10 tháng phát hiện gần 1.600 vụ vi phạm pháp luật về lâm nghiệp tại các tỉnh Tây Nguyên
Những năm gần đây, mặc dù đã có nhiều nỗ lực trong công tác bảo vệ, khôi phục và phát triển rừng, nhưng vùng Tây Nguyên vẫn là 'điểm nóng' về phá rừng, lấn chiếm và tranh chấp đất rừng, khai thác lâm sản trái pháp luật. Theo báo cáo của Chi cục Kiểm lâm vùng IV, 10 tháng đầu năm 2023, khu vực Tây Nguyên phát hiện 1.591 vụ vi phạm pháp luật về lâm nghiệp.
Theo số liệu tổng hợp, báo cáo của Chi cục Kiểm lâm vùng IV về "Tình hình Bảo vệ rừng 10 tháng năm 2023 tại các tỉnh Tây Nguyên và Duyên hải Nam Trung bộ cho thấy: 10 tháng đầu năm 2023 lực lượng Kiểm lâm và các cơ quan chức năng trong toàn vùng (trừ Ninh Thuận và Bình Thuận) đã kiểm tra, phát hiện và lập hồ sơ 2.452 vụ vi phạm pháp luật về lâm nghiệp, giảm 816 vụ (giảm 24,97%); diện tích rừng thiệt hại 632,136 ha, tăng 97,480 ha (tăng 18,23%) so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, thiệt hại do lấn chiếm rừng, phá rừng trái pháp luật là 386,837 ha và thiệt hại do cháy rừng là 245,299 ha.
Tại 5 tỉnh Tây Nguyên vẫn là khu vực trọng điểm, với tổng số vụ vi phạm là 1.591 vụ/2.452 vụ (chiếm 64,89% và diện tích rừng thiệt hại 341,262 ha/632,136 ha chiếm 53,99% so với tổng số vụ vi phạm và diện tích rừng thiệt hại của toàn vùng).
Cũng từ đầu năm 2023 đến cuối tháng 10, các quan chức năng đã xử lý 2.199 vụ vi phạm. Trong đó, xử lý hình sự 123 vụ và xử phạt hành chính 1.996 vụ; Lâm sản tịch thu sau xử lý hơn 1.648m3 gỗ tròn, xẻ các loại và 749 cá thể động vật hoang dã các loại; Tổng số tiền thu nộp ngân sách sau xử lý hơn 11,8 tỷ đồng.
Mặc dù, công tác bảo vệ rừng và thực thi pháp luật về lâm nghiệp đã được tăng cường. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm pháp luật về lâm nghiệp tại các địa phương vẫn còn diễn biến phức tạp, nhiều điểm nóng về phá rừng, khai thác rừng trái pháp luật chưa được xử lý triệt để dẫn đến nguy cơ mất rừng còn cao.
Thống kê đến hết tháng 8/2023, tại Đắk Lắk phát hiện 545 vụ, Đắk Nông 115 vụ, Lâm Đồng 77 vụ, Gia Lai 23 vụ vi phạm pháp luật về lâm nghiệp.
Từ tình hình trên, Chi cục Kiểm lâm vùng 4 đề nghị: Lực lượng Kiểm lâm và chính quyền địa phương cùng các đơn vị chủ rừng trong toàn vùng cần tập trung triển khai thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, có hiệu quả Luật Lâm nghiệp; Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 18/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ Tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng, xử lý tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái pháp luật; Kết luận số 61-KL/TW ngày 17/8/2023 của Ban Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; Quyết định số 933/QĐ-TTg ngày 24/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Kế hoạch quốc gia triển khai Tuyên bố Glasgow về rừng và sử dụng đất đến năm 2030.
Đồng thời, tiếp tục rà soát, điều chỉnh lại các phương án, kế hoạch bảo vệ rừng đảm bảo phù hợp với tình hình thực tiễn. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, sẵn sàng phối hợp các lực lượng để ứng phó, xử lý kịp thời đối với các tình huống cấp bách trong bảo vệ rừng và quản lý lâm sản. Đặc biệt là ở các khu vực trọng điểm có nguy cơ xảy ra phá rừng, lấn chiếm rừng, khai thác rừng cao, hạn chế tối đa không để phát sinh các điểm nóng, phức tạp./.