tầng giao thông tiếp tục là điểm sáng, đóng góp lớn vào thành tựu chung của đất nước. Báo Giao thông bình chọn 10 sự kiện nổi bật trong năm 2024.

10 sự kiện trong nước nổi bật 2024 do Báo Giao thông bình chọn. Ảnh: PV, CTV. Đồ họa: Nguyễn Tường.

10 sự kiện trong nước nổi bật 2024 do Báo Giao thông bình chọn. Ảnh: PV, CTV. Đồ họa: Nguyễn Tường.

01. Kiện toàn các chức danh lãnh đạo chủ chốt

Ngày 19/7, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần, là tổn thất to lớn đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân, để lại niềm tiếc thương vô hạn. Ông là tấm gương sáng ngời, mẫu mực về đạo đức cách mạng, người đảng viên cộng sản kiên trung, có uy tín lớn, là hạt nhân quy tụ đoàn kết, thống nhất trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân.

Với việc kiện toàn các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước, nhiều chủ trương mới mang tầm chiến lược, mang tính đột phá được triển khai, đất nước tiếp tục vững bước trên con đường phát triển.

Với việc kiện toàn các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước, nhiều chủ trương mới mang tầm chiến lược, mang tính đột phá được triển khai, đất nước tiếp tục vững bước trên con đường phát triển.

Để đảm bảo công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành đất nước được liên tục, đảm bảo đúng nguyên tắc Đảng lãnh đạo toàn diện, hiệu lực, hiệu quả, ngày 3/8, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, tập trung trí tuệ, thảo luận dân chủ, thống nhất với số phiếu tuyệt đối 100% bầu đồng chí Tô Lâm giữ chức Tổng Bí thư.

Tại Kỳ họp thứ 8, Thường trực Ban Bí thư Lương Cường được Quốc hội bầu làm Chủ tịch nước. Chính phủ cũng được kiện toàn với việc Quốc hội phê chuẩn bổ nhiệm 4 Phó thủ tướng và nhiều thành viên Chính phủ, trong đó có Bộ trưởng Bộ GTVT Trần Hồng Minh và Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng.

Với việc kiện toàn các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước, cùng với thông điệp của Tổng Bí thư Tô Lâm về Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, nhiều chủ trương mới mang tầm chiến lược, mang tính đột phá được triển khai, đất nước tiếp tục vững bước trên con đường phát triển.

02. Cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy

Ngày 25/11, Ban Chấp hành Trung ương Đảng thống nhất chủ trương thực hiện cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, tiếp nối Nghị quyết 18 năm 2017 của Ban Chấp hành Trung ương.

Mục tiêu của lần sắp xếp này không chỉ là giảm biên chế mà còn tái cấu trúc toàn bộ hệ thống nhằm tinh gọn bộ máy, nâng cao chất lượng cán bộ, hướng tới bộ máy hiệu quả hơn, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới.

Việc sắp xếp tổ chức bộ máy với quan điểm "Tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả" theo chủ trương của Đảng, đứng đầu là Tổng Bí thư Tô Lâm, nhận được sự quan tâm, đồng tình ủng hộ, ý chí, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và nhân dân.

Từ đầu tháng 12, các cơ quan Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội khẩn trương xây dựng phương án tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy để trình Trung ương trong quý I/2025.

Ngày 30/12, Tổng Bí thư Tô Lâm đã trao Quyết định của Bộ Chính trị về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy, mối quan hệ công tác của 13 cơ quan ban Đảng, đơn vị sự nghiệp của Đảng, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội ở Trung ương. Trung ương gương mẫu làm trước với tinh thần "vừa chạy vừa xếp hàng", "Trung ương không chờ cấp tỉnh, cấp tỉnh không chờ cấp huyện, cấp huyện không chờ cơ sở".

03. Tăng trưởng kinh tế vượt dự báo

Năm 2024, nền kinh tế thế giới tiếp tục có nhiều bất ổn, trong nước chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai, đặc biệt là sự tàn phá khốc liệt của siêu bão Yagi.

Tuy nhiên, chúng ta đã đạt và vượt toàn bộ 15/15 chỉ tiêu kinh tế - xã hội, nhiều kỷ lục mới được xác lập. Nền kinh tế phục hồi mạnh mẽ, đạt nhiều kết quả tích cực. Tốc độ tăng trưởng kinh tế cả năm ước đạt khoảng trên 7%, vượt mục tiêu Quốc hội đề ra (6-6,5%), thuộc nhóm ít các nước tăng trưởng cao trong khu vực, thế giới.

Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát dưới 4%, các cân đối lớn được bảo đảm và có thặng dư lớn. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt mức kỷ lục 810 tỷ USD. Lần đầu tiên thu ngân sách đạt trên 2 triệu tỷ, vượt thu 324 nghìn tỷ. Thu hút FDI ước đạt gần 40 tỷ USD, nằm trong nhóm 15 nước đang phát triển thu hút FDI lớn nhất thế giới. Giá trị thương hiệu quốc gia đạt 507 tỷ USD, xếp thứ 32/193 quốc gia.

Thành quả kinh tế năm 2024 đã tạo đà, tạo lực để hướng tới mục tiêu tăng trưởng ít nhất 8% và phấn đấu tăng trưởng 2 con số trong năm 2025 và những thập kỷ tới.

04. Dấu ấn ngoại giao nâng vị thế Việt Nam

Năm 2024 tình hình thế giới tiếp tục biến động phức tạp với nhiều bất ổn, xung đột, đe dọa nghiêm trọng đến sự phát triển ổn định, bền vững của các quốc gia.

Nhận lời mời của Tổng thống Emmanuel Macron, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã thăm chính thức tới Pháp từ 6-7/10/2024. Hai nhà lãnh đạo nhất trí tuyên bố nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện.

Nhận lời mời của Tổng thống Emmanuel Macron, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã thăm chính thức tới Pháp từ 6-7/10/2024. Hai nhà lãnh đạo nhất trí tuyên bố nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện.

Tuy nhiên, trong bối cảnh như vậy, Việt Nam vẫn giữ vững cục diện đất nước hòa bình, ổn định, phát triển và được dư luận quốc tế coi là một trong những điểm sáng ở khu vực. Các hoạt động đối ngoại được triển khai một cách chủ động, tích cực, đạt nhiều kết quả thực chất, tạo nên tầm vóc đối ngoại mới, tạo đà thuận lợi cho đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Các lãnh đạo chủ chốt đã có gần 60 hoạt động đối ngoại trong năm 2024, trong đó có 21 chuyến thăm tới các nước và tham dự các hội nghị đa phương, đón 25 đoàn lãnh đạo các nước thăm Việt Nam, tiến hành 11 cuộc điện đàm/hội đàm trực tuyến…

Việt Nam đã nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Pháp, Australia, Malaysia; nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược với Brazil; nâng cấp đối tác toàn diện với UAE và Mông Cổ; thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với Ireland về giáo dục đào tạo. Đến nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với 9 quốc gia, 19 đối tác chiến lược, 13 đối tác toàn diện.

Đặc biệt, công tác ngoại giao kinh tế là nội dung trọng tâm, được triển khai với tinh thần quyết liệt, chủ động, mở ra nhiều thị trường và hướng đi mới, nhất là thúc đẩy đầu tư và thu hút nguồn lực ở các ngành có thể tạo đột phá.

Cùng với dòng vốn FDI tiếp tục đổ mạnh vào Việt Nam, sự xuất hiện của các tập đoàn hàng đầu thế giới, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ là điểm nhấn đáng chú ý. Tập đoàn chip lớn nhất thế giới Nvidia chọn Việt Nam xây dựng trung tâm nghiên cứu trí tuệ nhân tạo (AI) thứ 3 trên thế giới. SpaceX của tỷ phú Elon Musk cũng lộ ý định đầu tư 1,5 tỷ USD vào Việt Nam.

05. Đột phá xây dựng thể chế

Với quan điểm xác định thể chế là "đột phá của đột phá", công tác hoàn thiện thể chế, pháp luật được tập trung triển khai với tinh thần cải cách, quyết tâm mạnh mẽ, rộng khắp từ Trung ương đến các địa phương và đổi mới trong cách nghĩ, cách làm, cách triển khai, đạt những kết quả ấn tượng, tích cực và hiệu quả.

Năm 2024, Quốc hội đã thông qua 31 luật mà đa số do Chính phủ trình, nhiều hơn tổng số luật (30 luật) được ban hành trong 3 năm đầu của nhiệm kỳ. Với 18 luật, 21 nghị quyết được thông qua, Kỳ họp thứ 8 là kỳ họp Quốc hội có số lượng luật được thông qua lớn nhất, chiếm gần 1/3 (18/61 luật) tổng số luật được Quốc hội ban hành từ đầu nhiệm kỳ tới nay. Đặc biệt, Luật Đất đai (sửa đổi) được thông qua sau 4 kỳ họp.

Luật Đất đai (sửa đổi) có hiệu lực sớm hơn 5 tháng so với thời hạn đề ra nhằm đáp ứng yêu cầu hoàn thiện đồng bộ chính sách, pháp luật để nguồn lực đất đai được quản lý, sử dụng hiệu quả.

