10 tiếng đồng hồ trong bộ đồ bảo hộ để cứu bệnh nhân COVID-19
Bắt đầu từ 7h sáng và làm việc liên tục trong 10 tiếng đồng hồ là ca trực mỗi ngày của BS Đào Trọng Thành- một trong những thành viên của đoàn bác sĩ BV Hữu Nghị, đã vào hỗ trợ Tiền Giang chống dịch COVID-19 trong hơn 1 tháng qua.
Tại Trung tâm ICU COVID-19 - tầng điều trị cao nhất của tỉnh Tiền Giang cũng là tuyến cuối tiếp nhận bệnh nhân COVID-19 nặng, BS Đào Trọng Thành cùng các nhân viên y tế tại đây đã quen với cảnh nhìn ai cũng trong trang phục bảo hộ kín mít từ đầu đến chân.
Với số giường thiết kế là 80 giường, nhưng số giường thực kê tại Trung tâm ICU COVID-19 đã lên đến hơn 100 giường bệnh. Tại đây đa phần các bệnh nhân vào viện đều là bệnh nhân nặng và rất nặng. Các bệnh nhân đều phải thở máy, lọc máu và HFNC.
Việc mặc bộ trang phục này cũng gây không ít khó khăn cho các y bác sĩ khi thực hiện các thao tác, thủ thuật phức tạp. Số lượng bệnh nhân đông, diễn biến nhanh tạo áp lực làm việc, cường độ cao cho họ.
Ngày 4/8, BS Thành cùng đoàn y bác sĩ, điều dưỡng của Bệnh viện Hữu nghị vào Tiền Giang để tham gia, hỗ trợ điều trị các bệnh nhân mắc COVID- 19 nặng.
Từ hơn 1 tháng nay, một ngày làm việc của bác sĩ Thành bắt đầu từ 7h sáng và kéo dài liên tục trong khoảng 10 giờ đồng hồ. BS Thành chia sẻ, diễn biến dịch lần này có tính chất lây lan rất mạnh, vì là tuyến điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng và nguy kịch nên y bác sĩ tại Trung tâm bất kể ngày đêm đều luôn trong tư thế sẵn sàng đón nhận bệnh nhân trong tâm thế khẩn trương nhất.
“Chúng tôi thường xuyên phải làm việc trong điều kiện khó khăn, cường độ cao nên điều đó cũng làm ảnh hưởng đến sức khỏe của nhân viên y tế kéo theo việc giảm năng suất làm việc”- BS Thành chia sẻ.
Trong quá trình điều trị, có nhiều bệnh nhân nặng, diễn biến nhanh dẫn đến tử vong khiến đội ngũ nhân viên y tế bất lực, đôi khi cũng không tránh khỏi stress. Tuy nhiên, khi cứu chữa được bệnh nhân thoát khỏi tử thần, mang đến niềm tin và hy vọng cho nhiều bệnh nhân COVID-19 nặng được cứu sống đã sốc lại tinh thần cho đội ngũ nhân viên y tế, từ đó giúp họ có thêm động lực, vượt qua mọi khó khăn, nguy hiểm để thực hiện nhiệm vụ.
“Khi nhận nhiệm vụ vào Tiền Giang, mặc dù cũng đã xác định đây là nhiệm vụ khó khăn khi tham gia cứu chữa cho các bệnh nhân nặng, những bệnh nhân “thập tử nhất sinh”. Bên cạnh đó, giữa tâm dịch cũng có rất nhiều nguy hiểm, nguy cơ lây nhiễm cao. Nhưng đây là trách nhiệm, mong mỏi của người dân Tiền Giang nói riêng, của cả nước nói chung, họ đang rất cần các nhân viên y tế. Vì vậy, chúng tôi sẵn sàng lên đường”- BS Thành chia sẻ.
Ths.BS Nguyễn Bá Tĩnh, Trưởng đoàn công tác của Bệnh viện K đi hỗ trợ điều trị người bệnh COVID-19 nặng tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM cơ sở 2 cũng cho rằng, chưa bao giờ đội ngũ nhân viên y tế gặp áp lực lớn như trong thời điểm này. Áp lực về mặt tâm lý, thời gian làm việc xuyên suốt từ 8-10 tiếng. Bên cạnh đó, môi trường làm việc nguy cơ lây nhiễm cao đã có nhiều cán bộ y tế bị phơi nhiễm SARS-CoV-2, điều này không khỏi ảnh hưởng đến tâm lý của các y bác sĩ tuyến đầu.
Để TP.HCM và các địa phương sớm khống chế dịch bệnh, điều trị tốt nhất cho bệnh nhân, Bộ Y tế đã kêu gọi và điều động hàng chục nghìn y bác sĩ, nhân viên y tế, kỹ thuật viên từ các bệnh viện tuyến trung ương và 35 tỉnh thành. Đội ngũ này đang sát cánh với lực lượng y tế tại chỗ thực hiện các hoạt động phòng, chống dịch, xét nghiệm, tiêm chủng, chăm sóc và điều trị người nhiễm COVID-19.
