10 tuổi đã đòi đi... chết

Nhiều người chủ quan rằng trầm cảm thường xảy ra ở người lớn, thực tế trẻ em cũng có thể là nạn nhân.

Điểm và roi

Khoa Tâm lý Tâm thần Trẻ em - bệnh viện Tâm thần TP.HCM là chuyên khoa cho trẻ em duy nhất của nước ta đến thời điểm hiện nay. Tại khoa có 10 bác sĩ đang làm việc. Có thể khó tin, nhưng mỗi ngày nơi này khám khoảng 160-200 bệnh nhân dưới 17 tuổi về tâm thần, trong đó có trẻ em trầm cảm.

Các bác sĩ cho biết trẻ dưới 10 tuổi đã có thể nói những câu như "chết sướng hơn”, “con chán sống rồi”, khiến phụ huynh lo lắng. Có trường hợp cháu bé chưa đến mười tuổi cho biết bố mẹ đi làm xa, giao cháu cho ông bà. Ông bà không theo sát được nên cháu rất buồn. Một số trẻ khác thì “bố mẹ quan tâm quá cứng, suốt ngày mắng chửi, áp đặt đủ điều khiến các cháu ngột ngạt”.

Một bệnh nhân nhí đang nhờ bác sĩ tâm lý tư vấn.

Một bệnh nhân nhí đang nhờ bác sĩ tâm lý tư vấn.

Một cháu bé 6 tuổi bị người hàng xóm lạm dụng tình dục và bị ám ảnh với câu nói dọa rằng “sẽ bị câm điếc nếu kể cho ai đó biết câu chuyện này”. Công an bắt yêu râu xanh nhưng cháu bé bị trầm cảm nặng.

Bác sĩ kể: “Học sinh cấp hai, bố dọa cứ điểm 8 thì đánh 2 roi, 9 điểm đánh một roi”. Phản ảnh với bố, ông nói: “Thế hệ chúng tôi ăn khoai sao học tốt, bây giờ học dở là sao?”. Cô bé bị bệnh đau đầu, đi tìm thầy khắp thành phố chữa không hết, đến khi chữa đúng bệnh trầm cảm thì hết. Lúc này ông bố mới ân hận những việc tưởng như vặt vãnh của mình.

“Đừng nói cho bố mẹ cháu biết”

Theo các bác sĩ, bệnh trầm cảm trẻ em tương đối khó nhận biết so với người lớn. Một số biểu hiện của trẻ cần chú ý như bỗng dưng dễ buồn, dễ khóc, dễ cáu gắt, ít giao tiếp với người thân và bạn bè. Hay đau bụng, nhức đầu mà không rõ nguyên nhân. Giảm khả năng học tập, không làm chủ được cảm xúc. Một số có biểu hiện sợ đi học.

Tình trạng trầm cảm kéo dài khiến các em bi quan. Một em đã bị ức chế kéo dài qua cấp 2, rồi đến cấp 3, tình hình không hề được cải thiện. Cháu học hành sa sút, sợ bố mẹ buồn. Đến khi thấy con mình hồi hộp, đau ngực, không rõ nguyên nhân, phụ huynh đưa đi khám khắp nơi không ra bệnh, vào khoa tâm thần mới biết cháu bị trầm cảm rất nặng. Cháu cho biết: “Con thấy mình vô dụng, đã định tự sát rồi. Bố mẹ vẫn không hề biết gì đâu”.

Cơ sở khám bệnh tâm thần cho trẻ em rất chật chội.

Cơ sở khám bệnh tâm thần cho trẻ em rất chật chội.

Bác sĩ tại bệnh viện cũng kể về một trường hợp học sinh lớp 8 nhưng phải nghỉ, vì ám ảnh đến lớp không trả được bài: “Sớm mai bố mẹ chở đi học thì cháu run rẩy toàn thân, co giật. Phải điều trị ròng rã một năm, cháu mới đi học tiếp được”.

Tại đây cũng không ít học sinh cấp hai, cấp ba, trốn bố mẹ đi khám một mình. Các em đọc thông tin trên mạng và đoán mình bị trầm cảm. Khi bác sĩ hỏi: “Cháu lấy tiền đâu khám?”, bbệnh nhân đáp: “Tiền bố mẹ cho tiêu, cháu để dành để đi khám”. Các em tâm sự “sợ bố mẹ biết cháu bị trầm cảm, lại la mắng”. Cũng có em bày tỏ nguyên nhân đến đây là vì rất sợ tự tử. Một điều đáng buồn là trẻ còn còn dặn “bác sĩ khoan nói với bố mẹ chuyện cháu bị bệnh”.

Theo Tiền phong

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/10-tuoi-da-doi-di-chet-post410853.html