100 'bóng ma vũ trụ' bao vây thiên hà chứa Trái Đất?

Quầng vật chất tối của thiên hà chứa Trái Đất Milky Way (Ngân Hà) đã để lộ manh mối về những cấu trúc ẩn giấu.

Theo Live Science, một nghiên cứu mới dẫn đầu bởi Đại học Durham (Anh) cho thấy thiên hà chứa Trái Đất có thể đang được bao vây bởi một quần thể thiên hà vệ tinh khổng lồ, với khoảng 80-100 thiên hà lùn vẫn còn ẩn nấp trong bóng tối.

Được các nhà khoa học mô tả như "thiên hà ma" hoặc "thiên hà mồ côi", các thiên hà này đã bị chính Ngân Hà to lớn tước đoạt quầng vật chất tối của riêng chúng và hút vào quỹ đạo chung.

Mô phỏng Acquarius-A-L1 đã tiết lộ manh mối về 100 "thiên hà ma" chưa từng biết đang quay quanh thiên hà chứa Trái Đất - Ảnh: ĐẠI HỌC DURHAM

Mô phỏng Acquarius-A-L1 đã tiết lộ manh mối về 100 "thiên hà ma" chưa từng biết đang quay quanh thiên hà chứa Trái Đất - Ảnh: ĐẠI HỌC DURHAM

Theo Mô hình Vật chất tối lạnh Lambda (LCDM) được coi là chuẩn mực và phù hợp với nhiều thiên hà khổng lồ khác, Ngân Hà lẽ ra phải có nhiều thiên hà vệ tinh hơn 60 thiên hà lùn đã được xác nhận.

Tuy nhiên các mô phỏng trước đây không thể tái tạo được bức tranh về thế giới vệ tinh của thiên hà chứa Trái Đất phù hợp với lý thuyết LCDM, khiến các nhà khoa học bối rối trong thời gian dài.

Khả năng của các đài thiên văn có hạn, nên cũng không thể xác định được liệu trong bóng tối quanh Ngân Hà còn có những gì ẩn nấp.

Để vượt qua thách thức đó, các nhà khoa học Anh đã kết hợp sức mạnh của hai công cụ đột phá: mô phỏng Aquarius và mô hình GALFORM.

Aquarius là mô phỏng có độ phân giải cao nhất từ trước đến nay về quầng vật chất tối của thiên hà chứa Trái Đất. GALFORM là một mô hình toán học chi tiết, theo dõi sự hình thành và tiến hóa của các thiên hà.

Sự kết hợp của 2 công cụ này đã tạo nên Mô phỏng Acquarius-A-L1 đột phá, tiết lộ trong quần vật chất tối của thiên hà chứa Trái Đất vẫn còn khoảng 80-100 thiên hà ẩn giấu.

Chính vì bị con quái vật thiên hà của chúng ta tước bỏ quầng vật chất tối riêng, các thiên hà này càng trở nên mờ nhạt và vì vậy càng khó để quan sát.

Sự tồn tại của chúng khiến LCDM trở nên hoàn toàn hợp lý.

Điều cuối cùng cần làm là tìm ra chúng một cách trực tiếp. Các nhà khoa học tin rằng họ sẽ là được điều đó khá sớm.

Đài quan sát Vera Rubin của Mỹ đặt tại Chile - đang trong quá trình hoàn thiện và "chạy thử" - có thể giúp quan sát một số "thiên hà ma" dạng này nhờ được trang bị máy ảnh kỹ thuật số lớn nhất từ trước đến nay.

Anh Thư

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/100-bong-ma-vu-tru-bao-vay-thien-ha-chua-trai-dat-196250715172319172.htm