100 năm tri ân, tôn vinh chữ Quốc ngữ!

Cùng nhiều sự kiện nổi bật diễn ra vào những ngày cuối cùng năm 2019, khép lại thập niên thứ 2 của thế kỷ XXI, hội thảo khoa học quốc tế “100 năm chữ Quốc ngữ ở Việt Nam” được xem là cuộc sinh hoạt học thuật có giá trị, tính thực tiễn cao, thu hút sự quan tâm không chỉ của những người trong giới học thuật, mà cả công chúng trong và ngoài nước. Minh chứng, ngoài 33 học giả, nhà nghiên cứu, giảng viên đại học Việt Nam và các nước Australia, Bồ Đào Nha, Canada, Hoa Kỳ, Rumani, Thụy Sĩ, Trung Quốc... gửi tham luận hội thảo; 120 công chúng ở Việt Nam và nước ngoài thông qua facebook, email đăng ký tham dự hội thảo với tư cách cử tọa.

GS.TS Roland Jacques (ĐH Saint Paul, Canada) trình bày tham luận “Nghiên cứu Tiếng Việt từ năm 1651 đến năm 1775” tại hội thảo.

GS.TS Roland Jacques (ĐH Saint Paul, Canada) trình bày tham luận “Nghiên cứu Tiếng Việt từ năm 1651 đến năm 1775” tại hội thảo.

Điều gì đã tạo nên sự quan tâm đặc biệt này? Qua những gì mà TS Trần Đức Anh Sơn đề dẫn tại hội thảo, thì có 2 nguyên nhân: thành công từ công tác quảng bá, truyền thông qua mạng facebook và đặc biệt là sức hút từ nội dung hội thảo tập trung xoáy vào những vấn đề “rất thú vị và cũng rất gay cấn: lịch sử ra đời, sự phát triển và sử dụng chữ Quốc ngữ; vai trò và công lao của những người khai sinh và hoàn thiện chữ Quốc ngữ; vấn đề bảo tồn và cải cách chữ Quốc ngữ từ trước đến nay”. Và còn bởi lẽ, hội thảo diễn ra trong bối cảnh “có những tranh cãi liên quan đến việc tôn vinh công lao của những vị tiền bối có công sáng tạo và hoàn thiện chữ Quốc ngữ”.

Từ sự “thú vị và gay cấn” bản thân nội tại hội thảo mang lại, bà Nguyễn Thủy Tiên de Oliveria đến từ Hội hữu nghị Bồ Đào Nha- Việt Nam đã chia sẻ lý do để có tham luận “Chữ Quốc ngữ và 100 năm” được xuất phát từ “Nước Bồ Đào Nha và việc Latinh hóa chữ Việt. Liệu có phải viết lại lịch sử?” của Cha Roland Jacques - người có nhiều nghiên cứu nhất về giáo sĩ Francisco de Pina- in năm 1988 trong Tạp chí Pháp về lịch sử hải ngoại. Trong những luận cứ đưa ra nhằm bảo vệ quan điểm của mình, bà Thủy Tiên cho rằng, người mà nhiều người chỉ định là “người Cha của chữ Quốc ngữ” Alexandre Rhodes (1593) ở Avignon, TP thuộc Nhà nước của Giáo Hoàng chứ không thuộc Vương quốc Pháp, học ở trường College lớn của Dòng Tên ở La Mã, đi truyền giáo ở Cochinchine (Đàng trong) vào năm 1624 và được giao phó cho Francisco de Pina để học tiếng Việt trong khoảng một năm, cho đến khi Cha Pina chết, ngày 16-12-1625”.