06. Bắt tay làm đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam

Ngày 31/12, Tổng Thư ký Quốc hội Lê Quang Tùng công bố 10 sự kiện, hoạt động tiêu biểu của Quốc hội năm 2024. Sự kiện thông qua chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam ở kỳ họp thứ 8 (tháng 11/2024) nằm trong 10 sự kiện được bình chọn.

Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ caotrên trục Bắc - Nam.

Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ caotrên trục Bắc - Nam.

Theo đánh giá, cùng với chủ trương tái khởi động dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, đây là quyết định lịch sử, vào thời điểm đã chín muồi, với tổng mức đầu tư rất lớn và hội tụ hàm lượng khoa học, công nghệ cao, tác động toàn diện trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng, góp phần đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới.

Dự án được kỳ vọng sẽ mở ra không gian phát triển mới cho các địa phương dọc tuyến, đáp ứng nhu cầu vận tải, góp phần tái cơ cấu thị phần vận tải trên hành lang Bắc - Nam một cách tối ưu, bền vững, tạo tiền đề, động lực cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 67,34 tỷ USD, trong đó, thị trường xây lắp dự kiến hơn 33 tỷ USD, dự án đường sắt tốc độ cao sẽ huy động sức mạnh nội sinh, mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp trong nước tiếp cận khối lượng công việc khổng lồ, nâng cao năng lực, trình độ.

Ngay sau khi Quốc hội thông qua chủ trương, Bộ GTVT đã xây dựng kế hoạch tổng thể triển khai dự án. Dự kiến, dự án sẽ khởi công vào tháng 12/2027.

Bộ GTVT đang xây dựng, lấy ý kiến về dự thảo nghị quyết của Chính phủ xác định, quy định cụ thể các mốc tiến độ chính của dự án; thẩm quyền, trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương… tất cả nhằm mục tiêu triển khai đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng.

07. Luật Đường bộ và Luật Trật tự ATGT đường bộ đi vào cuộc sống

Ngày 27/6, Luật Đường bộ và Luật Trật tự ATGT đường bộ 2024 đã được Quốc hội thông qua.

Hai dự án luật quan trọng này thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về ba đột phá chiến lược, hiện thực hóa tư duy đổi mới, tạo ra bước chuyển biến cơ bản, bền vững trong việc phát triển GTVT, bảo đảm trật tự an toàn giao thông.

Luật Đường bộ và Luật Trật tự ATGT đường bộ quy định chi tiết cụ thể, đi sâu vào từng vấn đề, từng lĩnh vực và sửa đổi, bổ sung những nội dung mới về khoa học, kỹ thuật, ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số, nâng cao công tác quản lý và quy định trách nhiệm cụ thể của cơ quan tổ chức, cá nhân, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền.

Toàn bộ các nghị định hướng dẫn thi hành luật được xây dựng, ban hành trước thời điểm luật có hiệu lực, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ trong việc thực thi.

08. Tổng lực hoàn thành mục tiêu 3.000km cao tốc

Tháng 4/2024, Bộ GTVT tổ chức khánh thành 2 cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo và Diễn Châu - Bãi Vọt, đánh dấu mốc hoàn thành 11 dự án thành phần thuộc Dự án đầu tư xây dựng cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 với tổng chiều dài 653km.

Cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo khánh thành tháng 4/2024.

Cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo khánh thành tháng 4/2024.

Với chiều dài 79km, cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo đã rút ngắn thời gian di chuyển từ TP.HCM đến TP Nha Trang (Khánh Hòa) còn gần 5 giờ đi ô tô thay vì mất 8 giờ nếu đi quốc lộ 1.

Dự án cao tốc đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt dài hơn 49km rút ngắn thời gian di chuyển từ Thủ đô Hà Nội về Nghệ An chỉ còn khoảng 3,5 tiếng thay vì hơn 5 tiếng như trước.

Đến ngày 18/8, tại Đắk Lắk, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương đã phát động thi đua cao điểm «500 ngày đêm thi đua hoàn thành 3.000km đường bộ cao tốc» vào năm 2025.

Với sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ GTVT, với tinh thần "chỉ bàn làm, không bàn lùi", "vượt nắng, thắng mưa", thi công "3 ca, 4 kíp", toàn ngành giao thông đã khắc phục mọi khó khăn, trở ngại để đưa các dự án về đích đúng tiến độ.

Tính đến nay, tổng chiều dài đường cao tốc trên cả nước đạt 2.021km. Chỉ trong 3 năm trở lại đây, đã hoàn thành và đưa vào khai thác 858km, bằng hơn 2/3 tổng số km cao tốc đã triển khai trong gần 20 năm trước.

