100 năm tuồng cổ Minh Tơ (*): Tiếp nối truyền thống tự hào
Gia tộc Minh Tơ không chỉ là một gia đình nghệ thuật mà còn là biểu tượng sống động về dòng chảy của nghệ thuật cải lương hơn 100 năm
Trong đó, tuồng cổ dựa theo sử Việt đang được tiếp lửa và lan tỏa không ngừng. Những năm 1957 - 1958, nghệ sĩ Minh Tơ đã mở lò đào tạo con em trong dòng họ và cả người ngoài để chuẩn bị lực lượng kế thừa.
Tre già măng mọc
Từ mô hình đoàn hát thiếu nhi mang tên Đoàn Đồng ấu Minh Tơ trước đây, NSƯT Bạch Long sau này đã thành lập Đoàn Đồng ấu Bạch Long.
Từ sự kế thừa ấy, một thế hệ diễn viên trẻ đã hình thành và tạo dấu ấn đẹp, như: NSND Quế Trân, NSƯT Tú Sương, NSƯT Trinh Trinh, nghệ sĩ Chinh Nhân, Bình Tinh, Lê Thanh Thảo, Ngọc Nga… Họ đều là con cháu của các nghệ sĩ nổi tiếng: Thanh Tòng, Trường Sơn - Thanh Loan, Hữu Cảnh - Xuân Yến, Đức Lợi - Bạch Mai… Bên cạnh đó, nhiều nghệ sĩ như NSƯT Vũ Luân, NSƯT Tâm Tâm, NSƯT Thy Trang, Chấn Cường, Linh Tý… cũng được phát hiện và đào tạo.
Những năm đầu thập niên 1960, gia đình nghệ sĩ Minh Tơ - Khánh Hồng tiếp nhận luồng âm nhạc mới. Đó là sự du nhập của các nhạc phim Đài Loan - Trung Quốc như "Lương Sơn Bá Chúc Anh Đài", "Hồn bướm mơ tiên"… và nhạc sĩ Đức Phú đã đưa âm nhạc này vào các vở tuồng cải lương hồ quảng. Lúc này, gánh cải lương hồ quảng Khánh Hồng ra đời, do nghệ sĩ Minh Tơ làm giám đốc, biểu diễn rất ăn khách.

Cố NSND Thanh Tòng - người thuộc thế hệ thứ 4 của gia tộc Minh Tơ - đã Việt hóa thành công nhiều tác phẩm cải lương tuồng cổ nổi tiếng
Trong công trình nghiên cứu khoa học "Từ hát bội đến cải lương tuồng cổ", NSND Thanh Tòng viết: "Nghệ thuật đứng yên một chỗ là nghệ thuật chết. Chính sự tác động của xã hội, những phản hồi tích cực từ công chúng qua một thị phần biểu diễn mới là truyền hình, gia tộc chúng tôi đã tiếp thu, chuyển mình, thay đổi để tồn tại. Qua lớp bồi dưỡng nghiệp vụ sáng tác kịch bản do Hội Sân khấu TP HCM tổ chức sau ngày đất nước thống nhất, thế hệ soạn giả sáng tác cải lương hồ quảng mới vỡ ra nhiều bài học, từ đó thay đổi ngòi bút, xu hướng viết và dựng, để tạo khuynh hướng cải lương tuồng cổ".
Từ cuối năm 1975 đến 1979, Đoàn Cải lương Tuồng cổ Minh Tơ có hình thức tổ chức là đơn vị tập thể, ban lãnh đạo đoàn do Sở Văn hóa - Thông tin TP HCM chỉ định. NSND Thanh Tòng giữ vai trò chỉ đạo nghệ thuật.