Cũng theo bà Thủy Tiên, năm 1651, sau khi được bề trên sai về La Mã để xin tiếp viện và in những văn bản thiết yếu cho các thừa sai Việt Nam, Alexandre Rhodes đã xuất bản cuốn Từ Vị Việt- Bồ- La. Trong “Lời thưa bạn đọc”, Alexandre đã “nêu bật công trình mà các vị tiền khởi đã thực hiện: người thầy của ngài, Francisco de Pina, rồi André Barbosa et Gaspar do Amaral: “Trong công trình này, hơn những gì tôi đã học từ chính người bản địa trong vòng gần 12 năm trời sống ở những vùng này, ở Conchinchine cũng như Tonkin (và) nghe từ buổi đầu (lời giảng dạy) của bậc thầy ngôn ngữ là Cha Francisco de Pina, người Bồ, trong Dòng Tên nhỏ bé của chúng tôi, vị đầu tiên trong chúng tôi có được hiểu biết đặc biệt sâu về thứ tiếng này và vị đầu tiên đã có thể sử dụng nó để giảng đạo: tôi đã sử dụng chủ yếu các công trình của Cha Gaspar do Amaral và cha António Basbosa, hai vị đã soạn riêng mỗi người một cuốn tự vị, vị trước xuất phát từ từ tiếng Annam, vị sau từ tiếng Bồ...”. Cũng theo bà Thủy Tiên, từ những thông tin trên và nhiều thông tin khác nữa được khai thác trước hết trong những xuất bản phẩm khác nhau của Cha Roland Jacques đã cho bà có thêm niềm tin để khẳng định “phần căn bản và tiên phong trong việc Latinh hóa/Bồ hóa chữ Quốc ngữ , đúng là đóng góp của các thừa sai người Bồ Đào Nha”. Bà cho hay, Hội Hữu nghị Bồ-Việt đang trao đổi với Tỉnh trưởng Tỉnh Guarda (Bồ Đào Nha)- nơi chôn nhau cắt rốn của giáo sĩ Fracisco de Pina, để dựng một tấm bia bằng đá do nghệ sĩ Ly Hoàng Ly (Việt Nam) thiết kế vào năm 2020 để tưởng niệm, ghi ơn của nhà truyền giáo này.

Khi bàn về “Chữ Quốc ngữ: Những vấn đề học thuật, thành tựu và sự tôn vinh”, TS Trần Quốc Anh đến từ ĐH Santa Clara (Hoa Kỳ) với “Từ Cristoforo Borri đến Hùinh Tịnh Của: Chính tả Quốc Ngữ giai đoạn 1631 đến 1895” (nguyên gốc tham luận) lại cho rằng: “Trong 400 năm qua, kể từ khi Francisco de Pina bắt đầu ghi âm tiếng Việt, ban đầu có sự đóng góp lớn của các nhà truyền giáo Bồ Đào Nha và Ý. Tuy nhiên, họ không thể làm điều đó một mình. Những người Công giáo Việt Nam vô danh của thế kỷ XVII cho tới thế kỷ XIX là tác nhân truyền bá rộng rãi dưới thời Pháp thuộc. Nhiều người trong số họ đã bị lãng quên trong lịch sử, ngoại trừ một vài tác giả được ghi nhận như Bento Thiện, Philipphê Rosasio Bỉnh, Phan Văn Minh, Trương Vĩnh Ký và Hùinh Tịnh Của. Đó là những người đã tham gia vào các cách khác nhau để đi đến chính tả Quốc ngữ như chúng ta thấy ngày nay”. Điều này cũng đã được GS.TS Roland Jacques (ĐH Saint Paul, Canada) nêu trong “Nghiên cứu Tiếng Việt từ năm 1651 đến năm 1775” và bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh (ĐH Khoa học XH&NV, ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh) nêu trong “Đóng góp của cư dân bản địa đối với sự ra đời của chữ Quốc ngữ thế kỷ XVII”...

Cuốn Kim thư do Nghệ nhân ưu tú Trần Văn Anh (Quảng Nam) chế tác bằng đồng mạ vàng để tôn vinh chữ Quốc ngữ, tri ân những người khai sinh chữ Quốc ngữ.

Cuốn Kim thư do Nghệ nhân ưu tú Trần Văn Anh (Quảng Nam) chế tác bằng đồng mạ vàng để tôn vinh chữ Quốc ngữ, tri ân những người khai sinh chữ Quốc ngữ.

