Gặp gỡ nhóm treo cờ Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ở Paris năm 1969
Ngày 18-11, tại Trung tâm Báo chí TP Hồ Chí Minh, Sở Thông tin và Truyền thông TP Hồ Chí Minh tổ chức buổi gặp gỡ 'Nhóm treo cờ Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam trên đỉnh nhà thờ Đức Bà ở Paris (1969)' với báo chí.
Sau hơn nửa thế kỷ, 2 trong số 3 người đã từng tham gia treo lá cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam trên đỉnh tháp Nhà thờ Đức Bà gồm ông Olivier Parriaux và ông Bernard Bachelard, đã có mặt tại TP Hồ Chí Minh và chia sẻ cụ thể tình cảm, câu chuyện của mình đối với Việt Nam - đất nước mà họ từng có hành động dũng cảm để ủng hộ hòa bình. Chuyến thăm lần này là dịp để các nhân vật trong nhóm cảm nhận rõ hơn sự thay đổi của TP Hồ Chí Minh nói riêng và Việt Nam nói chung sau những năm tháng đau thương của chiến tranh.
Theo lời kể của ông Olivier Parriaux, ngay khi nghe tin nước Mỹ tuyên bố tạm ngừng ném bom miền Bắc Việt Nam và sẵn sàng ngồi vào bàn đàm phán, ba chàng trai người Lausane (Thụy Sĩ) nhận ra rằng, việc tiến hành các cuộc đàm phán này tại Paris sẽ là một sự kiện đáng để "ăn mừng", vì điều đó dẫn đến sự công nhận quốc tế đối với Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Để kỷ niệm sự kiện này một cách ấn tượng và gây tiếng vang, họ quyết định lựa chọn Nhà thờ Đức Bà Paris để treo lá cờ Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam.
Với kế hoạch do Olivier Parriaux nghiên cứu và xây dựng, Nóe Graff (thành viên còn lại của nhóm) đảm nhiệm việc lái xe và canh gác, Bernard Bachelard leo lên đỉnh tháp Nhà thờ Đức Bà với sự hỗ trợ của Olivier Parriaux, treo ngọn cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam trên đỉnh ngọn tháp cao nhất. Họ trở về nhà an toàn và không quên ghé qua trụ sở Nhật báo Le Monde để gửi thông cáo báo chí về hành động của mình.
Trong thời gian tại TP Hồ Chí Minh, ngoài gặp gỡ báo chí tại Việt Nam, ông Olivier Parriaux và ông Bernard Bachelard cũng gặp gỡ thanh niên TP Hồ Chí Minh; thăm các nạn nhân chất độc da cam; thăm các di tích lịch sử tại Thành phố mang tên Bác như: Khu di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi, Bảo tàng chứng tích chiến tranh...
Đặc biệt, chuyến thăm được thực hiện trong bối cảnh Việt Nam chuẩn bị kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước, là thời điểm tốt đẹp để nhìn lại những thành tựu mà Việt Nam đã đạt được trong những năm tháng sau chiến tranh, đồng thời tri ân những người bạn đã đồng hành cùng Việt Nam trong suốt chặng đường lịch sử xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.