Tăng cường quan tâm tới đội ngũ thầy thuốc
Vừa qua, sau khi nắm bắt sâu sát thực tế, kiểm tra tại nhiều bệnh viện dã chiến và các cơ sở điều trị, chăm sóc người nhiễm COVID-19 ở TP.HCM, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho rằng, tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố đang trên đà được cố gắng để có thể kiểm soát, đòi hỏi sự chăm sóc của y tế tốt hơn để đảm bảo giảm tỷ lệ chuyển nặng, nguy kịch và tử vong trong số những người nhiễm COVID-19.
Thứ trưởng cũng chia sẻ, mỗi tua làm việc của bác sĩ, điều dưỡng 8-10 tiếng/ngày trong điều kiện mặc bảo hộ liên tục có thể gây mất nước và điện giải. Thường xuyên phải trực cấp cứu đến 12 tiếng/ngày…Tuy nhiên, việc chăm lo đời sống nhân viên y tế còn nhiều bất cập.
Vì vậy, để đảm bảo sức chiến đấu của nhân viên y tế, nâng cao tinh thần phục vụ người bệnh và chất lượng điều trị, Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế tại TP.HCM đề nghị Ban Chỉ đạo phòng, chống COVID-19 TP.HCM có các giải pháp như: Đảm bảo thời gian nghỉ sau khi kết thúc ca trực cho nhân viên y tế, không để làm việc liên tục trong thời gian dài mà không có ngày nghỉ; Đề nghị đơn vị cung cấp thực phẩm điều chỉnh chế độ ăn đảm bảo dinh dưỡng; Nhân viên y tế không may mắc COVID-19 phải được đảm bảo chế độ ăn như thường ngày…
Đảm bảo các chế độ xứng đáng với nhân viên y tế tuyến đầu chống dịch
Chia sẻ với phóng viên, bà Phạm Thanh Bình, Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam cho biết, Công đoàn Y tế đã đề nghị Tổng Liên đoàn hỗ trợ dinh dưỡng cho tất cả những người tham gia tuyến đầu 1 triệu đồng/đợt, số tiền này do Tổng Liên đoàn hoặc Liên đoàn Lao động các tỉnh chi trả. Đối với các cán bộ trực thuộc Công đoàn Y tế Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Y tế điều động tăng cường, đơn vị này đã đề nghị hỗ trợ thêm cho mỗi người 2 triệu tiền tăng cường/đợt từ kinh phí của Công đoàn Y tế Việt Nam.
Cũng theo bà Bình, Công đoàn Y tế Việt Nam cũng huy động các nguồn lực chăm lo mỗi cán bộ 1 thẻ bảo hiểm an toàn, từ 50 triệu đến 100 triệu đồng. Bên cạnh đó, Công đoàn Y tế Việt Nam cũng liên kết với các nhà tài trợ đảm bảo trang bị các phương tiện phòng hộ cho nhân viên y tế như khẩu trang N95, áo bảo hộ cấp 4, các chăm lo về chế độ dinh dưỡng cho họ như các loại vitamin, sữa, chăm lo cho con em của nhân viên y tế tham gia chống dịch nhân dịp Tết Trung thu.
Đặc biệt, đối với các cán bộ y tế đang tham gia chống dịch mà có hoàn cảnh gia đình khó khăn thì được hỗ trợ 2 triệu đồng. Đối với các trường hợp cán bộ y tế đang đi chống dịch mà thân nhân mất, không về chịu tang thì sẽ được hỗ trợ 5 triệu đồng.
Bà Phạm Thanh Bình cũng chia sẻ, các bác sĩ trên tuyến đầu chính là những anh hùng áo trắng của thế kỷ 21. Họ gặp rất nhiều khó khăn, áp lực trong môi trường tâm dịch. Vì vậy, đối với tâm lý của nhân viên y tế, Công đoàn Y tế Việt Nam đề xuất Bộ Y tế triển khai đường dây nóng để hỗ trợ tâm lý cho họ, giúp ổn định tâm lý cho họ khi tham gia chống dịch.
Bà Bình cũng cho biết, thời gian tới, Công đoàn Y tế Việt Nam cũng đề nghị với Tổng liên đoàn, với những cán bộ tham gia chống dịch trở về sau đó thực hiện cách ly thì họ cũng được hưởng chế độ như người đi làm, chế độ như các F0.
“Chúng tôi cũng đang trình để danh mục bệnh COVID-19 được đưa vào danh mục bệnh nghề nghiệp để các nhân viên y tế được hưởng chế độ bảo hiểm xứng đáng”- bà Phạm Thanh Bình cho biết./.