Phân tích nguyên nhân thất bại của các đề xuất cải cách chữ Quốc ngữ từ giữa thế kỷ XX đến nay, TS Trần Quốc Anh có ý kiến, “chính tả chữ Quốc ngữ vẫn có thể thay đổi, nhưng mọi đề xuất cải tổ đều phải tính đến yếu tố lịch sử của nó”. Ở một góc nhìn khác, Thạc sĩ Đào Tiến Thi (NXB Giáo dục Việt Nam) với “Chữ Quốc ngữ: Giải tỏa những thành kiến cùng bác bỏ những ngộ nhận” lại cho rằng, nguyên nhân sâu xa của những đề nghị cải tiến hoặc cải cách chữ Quốc ngữ đang dùng là do “nhận thức về cái gọi là những “bất hợp lý”... Trên cơ sở phân tích với những dẫn chứng cụ thể, theo Thạc sĩ Đào Tiến Thi, hiện tượng “viết lung tung” không phải là do bản thân chữ Quốc ngữ mà bởi 3 nguyên nhân sau: nói thế nào viết thế ấy; chuẩn chính tả không rõ ràng hoặc còn bỏ ngỏ và chuẩn cũng “bất hợp lý” cho nên không thành công. “...ngữ âm là yếu tố luôn biến đổi, trong khi chữ viết sau một giai đoạn hình thành, một khi đã ổn định thì không được phép thay đổi để duy trì sự thống nhất. Sự thống nhất đó bao gồm: thống nhất trong chiều dài lịch sử dân tộc; thống nhất giữa các vùng miền quốc gia” và “ở thời điểm này trở đi, không nên và không thể cải cách chữ Quốc ngữ. Việc cần làm hiện nay là chuẩn hóa một số trường hợp, đặc biệt là chính tả i/y, chính tả tên riêng nước ngoài và thuật ngữ nước ngoài”- Thạc sĩ này bày tỏ suy nghĩ...

Cho dù là học giả nước ngoài hay trong nước, và dù còn nhiều bàn cãi đâu là nơi khai sinh ra chữ Quốc ngữ: Thanh Chiêm, Hội An hay Nước mặn; ai là người có công đầu trong sáng tạo, hoàn thiện chữ Quốc ngữ...v.v, thì điểm bắt gặp chung và trên hơn tất cả mà các học giả, nhà nghiên cứu gửi đến hội thảo chính là việc tôn vinh chữ Quốc ngữ, tri ân những người có công sáng tạo, phát triển và hoàn thiện chữ Quốc ngữ trong 1 thế kỷ qua. Bởi đó chính đạo lý cũng là truyền thống tốt đẹp “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ người trồng cây” của dân tộc Việt Nam từ bao đời nay, như lời Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Đà Nẵng Bùi Văn Tiếng đã phát biểu khai mạc, rằng: “...Trong suốt quá trình hình thành và phát triển chữ Quốc ngữ, nhất là trong suốt một thế kỷ qua, người Việt Nam luôn tri ân các bậc tiền nhân đã tiếp biến chữ Hán của Trung Hoa nhằm tạo nên một vốn từ Hán - Việt vẫn đang phát huy tác dụng đến ngày hôm nay;...; luôn tri ân những bậc tiền nhân đã ghi âm tiếng Việt bằng chính ký hiệu của Hán tự, tạo nên chữ Nôm; tri ân các bậc tiền nhân đã góp phần hình thành hoàn thiện và truyền bá chữ Quốc ngữ- là cách ghi âm tiếng Việt bằng ký hiệu Latinh để phát triển đất nước nói chung, phát triển văn hóa dân tộc nói riêng, hội nhập quốc tế sâu rộng, để chống mù chữ và phổ cập giáo dục dạy bằng tiếng Việt phổ thông và đại học”...

Và đó cũng là cách để nhắc nhớ thế hệ hôm nay, mai sau trân quý, gìn giữ và tiếp tục phát huy giá trị, sự trong sáng của chữ Quốc ngữ- một danh từ có nghĩa đen là “Tiếng của nước mình”.

PHAN THỦY

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/71_218461_100-nam-tri-an-ton-vinh-chu-quoc-ngu-.aspx