Việc phát động thi đua đã tạo ra khí thế, động lực mới để nỗ lực hoàn thành mục tiêu cả nước có 3.000km cao tốc như Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ 13 đã đặt ra. Nhiều dự án rút ngắn tiến độ nhiều tháng so với hợp đồng đã ký.

09. Điểm sáng giải ngân vốn đầu tư công ngành giao thông

Năm 2024, việc triển khai các dự án hạ tầng chiến lược mang tính chất "xoay chuyển tình thế, chuyển đổi trạng thái" đã có nhiều bước đột phá mới với những kết quả cụ thể.

Dự kiến hết tháng 12/2024, Bộ GTVT giải ngân đạt khoảng 80% kế hoạch, cao hơn mức bình quân cả nước.

Dự kiến hết tháng 12/2024, Bộ GTVT giải ngân đạt khoảng 80% kế hoạch, cao hơn mức bình quân cả nước.

Dù gặp nhiều khó khăn, nhưng năm qua, ngành GTVT đã đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận, trong đó, đặc biệt là đột phá kết cấu hạ tầng giao thông. Trong năm, đã khởi công 10 dự án, khánh thành đưa vào khai thác 8 dự án, năm 2025 dự kiến có 50 dự án giao thông sẽ được đưa về đích.

Năm 2024, Bộ GTVT được giao khoảng 75.481 tỷ đồng (gồm 71.288 tỷ đồng được giao và kéo dài theo Kế hoạch năm 2024 và 4.193 tỷ đồng được giao bổ sung từ tháng 11/2024). Dự kiến hết tháng 12/2024, Bộ GTVT giải ngân khoảng 60.200 tỷ đồng, đạt 80% kế hoạch và phấn đấu hết niên độ tài chính đạt 95% kế hoạch.

Trong khi đó, đến hết tháng 12/2024, tỷ lệ giải ngân của cả nước mới đạt 70,24% kế hoạch, đạt 77,55% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, còn cách khá xa so với mục tiêu đề ra là đạt 95%.

Tới dự hội nghị tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025 của Bộ GTVT cuối tháng 12, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà ghi nhận và đánh giá cao kết quả ngành GTVT đạt được. Đồng thời, đề nghị những việc gì đã làm tốt, ngành GTVT cần làm tốt hơn nữa.

10. Nỗ lực khắc phục hậu quả siêu bão Yagi

Năm 2024 cũng là năm đất nước đối mặt với siêu bão Yagi, siêu bão lớn nhất trong lịch sử 70 năm qua, để lại những thiệt hại vô cùng nặng nề cho các tỉnh phía Bắc.

Người dân thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai - thôn xảy ra thảm họa lũ quét, sạt lở đất do bão Yagi - đã được chuyển đến nơi ở mới.

Người dân thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai - thôn xảy ra thảm họa lũ quét, sạt lở đất do bão Yagi - đã được chuyển đến nơi ở mới.

Vào Biển Đông ngày 3/9/2024, bão Yagi mạnh lên nhanh chóng, gây thiệt hại nặng nề khi đã làm 345 người chết và mất tích, tổng thiệt hại kinh tế hơn 83.700 tỷ đồng, tương đương thu ngân sách của toàn vùng trung du và miền núi phía Bắc năm 2024 (89.200 tỷ đồng) và bằng 0,62% GDP năm 2023, ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế quốc gia và sinh kế của hàng triệu người.

Nỗ lực khắc phục hậu quả, tái thiết kinh tế, bảo đảm an sinh sau bão, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã chỉ đạo theo sát tình hình với nhiều cách làm mới, sáng tạo, kịp thời; trực tiếp có mặt tại những nơi hiểm nguy nhất để chỉ đạo ứng phó và khắc phục hậu quả.

Việc chủ động ứng phó với cơn bão từ sớm, từ xa và khắc phục hiệu quả cơn bão, mưa lũ đã góp phần giảm thiểu thiệt hại về người và của ở mức thấp nhất.

Bên cạnh đó, trong những lúc gian nan, thử thách nhất, tinh thần đại đoàn kết, "tương thân, tương ái", "tình dân tộc, nghĩa đồng bào" càng tỏa sáng mạnh mẽ. Các hoạt động kinh tế, xã hội, nhất là sản xuất, nông nghiệp nhanh chóng được khôi phục. Đời sống người dân bị ảnh hưởng bởi bão lũ được quan tâm chăm lo, không ai bị bỏ lại phía sau.

Báo Giao thông

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/10-su-kien-noi-bat-trong-nuoc-nam-2024-192250103002950677.htm