100.000 xét nghiệm Covid-19 giả tại lễ hội 'siêu lây nhiễm' ở Ấn Độ
Kết quả xét nghiệm Covid-19 giả mạo liên quan đến lễ hội Kumbh Mela có thể là một trong các nguyên nhân khiến dịch bệnh bùng phát dữ dội ở Ấn Độ.
Nhà chức trách Ấn Độ đã mở cuộc điều tra sau khi báo cáo của chính phủ kết luận một số tổ chức tư nhân xét nghiệm Covid-19 cho người hành hương tham dự lễ hội Kumbh Mela hồi tháng 4 đã làm giả ít nhất 100.000 kết quả xét nghiệm, New York Times ngày 15/6 đưa tin.
"Chúng tôi đã thành lập một ủy ban gồm 4 thành viên để điều tra, báo cáo sẽ được nộp sau 2 tuần. Điều tra ban đầu đã chỉ ra nhiều sai sót và những kết quả xét nghiệm giả mạo", bác sĩ Arrjun Singh Sengar, quan chức y tế tại thành phố Haridwar, bang Uttaranchal, cho biết.
Lễ hội Kumbh Mela được tổ chức trong tháng 4 đã thu hút hàng triệu tín đồ Hindu giáo đổ về thành phố Haridwar bên bờ sông Hằng. Lễ hội này được các chuyên gia y tế đánh giá là sự kiện siêu lây nhiễm virus corona.
Theo một báo cáo của chính phủ Ấn Độ, xét nghiệm kháng nguyên cho thấy ít nhất 100.000 trong tổng số 400.000 kết quả xét nghiệm đã bị làm giả. Kết quả xét nghiệm giả mạo có thể được làm để giúp người hành hương được phép tham gia lễ hội Kumbh Mela.
Quan chức bang Uttarakhand bắt đầu điều tra các kết quả xét nghiệm sau khi một người đàn ông ở bang Punjab nhận được kết quả xét nghiệm âm tính từ cơ quan y tế Uttarakhand, dù chưa từng tới bang này. Người đàn ông sau đó gửi đơn khiếu nại tới Ủy ban Nghiên cứu Y khoa Ấn Độ.
Nhà chức trách Ấn Độ lúc này đã dừng hợp tác với các đơn vị tư nhân có liên quan tới các xét nghiệm bị cáo buộc giả mạo.
Một số đơn vị tư nhân lừa dối nhà chức trách đơn giản bằng cách lập ra những danh sách cá nhân và địa chỉ giả mạo, sau đó gửi tới chính quyền bang để thu tiền dịch vụ xét nghiệm.
Ở Haridwar, báo cáo cho biết có những mẫu xét nghiệm phục vụ lễ hội thuộc về những người thậm chí chưa từng tới thành phố này.
Nhà chức trách cho biết họ tìm thấy những số điện thoại được sử dụng nhiều lần để đăng ký cho những người hành hương dự lễ hội Kumbh Mela. Đây đều là số điện thoại không có thật.
Các đơn vị tư nhân cũng sử dụng địa chỉ giả mạo cho những người đáng lẽ cần xét nghiệm trước khi tham dự lễ hội tắm dưới sông Hằng.