Cùng với nhiều tác giả và đạo diễn khác, NSND Thanh Tòng đã góp phần chỉnh lý, chuyển thể, dàn dựng những vở có nội dung dựa theo lịch sử Việt. Trong đó, đáng chú ý là những vở: "Dưới cờ Tây Sơn" (1980 - kể về "nước cờ" Tam Điệp của Ngô Thời Nhiệm), "Câu thơ yên ngựa" (1981 - về việc Lý Thường Kiệt đại phá quân Tống), "Bão táp Nguyên Phong" (1985 - về vai trò của Thái sư Trần Thủ Độ và nhà Trần chống giặc Nguyên Mông), "Tô Hiến Thành xử án" (1987 - về nhân vật trung quân, ái quốc), "Thanh gươm và nữ tướng" (1988 - về nhân vật Bùi Thị Xuân), "Ngọn lửa Thăng Long" (1989 - về anh hùng Nguyễn Huệ phá tan quân Thanh), "Dựng cờ cứu nước" (1990 - về Trần Quốc Toản), "Giai nhân và dũng tướng" (1992 - về đại thần Tôn Thất Thuyết)…
Đến đầu năm 1997, Đoàn Cải lương Tuồng cổ Minh Tơ đổi tên thành Đoàn Cải lương Tuồng cổ số 1 (Huỳnh Long là Đoàn Cải lương Tuồng cổ 2). Đoàn cải lương này đã dựng nhiều vở, tiêu biểu là "Giữa chốn ba quân" (tác giả: Thanh Cao, đạo diễn: NSƯT Ca Lê Hồng).
Truyền nghề theo cấu trúc mở
Khi phối hợp với Sân khấu Cải lương Mới Đại Việt của ông bầu Hoàng Song Việt thực hiện vở "Câu thơ yên ngựa", NSND Quế Trân mong muốn sẽ tái dựng những tác phẩm kinh điển của cha mình - NSND Thanh Tòng, nhằm góp phần thúc đẩy sự sáng tạo của thế hệ diễn viên trẻ.
Có thể nói trên chặng đường viết tiếp trang sử của gia tộc Minh Tơ, việc truyền nghề luôn năng động theo cấu trúc mở, nghĩa là không bảo thủ, khư khư giữ cái cũ mà luôn tiếp thu cái mới. NSND Thanh Tòng từng cho biết giai đoạn 1975 - 1985, sân khấu TP HCM nở rộ các đoàn nghệ thuật mới, đủ bản lĩnh thay đổi cục diện sân khấu vốn đang theo lối mòn ca diễn. Đây cũng là sự trưởng thành của lực lượng nghệ sĩ tham gia sân khấu cách mạng, trong đó có sân khấu cải lương tại TP HCM.
Theo nghệ sĩ Thanh Loan, văn nghệ sĩ của các đoàn nghệ thuật cải lương giai đoạn đó đã được các lãnh đạo ngành sân khấu tạo điều kiện theo học lớp tập huấn sáng tác, biểu diễn. Họ đã viết và diễn những kịch bản ca ngợi lịch sử, góp phần định hình sân khấu cải lương thời kỳ mới.
"Có thể nói năm 1975 là bước ngoặt lịch sử để sân khấu cải lương hòa nhập, bổ sung những ưu điểm, khắc phục và loại dần những hạn chế. Những kịch bản sân khấu đã chuyển sang phản ánh nhiều vấn đề lịch sử dưới góc nhìn đương đại. Thay đổi nội dung, thay đổi nghệ thuật ca diễn, đáp ứng nhu cầu thưởng thức cái mới của công chúng là trọng trách của thế hệ trẻ chúng tôi để viết tiếp trang sử của gia tộc" - NSND Quế Trân bày tỏ.
NSND Trần Minh Ngọc cho rằng trong bộ ba nghệ thuật truyền thống tiêu biểu là tuồng (hát bội), chèo và cải lương thì gia tộc Minh Tơ đã tham gia 2 loại hình: hát bội và cải lương. "Họ không chỉ tham gia biểu diễn hay xem nó như một nghề để mưu sinh mà còn tâm huyết bảo vệ và phát triển di sản quý giá của tổ tiên để lại, dù phải trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm cùng lịch sử dân tộc" - ông nhìn nhận.
(Còn tiếp)
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 8-5
NSƯT - đạo diễn Hoa Hạ, người dàn dựng phiên bản mới "Câu thơ yên ngựa", nhận định: "Trong bối cảnh một số giá trị truyền thống có nguy cơ bị lãng quên thì sự hiện diện bền bỉ và sáng tạo của gia tộc Minh Tơ là rất đáng trân trọng. Khi vẫn còn người gìn giữ, còn người yêu thích và còn người dám đổi mới thì cải lương tuồng cổ không hề bị mai một".